Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 19)



19
 Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân làm nức lòng nhân dân cả nước. Tết ấy, làng Ngọc Chúc vui lắm. Tin thắng trận bay về liên tiếp. Chỗ nào người ta cũng bàn tán về chiến cục miền Nam. “Thằng Mỹ thua to đến nơi rồi. Nhất định nó phải cút về nước sớm”. “Chắc chắn cái mẻ đạn đặc biệt dân mình vác đêm nào cũng góp phần làm nên những chiến công đó”. Không khí Tết tưng bừng cả xã. Ai cũng gom góp lợn gà, bánh chưng hoàn thành nghĩa vụ sớm gửi ra tiền tuyến. Ông Ưu chủ nhiệm cửa hàng vui ra mặt. Chưa có tết nào huy động nghĩa vụ thực phẩm lại nhanh, gọn như Tết này. Nhà nhà đua nhau, các hợp tác xã đua nhau. Lợn, gà, trứng, đỗ, lạc chất đầy xe kìn kìn chở về huyện. Lão Phia cũng hăng hái tham gia trong đội vận chuyển thực phẩm của cửa hàng từ các đội sản xuất về giao cho xã. Ngoài đồng, lúa xuân cấy đến đâu xanh đến đó. Ban quản trị của bà Sự chạy như con thoi giữa đội nọ đội kia điều hành nước nôi, mạ muỗi.
Ban chỉ huy xã đội bên cạnh niềm vui chung đó cũng tất bật với kế hoạch quân sự cho năm mới. Theo nhận định của trên, giặc Mỹ thua đau ở miền Nam nhất định chúng sẽ cắn càn ra miền Bắc. Chắc chắn cuộc chiến rồi đây sẽ gay go hơn, ác liệt hơn. Máy bay chúng nó sẽ oanh tạc nhiều hơn. Vì thế, kế hoạch tu sửa hầm hào, sơ tán dân, vận chuyển và bảo vệ kho đạn, nâng cao cảnh giác luôn được ông Thạc, ông Chi và anh em dân quân nhắc tới. Bận rộn nhất là việc thực hiện lệnh tổng động viên của trên. Chiến trường đang cần người, yêu cầu miền Bắc chi viện. Một đợt tuyển quân đột xuất được tổ chức ngay sau khi Tết xong. Thanh niên làng Ngọc Chúc nô nức đăng ký tình nguyện. Chỉ tiêu trên giao có chục người mà số người đăng ký đã lên tới trên ba mươi. Hầu như số thanh niên trai tráng của làng đều đăng ký hết. Nhiều lá đơn viết bằng máu đọc lên rất xúc động. Người ta tranh nhau đi bộ đội. Trong số đó có cả Thân. Ông Thạc bù đầu về giải thích tiêu chuẩn tham gia quân đội kỳ này. 

Cuối cùng, Ngọc Chúc cũng tuyển được mười một trai tráng khoẻ mạnh gửi ra mặt trận. Số còn lại ông Thạc phải hứa với họ rằng sẽ tuyển vào đợt gần nhất. Thế mà có người vẫn chưa chịu yên.
Thân cạy cục, năn nỉ mãi cuối cùng ban chỉ huy xã đội, rồi thường vụ đảng uỷ xã cũng chấp nhận coi đó là trường hợp đặc biệt ưu tiên được đi. Đúng ra, Thân nằm trong diện tạm miễn hoãn vì anh là lao động duy nhất của gia đình, hơn nữa mấy người anh của Thân đang tham gia bộ đội rồi, trong đó có một người đã là liệt sỹ. Giải thích thế nào anh cũng không nghe. Mẹ anh cũng ủng hộ con trai. Bà dẫn con lên tận thường vụ xã để “ý kiến”.
Hôm nghe ông Lạc, bí thư mới thay ông Khang chuyển công tác lên huyện giải thích cho hai mẹ con bà về việc tạm miễn hoãn nghĩa vụ đối với Thân, bà mẹ Thân nói:
- Những điều ông bí thư nói tôi đã nghe ông Thạc nói cả rồi. Tôi chỉ đề nghị với ông là con tôi ở trong diện đặc biệt. Các ông cứ cho nó đi. Nó đi để trả thù cho anh trai nó. Nhà nước ra lệnh tổng động viên lý gì mà các ông không cho con tôi đi bộ đội? Ông có con trai hy sinh ở chiến trường đâu mà ông hiểu tâm trạng của những người mẹ như tôi.
Ông Lạc cắt ngang lời bà Thân:
- Bà thông cảm. Tôi rất hiểu nỗi đau của các bà mẹ có con hy sinh ở chiến trường nhưng đây là quy định của trên. Trên chưa cần đến những thanh niên có hoàn cảnh như thằng Thân nhà bà. Nó phải ở lại trông nom bà và lo công tác hậu phương. Ai cũng ra tiền tuyến hết thì lấy ai ở nhà sản xuất, chiến đấu? Ở lại cũng là một nhiệm vụ đấy bà ạ.
- Tôi biết. Nhưng mà mình thắng to thế không vào nhanh tham gia chiến dịch thì mai kia liệu có cơ hội nào nữa? Với lại cứ nghĩ đến cái thằng Mỹ nó bắn vào con tôi, thả bom xuống làng mình giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà là tôi không thể nào chịu được. Đã mấy đợt các ông không cho nó đi rồi. Phen này nhất quyết các ông phải ưu tiên cho con tôi.
Thân cũng nói thêm:
- Bác cứ cho cháu đi đợt này. Mẹ cháu nói phải đấy. Cháu là trường hợp đặc biệt, các bác ưu tiên cho cháu.
Ông Lạc có vẻ lúng túng. Lá đơn viết bằng máu của cậu ấy còn kia. Cả chữ ký của bà mẹ cậu ta nữa, rất rõ ràng, dứt khoát. Được thể, Thân tiếp lời:
- Anh cháu là liệt sỹ. Nhiều người làng mình ra trận cũng đã trở thành liệt sỹ. Nếu cháu không ra trận thì ai sẽ trả thù cho họ. Đã đành là có nhiều người khác làm việc đó nhưng vẫn không thể bằng chính cháu được. Nếu ai cũng nghĩ rằng tôi phải ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già, tôi phải ở nhà vì tôi là con một, là người cuối cùng trong dòng họ thì lấy ai ra chiến trường?
Tưởng cậu ta lù đù thế mà cũng lý luận đáo để. Trước sự kiên quyết của mẹ con bà Thân, ông Lạc đành phải hứa:
- Thôi được rồi, tôi ghi nhận đề nghị của mẹ con bà. Để tôi báo cáo Thường vụ xã sẽ xem xét cụ thể rồi trả lời cho bà sau.
- Xét gì thì xét, các ông phải ưu tiên cho con tôi đấy nhé.
Bà mẹ Thân vẫn cố nói thêm với bí thư Lạc. Cuối cùng Thân cũng đã được Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã xét tuyển cho đi bộ đội đợt này. Nhiều thanh niên khác ấm ức trước Thân.
Riêng nhà ông Phơ thì vẫn coi như không có việc gì xảy ra. Hôm nghe tin có lệnh tổng động viên ông Phơ đã nhỏ to với Hoàn. Ông lại muốn Hoàn tạm lánh lên mạn ngược như mấy đợt trước thường làm. Thế nhưng Hoàn kiên quyết không nghe. Anh bảo phải ở nhà cùng ban xã đội lo cho hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân đợt này. Anh là bí thư chi đoàn, trong lúc khí thế cả nước như vậy không thể chạy trốn mà đi được. Hơn nữa, sau cái hôm anh cứu bà Năm, ông Phia uy tín của anh tăng lên rõ rệt. Cấp uỷ theo ý kiến của ông Thạc đã đưa anh vào danh sách đối tượng cảm tình đảng. Trong lúc này mà bỏ đi thì hỏng hết việc. Phải cố lên. Cánh trai làng đi hết mình ở nhà mới dễ có vị trí cao được. Từ lâu Hoàn vẫn mơ cái chức phó bí thư đoàn xã. Biết đâu đây lại chẳng là thời cơ thuận lợi cho anh? Hơn nữa, thanh niên làng đăng ký đầy ra đấy có phải thiếu người đi đâu mà lo đến mình phải đi. Hoàn chả đã thăm dò ý kiến ông Thạc rồi là gì? Hôm Hoàn ướm lời: “Đợt này đề nghị các bác cho cháu đi bộ đội” thì ông ấy bảo: “Cậu phải ở nhà lo việc thanh niên. Phong trào đang lên, ở nhà cũng là một nhiệm vụ. Đi hết chỉ còn đàn bà, con gái thì chết chúng tớ à?”. Thế là Hoàn yên tâm. Vừa được tinh thần hăng hái, vừa lại biết được mình ở nhà. Anh đem điều đó nói với ông Phơ. Bố anh cười ha hả khen anh là thông minh chẳng khác gì bố. Anh được thể vào vai tích cực đi tuyên truyền, vận động giải thích cho đoàn viên thanh niên của mình biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt tuyển quân này. Người ta khen anh sâu sát, có trách nhiệm với công việc. Riêng Gái thì biết khá rõ mọi động tác của Hoàn. Cô càng thấy coi thường Hoàn hơn.
Tối nay, chi đoàn Ngọc Chúc tổ chức liên hoan chia tay Thân và mười thanh niên nữa lên đường nhập ngũ. Quyết định của Thân được về sau nhất. Mãi tới chiều nay xã đội mới giao quyết định cho anh. Lúc đó mọi người trong làng Ngọc Chúc, nhất là đám thanh niên mới biết. Xuân quá ngỡ ngàng. Không ngờ cái anh chàng củ mỉ cù mì cô để ý từ lâu ấy thế mà lại làm được cái việc mà một số thanh niên làng không làm được. Cô vừa cảm phục anh lại vừa thoáng buồn. Thế là người ta đi thật rồi.
Buổi liên hoan chia tay thanh niên làng lên đường nhập ngũ thật vui vẻ. Bí thư chi đoàn Hoàn phát biểu khá hay, có phần bay bướm văn chương nữa là đằng khác. Rằng là vai trò của thanh niên đối với Tổ quốc, với cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Rằng là thanh niên Ngọc Chúc không làm hổ thẹn truyền thống sông Lô lịch sử, quê hương đất bưởi anh hùng, ra đi quyết mang chiến thắng trở về. Hoàn biểu dương tinh thần hăng hái xung phong ra trận của Thân, nhắc nhở mọi người học tập tấm gương đó. Rằng là chúng tôi hứa sẽ ở lại hoàn thành tốt phần việc của các đồng chí và mong chờ những cánh thư báo tin vui từ mặt trận. Vân vân và vân vân… Phương ngồi nghe cảm thấy nhạt nhẽo. Cánh trẻ thì túm năm tụm ba nói chuyện riêng với nhau. Xuân ngắm mãi Thân. Mọi ngày cô loi choi bao nhiêu thì hôm nay cô lại ngồi yên lặng lẽ bấy nhiêu. Mấy bận Phương liếc nhìn Xuân và đoán được tâm trạng của bạn.
Xong phần thuyết giáo của Hoàn chuyển sang phần liên hoan văn nghệ, tặng quà người ra đi. Không khí tưng bừng hẳn lên. Mọi người tranh nhau phát biểu, tranh nhau hò hát. Ai cũng muốn nói những lời tốt đẹp nhất, tặng những món quà ý nghĩa nhất cho người ra đi. Mãi đến gần mười giờ đêm cuộc liên hoan mới tan. Từng tốp, từng cặp đi với nhau.
Đêm nay, làng Ngọc Chúc lại không ngủ. Tiếng chó sủa inh oang khắp xóm. Có nhiều nhà thức đêm để gói bánh chưng cho con ngày mai nhập ngũ. Người ta đi chơi các nhà tân binh rầm rập trên đường. Tiếng chào hỏi, gọi nhau í ới. Trẻ con chạy nhảy đùa nghịch i như là đám cưới.
Xuân ra sau. Mọi người về hết, cô vẫn tần ngần đứng mãi trong sân nhà Gái. Phương đến gần bên nói:
- Lại với người ta đi. Còn lúc nào nữa mà cứ đứng đực ra đấy.
- Dưng mà tao ức lắm. Quyết định đi bộ đội mà hắn không nói với tao một câu.
- Ngốc ạ. Thế chúng mày đã là gì với nhau chưa?
Phương dúi tay vào trán Xuân. Xuân ngớ người:
- Chưa!
- Chưa. Thế mà mày bảo người ta phải “ý kiến” với mày.
- Ừ nhỉ. Tao ngốc quá. Đúng là là… Thế mày bảo tao phải làm thế nào bây giờ?
- Phải chủ động gặp lão ấy. Tao thấy hắn cũng có vẻ mến mày lắm đấy.
- Mến? Mến mà không thèm nói gì cả!
- Ngốc ơi là ngốc. Mày ở gần hắn mà chẳng hiểu gì hắn cả. Hắn là một người có bản lĩnh, trầm tính và nội tâm lắm. Ai không hiểu thì cho hắn là khó gần nhưng không phải đâu. Thì ngay cái việc chạy được đi bộ đội đợt này thì đã rõ. Nào ai biết nào?
Xuân lặng yên. Phương nói tiếp:
- Trong việc này mày phải chủ động. Tao nhắc lại: phải chủ động. Nghe chưa. Như cái Tịch đấy.
- Nhưng chẳng lẽ trâu đi tìm cọc? Với lại nhỡ lão ấy không… thì chết tao à?
- Giời ạ. Sao mà cổ hủ thế? Thường ngày mày tinh tướng lắm cơ mà sao việc này lại ngờ nghệch vậy? Đã bảo học ngay cái Tịch đấy. Nó vừa nhận được thư của anh Chất chiều nay kia kìa. Con bé chẳng đang sướng như rồ lên ấy à. Mà mày bảo nhỡ hắn “không” ư? Lại càng ngốc. Tao linh cảm hắn để ý tới mày từ lâu rồi nhưng bản tính của lão thế, không biết nói, chính xác hơn là chưa biết nói thì đúng hơn. Tao bảo đảm với mày rằng nhất định ăn đấy. Không còn cơ hội nào đâu. Nhanh lên con ngốc.
Xuân ngẩn người một lúc rồi quay gót chạy ù ra cổng.
- Anh Thân ơi! Chờ em với!
Tiếng Xuân vang hút ở cuối xóm. Phương mỉm cười một mình. Cô chợt nhớ đến Huân. Những dòng nhật ký của Huân vô tình Phương đọc được đêm nào như nhảy múa trong đầu cô. Ôi, giá có mẹ ở nhà thì Phương sẽ ôm lấy mẹ và cô sẽ nói về Huân suốt đêm nay cho bà nghe. Con gái của mẹ đã có chốn rồi mẹ ạ. Mùi hoa bưởi ngoài vườn thơm ngát khiến hồn cô lâng lâng. Thế là lại thêm một mùa hoa bưởi nữa trong đời rồi. Không biết giờ này Huân đang làm gì nhỉ? Anh thức gác hay đang ghi nhật ký, làm thơ? Anh có thấy hương bưởi làng em đang ngào ngạt đó không? Cái Xuân tối nay nó cũng hái mấy chùm hoa bưởi gói vào chiếc khăn mùi xoa thêu đôi con chim đang bay cùng với quyển sổ tay để tặng Thân ngày mai nhập ngũ đó. Con bé thế mà cũng mộng mơ đáo để, anh nhỉ? Mà anh đã viết được bài thơ nào về hương bưởi quê em chưa? Cấm không được để cho đứa nào nó biết đấy nhé!
Phương bồng bềnh trong mơ cùng Huân. Tiết trời sang xuân ấm hẳn lên. Ánh trăng suông mờ ảo cùng với hương bưởi nồng nàn như gọi mời vạn vật vũ trụ bước vào mùa sinh nở. Ngoài vườn tiếng dế kêu rả rích. Cóc nhái kêu râm ran. Hình như trời muốn mưa lắm? Có phải đấy là tiếng của mùa xuân thầm thì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét