Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 13)



13

          Thấm thoắt thế mà Huân và tổ công tác đã về Chí Đám được hơn 6 tháng. Mùa mưa bão đã qua. Rất may là vụ lũ lụt năm nay nước sông Lô không có gì ghê gớm lắm. Kế hoạch bốc dỡ đạn dược diễn ra suôn sẻ, kể cả những hôm có hàng “đặc biệt”. Suốt từ ngày về xã đến nay công việc cuốn hút anh bù đầu. Bọn Mỹ không ngày nào là không cho máy bay dội bom xuống làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng. Đánh hơi được đây là điểm chu chuyển vũ khí quan trọng của ta, chúng cứ nhè quốc lộ số 2, bến phà, cầu phao, dãy núi Gò Cả, Hang Khay, đồng Guốc, đồng Sảng, làng Phượng Hùng, xóm Gò Măng mà ném bom. Trong khi đó hàng của ta xếp sờ sờ hàng chục đống, chất cao như mái nhà, nằm rải rác trong làng Ngọc Chúc ven sông Lô, nơi mà chúng không ngờ tới nhất thì vẫn an toàn vô sự. Kỳ lạ nhất là bao nhiêu đạn dược xếp cao mấy đống xung quanh ngôi đền cổ sát ngay bến phà cũng vô can. Phải chăng thần thánh cũng phù hộ cho dân làng Ngọc Chúc nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nói chung?
Ngày Huân chỉ huy tránh bom Mỹ, tối lại cùng dân quân vác đạn. Không tối nào được nghỉ. Đêm về lăn lưng ra là ngủ. Có đêm anh ngủ trong nhà bà Sự. Có đêm Huân lại chui ngay vào trong lều bạt, nằm lăn ra trên hòm đạn mà ngủ. Thói quen ghi nhật ký, làm thơ của anh chẳng duy trì được nữa. 

          Không ngờ làng Ngọc Chúc lại gắn bó với đời anh như thế. Mười ba tuổi mất mẹ, mất cha, mất hết cả những người thân thích vì bọn giặc Pháp man rợ, anh theo bộ đội tham gia trận đánh đầu đời ngay trên làng Ngọc Chúc. Hai mươi năm sau, trở thành một sỹ quan quân đội anh lại được trở về làng Ngọc Chúc để sát cánh với mọi người ở đây đánh Mỹ. Bao gương mặt người dân nơi đây đã ăn sâu vào tâm trí của anh thân thiết đến lạ kỳ. Cụ Bái, ông Hiếu, bà Sự, ông Chi, ông Thạc rồi là Gái, Xuân, Liên, Tịch, là Hoàn, là Thân, là Lý… tất cả như người thân trong gia đình của anh (mặc dù anh chỉ có cảm nhận được 11 năm sống trong tình thương yêu của gia đình). Họ dũng cảm, kiên cường quá. Họ vô tư lạc quan quá. Đặc biệt, Phương đã chiếm hẳn một vị trí quan trọng trong trái tim anh. Dáng người ấy, nụ cười ấy cùng giọng hát da diết du dương đêm nào tự nhiên đã ngự trị trong anh. Với Gái anh trân trọng, cảm phục ý chí và tinh thần của em trước công việc, tấm lòng của em đối với tất cả mọi người. Em nết na hiền thảo. Em dịu dàng duyên dáng nhưng kiên quyết và rắn rỏi. Em là một cô gái đầy cá tính. Chả thế mà em là một B trưởng cứng của xã. Nhiều người, thậm chí có lúc cả anh nữa, cảm thấy em có vẻ kiêu kiêu thế nào ấy. Nhưng qua tiếp xúc và công việc mới thấy em đáng yêu biết chừng nào. Chả trách anh bạn Hoàn, bí thư chi đoàn say em như điếu đổ. Đến mình nhiều lúc cũng ngẩn ngơ nữa là.
          Có hôm, chả biết vô tình hay cố ý, ông Hiếu bà Sự cùng gợi ý:
          - Huân này, xem ưng ý cô nào ở làng này thì lấy vợ đi. Hơn ba chục tuổi rồi đấy. Cái Phương, con Tịch, cái Xuân… chúng tao thấy đều được cả. Mạnh dạn lên tao làm mối cho.
          Huân chỉ cười trừ:
          - Con thì ai người ta thèm lấy?
          - Cha bố anh. Làm như của bỏ đi ấy. Làng này còn đứa con trai ra hồn nào đâu. Anh là cục vàng của chúng nó đấy.
          - Nhưng mà…
          - Nhưng mà làm sao?
          Huân ấp úng. Mắt anh buồn rười rượi nhìn xa xăm. Bắt gặp ánh nhìn ấy bà Sự nói luôn:
          - Lại mặc cảm về gia đình chứ gì? Sao lạc hậu thế? Chúng tao lo cho. Cả đơn vị của anh nữa.
          - Dạ, con… con chưa nghĩ đến chuyện đó ạ.
          Thực tình Huân rất mặc cảm về mình. Không gia đình, không quê hương bản quán, anh lấy đơn vị quân đội là nhà, đi đến đâu là quê hương ở đó. Hơn nữa Huân đã bị một lần lỡ dở. Ngày Huân ra trường, là một sỹ quan trẻ anh đã có khối cô gái theo đuổi. Huân để ý và yêu một người con gái tên là Oanh. Huân yêu Oanh say đắm. Oanh cũng đáp lại tình yêu ấy qua những buổi hẹn hò. Nhưng về sau anh phát hiện ra là mình bị Oanh lợi dụng. Cô ta không những chỉ yêu anh mà còn cặp bồ với khá nhiều người, trong số đó có một người cùng cơ quan mà họ tự nhận với nhau là anh em họ hàng. Người kia đã có vợ con, gia đình khá hạnh phúc. Anh ta kiếm được khá nhiều tiền và trở thành cái mỏ cho Oanh khai thác. Bề ngoài quan hệ của họ là anh em nhưng bên trong là cả một sự lợi dụng. Huân ghê tởm cái mối quan hệ ký sinh đó. Anh đã cắt đứt với Oanh. Từ đó trở đi ngoài mặc cảm về thân phận gia đình mình anh còn mặc cảm khá lớn cả với phụ nữ nữa. Chẳng còn ai làm anh rung động được. Cánh cửa trái tim anh đã đóng lại mất rồi.
Từ ngày về làng Ngọc Chúc đóng quân, anh gặp bao con người thân thuộc đã cùng anh sống chết với nhiệm vụ, với quê hương. Mới chỉ hơn 6 tháng thôi anh cảm thấy thực sự như đã gắn bó với mảnh đất này như đã từ lâu. Và Phương, cô gái đầy cá tính đã để lại trong lòng Huân nhiều kỷ niệm và rất ấn tượng. Anh cảm thấy bâng khuâng mỗi ngày khi không được gặp Phương. Hay là anh đã yêu? Không. Mình không có quyền làm việc đó. Em còn trẻ lắm. Ta đã hơn ba mươi tuổi rồi. Ta không gia đình, cha mẹ. Ta chỉ là người chiến sỹ bình thường. Trong khi đó em còn rất trẻ, rất nhiều trai làng vây quanh, trong đó có Hoàn. Hình như cả Thân nữa. Qua ánh mắt họ, Huân nhận ra điều đó. Anh không được phép nghĩ khác về Phương. Hãy giữ đúng phận mình, Huân nhé! Anh tự nhủ lòng mình như vậy. Ôi làng Ngọc Chúc nhỏ bé thân yêu đã để lại trong lòng anh những cảm xúc thật lạ lùng!
          Hôm đến nhà cụ Bái chơi anh được cụ kể cho nghe khá kỹ về làng Ngọc Chúc. Hai ông cháu ngồi dưới tán cây bưởi ngay cửa hầm trò chuyện. Cụ Bái kiên quyết không đi sơ tán. Cụ bảo: “Tôi già rồi, có chết cũng không ân hận gì. Nhà mình đây, vườn tược của mình đây, suốt đời mình gắn bó không nỡ bỏ nó mà đi được. Thôi, tôi cứ ở nhà lúc nào có máy bay thì tôi xuống hầm. Đừng ai lo cho tôi cả”. Bảo thế nào cũng không lay chuyển được ý định của cụ. Con cháu cụ đành để cụ ở nhà trông nhà. Tối tối thỉnh thoảng có người về thăm cụ, có hôm ngủ lại với cụ. Ngày ngày, một mình cụ quanh quẩn với mấy cây bưởi, mấy khóm chuối phơi, dăm đõ ong, sấy, xao chế thuốc nam, thuốc bắc. Cụ có nghề bốc thuốc nổi tiếng cả vùng. Ai ốm đau cũng tìm đến cụ chạy chữa. Cụ ra tay làm phúc cứu giúp bao người.
          Hai ông cháu ngồi cả buổi trò chuyện. Cụ Bái vui lắm vì đã lâu không có ai để hàn huyên tâm sự. Cụ vừa xao tẩm thuốc vừa dẫn dắt Huân tìm đến nguồn cội của cái làng này.
          Theo như cụ kể thì làng Ngọc Chúc là một làng cổ, là trung tâm của tổng Ngọc Chúc ngày xưa. Tổng Ngọc Chúc thuộc phủ Đoan. Cả cái tỉnh Phú Thọ xưa chỉ có hai phủ lớn đó là Phủ Lâm và Phủ Đoan. Tổng Ngọc Chúc này rộng mãi lên tận Khe Cua, Kỳ Giãm về phía đông, lên đến giáp Nghinh Xuyên, Nhữ Hán về phía tây bắc. Cả hai phía đều cách đây hàng hai ba chục cây số. Do nằm ở trục đường giao thông, bên bờ ngã ba sông nên làng Ngọc Chúc ngay từ xa xưa đã khá sầm uất. Làng có chợ từ rất lâu. Dấu tích chính là khu đồng Ao Chợ ngay bờ sông cạnh khu đền Mom bây giờ. Chùa làng Ngọc Chúc to nhất tổng, bằng cả một quả gò. Quả gò có ngôi chùa ấy gọi là gò Chùa. Gò Chùa có hình dáng như một con hổ. Đuôi con hổ là cánh đồng Giàn. Cánh đồng này lúa tốt quanh năm. Có năm lúa nếp hoa vàng tốt ngập đầu thằng Tây chủ đồn điền, toả hương lúa mới thơm ngào ngạt. Đây là những thửa ruộng cái cơm của làng. Thân con hổ chính là khu nhà cụ Bái ở. Chả thế mà nhà cụ chẳng bao giờ bị đói. Các con cháu của cụ đều thành đạt, giúp ích cho xã hội. Ngôi chùa nằm ở đầu con hổ. Đằng sau rệ đồi có một cái giếng nước rất trong. Nước giếng này chỉ để dùng vào việc làng vào các ngày rằm và mùng một  chỉ trai thanh gái tú  mới được ra giếng lấy nước về. Trước cửa chùa có hai ông hộ pháp to như hai cái cót quây. Cạnh ngôi chùa có cây gạo to mấy người ôm không xuể. Thế nhưng thế kỷ mười tám, giặc nhà Thanh đã đốt phá huỷ hoại ngôi chùa. Di tích còn lại chỉ là những viên gạch, những hòn đá kê chân cột lang vải khắp đó đây trên gò Chùa và những câu chuyện huyền thoại về ngôi chùa mà người già truyền kể lại từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.
          Thời giặc Thanh tràn sang ta, chúng đóng quân trên khu đồi phía đông của làng. Nơi đó bây giờ gọi là khu gò Thanh cũng chính là ở cái nghĩa ấy. Bao nhiêu của cải quý hoá như mâm đồng, vàng, bạc dân Ngọc Chúc ném cả xuống hồ dưới chân núi Hang Khay. Đó chính là đầm Sen bây giờ. Đầm Sen nằm giữa ba quả gò to nhất của làng đó là Gò Hang Khay, Gò Mâu và Gò Chè. Khu đầm này không bao giờ hết nước và cũng chẳng ai dò được độ sâu của nó là bao nhiêu mét. Thỉnh thoảng những ngày đổi trời người ta lại thấy những con rùa ngoi đầu lên bơi lội giữa đầm. Một số người đánh cá đã vớt được những chiếc mâm đồng, đỉnh đồng thời cổ từ dưới đáy hồ. Xung quanh đầm cỏ rôm, cỏ lác rậm rì xanh tốt quanh năm, là “thủ đô” của chim cò khắp cả vùng. Giữa đầm là sen. Mùa sen nở hương hoa toả ra thơm ngát ngào ngạt cả vùng đồi. Bao nhiêu câu chuyện ly kỳ từ khu đầm này. Có đêm người ta còn thấy những nàng tiên trắng toát thoắt ẩn, thoắt hiện, bay lượn giữa lòng hồ.
Giặc Thanh tàn phá xóm thôn. Dân làng sợ quá kéo cả vào hang đá của dãy núi gần đó. Lũ giặc man rợ phát hiện thấy đã cho chất củi đốt phía cửa hang. Không ai sống sót nổi. Vì thế khu này mới có tên gọi là khu Hang Ma. Trẻ chăn trâu một vài đứa bạo gan đã chui vào hang và nhặt được một số xương người. Hang này có rất nhiều dơi. Cửa hang lạnh toát mùi âm khí.
Những câu chuyện hư hư thực thực đó truyền từ đời nọ sang đời kia của người dân làng Ngọc Chúc. Huân cảm thấy những địa danh đó có thể đúng tới tám, chín mươi phần trăm. Thì cái ao đơn vị anh đóng quân ngày trước cũng được bà con ở đây gọi ngay là ao Pháo Binh đấy là gì? Phải có những dấu ấn sâu sắc lắm mới được dân làng nơi đây đặt tên cho địa danh của làng mình như thế.
Cụ Bái còn cho biết: ngày trước nghề gốm của làng Ngọc Chúc khá phát triển. Khu ấy nằm ở ngay đầu cầu treo, phía xã Vân Du. Người ta làm ruộng cày cuốc được khá nhiều mảnh vỡ của đồ gốm. Nhiều nhà còn nhặt được cả một chiếc bình gốm cổ khá đẹp trên đó chạm trổ nhiều nét hoa văn một cách tinh xảo…Khu này được gọi tên là khu Gò Nồi, nó ở ngay đầu cầu phao bây giờ đấy.
Như thế đủ biết Ngọc Chúc sầm uất và phát triển như thế nào. Những thiết chế kinh tế văn hoá đủ cả. Đình, chùa, đền, miếu, chợ, lò gốm, bến, sông… thật phong phú. Hiện tại chỉ còn lại duy nhất một ngôi đền là đền Mom là khá nguyên vẹn với thời gian. Chợ Ngọc Chúc chuyển nhiều chỗ nhưng vẫn được duy trì. Đặc biệt con người Ngọc Chúc thì rất thuỷ chung với quê hương. Bao nhiêu lần bị giặc đốt nhà từ giặc Thanh cho đến giặc Pháp và bọn Mỹ bây giờ nhưng không người Ngọc Chúc nào lại chịu cúi đầu khuất phục. Sơ tán để bám trụ. Bám trụ để làm tâm, làm cốt cho sơ tán.
Câu chuyện của cụ Bái càng làm cho Huân hiểu và yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây. Anh cảm thấy hạnh phúc và may mắn được công tác và chiến đấu ngay trên mảnh đất lịch sử ngã ba sông này.
Cụ Bái đã gợi anh nhớ lại lần giặc Pháp đốt cả làng Ngọc Chúc vào năm 1947.
Ngày ấy, sau cái hôm quân ta thắng lớn trên sông Lô, hai chiếc tàu của Pháp bị chìm sâu dưới đáy, một chiếc bị thương tháo chạy lên mạn ngược. Bộ đội, nhân dân hai bên bờ Chí Đám, Hữu Đô vô cùng phấn khởi. Các chiến sỹ pháo binh hân hoan tưng bừng. Lần đầu tiên xuất trận đã giành được thắng lợi, ai mà không mừng? Đi đâu cũng thấy tưng bừng không khí chiến thắng. Các trung đội vừa vui chiến thắng vừa tiếp tục củng cố lại trận địa sẵn sàng chiến đấu khi bọn tàu thuỷ Pháp quay lại.
Gần trưa, có một người đàn ông tìm đến trận địa pháo. Anh ta cứ đòi gặp chỉ huy đơn vị. Nói thế nào anh ấy cũng không nghe. Anh ta nói rằng việc rất gấp, chỉ có chỉ huy mới giải quyết được. Thấy ồn ào ngoài cổng, ông Chi ra thì biết được người đàn ông đó tên là Trác. Trác chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở làng Đám. Tay anh cầm một tờ giấy dính đầy máu. Thấy thế, ông Chi liền dẫn Trác đến gặp ông Doãn Tuế. Anh Trác vội nói:
- Báo cáo đồng chí chỉ huy, tôi đang thả trâu trên cây số hai mươi thì nghe thấy tiếng người rên trong bụi rậm. Tôi liền vạch cây tìm đến và gặp ngay một thanh niên bị thương máu me đầy mình. Anh ta ra hiệu cho tôi lại gần và nói với tôi: “Bác cầm giúp tôi tờ giấy này chuyển gấp ngay cho chỉ huy đơn vị pháo đang đóng quân ở bờ sông. Bằng mọi giá bác phải giúp tôi. Tôi là bộ đội đang làm nhiệm vụ không may về đến đây thì bị dính mìn phục kích của bọn giặc. Tình hình gấp lắm rồi, bác đi ngay đi”. Tôi chần chừ lo cho vết thương của anh thì anh ấy cứ gạt tay tôi yêu cầu tôi phải đi gấp. Đây, tờ giấy ấy đây. Xin gửi lại đồng chí.
Ông Doãn Tuế cầm tờ giấy bê bết máu và mở ra đọc. Mặt ông tái dần. Môi ông bặm lại. Sau đó ông nói với mọi người:
- Lũ giặc thua đau hôm qua, hôm nay chúng cho quân tiến theo quốc lộ số 2 để đánh úp chúng ta. Cấp trên nắm được tình hình này nên đã cử liên lạc chạy bộ về báo gấp. Trên yêu cầu chúng ta tìm mọi cách rút lui ngay. Bọn Pháp quỷ quyệt thật. Chúng định đánh tập hậu, hất chúng ta ra sông đây. Hiện nay chúng chỉ cách chúng ta gần chục cây số.
Ông đăm chiêu chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại. Sau mấy vòng như thế, ông dừng lại phất tay quyết đoán:
- Lệnh cho các trung đội tháo pháo rút lui theo hai đường. Một đường theo giao thông hào chạy ngược lên phía đầu xã. Một cánh khác rút vào phía trong rừng cách xa lộ 2. Chú ý hết sức bí mật. Tất cả thi hành ngay mệnh lệnh của tôi!
Quay lại Trác ông niềm nở bắt tay anh:
- Cảm ơn đồng chí đã cho chúng tôi biết kịp tin này. Đấy là may mắn lớn cho chúng tôi không thì thiệt hại không biết đấu mà lường.
Trác mân mê vạt áo, nhỏ nhẹ:
- Có gì đâu ạ. Ai thấy vậy mà chẳng làm như tôi.
Huân tức tốc chạy đến từng ụ pháo báo tin dữ đó. Ông Chi nói với ông Doãn Tuế:
- Các đồng chí cứ yên tâm rút đi. Việc đồng chí bộ đội bị thương trên kia để chúng tôi lo.
- Vâng. Nhờ các đồng chí địa phương xử lý giúp chúng tôi trường hợp này. Trăm sự trông vào các đồng chí.
Ông Doãn Tuế bắt chặt tay ông Chi rồi trở lại chỉ huy đơn vị. Ông Chi trao đổi cùng ông Diệm và họ chia nhau mỗi người mỗi ngả lo việc đối phó với lũ giặc.   Ông Chi đi thông báo cho dân làng sơ tán. Ông Diệm trở về làng Đám bố trí du kích sẵn sàng chiến đấu, cử người lên cây số “hai mươi” để cứu chữa người thương binh nọ. Dưới bờ sông bộ đội khẩn trương tháo pháo. Khẩu pháo kềnh càng ấy bây giờ đâm ra lại vướng víu. Gấp quá. Cuối cùng ông Doãn Tuế hạ lệnh chỉ tháo dỡ lấy bộ cò súng mang đi, các bộ phận còn lại vứt giấu vào gốc cây, bụi rậm ven sông. Bộ đội ngậm tăm rút theo hai hướng dưới sự chỉ huy của ông Doãn Tuế. Dân làng Ngọc Chúc bồng bế nhau chạy cả lên rừng.
Khi người chiến sỹ cuối cùng vừa đi khỏi trận địa thì quân Pháp đã lố nhố ở trên đường quốc lộ. Chúng ngó nghiêng tìm đường ra bến sông. Tiếng “xì là xì lồ” nhộn nhạo cả một vùng. Cuối cùng chúng cũng tìm được đến Bến Xưởng, đến nhà bà Hiếu. Phát hiện ra hào giao thông, chúng bủa vây lùng sục. Bờ sông của làng Ngọc Chúc suốt từ đầu làng đến cuối làng dày đặc lính Pháp. Không phát hiện được gì chúng toả vào làng sục sạo từng nhà dân. Cũng chẳng thấy gì, chẳng có ai cả. Điên tiết, chúng đã châm lửa đốt tất cả những ngôi nhà của làng Ngọc Chúc để trả thù cho đồng bọn đã tan thây ngày hôm qua. Lửa cháy ngùn ngụt ngút trời. Tiếng đòn tay tre nứa nổ đôm đốp. Tàn tro bay trắng trời. Chim cò nháo nhác loạn xạ.
Dân làng từ trên rừng nhìn về thấy nhà cửa mình bị giặc đốt có người kêu khóc vì tiếc. Thế là trắng tay. Bao năm ki cóp được gian nhà lá cũng bị lũ giặc đốt. Huân chạy lẽo đẽo bám theo đơn vị. Anh vẫn nghe thấy tiếng nhà cháy, tiếng người kêu khóc phía sau lưng. Lòng căm thù lũ giặc chất chứa trong anh.
Cụ Bái trầm tư:
- Cái đận ấy, làng tôi cháy sạch sẽ không còn cái nhà nào cả anh ạ. Khi lũ giặc đi rồi, chúng tôi về nhìn lại mảnh đất nền nhà mình ai nấy đều vô cùng căm tức. Xót của nhưng tịnh không một người nào khóc nữa. Nhớ về chiến thắng hôm trước mọi người đều cảm thấy hả hê. Tất cả lại lên rừng đẵn gỗ, cắt tranh, hạ lá cọ dựng lại nhà mới. Chín năm kháng chiến, làng này cũng thêm mấy lần bị đốt nữa đấy anh ạ. Đến bây giờ bọn Mỹ… Nhằm nhò gì anh. Giặc phá thì ta xây lại. Đất của ta, trời của ta mà.
- Vâng. Đúng thế - Huân tham gia - Dạo ấy đơn vị cháu về đến nơi tập kết an toàn, ông Doãn Tuế đã khóc vì nghĩ đến làng mình bị cháy. Không hiểu có ai bị gì không? Cả đơn vị bần thần mất mấy ngày. Mọi người ai cũng thầm hứa sẽ chiến đấu trả thù cho làng Ngọc Chúc. May mà ngày ấy có anh Trác báo kịp thời không thì đơn vị cháu sẽ thiệt hại ghê gớm.
- Chứ lại không. Cái cậu Trác trông lù đù thế mà cũng dũng cảm đáo để.
- Bây giờ bác Trác còn không hả ông?
- Còn. Nhưng không phải đi làm thuê nữa. Vợ con khá lắm. Chỉ tiếc là người thương binh ấy khi chúng tôi đến thì anh đã tắt thở. Du kích xã đã chôn cất chu đáo cho anh. Phải ghi nhớ công ơn người liệt sỹ này. Anh ấy đã cứu sống cả đơn vị, cả làng Ngọc Chúc phải không cháu?
Lúc gọi Huân là anh, lúc khác cụ Bái lại kêu Huân là cháu. Cụ mơ màng thả hồn theo câu chuyện kể. Kể xong sự kiện này, cụ Bái nhìn sâu vào mắt Huân. Huân cũng lặng lẽ ngắm nhìn lại cụ. Trông cụ đáng yêu quá chừng. Mùi thuốc bắc, thuốc nam thơm nồng dễ chịu. Mặt trời đã lên khá cao. Cụ Bái bê nia thuốc ra sân phơi và nói với Huân:
- Lại sắp đến giờ lũ máy bay nó đến rồi đó. Cháu nhớ nhắc anh em cảnh giác cẩn thận nhé.
- Vâng ạ. Cả ông nữa cũng phải xuống hầm ngay đấy.
- Được rồi! Không phải lo cho thân già này đâu.
Huân chạy vội về bãi đạn. Anh dang tay đón gió sông Lô như muốn ôm cả làng Ngọc Chúc vào lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét