Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 1)



1

          Nhận được lệnh điều động của cấp trên, Huân cùng Hiến, Tiến hăm hở lên đường. Ba người súng ống, ba lô, quân tư trang nghiêm chỉnh từ Bắc Thái vượt đèo Khế, qua Tuyên Quang, theo quốc lộ 2 về Đoan Hùng. Kể từ cái hôm đơn vị Huân tháo pháo rút khỏi trận địa bên bờ sông Lô đến giờ thấm thoắt đã hai mươi năm. Hai mươi năm biết bao nhiêu thay đổi. Huân từ một cậu bé liên lạc loắt choắt nay đã là trung uý sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Ba mươi mốt tuổi rồi còn gì. Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp chưa được bao năm, dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc còn được mấy năm hoà bình nhưng miền Nam thì chưa một ngày ngơi tiếng súng. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, Huân chưa kịp nghỉ ngơi, chưa kịp chuyển ngành thì anh được quân đội giữ lại. Tốt nghiệp trường sỹ quan anh lại tiếp tục theo con đường binh nghiệp. Hôm nay, về nơi sông xưa bến cũ lòng Huân cảm thấy hồi hộp vô cùng.
Bấy giờ là mùa hạ năm 1967. Giặc Mỹ đang mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Mục tiêu của chúng là làm suy yếu hậu phương của ta, cắt đứt các tuyến đường giao thông tiếp tế cho miền Nam. Cho nên cầu, phà, đường bộ, đường sắt, cả đường sông nữa đều là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng.
          Đoan Hùng là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Phú Thọ, là điểm nút giao thông quan trọng cả đường sông và đường bộ nối liền thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh trung du, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Về đường bộ có quốc lộ 70 từ Lào Cai về gặp quốc lộ số 2 tại trung tâm của huyện. Về đường sông, Đoan Hùng là nơi gặp gỡ của hai con sông: sông Lô và sông Chảy. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy và đơn vị quân đội đóng quân. Hơn nữa, tiếp giáp với huyện về phía bắc có nhà máy  Z2 của quân đội chuyên sản xuất và kiểm định vũ khí. Cho nên, Đoan Hùng trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Quốc lộ 2, bến phà, cầu treo không ngày nào là không bị chúng oanh tạc, ném bom. Việc vận chuyển vũ khí về nhà máy Z2 để kiểm định và rồi từ đó lại toả ra các chiến trường theo đường bộ gặp không ít khó khăn. Do đó, quân khu đã quyết định lấy sông Lô làm con đường chở đạn dược vũ khí. Vận chuyển đường sông vừa rẻ, vừa được nhiều lại an toàn hơn đường bộ. Xã Chí Đám nằm bên bờ ngã ba sông đã được chọn để làm nơi tập kết vũ khí. Hơn một năm nay, kế hoạch trung chuyển này được thực hiện khá tốt đẹp. Hàng ngàn tấn đạn dược đã được người dân Tiên Phong và các xã lân cận vận chuyển bốc dỡ an toàn, bảo đảm bí mật. Đây là kho trung chuyển ngoài trời lớn nhất của quân khu. Huân được giao nhiệm vụ về tăng cường cho cái kho đặc biệt đó. Một nhiệm vụ vô cùng mới mẻ và nặng nề đối với anh.

          Nhận lệnh xong, trung uý Huân cùng hai chiến sỹ trẻ cấp tốc hành quân. Đường qua Đèo Khế đã khá hơn thời đánh Pháp nhưng rừng núi hai bên vẫn rậm rạp, âm u. Thỉnh thoảng họ mới gặp vài người dân tộc vào rừng lấy củi, làm rẫy. Khách đi đường như họ thật hiếm. Huân nói với hai anh em: “Ta cứ hành quân thế này gặp chiếc xe ô tô nào qua thì vẫy. Nó cho đi được đoạn nào hay đoạn ấy. Đồng ý chứ?”. Hiến và Tiến nhất trí liền.
          Trên lưng mỗi người là chiếc ba lô, nào chăn, chiếu, quần áo, nào bao gạo, chiếc xẻng con, lại còn khẩu súng, bao đạn và cái bi đông nước nữa chứ… Tất cả các thứ đó nai nịt gọn ghẽ quanh người. Đang là mùa hạ lại mang vác nặng cộng với leo đèo ngược dốc nên ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi. Luyện tập hành quân dã ngoại như thế thế mà chưa thấm gì so với hôm nay họ đi. Riêng Huân lính già còn khá. Anh đã quen cảnh này suốt mười tám năm quân ngũ. Hết chiến dịch này lại đến chiến dịch khác, có lệnh là đi, vượt núi, trèo đèo, băng rừng, lội suối chẳng có là gì với anh nữa. Đặc biệt, lần này về Đoan Hùng, Huân được trở lại chiến khu xưa, nơi mà đơn vị anh đã cùng với quân và dân Đoan Hùng lập nên một chiến công lịch sử vang dội: chiến thắng thu đông năm 1947 trên sông Lô. Mặc dù mệt nhưng Huân rất vui. Anh háo hức gặp lại cảnh cũ người xưa nơi xứ bưởi.
Hai chiến sỹ trẻ Hiến, Tiến lụi cụi cố bám sát chỉ huy của họ. Đây là chuyến hành quân dã ngoại xa nhất đối với hai anh kể từ khi họ trở thành chiến sỹ. Anh nào anh ấy chỉ ngóng xem có chiếc xe ôtô nào đi cùng chiều để vẫy, thế mà suốt từ sáng đến giờ cấm thấy có cái nào. Thời chiến có khác, xe toàn chạy về đêm. Thỉnh thoảng có vài chiếc ôtô tải cắm đầy lá nguỵ trang vụt qua nhưng lại là xe chạy ngược chiều với họ. Thế có tức không cơ chứ. Huân động viên anh em. Vừa đi anh vừa tán chuyện khiến Hiến và Tiến lắm lúc phải phì cười quên cả mệt nhọc.
Gần trưa, họ bắt được một chiếc xe quân sự. May quá chiếc xe này lại đi qua Đoan Hùng. Khỏi phải nói họ vui mừng đến mức nào, nhất là Hiến và Tiến. Cậu lái xe đang buồn khi một mình một “ngựa” đường vắng, rừng sâu nên khi có ba chàng lính vẫy xe này, anh dừng lại ngay. Cùng cảnh lính tráng, cùng về Đoan Hùng dọc đường họ chuyện trò như pháo nổ. Tiến bẻm mép nói với cậu lái xe:
- Số chúng tớ nó sướng lắm. Đi đâu có xe đưa xe đón đàng hoàng. Ở hiền gặp lành anh Huân nhỉ?
- Sao giờ lại bốc phét thế, chẳng bù cho lúc nãy. Nhăn nhăn nhó nhó tưởng nằm lại dọc đường.
Huân nói tỉ Tiến. Hắn chẳng tự ái lại còn ba hoa tiếp:
- Anh tưởng em tụt tạt chắc? Còn lâu nhá. Chẳng qua là em vừa đi vừa đợi xe thôi. Đấy, anh xem, chẳng phí mất cả đoạn đi trước là gì? Giá cứ ngồi nghỉ, đợi ở dưới chân đèo thì có phải đỡ mệt bao nhiêu không? Em đoán thế nào cũng có xe quân sự cánh mình đi mà. Thời chiến bây giờ chỉ có cánh lái xe ấy mới dám đi.
- Đừng nghe mồm cậu ấy. Nó nịnh cậu đấy.
Huân nói với người lái xe rồi anh quay sang nói tiếp với Tiến:
- Thế giả sử cả ngày hôm nay ngồi đợi mà không có xe qua thì có phải chúng ta bỏ nhiệm vụ không nào? Dưới kia, người ta đã nhận được thông báo rằng nội nhật ngày và đêm nay sẽ có người về đó, thế mà người ta chờ không thấy, có phải là phức tạp không?
- Em vẫn biết vậy, nhưng mà… làm gì đến nỗi không có cái xe nào.
- Thôi đừng có chống chế nữa ông tướng. Dầu sao cũng phải cảm ơn anh bạn lái xe. Về đơn vị mới thế này chắc là may lắm, phải không Hiến, Tiến?
- Phải ạ. Đi với anh Huân thì khỏi lo, nhất là lại về địa điểm chiến đấu xưa của anh nữa thì chỉ có nhất.
Hiến từ nãy đến giờ im tiếng đã bật lên nói câu đó. Chợt cậu lái xe hỏi:
- Các anh về Đoan Hùng thì xuống chỗ nào? Bến phà, cầu phao hay ngã ba Đầu Lô?
Hiến và Tiến nhìn Huân. Huân vội trả lời:
- Xuống xã Tiên Phong. À quên, xã Chí Đám. Nó đã được đổi tên thành xã Chí Đám vừa mới từ tháng tư năm nay. Cái xã ở bên này sông ấy mà, cậu biết chứ? Cứ đến đó cậu cho bọn mình xuống.
- Thế thì bến phà Đền Mom rồi. Nếu về tối thì đi cầu phao, các anh sẽ xuống ở đầu cầu bên này. Vì ban ngày, người ta phải tháo cầu phao giấu đi tránh máy bay Mỹ, đêm về mới lại khớp nối vào cho xe qua. Ban ngày đi phà. Tuy nguy hiểm nhưng cứ tránh giờ cao điểm là ổn. Thế nhưng cũng có hôm, phà vừa ra đến giữa sông thì bọn máy bay Mỹ tới phải tăng tốc dạt vội vào bờ đấy. Nó cũng ném bom mấy lần rồi nhưng cũng may không bị lần nào cả.
Người lái xe tỏ vẻ thành thạo về quy luật cầu, phà trên tuyến đường này. Nhắc đến Đền Mom, Huân lại hình dung ra nơi mà đơn vị anh trước kia đã lập trận địa pháo đón lõng tàu chiến Pháp. Không biết bến ấy bây giờ có gì khác xưa không? Ngôi đền có còn đó không hay đã bị giặc phá, lũ cuốn mất rồi? Cả cây si cạnh ngôi đền nữa, chắc vẫn xanh tốt quanh năm như xưa? Từ bến Mom lên nhà bà Sự gần một cây số, cái làng nhỏ bên sông này chắc cũng phải thay đổi nhiều lắm? Thì cũng đã gần hai mươi năm rồi còn gì? Huân náo nức, hồi hộp chỉ muốn xe chạy nhanh hơn để được sớm về nơi đó.
- Các cậu biết không, bến Đền Mom chính là nơi bắt đầu chiến tuyến của ta trong chiến dịch thu đông năm bốn bảy đấy. Suốt gần chục cây số bờ sông, đơn vị tớ đã cùng với du kích xã Tiên Phong mai phục chờ tàu chiến Pháp. Hồi đó tớ còn ngây ngô lắm. Mười một tuổi các cậu bảo đã biết gì. Ở trong tổ liên lạc, tớ chạy đầu xã, cuối xã truyền đạt mệnh lệnh. Làm gì có vô tuyến, hữu tuyến như bây giờ. Bằng chân, bằng miệng hết.
Huân say sưa kể lại những kỷ niệm trong những ngày chiến dịch sông Lô năm xưa. Vừa kể anh vừa quan sát phong cảnh hai bên đường tìm lại những dấu tích cũ, nhất là khi cậu lái xe bảo đã gần về tới bến phà. Không có gì thay đổi nhiều lắm, có chăng thì đường quang hơn. Hai bên ta luy thỉnh thoảng thấy những cái hầm khoét vào vách núi. Bụi đất đỏ cuốn sau xe mù mịt.
Khoảng hơn hai giờ chiều thì xe của họ đã đến bến Đền Mom. Huân nhảy xuống xe trước. Anh thả tầm mắt ngắm nhìn dòng Lô. Đây rồi ngã ba sông! Đây rồi làng Ngọc Chúc! Tất cả vẫn như xưa. Ngồi đền cổ kính vẫn im lìm dưới bóng cây si cổ thụ, có điều hình như rễ si nhiều hơn, dài hơn và vỏ cây si già ấy hình như cũng mốc thếch và nhăn nheo hơn thì phải.
- Xe nào kia, xuống phà đi! Khẩn trương không máy bay nó lại đến bây giờ?
Tiếng người trưởng bến quát lên làm cho Huân sực tỉnh. Anh nhắc Tiến và Hiến chuyển ba lô các thứ xuống. Ba người bắt chặt tay người lái xe:
- Cảm ơn nhé. Chúc cậu tiếp tục cuộc hành trình an toàn. Hẹn ngày gặp lại.
- Chào anh Huân và hai cậu nhé. Đi nhé!
Người lái xe ngồi trên ca bin thò đầu ra và giơ tay vẫy chào ba người.
- À này, cậu lái xe ơi, tên cậu là gì thế?
Huân vội quay lại quát to lên phía ca bin. Người lái xe thò đầu ra khỏi cửa xe cười và nói:
- Cứ gọi tôi là Dương, “Dương ba cầu”. Thế nhé. Đi nhé!
Chiếc ô tô nổ máy bò dần xuống phà. Ba người đợi cho nó lên hẳn phà mới xốc lại ba lô để đi tiếp.
- Bây giờ đi đâu hả anh Huân? Hiến xách khẩu súng lên và hỏi.
- Về nhà bà Sự. Trước kia, ban chỉ huy chiến dịch cũng đóng ở nhà bà ấy, ta cứ về đó rồi liệu sau.
- Từ đây về đó có xa không hả anh?
- Không xa lắm, trên dưới một cây số gì đó. Tớ cũng chỉ nhớ mang máng thế thôi. Cứ đi khắc đến. Đường ở miệng ấy, lo gì! Lên gốc cây si kia nghỉ tí đã.
Huân nói với ba người. Họ cùng kéo đến cây si hạ ba lô xuống và lấy lương khô ra ăn. Bây giờ cơn đói mới hành hạ họ. Thế là cũng vượt kế hoạch rồi, đến nơi trước dự kiến. Ăn uống nghỉ ngơi xong thì tìm nơi tập kết. Cái nắng chiều hè lọt qua kẽ lá của cây si như những sợi tơ mật vàng óng. Huân ngả mình nằm lên thảm cỏ, gối đầu lên chiếc ba lô nghĩ miên man. Anh tưởng tượng ra giây phút gặp lại bà Sự. Không biết bà ấy có nhận ra mình không? Cả ông Hiếu nữa? Gió từ sông Lô thổi tới khiến lòng anh mơn man. Sông Lô ơi, ta đã lại về! Bến sông xưa đây rồi sao mà thân thiết thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét