Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 11)



11

          Lão Phia lọc cọc đạp chiếc xe đạp vào khu sơ tán. Chiếc túi dết đeo bên hông lão đựng đầy máy lửa, kim, chỉ, xà phòng, mì chính và cả thuốc lá nữa. Không hiểu bằng cách nào mà lão lại kiếm được toàn những thứ quý hiếm như thế để bán lẻ kiếm lời. Rất nhẹ nhàng mà lãi lại cao. Có người bảo lão thân quen với mấy vị thương nghiệp huyện xin được chỉ tiêu hàng cung cấp. Những vị thạo tin hơn thì nói rằng lão có mối là con mẹ goá, nhân viên cửa hàng mua bán huyện tuồn hàng ra cho lão. Nhìn lão không ai bảo rằng lão đi buôn. Xe đạp Phượng hoàng màu cánh chả mới coóng. Đài đeo bên hông nói oang oang dọc đường. Lão lại ăn mặc khá tươm tất cứ như là đang đi họp huyện vậy. Cán bộ xã khối người không theo kịp lão.
          Thời chiến hàng họ khan hiếm, đến cái kim, sợi chỉ người ta cũng đem phân phối. Càng hiếm hàng, lão càng dễ buôn bán. Cứ tinh mơ sáng là người ta thấy lão đạp xe sang phà xuống huyện rồi mãi đến chiều tối mới thấy lão về khu sơ tán. Khi mọi người đang lục tục gọi nhau về làng thì lão đón đường rao hàng bán lẻ cho họ. Toàn thứ hàng phân phối, ai cũng có nhu cầu nên việc bán mua của lão rất nhanh. Thì ở làng này chỉ có lão làm việc đó chứ có còn ai nữa đâu mà chả buôn bán nhanh? Mặc cho dân làng vừa tránh máy bay vừa lo công điểm hợp tác lão cứ đi buôn. Ông Trung, đội trưởng mấy lần cảnh cáo lão về việc thiếu nghĩa vụ công điểm lão chỉ cười trừ. Lo gì, mai kia cân đối lương thực giỏi lắm các ông liệt tôi vào hạng đong giá cao là cùng chứ gì? Giá cao thì giá cao, ông đếch sợ. Mấy ngày buôn của ông là xong hết. Tiền. Có tiền là có tất cả. Đi làm chày chãy cả ngày ngoài đồng mới được chín, mười điểm, mai kia công lại chỉ đạt có dăm bảy lạng thì có hoạ mà ăn cháo. Rồi biết đâu đang phơi lưng giữa đồng máy bay nó đến chạy không kịp, trúng bom tan xác như bà Dương thì có phải phí đời không? Thế cho nên thượng sách là chỉ có đi buôn. Vừa nhàn nhã, an toàn lại vừa tiền tươi thóc thật. Lão thấy mình khôn hơn bao nhiêu người của làng. Làng này chỉ có lão Phơ là hiểu mình. Nghĩ vậy lão thò tay vặn chiết áp của chiếc đài bán dẫn bên hông cho nó nói to lên. 

          Đang phởn chí như vậy thì lão thấy một người gánh một gánh gì khá nặng đang đi ở phía trước. Lão nhấn pê đan đưa chiếc xe lại gần. Cái Phương con nhà bà Thinh. Không biết con bé gánh gì mà xem ra có vẻ nặng lắm. Chiếc đòn gánh cong hẳn xuống. Hai cái thúng hai bên được che đậy khá cẩn thận. Bên thì đạy chiếc nón, bên thì che cái áo mưa rách. Người nó ướt đẫm mồ hôi. Lão cho xe chạy chậm lại và hỏi:
          - Mày gánh cái gì mà nặng thế Phương?
          Phương ngẩng mặt lên nhìn lão Phia qua vành nón. Lão Phia bắt gặp đôi má con bé ửng hồng. Cặp mắt nó có vẻ lúng liếng.
          - Ông Phia à? Cháu gánh đường sữa cho chị em dân quân.
          Nghe đến đường sữa, đầu óc lão Phia sáng lên. Giá mà mình có được một ít thì hay quá. Lãi phải biết. Chắc là nó lĩnh chế độ bồi dưỡng vác đạn đêm cho cánh dân quân? Mình gạ nó bán cho một ít mới được. Của hiếm thế mang ra phố huyện thì chỉ có nhất. Nhưng mà con bé này cũng rắn lắm. Chắc gì nó đã dám bớt xén chế độ của anh em? Thì cứ hỏi thử xem, biết đâu nó lại chẳng đồng ý thì sao? B trưởng cơ mà? Nó lại đi có một mình làm gì mà nó chẳng quyết? Đứa nào lại không thích tiền? Càng con gái càng phải mua sắm nhiều thì chúng lại càng phải cần tiền. Mà giả dụ nếu nó không cần tiền thì gạ nó đổi kim chỉ, xà phòng? Chỉ màu lão có khối. Xà phòng 68%, 72% Liên Xô, Trung Quốc, loại thơm, loại thường lão đều có cả. Toàn những thứ bọn con gái chúng nó thích. Nghĩ vậy, lão Phia ướm hỏi:
          - Mày có thể bớt lại cho bác một ít được không? Bác đang cần mấy cân đường, vài hộp sữa mang xuống phố huyện. Người ta nhờ bác từ lâu mà vẫn chưa kiếm được.
          - Bác hỏi đùa hay là hỏi thật đấy?
          Phương nhớn nhác nhìn trước nhìn sau hỏi lại lão Phia. Lão Phia biết Phương cắn câu liền đạp xe lên phía trước rồi phanh lại. Lão xuống xe. Phương cũng đặt đôi quang gánh xuống đất, cầm cái nón quạt lấy quạt để.
          - Bác hỏi thật đấy. Bớt lại cho bác một ít nhé.
          - Giá cả thế nào?
          - Thì làng người ta mua thế nào bác trả cháu thế đó. Không để cho cháu thiệt đâu.
          Lão Phia ngọt xoét, xoắn lấy. Phương lại nhìn trước ngó sau. Không có ai trên đường cả. Cô lại gần lão Phia thì thào:
          - Nhưng mà ông phải kin kín cái mồm cho cháu nhé. Hở ra là cháu chết toi đấy. Xã người ta kỷ luật thì mặt mo.
          - Cháu yên tâm đi. Đến lão Phong trên cửa hàng huyện kia bán sổ thuốc lá cho bác bác còn giữ kín cho ông ấy nữa là.
          Lão Phia chắc mẩm cười thầm trong bụng. Phen này vớ bẫm đây. Tưởng liêm khiết lắm hoá ra cũng như ai cả thôi.
          - Cháu để cho bác một thúng nhé?
          - Ấy, không được đâu. Làm thế là lộ ngay.
          - Cháu chỉ lo hão. Có đếch ai đâu mà sợ.
          Lão Phia nói cứng và sà vào chiếc thúng. Lão đang định nhấc chiếc nón đạy chiếc thúng lên thì Phương cầm tay lão lôi lại.
          - Từ từ đã. Cháu không lấy tiền đâu. Ông có gì đổi cho cháu thì cháu mới đổi.
          - Ừ thì đổi. Đằng nào chả thế.
          - Nhưng mà ông có hàng gì, cháu xem được thì cháu mới lấy.
          - Khối. Tao khối hàng.
          Lão Phia chuyển giọng xưng hô một cách bỗ bã và thân mật. Vừa nói, lão vừa mở nắp cái túi dết to cho Phương xem. Nào máy lửa Trung Quốc, xà phòng, nào chỉ màu xanh đỏ các loại… Bao nhiêu là thứ căng đầy bên trong chiếc túi.
          - Đấy, mày thích cái gì thì chọn.
          Phương cầm lấy một bánh xà phòng thơm và dăm cuộn chỉ.
          - Cháu lấy mấy thứ này.
          - Lấy ít thế thôi à?
          - Còn nữa chứ - Gái nháy mắt cười tinh nghịch - Nhưng ông xem hàng của cháu đi. Nhanh lên kẻo có người đến thì chết.
          - Được rồi! Sợ chó gì mà cứ cuống lên thế?
          Lão Phia mở cái nón đang úp trên cái thúng. Chợt lão trợn tròn mắt và buông ngay cái nón xuống. Lão run người khi nhìn thấy trong thúng toàn là bom bi con chưa nổ.  Phương cười khanh khách. Lão Phia sợ quá đi giật lùi.
          - Con khỉ. Mày làm tao hết hồn.
          Phương bình thản nhặt lấy một quả bom bi lên đưa ngang trước mặt.
          - Ông xem, có việc gì đâu.
          Lão Phia xua tay.
          - Ấy. Ấy. Đừng. Đừ…ừng. Nó nổ thì chết mất xác bây giờ.
          Phương vẫn cười rũ rượi. Lão Phia sợ quá nhảy lên xe phóng đi. Phương gọi với theo:
          - Thế ông không mua nữa à? Còn bánh xà phòng và mấy cuộn chỉ nữa này.
          Mặc. Lão Phia cúi rạp người trên chiếc xe đạp, cong mông phóng đi. Mẹ cha cái con quỷ, nghịch đến thế là cùng. Tiếng Phương cười vẫn vang mãi phía sau lưng lão.
          Lão Phia toát hết mồ hôi vì hoảng. Sao con bé nó lại liều thế cơ chứ? Chắc chiều nay nó đi nhặt bom bi giờ gánh về đổ vào hố để huỷ. Đúng là đồ quỷ sứ. Đàn bà con gái gì mà bạo dạn thế không biết? Đi vào chiến tranh cứ như là người ta đi chợ vậy. Làng này chỉ có nó với ông Chi là chẳng sợ bom đạn gì cả.
          Tuy nghĩ vậy nhưng lão Phia lại tự an ủi. Có lẽ cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm. Chả thế mà ông Chi, cái Phương và cả bọn thanh niên nữa chúng nó đi nhặt bom bi như đi nhặt ốc. Ừ, giá mà có người nào đó mua bom nhỉ? Ông sẵn sàng mua lại của con Phương thật chứ chẳng bỡn. Sợ quái gì. Buôn bom chắc hẳn là lãi lắm. Thì thằng Mỹ chẳng đang là kẻ lái súng lớn nhất thế giới đấy là gì. Lúc đó đừng có doạ ông. Có lãi là ông đếch sợ. Lão Phia vui vui vì ý nghĩ mới của mình.
          Lão Phia chợt nhớ cái hôm lên làng Đám bán hàng. Hôm ấy, mọi người đang xi xao mua hàng của ông thì có tiếng ai đó nói:
          - A! Ông Chi đây rồi. Mời ông vào mua hàng cho ông Phia đi.
          Lão Phia ngẩng mặt lên nhìn thì thấy ông Chi đã xuống xe đạp đứng cạnh. Lão đang nghĩ cách chống chế việc bỏ buổi đào hầm ven lộ hai theo sự điều động của đội để lên đây bán hàng thì ông Luân đã đứng nghiêm, tay giơ ngang đầu theo kiểu nhà binh nói với ông Chi:
          - Báo cáo đồng chí xã đội phó, ngoài soi tôi có một quả bom bi chưa nổ. Không ai dám đi làm nữa. Xin ý kiến đồng chí. Liệu đồng chí có dám xử lý không?
          Lão Phia ngơ ngác nhìn hai ông. Chưa bao giờ thấy ông Luân nghiêm trọng đến thế. Có thể ông ấy đùa. Cũng có thể ông ấy dở đùa dở thật thử ông Chi chăng? Làng Đám này vừa mới hôm nọ có mấy quả bom bi rơi vãi đến nên người ta sợ là phải chứ như dưới Ngọc Chúc làng ông thì quá bình thường. Lão Phia quan sát xem ông Chi phản ứng thế nào. Ông Luân lại dám thử cả “con ma bom” này nữa cơ? “Liệu đồng chí có dám xử lý không?”. Kích ghê quá.
          - Đâu? Nó ở chỗ nào? Đồng chí dẫn tôi đi!
          Ông Chi nói với ông Luân.
          - Mãi ngoài soi giáp bờ sông kia kìa!
          Ông Luân chỉ tay ra phía quả bom. Ông Chi dựng chiếc xe đạp vào vệ đê rồi cởi quần áo dài vắt lên ghi đông xe, tháo chiếc đồng hồ đang đeo đưa cho lão Phia cầm hộ và nói với ông Luân:
          - Đồng chí dẫn tôi đi.
          Ông Luân mừng ra mặt xăm xắn dẫn ông Chi đi. Mọi người tò mò cùng theo hai ông. Lão Phia quên cả bán hàng cũng chăm chăm nhìn theo họ. Đoàn người men theo bờ sông ngược lên soi cát. Đến bụi tre, họ dừng lại. Ông Luân chỉ vào gốc cây ké giữa bãi soi. lão Phia nghe rõ tiếng ông Luân nói với ông Chi:
          - Kia, nó nằm ngay ở gốc ké đó. May mà hôm nọ cậu Đỗ đi làm phát hiện kịp không thì…
          Ông Chi quần đùi áo lót tiến về phía quả bom. Cánh đi theo núp sau ông Luân. Họ đứng mãi từ xa chăm chú theo dõi. Một phút. Hai phút. Rồi ba phút trôi qua. Ông Chi khom người vạch từng cây cỏ. Mọi người phía sau nín thở hồi hộp. Ông Chi ngồi hẳn xuống ngó tìm. Rồi bất chợt ông đứng dậy, tay giơ cao về phía mọi người:
          - Có phải quả bom này không?
          Chẳng kịp nhìn rõ cái vật mà ông Chi đang cầm trên tay, ông Luân và mọi người cùng ù té chạy về phía sau. Lão Phia cũng chờn chờn. Mình ở trên đê xa ông ấy thật đấy nhưng biết đâu bom nó nổ, bi nó lại chẳng văng tới? Lão Phia vứt vội cái xe đạp cho nó đổ ra rệ đê rồi cũng khom khom lui dần xuống vệ đê phía trong đồng. Mắt lão vẫn không rời ông Chi. Số người theo ông Luân chạy tán loạn. Chợt lão Phia thấy ông Chi vung cao tay cầm bom và một tiếng nổ rất đanh dội tới. Lão nhắm mắt bịt tai ngã dúi dụi xuống rệ đê. Đoàn người ven bờ sông kêu lên:
          - Ông Chi chết rồi!
          - Bom nổ chết mất ông Chi rồi làng nước ơi!
          Lão Phia mở choàng mắt nhìn về phía tiếng nổ. Ông Chi đang chạy lại đuổi theo mọi người. Vừa chạy ông vừa cười vang. Rồi ông hét to:
          - Chết thế chó nào được tôi. Ông Luân ơi, khao đi!
          Số người chạy theo ông Luân chợt dừng cả lại. Có người dụi mắt nhìn về phía tiếng quát. Đúng rồi! Đúng ông Chi kia thật rồi! Ông ấy đang chạy về phía mình đấy chốc.
Họ lập tức chạy trở lại. Lão Phia nhìn thấy ông Chi và ông Luân ôm nhau. Mọi người cười nói vui vẻ bước lên đê. Thì ra lúc nhặt được quả bom bi, ông Chi đã cầm nó ra bờ sông. Trông thấy hòn đá nổi gần mép nước ông đã liệng quả bom xuống trúng hòn đá đó. Cho mày nổ vô vị ở đó để cho lão Luân biết tay Chi này chẳng có sợ bom gì sất. Đừng có thách nhà giàu húp tương.
          Mọi người xúm quanh ông Chi hỏi đủ thứ chuyện. Nào là cảm giác của ông khi nhặt được quả bom ấy thế nào? Có sợ không? Sao ông lại ném xuống sông? Nhỡ nó nổ trên tay hoặc chưa kịp xuống sông nó đã nổ rồi thì làm sao? Vân vân và vân vân… Ông Chi vừa mặc lại quần áo vừa trả lời các câu hỏi của họ. Lão Phia nhìn ông một cách khâm phục. Đúng là “con ma bom”.
          Hôm nay lại gặp con quỷ Phương này nữa. Phải công nhận bọn họ gan dạ thật. Chứ cứ như ông và cái lão Phơ thì… có cóc đất để mà đi, mà làm nữa. Mình còn khá, còn dám đi buôn chứ lão Phơ thì chỉ có ru rú ở trong nơi sơ tán. Cấm thấy lão ấy ló mặt về làng bao giờ kể từ khi lão ấy vào đây. Người gì mà nhát như cáy. Hơi tí đã sợ vãi đái ra rồi. Ờ, dưng mà nếu không có mấy đồng lãi có khi mình cũng giống lão ấy cũng nên? Tự nhiên lão lại nhớ cái hôm đi phát bờ ở cánh đồng Sảng. Lúc gần trưa hôm ấy, đột nhiên nghe thấy tiếng kẻng thế là lão vọt vội lên bờ chui ngay vào cái hầm gần đó. Ngồi trong hầm chờ mãi chẳng thấy máy bay hay bom biếc gì, lão mới lóp ngóp chui ra. Nhìn thấy mọi người đang lục tục kéo nhau về, lão ngơ ngác không hiểu. Mấy đứa thanh niên trông thấy lão chúng cười hô hố. Có đứa ôm bụng mà cười. Cười đến nỗi suýt nữa thì ngã ra cả ruộng. Lúc đó lão mới hiểu rằng tiếng kẻng lúc nãy là tiếng kẻng của ông đội trưởng báo hết giờ làm việc chứ không phải tiếng kẻng báo động máy bay. Thần hồn nát thần tính, vừa mới nghe thấy tiếng “keng” đầu tiên, hoảng quá, lão đã chạy rồi. Bây giờ nghĩ lại vẫn cứ thấy buồn cười.
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét