Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MƯA RỬA ĐỀN



 
        Hà đang chăm chú đọc lại bản kiểm kê cổ vật thì chuông điện thoại reo vang. Cô vội nhấc ống nghe. “A lô! Xin lỗi. Có phải chị là Hà không ạ?”. “Vâng. Tôi đây. Ai ở đầu dây đó?”. Hà khiêm tốn hỏi lại. “Ô! Chào người đẹp! Không nhận ra nhau ư?”. Tiếng người đàn ông đầu dây reo lên. Hà lúng túng: “Dạ. Xin lỗi. Ai đó ạ?”. “Người quen đây. Bạn cố thử đoán xem nào?”. Im lặng. Quái, giọng của ai mà lạ thế cơ chứ? Hà chưa nghe thấy bao giờ. “Vẫn chưa nhận ra nhau ư? Có phải Hà bảo tàng không đấy?”. Tiếng người đầu dây bên kia thúc giục. Hà giật thót người. Đúng là họ gọi mình rồi. Cuối cùng cô đành thú thật: “Dạ. Em không đoán được ai cả. Anh là ai đó?”. Có tiếng cười vang trong ống nghe. “Sơn đây! “Sơn kíp lê” đây! Nhận ra chưa?”. Hà reo lên: “Ôi! Anh Sơn! Làm em cứ đoán mò mãi. Anh đang ở đâu đấy?”. “Hà Nội! Nhớ em quá, điện lên nói chuyện cho vui”. “Thôi anh đừng tán dóc nữa. Có việc gì vậy anh?”. “Thế cứ có việc mới gọi điện cho em được chắc?”. Giọng Sơn có vẻ hờn dỗi. “Không. Mọi lần anh toàn nhắn tin, hôm nay gọi điện, thấy lạ em mới hỏi thế. Chưa chi đã tự ái rồi”. Hà lúng túng thanh minh. “Đùa vậy thôi. Có việc đấy Hà ạ. Đầu tháng ba, trước Hội một tuần anh sẽ lên chỗ em để xin ít tài liệu về sự tích mưa rửa đền. Em giúp anh nhé”. Tiếng Sơn nghiêm túc trở lại. Hà vội đáp: “Tất nhiên rồi! Anh lên nhé. Lên ở cho qua hết Hội luôn thể, anh sẽ được chứng kiến cảnh mưa rửa đền. Tha hồ cho anh viết. Bằng chán vạn những lời em nói ấy chứ”. 

          Hai người trao đổi với nhau khá lâu trên máy. Buông tổ hợp xuống, lòng Hà xốn xang. Thế mà đã mười hai năm sáu tháng xa Sơn. Kể từ ngày có điện thoại di động đến giờ không ngày nào là Hà không nhận được tin nhắn của Sơn. Bao giờ cũng thế, cứ khoảng chín giờ sáng là chiếc máy điện thoại của cô lại rung lên những âm thanh báo có tin nhắn tới. Có hôm, cái tin nhắn dài hàng trăm ký tự kèm theo bao nhiêu là hình ảnh. Ngược lại có ngày chỉ có mỗi cái dấu hỏi hiện lên trên màn hình. Lần đầu nhận được tin nhắn kiểu ấy, Hà phải nhìn mãi vào cái máy vô hồn xem tin đó là của ai. Đến khi đọc được số điện thoại thì cô mới biết tin đó là của Sơn. Lạ là chẳng bao giờ Sơn gọi điện cả. Chỉ có những dòng tin như thế trôi đi trước mắt Hà.
Hà và Sơn quen biết nhau từ những ngày còn học ở Hà Nội. Hà học đại học văn hóa, khoa bảo tồn bảo tàng. Sơn học đại học an ninh. Hà quê Phú Thọ, còn Sơn quê mãi tận Quảng Ninh. Cái sự quen biết nhau của hai người kể cũng lạ. Đó là những lần các chàng sinh viên an ninh đến chơi thăm cánh con gái trường văn hóa. Trong đám con gái phòng Hà thì Linh nổi trội hơn cả, thuộc diện hoa khôi của phòng và là đối tượng chính cho các chàng trai kia xúm quanh. Linh cùng quê với Sơn. Ngay hôm đầu tiên, Sơn kéo mấy người bạn của mình đến phòng Hà, Hà đã bị choáng ngợp bới vóc dáng thư sinh nhưng đầy chất đàn ông của Sơn. Lặng lẽ ngồi ở góc phòng, Hà chăm chú quan sát Sơn. Dáng to cao, khỏe mạnh, đôi mắt Sơn rất sáng, luôn nhìn thẳng. Bộ quân phục mới coóng Sơn mặc càng tôn thêm vẻ hào hoa, phong nhã, lịch lãm của anh. Thế nhưng, trái với sự sôi nổi của bạn anh, Sơn lại rất ít nói. Trong lúc bạn anh tán dóc, ba hoa, Sơn chỉ lặng lẽ ngồi nghe, thi thoảng lại thấy anh cười ruồi ý nhị. Anh chỉ thực sự hứng khởi góp chuyện khi mọi người bàn đến văn chương nghệ thuật. Lúc ấy, Sơn nói hơi nhiều. Hứng chí lên anh còn đọc thơ, thậm chí cả những bài thơ anh sáng tác. Không cần giấu diếm, anh nói cảm nghĩ của mình khi viết những bài thơ đó. Lũ bạn của Hà quậy phá như vậy mà cũng phải ngồi im lặng nghe. Có hôm, chúng bắt Sơn đọc thơ mãi tận khuya mới cho anh về. Cái Linh thì khỏi nói rất tự hào về Sơn. Và thực sự con bé đã phải lòng Sơn tự khi nào thì cả phòng cũng không ai biết nữa. Chỉ biết rằng đó là việc đương nhiên. Đồng hương, trai tài, gái sắc gặp nhau, yêu nhau là quá đúng. Duy chỉ có Hà là buồn và cứ nghĩ vẩn vơ mà chẳng dám nói ra...
Một lần, hôm đó vào chủ nhật, Sơn một mình đến phòng Hà. Cả phòng đi vắng hết, chỉ còn có Hà ở nhà. Chưa kịp cho Sơn chào hỏi, Hà đã chủ động: “Linh đi vắng rồi. Tiếc cho anh quá”. Sơn vội nói: “Thế anh không đến thăm Hà được ư?”. Hà lúng túng: “Được. Được chứ. Nhưng còn cái Linh. Nó về mà thấy anh nói chuyện với em thì chết”. Sơn cười: “Sao em lại nói thế? Thế Hà có mời tôi vào phòng không?”. “Dạ. Có chứ. Xin mời anh”. Hà luống cuống đi pha nước. Tim cô đập loạn xạ. Người cô nóng bừng. Không ngờ tình huống này lại xảy ra. Trước mặt Sơn, Hà cảm thấy lóng nga lóng ngóng. Một cảm giác rất lạ không thể diễn tả được. Vừa nói chuyện với Sơn, Hà vừa nhìn vào đâu đó khắp căn phòng. Ngược lại, Sơn luôn nhìn thẳng vào Hà và anh nói nhiều hơn mọi ngày. Còn Hà cô chỉ lí nhí mỗi khi trả lời Sơn. Hai người nói chuyện với nhau khá lâu, cuối cùng Sơn cất tiếng: “Hà này, em xem giúp anh bài thơ mới này nhé. Có gì em cứ góp ý thẳng thắn cho anh. Bây giờ anh phải về. Sắp đến giờ điểm danh rồi”. Sơn rút trong túi áo ngực tờ giấy gấp làm tư đưa cho Hà. Hà run run đón nhận nó. Tờ giấy gấp đã cũ khá nhàu nát chứng tỏ Sơn đã để nó khá lâu trong túi áo. Sau khi Sơn ra về, Hà vội vã mở tờ giấy ra đọc. “Đợi em ngày Giỗ Tổ”, một bài thơ tình rất hay của Sơn. Hà đọc đi đọc lại hàng chục lần như nuốt lấy từng câu từng chữ. Đến khi thuộc lòng bài thơ thì vừa lúc lũ bạn của Hà về. Chúng xúm đến giằng nhau bài thơ. “A! Thơ của anh Sơn chúng mày ơi! Cháy nhà ra mặt chuột nhé. Đợi lúc chúng tao đi vắng mới hẹn hò nhau cơ đấy. Cái Linh đừng có mà mơ hão nữa!”. Mặt Linh hơi biến sắc. Nó chạy lại giằng tờ giấy từ tay Lan: “Đâu, cho tao xem”. Nó cũng ngấu nghiến đọc và sắc mặt thì tái dần. Cuối cùng nó nói cứng: “Thôi, bàn giao cho mày cục than kíp lê vùng mỏ. Sơn Hà thế mà lại hay”. Cả phòng nhao nhao bàn luận mãi tới khuya. Chúng căn vặn, truy nã Hà đủ điều. Rằng “Làm thế nào mà mày cưa được sỹ quan an ninh thế?”. Rằng: “Có tình ý với nhau lâu chưa?”. Vân vân và vân vân... Hà chỉ nằm im chịu trận bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán của lũ bạn.
Từ hôm đó, lũ bạn cùng phòng vẫn gán ghép hai người với nhau. Chúng tưởng giữa họ đã có sự thề non hẹn biển. Còn Hà vẫn chỉ thầm yêu trộm nhớ Sơn. Mỗi khi có bài thơ mới của Sơn, cô đọc ngấu nghiến mong tìm ra được bóng hình mình trong đó. Thế nhưng... cái điều Hà mong đợi Sơn vẫn không đến. Sơn vẫn vô tình. Cô quyết định thử lòng Sơn. Hà tránh mặt Sơn và cặp đôi với Tuấn. Phương án này Hà đã bàn với Tuấn và mong Tuấn ủng hộ. Tuấn nhất trí liền. Thì được đóng vai người yêu của Hà bảo chàng trai nào mà không thích. Thế là những lần Sơn đến phòng Hà, anh luôn gặp Tuấn Hà cặp kè bên nhau. Cộng với thái độ thờ ơ của Hà đã làm cho sự phán đoán của chàng thi sĩ an ninh nhầm lẫn. Và rồi, cũng chẳng thấy Sơn đến phòng Hà nữa. Họ bặt tin nhau.
Hà ra trường về công tác tại bảo tàng tỉnh, thuộc Ban quản lý di tích lịch sử Đền Hùng. Mấy năm sau, Hà lấy chồng. Chồng Hà là sỹ quan quân đội đang đóng quân trên biên giới. Một hôm, Hà đọc báo chợt thấy bài thơ “Đợi em ngày Giỗ Tổ” của tác giả Minh Sơn. Đúng rồi! Đúng bài thơ đầu tiên Sơn đưa cho Hà đọc rồi! Hà giật mình. Từ hôm đó, Hà chăm chú đọc báo hơn. Không chỉ xuất hiện qua các bài thơ, Minh Sơn còn là tác giả của nhiều bài báo khác. Đắn đo mãi, dẹp bỏ lòng tự ái, Hà lần theo địa chỉ trên báo, cô viết thư tìm Sơn. Quả thực, đúng là “Sơn kíp lê”. Anh đang là phóng viên an ninh của một tờ báo lớn ở trung ương. Họ đã tìm được nhau sau bốn năm năm trời thất lạc. Rồi cứ thế, từ ngày có điện thoại di động, hai người lại giữ mối liên lạc với nhau bằng những dòng tin nhắn đầy ẩn ý.
Hà báo cáo Ban giám đốc dành cho một phòng đặc biệt để đón Sơn. Cô hồi hộp mong gặp lại “người xưa”. Và ngày đó đã đến. Sơn mặc thường phục khá bụi bặm với đủ thứ “đồ nghề” làm báo. Họ gặp lại nhau trong niềm vui khôn tả. Hà rối rít hỏi Sơn hết chuyện nọ đến chuyện kia. Sơn quên cả mệt nhọc: “Em vẫn như ngày xưa. Thế Tuấn và các cháu đâu? Nhà có gần đây không em?”. “Tuấn nào ạ?”. “Tuấn chồng em chứ còn Tuấn nào nữa?”. Hà cười hồn nhiên: “Chồng em là Phong chứ?”. Sơn tròn mắt: “Thế hai người...”. Hà cười to và kể lại cái vụ đóng kich ngày ấy. Nghe xong, Sơn thở dài: “Ôi, thế mà... anh cứ tưởng”. “Tưởng gì? Anh tưởng chúng em yêu nhau thật chắc. Em thử anh đấy, anh ngố ạ”. Sơn tròn mắt ngạc nhiên. Hà cười tinh nghịch. “Thế mà anh cứ ngỡ em với Tuấn. Lũ bạn gái ở phòng em, nhất là Linh chẳng nói thế là gì!”. Cả hai cùng thở dài và lặng lẽ nhìn nhau. Cái nhìn vừa thân thiết vừa xa xăm. Cuối cùng, Hà mạnh dạn: “Thôi, không nói về quá khứ nữa. Đợt này, anh lên đây, hãy bù trả em những ngày xưa đấy nhé”. Hà cười ròn và liếc Sơn đầy ẩn ý. Sơn cũng vồn vã: “Đồng ý. Biết đâu đợt công tác này hòn than kíp lê lại bùng cháy thì sao. Bây giờ em cho anh tài liệu về mưa rửa đền đi. Anh đang cần gấp để viết một bài báo về ngày Giỗ Tổ”.
“Thực ra - Hà châm rãi kể - Mưa rửa đền chỉ là một huyền thoại. Không biết tự bao giờ, từ đời nào mà cứ Hội Đền Hùng xong là trời lại đổ mưa. Nhanh thì chiều mùng mười. Chậm lắm thì đêm hôm ấy. Trời mưa như trút nước. Sấm chớp đì đùng. Hình như trời nín mưa, nhịn sấm mấy tháng mùa đông chỉ đợi có ngày hôm đó để mưa, để sấm. Cây cối, lúa má tha hồ tắm trong mưa, thỏa cơn khát. Có người bảo, trời làm mưa để rửa trôi đi những rác rưởi, bụi bẩn của những ngày diễn ra lễ hội vì thế mới gọi là “mưa rửa đền”. Có người bảo, những lời khẩn cầu của ngày Giỗ Tổ đã linh nghiệm. Trời làm mưa cho cây cối tốt tươi, cho mùa màng bội thu thắng lợi. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe sấm dậy mở cờ mà lên”, các cụ chả dạy thế là gì. Em thấy lý nào cũng đúng. Anh mà được chứng kiến mưa rửa đền ở Đền Hùng thì mê ly. Nhiều lần em còn lao ra giữa rừng giơ tay để đón lấy những hạt mưa rào đầu mùa như trẻ con anh nhé”. “Thơ mộng quá. Ước gì anh được làm hạt mưa đó nhỉ”. Sơn vô tư thốt lên. Anh nhìn sâu vào đôi mắt Hà. Hà lúng túng ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác. Tim cô rạo rực bồi hồi.
Đêm trung du lộng gió. Trời đầy mây. Núi Nghĩa Lĩnh thâm u huyền bí. Chưa phải ngày Hội nên rừng đêm khá vắng lặng. Thỉnh thoảng có tiếng chim, sóc lạc nhau kêu chí chóe. Từ Đền Thượng, hai người thả tầm mắt bao quát toàn cảnh khu vực. Thành phố ngã ba sông, khu công nghiệp Bãi Bằng, Lâm Thao đèn điện nhấp nháy như sao sa. Tiếng gõ mõ tụng kinh của nhà sư từ ngôi đền vọng ra càng tôn thêm vẻ tĩnh mịch, thâm nghiêm vốn có nơi đây. Gió sông Hồng, sông Lô thổi tới mát rượi. Hà nép hẳn người vào Sơn. Hơi thở của họ phả ra nóng hổi. Cảm giác khát khao của ngày nào trỗi dậy trong họ. Hai tay Sơn nâng đầu Hà cho mặt cô ngửa lên trong đêm. Hà run rẩy trong vòng tay của Sơn. Đang trong niềm phấn khích thì chiếc điện thoại của Sơn vang lên bản nhạc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn. “Xin lỗi em”, Sơn buông vội Hà và lục túi tìm chiếc điện thoại. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”. Chiếc điện thoại vẫn vô tư réo lên câu nhạc mà Hà mê thích và luôn hát nó những ngày còn sinh viên. Dạo đó, Sơn đệm đàn, Hà hát ăn ý đẹp đôi lắm. Còn bây giờ Sơn vô tình hay hữu ý cài chuông nhạc bài này? “Anh phải về gấp. Đơn vị gọi anh về”. Sau khi tắt máy Sơn buồn bã nói với Hà. “Sao? Anh về bây giờ à?”. Hà hụt hẫng, luống cuống hỏi lại. Sơn bóp chặt tay Hà: “Thông cảm cho anh, Hà nhé. Công việc mà em. Xong việc anh lên ngay. Nhất định anh sẽ về để cùng em chứng kiến cảnh mưa rửa đền”.
Họ dìu nhau xuống núi. Về phòng, Sơn vơ vội mấy thứ rồi lên xe máy phóng vù đi trong đêm. Hà ngơ ngác nhìn theo chiếc đèn đỏ mất hút trong đêm.
Một ngày. Hai ngày... Rồi năm ngày cũng không thấy Sơn quay trở lại. Hà bần thần tay mân mê mãi tập thơ chép tay và bài báo về Đền Hùng viết dở của anh. Sao Sơn lại không điện thoại hay nhắn tin gì cho mình nhỉ? Mấy lần cô định điện thoại cho Sơn song lòng tự ái của Hà lại nổi lên. Họ không thèm nhắn gì cho mình thì mình điện để làm gì? Trong lòng Hà bắt đầu cảm thấy bị xúc phạm. Chẳng lẽ Sơn xem lại thường mình và vô tình, vô tâm đến thế kia ư? Thà đừng gặp lại còn hơn chứ gặp lại nhau thế này thì...
Mấy ngày Hội cũng sắp hết. Càng chờ Sơn càng thấy bặt vô âm tín. Mãi đến chiều mùng 10 tháng 3, hội tan, bỗng có một người đàn bà dáng vẻ mệt mỏi hỏi thăm đến Ban quản lý Đền Hùng. Gặp Hà, chị ta nói: “Tôi là vợ của anh Sơn. Chồng tôi trước khi chết có dặn tôi phải tìm bằng được đến chị để xin lỗi chị và xin lại những tài liệu cùng bài báo đang viết dở về Đền Hùng”. Hà tròn xoe mắt, ù tai, ớ người trước cái tin sét đánh đó. Vợ Sơn kể trong nước mắt: “Nhận được điện thoại của đơn vị, Sơn phải về để theo đội cảnh sát phòng chống ma túy truy bắt tội phạm. Là phóng viên an ninh của báo, Sơn có nhiệm vụ theo đội để ghi chép lại toàn bộ vụ này. Các anh đã vượt hàng trăm cây số trong đêm qua Thanh Sơn, lên Nghĩa Lộ, rồi Sơn La để truy bắt tội phạm. Và trong lúc giao tranh, khi Sơn đang bấm máy ghi hình thì bị một tên trong bọn chém tới tấp vào người. Anh ngã ra bất tỉnh. Đồng đội đưa anh về. Tới bệnh viện, anh chỉ kịp dặn tôi phải tìm bằng được chị...” 
Nghe vợ Sơn kể lại sự việc đó, Hà ôm mặt khóc. Mãi sau, Hà mới đưa bài báo “Sự tích mưa rửa đền” đang viết dở của Sơn cho vợ anh. Bất chợt sấm chớp nổi lên. Và mưa! Mưa như trút nước. Phải rồi, mưa rửa đền đó Sơn ơi! Sao anh không về để cùng Hà chứng kiến cảnh này hả Sơn? Có phải anh đã từng nói với em rằng muốn trở thành hạt mưa này không? Thì đây, mưa rồi đó Sơn ơi! Mưa ơi, Sơn ơi! Hãy để những giọt nước tươi mát đầu mùa hôn lên má em đi! Hãy rửa trôi những bụi bặm cuộc đời cho cây cối Đền Hùng tốt tươi cùng gió núi.
Chẳng ai bảo ai mà cả Hà và vợ của Sơn cùng nhìn mưa ôm nhau và khóc. Ôi, mưa rửa đền năm nay có thêm vị mặn mòi của những giọt nước mắt yêu thương...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét