5
Sáng
nay, Huân và ông Chi, xã đội phó, cùng hai chiến sỹ Hiến, Tiến đi kiểm tra lại
bến bãi chuẩn bị cho việc tăng cường tiếp nhận và bốc dỡ đạn dược. Làng Ngọc
Chúc nằm dọc bờ sông Lô kéo dài đến cửa sông Chảy, suốt từ Bến Xưởng xuống đến
Đền Mom cây cối um tùm rất thuận tiện cho việc chuyên chở và cất giấu vũ khí.
Nguyên khu Cửa Đình đã có bốn cây đa to, rồi còn những cây si, cây sung khác
cũng đều sum suê cành lá. Cây si ở sau Đền xanh ngắt quanh năm, tán lá rộng
hàng trăm mét vuông, bóng trùm kín ngôi đền tha hồ cho dân làng ngồi nghỉ hóng
gió sông Lô những trưa hè tới. Xung quanh làng, luỹ tre xanh bao bọc toả bóng
ôm ấp những ngôi nhà mái rạ, mái tranh. Đứng từ xa nhìn tới hoặc từ trên cao
nhìn xuống người ta thấy làng Ngọc Chúc như một khu rừng bên bờ ngã ba sông.
Trên bến dưới thuyền, giọng hò, câu hát, tiếng những người giặt giũ í ới gọi
nhau vang động cả dòng nước. Làng quê rợp bóng cây xanh, yên ả, thanh bình soi
bóng xuống dòng sông Lô trong xanh lộng gió.
Huân nhìn mấy
cây sung to cành lá trùm cả xuống sông nói với ông Chi:
-
Chỗ này cho xà lan ẩn náu khi có máy bay địch thì chỉ có nhất.
-
Thì hơn năm nay rồi đạn dược mình chất đầy ra đấy mà thắng máy bay Mỹ nó có
phát hiện ra đâu.
Ông
Chi đưa tay chỉ ra đống hòm đạn chất chềnh ềnh cao như cái nhà giữa bãi soi nói
với Huân. Huân nhìn vậy thoáng nhíu mày có vẻ lo lo. Sao lại chủ quan thế không
biết?
Đến
bên gốc duối to cạnh cây sung, anh đi vòng quanh và nhìn nó khá kỹ:
-
Có phải chỗ này là nơi ngày xưa mình đặt pháo bắn tàu Pháp không bác Chi nhỉ?
Cháu cứ ngờ ngợ bác ạ?
- Đúng đấy - Ông Chi đáp - Hồi đó, sau lần tàu
bọn Pháp ngược Tuyên Quang, khẩu pháo của ta đặt mãi trong khu Gò Chỉ bắn ra
nhưng không trúng chiếc nào của nó nên cấp trên đã quyết định kéo nó ra đặt ở
chỗ này phục thù ca nô bọn Pháp khi chúng kéo xuôi. Phương châm “đặt gần bắn
thẳng” mà lị. Táo bạo thế cơ chứ. Hồi ấy, tớ cùng cánh thanh niên làng này theo
phục vụ trung đội pháo binh của các cậu suốt. Cậu quên à?
-
Dạ. Quên thế nào được ạ. Những ngày đầu chuẩn bị chiến dịch, cháu ở trung đội
ông Cờ đóng ở nhà cụ Bái xóm dưới kia kìa. Nhà cụ ấy rộng rãi, có nhiều bàn ghế
nên đã được lấy làm nhà chỉ huy của trung đội. Ba tiểu đội kéo pháo đặt ngay
trên một cái ao rộng gần đó. Chẳng biết cái ao đó còn không hở bác?
-
Còn. Bây giờ người ta đặt tên cho nó là ao Pháo Binh. Này, nghĩ lại ngày đó
cũng vui cậu nhỉ?
Ông
Chi phấn chấn. Huân cũng hào hứng:
-
Vâng ạ. Dạo đó cháu mới mười ba tuổi chưa biết gì lắm nhưng cứ nhìn thấy khẩu
pháo to đùng là cháu thích. Suốt ngày sờ mó ánh thép của nó. Khẩu pháo canon
soixante quinge cổ lỗ sỹ của Pháp mà quý thế cơ chứ. Ông Cờ trung đội
trưởng thương cháu nhưng cũng nghiêm lắm bác ạ. Ông ấy quát cháu luôn mỗi khi
cháu sờ mó nghịch ngợm khẩu pháo. Các anh bộ đội ta ngày đó chỉ muốn vào trận
luôn, bắn phát pháo đầu tiên cho đã đời. Thế nhưng cấp trên lệnh cho là phải án
binh bất động, tuyệt đối giữ bí mật. Các cuộc họp giao ban trung đội cháu thấy
ông Cờ đều phổ biến quán triệt thế. Ấy vậy mà một hôm có một chiếc máy bay khu
trục bay qua thấp quá, các bố nhà ta tưởng ngon ăn cứ đòi bắn. Cả ông Cờ cũng
nhấp nhổm. Cuối cùng chính ông ấy cũng không chịu được nữa và hạ lệnh cho pháo
ta nổ đạn. Không ngờ lại chẳng bắn trúng nó. Nó mới vọt lên chuồn mất. Cánh
lính ta chưng hửng. Thì nào đã có kinh nghiệm bắn máy bay gì đâu. Sau trận ấy
ông Nông Văn Cờ bị cấp trên kỷ luật, cách chức trung đội trưởng. Ông Hồng,
trung đội phó lên thay. Cả trung đội được lệnh chuyển gấp vào khu đồi cao phía
trong.
-
Khu nhà ông Bảo. Bọn tớ chả phải đi đánh đường để kéo pháo lên là gì.
Ông
Chi xen ngang. Huân hào hứng kể tiếp.
-
Vâng. Đúng vậy. Bộ đội cùng dân quân lại dồn dập mở đường lên đồi, đắp ụ pháo
mới. Các cụ ấy tính là đặt pháo trên đồi cao nhìn ra sông cho rõ để ước lượng
cự ly bắn cho chuẩn chứ đặt ở khu bờ ao ấy thì thấp không nhìn dược tàu Pháp.
Đâu có tính toán toạ độ chính xác như bây giờ. Toàn ước lượng để bắn.
-
Kể cũng đơn giản, thủ công quá anh nhỉ?
Tiến
chêm vào.
-
Chả thế lại không ư? Đã có ai được học hành bài bản như bây giờ.
Huân
đáp lại. Ông Chi tiếp lời:
-
Thế nhưng chẳng biết thế chó nào mà pháo mình chưa kéo lên trận địa mới thì mấy
chiếc khu trục nó đã kéo đến quần đảo ném bom rồi. Tớ đoán là bị lộ. May mà
không chết ai, khẩu pháo cũng chỉ bị hỏng nhẹ. Nhà ông Đa bị bom hất tung.
- Sau đó mình
lại bỏ vị trí này bác nhỉ? Huân hỏi lại như khẳng định.
- Ừ. Sau đó,
lại kéo tất vào Gò Chỉ. Chỗ ấy kia kìa.
Ông Chi vừa
nói vừa chỉ tay vào trong khu đồi. Từ đó ra đến sông dễ chừng phải đến một cây
số.
- Thanh niên
chúng tớ lại được huy động đắp ụ pháo và kéo pháo cùng các cậu. Nguỵ trang xong
đâu đó thì tàu Pháp chúng nó kéo lên. Ta được lệnh bắn nhưng chẳng ăn thua mẹ
gì. Xa sông thế, kỹ thuật thế các cậu bảo bắn trúng thế chó nào được. Cuối cùng
lại phải kéo pháo ra đặt dọc bờ sông chờ bọn nó xuôi thì tính chuyện trả thù.
Chỗ này được chọn để đặt khẩu pháo phát hoả đầu tiên đó. Đấy, các cậu xem, xung
quanh cây cối um tùm, sông đoạn này lại cong, nhìn xuôi nhìn ngược đều rõ cả.
Quan sát, phát hiện địch rất chủ động. Pháo phòng không mà đặt sát mép nước,
bắn thẳng tàu địch thì phải nói là táo bạo. Ông Doãn Tuế trực tiếp chỉ huy khẩu
đội dự định điểm hoả đầu tiên này mở màn cho trận đánh.
Ông Chi tấm
tắc. Huân cùng Hiếu, Tiến hết nhìn cây duối lại ngắm nhìn dòng sông. Nước sông
Lô xanh trong nhìn thấu đáy. Sông lững lờ trôi. Ít ai có thể biết được đoạn
sông này năm ấy đã cùng pháo binh ta thét gầm dữ dội nhấn chìm bao tàu chiến
Pháp.
Cả bốn người
tiếp tục đi thực địa dọc bờ sông. Huân nói với ông Chi:
- Việc bốc dỡ
hàng vẫn chủ yếu ở hai bến: Bến Xưởng và bến Đền Mom. Theo cháu nên cho dân
quân dọn dẹp lại đường lên hai bến đó không có đêm hôm bốc vác vấp ngã thì khổ.
- Đồng ý. Ngày
mai tớ sẽ huy động hai trung đội ra làm việc. Thế hàng về bốc lên, dỡ xuống để
ở đâu?
- Về cơ bản
phải chuyển hết xuống xà lan hoặc lên ôtô trong đêm bác ạ. Ban ngày không để
lại ít nào, nguy hiểm lắm. Bom nó mà thả trúng bãi đạn thì chỉ có chết. Cả cái
làng Ngọc Chúc này sẽ tan. Trường hợp bất đắc dĩ thì giấu chúng vào kho H6 và
những bãi có nhiều cây xanh. Bác đưa chúng cháu đi thăm một số địa điểm có thể
để hàng đó, bác nhé.
- Vậy thì theo
tôi nên để tản nó ra, chọn những nơi vừa thuận đường ôtô vào vừa nguỵ trang
được là được.
- Vâng, đúng
đấy ạ.
Bốn người
ngược lên khu Hố Trẩu rồi quành về khu đồi H6, ra khu Cầu Cụt. Tất cả những nơi
đó đều đáp ứng được yêu cầu của họ. Tiến tranh thủ vẽ sơ đồ khu vực kho bãi.
Mặt trời đã lên quá ngọn tre. Họ quay về nhà bà Sử để xây dựng phương án tác
chiến và kế hoạch tu sửa bến bãi, đào hầm hào giao thông. Có tiếng kẻng báo
động. Tiếng máy bay ầm ì từ xa rồi bất ngờ nó đã rẹt qua đầu. Bọn chúng bắt đầu
quần đảo gầm rít. Bà Sự từ dưới hầm quát lên:
- Thôi, xuống
hầm đi. Cảnh giác mà thế à?
Ông Chi, Huân,
cùng Hiến, Tiến lom khom chạy ra giao thông hào rồi chui vội vào hầm.
- Kệ cha nó -
Ông Chi sau khi yên vị trong hầm nói - Cứ bàn tiếp các cậu ạ.
Tiến trải tấm
bản đồ ra. Bốn cái đầu chụm lại tiếp tục tính toán các phương án tác
chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét