4
Trung
đội dân quân làng Ngọc Chúc do Phương làm B trưởng đa số là thanh nữ và một vài
ông trung niên. Cánh thanh niên đều đi bộ đội và ra mặt trận hết. Mấy năm nay
trai làng thi nhau nhập ngũ. Làng bây giờ còn lại toàn đàn bà và trẻ em. Cho
nên mọi việc lớn bé trong làng đều do phụ nữ và một số đàn ông trung niên đảm
nhận. Mấy tay thanh niên còn lại ở làng thì một là đối tượng miễn hoãn nghĩa vụ
quân sự, hai là có tật bệnh gì đấy mà quân đội không thể tuyển được. Một số rất
ít khác thì vì những lý do “tế nhị” mà qua các đợt tuyển quân họ vẫn ở nhà. Tất
cả số này là của “quý hiếm” trong làng. Có việc gì nặng nhọc là người ta vẫn
gọi đến họ. Dù sao thì “yếu trâu vẫn còn hơn khoẻ bò”.
Phương
là con liệt sỹ. Bố cô đã hy sinh ở Điện biên năm 1954 để lại người vợ trẻ và
một đứa con gái. Mẹ cô đứng vậy nuôi con từ lúc Gái mới mười một tuổi. Vào lứa
tuổi dậy thì, Phương càng phô bày vẻ đẹp. Phương không đẹp rực rỡ, kiêu sa như
một số cô gái khác, cô đẹp một cách chân quê, dịu dàng, thầm kín. Dáng người
đậm đà. Gương mặt trái xoan. Tuy lam lũ sông nước, ruộng đồng nhưng nước da của
Phương bao giờ cũng trắng hồng. Do mồ côi bố từ nhỏ nên Phương vừa có sự cứng
rắn như một đấng nam nhi, mặt khác ở cô cũng có cả sự dịu dàng duyên dáng rất
nữ tính. Nếu bị kẻ nào sàm sỡ, trêu chọc Phương sẵn sàng lên lớp cho người đó
biết mặt. Ngược lại, khi ai đó có đùa bỡn một câu bóng gió xa xôi thì Phương e
thẹn cúi đầu, đôi má ửng đỏ.
Năm nay Phương
đã hai mươi hai, cái tuổi khá “cứng” của đời người con gái làng Ngọc Chúc. Xinh
đẹp, giỏi giang như vậy mà tại sao Phương vẫn chưa đi lấy chồng? Hơn nữa,
Phương hoạt động xã hội rất sôi nổi? Phải nói cô rất có khiếu về lĩnh vực này.
Chả thế mà cô được đảng uỷ, uỷ ban xã giao cho cái chức B trưởng dân quân một B
đầu sóng ngọn gió, trong khi đó có đến ba, bốn thanh niên trai tráng khoẻ mạnh
khác ở nhà. Nhiều người đến làng, nhất là mấy anh bộ đội trên nhà máy Z vẫn
thường đặt câu hỏi như thế về Phương.
Thực
ra, rất nhiều trai làng để ý đến cô gái có cá tính này từ lúc Phương mới ở tuổi
mười sáu, mười bảy. Họ tán tỉnh cô. Cái thời làm tổ đổi công, khối chàng chỉ
muốn đổi công cho nhà bà Thinh có cô con gái đẹp là Phương. Phương ăn mặc giản
dị nhưng vẫn không giấu nổi vẻ đẹp tự nhiên của mình. Đến tên gọi của cô cũng
rất dễ hoà vào nhiều người khác, thế mà trong đám đông, Phương vẫn nổi lên như
một đoá hoa rừng. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, dáng người cao ráo
thon thả, khuôn ngực của cô căng tràn sức sống khiến cho các chàng phải chết mê
chết mẩn vì nàng. Đôi mắt Phương lúc nào cũng mở to, nhìn thẳng thu hút mọi
người. Phương hay cười, hay nói và trong giao tiếp cô rất thông minh, chủ động.
Ẩn giấu bên trong vẻ thuỳ mị ấy là một cô gái tinh nghịch. Cô thường bày ra
những trò trêu lại mọi người, nhất là cánh thanh niên háu gái. Chả thế mà hôm
anh chàng Tiến, bộ đội trong tổ của Huân về làng mới gặp nhau lần đầu đã bị Phương
trêu chọc cho rồi. Vô tư như vậy nên trông Phương càng trẻ trung phơi phới đầy
sức sống.
Nhiều
đám ướm hỏi, Phương đều từ chối. Không phải Phương làm cao hay chê họ điểm gì,
Phương chỉ có một điều rằng không thể xa mẹ được. Bà Thinh hết lời khuyên con nhưng
Phương vẫn một mực như thế. Phong trào đoàn, đội cuốn hút cô. Rồi công việc hợp
tác xã, nào bèo hoa dâu, nào cấy thẳng hàng, nào làm phân xanh… việc nào Phương
cũng hăm hở đi đầu. Càng thế Phương càng nổi lên giữa đám thiếu nữ làng Ngọc
Chúc.
Khi
bọn Mỹ đánh ra miền Bắc, trai làng lên đường tòng quân, Phương dần đảm đương
gánh vác các công việc thay cho họ. Những cuộc tiễn đưa diễn ra vô cùng lưu
luyến. Một số thanh niên đem lòng yêu Phương chưa nói được lên lời, lúc chia
tay họ cứ nhìn đăm đắm vào đôi mắt của cô gửi bao nhiêu niềm hy vọng. Gái vô tư
mỉm cười vẫy tay chào họ. Khi họ đi cả rồi lúc đó Phương mới cảm thấy trống
vắng. Cô ngoảnh mặt giấu đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Hết đợt
này đến đợt khác, làng rỗng hẳn thanh niên. Thương họ quá! Chiến tranh sao mà
tàn khốc thế! Liệu ai trong số họ sẽ không trở về như bố cô? Càng nghĩ Phương
lại càng thương mẹ hơn. Cô vẫn vô tư cùng chị em lăn lộn cho phong trào của xã.
Trong
số những người theo đuổi Phương còn lại ở làng có Hoàn và Thân. Hai người này
đều không nhập ngũ và tính cách gần như trái ngược nhau. Thân lầm lì ít nói bao
nhiêu thì Hoàn càng “ba hoa sít tốc” bấy nhiêu. Thân cục tính, Hoàn mềm dẻo,
bay bướm. Thân chịu thương chịu khó cặm cụi với công việc còn Hoàn thì nhởn nhơ
tối ngày. Hoàn cảnh của hai người cũng khá khác nhau. Thân là lao động độc nhất
trong gia đình. Bố mẹ Thân già cả. Hai anh của Thân thì một người là liệt sỹ và
một người vẫn còn đang tại ngũ. Mấy lần Thân viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội
nhưng cấp trên không duyệt. Còn Hoàn thì khác hẳn. Nhà Hoàn có sáu anh em tất
cả, trong đó có bốn người là trai. Anh cả của Hoàn là bộ đội. Một anh và một
đứa em của Hoàn đều đi làm thợ mộc ở xa. Ở nhà còn mỗi mình Hoàn là trai. Thế
nhưng không hiểu sao cứ sắp đến đợt tuyển quân là Hoàn lại đi vắng. Chẳng ai
hỏi gì nhưng bố Hoàn đi đến đâu cũng cứ nói với dân làng rằng: “Cháu nó lên chỗ
anh nó đang bị ốm”. Xã đội mấy lần nhắc nhở ông Phơ, bố của Hoàn, về việc tham
gia nghĩa vụ ngày công, nghĩa vụ quân sự của gia đình ông. Ông chỉ ừ ào cho
qua.
Hoàn
và Thân cùng một vài trai làng khác nữa là của hiếm, là đối tượng cho các chị
em phụ nữ làng vây quanh. Đối với Phương, cô đều quý trọng cả Thân và Hoàn. Cô
đối xử đúng mực với họ. Mặc dù Hoàn là bí thư chi đoàn, thư ký đội sản xuất
luôn có điều kiện gần cô, người B trưởng dân quân của làng nhưng Phương vẫn giữ
một khoảng cách nhất định. Quan hệ công tác và quan hệ tình cảm của Phương rất
rõ ràng. Trái tim của cô chưa hề rung động. Đã vậy, Hoàn lại càng ngày càng
xoắn xuýt bên cô. Trái lại Thân thì lặng lẽ không nói. Anh chỉ đứng từ xa ngắm
nhìn cô. Khi giáp mặt nhau hoặc lúc chỉ có hai người, Thân cũng chỉ nhìn sâu
vào đôi mắt của Phương với bao điều ẩn ý trông chờ.
Từ tối hôm họp
ban xã đội đột xuất về Phương linh cảm được một điều rằng sẽ sắp đánh nhau to.
Nhà có hai mẹ con, phận đàn bà con gái nên cô đã bàn với mẹ chủ động thực hiện
kế hoạch của xã đội. Khi nhắc đến việc đi sơ tán vào khu Minh Cầm mẹ cô gạt
luôn:
-
Không đi đâu cả. Cứ bám làng mà ở. Giặc nó mãi tận trên trời, lo gì. Thời Tây
đồn bốt, quân lính nhan nhản còn chẳng sợ nữa là. Có hai mẹ con lại mẹ nơi con
nơi. Chị ở đâu tôi ở đấy.
-
Không được đâu mẹ ơi. Thời Tây ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa đồn bốt
quân lính nhan nhản thật đấy nhưng nó không ác liệt như bây giờ. Bây giờ máy
bay phản lực, bom lớn bom nhỏ, rốc két nó cứ thả bừa, bắn bừa xuống biết đằng
nào mà tránh. Thằng Mỹ giàu có, nó vãi bom đạn như mưa chứ “tắc bọp tắc bọp”
như thằng Tây ngày xưa đâu mà mẹ tưởng? Cấp trên người ta yêu cầu thế chắc phải
ác liệt lắm đấy mẹ ạ.
-
Cha bố cô. Đừng có coi thường thằng Tây. Cũng ác liệt lắm đấy. Mình hồi đó cũng
phải chạy tản cư tứ tung đấy là gì?
-
Vâng, con biết vậy. Thế cho nên mình bây giờ cũng phải tính đến việc sơ tán.
Làng mình ngay đường ô tô, ngay bến phà, gần ngã ba sông lại có kho đạn quốc
phòng nữa nên bọn Mỹ nó đánh hơi ghê lắm. Nó sẽ tập trung đánh phá ác liệt đấy
mẹ ạ. Mình phải chủ động sơ tán trước.
-
Bao giờ làng đi thì tao đi. Mày đừng có tuyên huấn cho tao. Với lại tao lo cho
mày lắm.
-
Mẹ cứ yên tâm. Không phải lo cho con. Mạnh chân khoẻ tay thế này, sợ gì. Máy
bay đến chúng con có hầm trú ẩn.
-
Hầm tao cũng không yên tâm.
Bà
Thinh vẫn khăng khăng. Phương ôm lấy mẹ:
- Cũng chỉ sơ
tán một thời gian thôi mà mẹ. Với lại từ đây vào đấy có bốn, năm cây số chứ xa
đâu mà lo. Ngày nào mẹ con mình chẳng gặp nhau.
-
Thế còn việc đồng áng? Bỏ cho ai?
-
Làm đêm mẹ ạ. Mình đi sơ tán ban ngày nhưng ban đêm thì lại về cày cấy bình
thường. Trung đội dân quân chúng con vừa canh gác máy bay vừa sản xuất nữa. Với
lại, con ở trong ban chỉ huy xã đội, đêm nào cũng phải tổ chức chị em người ta
vác đạn. Việc này quan trọng lắm. Càng đánh nhau to càng cần đạn mẹ ạ. Ngày
mai, mẹ con mình sẽ vào ở nhờ nhà bá Thi. Chỉ mang những thứ đồ đạc sinh hoạt
thôi, còn lại các thứ khác cho xuống hầm hết.
-
Không sợ mất trộm à?
- Mất thế nào
được hả mẹ? Bọn con cử người tuần tra canh gác suốt ngày đêm, lo gì? Với lại
dân mình ai có bụng dạ đó!
Bà
Thinh chép miệng thở dài:
-
Lại chiến tranh. Mả bố nó chứ, quân cướp nước. Chưa yên được bao năm giờ lại
bom với chả đạn. Nhà người ta đủ vợ đủ chồng còn khả dĩ đằng này mẹ goá con
côi. Rõ khổ.
-
Mẹ lại ca cẩm rồi. Như thế là mắc bệnh tự ti tư tưởng đấy. Mẹ đừng nghĩ con là
con gái mà mặc cảm nhé. B trưởng dân quân chỉ huy cả mấy chục người chứ mẹ
tưởng?
-
Phải! Nhưng mà “không có trâu mới phải bắt ngựa đi cày”. Cứ liều liệu đấy. Bom
đạn nó chẳng chừa ai đâu.
-
Vâng. Mẹ khỏi lo. Thế là mẹ đồng ý đi sơ tán rồi nhé.
-
Phải. Chẳng đồng ý cũng chẳng được. Chị là cán bộ mà.
Phương
ôm lưng mẹ cười rúc rích:
-
Thì cấp trên người ta biết trước tình hình, người ta lo cho dân, được cho mình
chứ được cho ai.
Bất
ngờ tiếng máy bay rẹt qua trên đầu. Bà Thinh chửi đổng:
-
Mẹ bố nó chứ, đêm hôm này còn mò mẫm gì nữa?
-
Đấy, mẹ thấy chưa, nó rình rập mình để thả bom lúc nào cũng không biết chừng.
Đêm
ấy, cả làng Ngọc Chúc hầu như không ai ngủ. Nhà nào nhà ấy đều bàn tính chuyện
đi sơ tán. Người ta lo sắp xếp công việc, bố trí tổ chức trong gia đình. Ai đi
ai ở, đi như thế nào, hầm hố đào ra sao, con lợn, con gà mang đi hay để lại..?
Bao nhiêu câu hỏi cần phải quyết đáp trả lời trong chốc lát. Những người lớn
tuổi, nhất là những người già đã qua thời chống Pháp thì vừa có tâm trạng bình
tĩnh vì ít nhiều đã có kinh nghiệm trong chiến tranh nhưng cũng lại vừa có tâm
trạng bồn chồn lo lắng. Đang yên đang lành thì lũ chó ấy lại cắn càn đánh phá
miền Bắc.
Chỉ có những
đứa trẻ là vẫn vô tư ngủ ngon lành. Chúng đâu biết chiến tranh đang rình rập
xung quanh giấc ngủ của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét