Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

ẤN TƯỢNG NHỮNG NGÀY Ở XỨ SỞ KIM CHI



 
       Tháng 6, thời tiết miền Bắc vào độ chính hạ. Oi ả, nóng nực. Nắng chang chang. Trong những ngày như thế thì chúng tôi có được hẳn một tuần trên xứ sở kim chi. Nhận lời mời của Hiệp hội trao đổi nghệ thuật Quốc tế Hàn Quốc (KAIEA), được sự đồng ý của tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, đoàn cán bộ họa sĩ của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ đã sang thủ đô Seoul dự triển lãm Mở Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 21 từ ngày mùng 7 đến hết ngày 14 tháng 6. Triển lãm gồm 10 nước. Hôm khai mạc có 4 nước là Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Xrilanca. 6 nước khác không sang dự nhưng đã gửi tranh tham gia.
Đoàn Phú Thọ đại diện cho Việt Nam có 8 người, trong đó có 6 họa sĩ. Tôi vinh dự nhận nhiệm vụ trưởng đoàn. Nghệ sỹ Đinh Thị Xuân Hương - Chánh Văn phòng Hội cùng tôi lo công tác tổ chức sắp xếp toàn bộ chuyến đi cho đoàn. 6 hoạ sĩ trong đoàn đều là những họa sĩ hàng đầu của tỉnh Phú Thọ, có người có tên tuổi trong làng họa sĩ Việt Nam. Đó là: Đỗ Ngọc Dũng (Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ), Nguyễn Lợi, Trần Thị Lệ Thủy (là trưởng, phó chi hội mỹ thuật), Nguyễn Quang Hưng, Lương Công Tuyên (giảng viên trường Đại học Hùng Vương) và Hà Thị Bích Liễu (giáo viên mỹ thuật). So với các nước bạn, về ngoại hình thì đội hình Việt Nam khá đồng đều, rất đẹp. Đặc biệt, hôm khai mạc triển lãm, 3 nữ trong đoàn mặc áo dài truyền thống đã nổi bật hẳn lên, thu hút ánh mắt của bao người. Rất nhiều người đề nghị chụp ảnh chung với đoàn Việt Nam, kể cả những người mà chúng tôi mới gặp lần đầu. 

 
Chẳng những đội hình đẹp mà 12 tác phẩm đoàn mang đi cũng chiếm được cảm tình của các họa sĩ và công chúng yêu mến bộ môn hội họa của thủ đô Seoul. Mọi người trầm trồ ngắm nhìn, đứng chụp ảnh cạnh những bức tranh mà họ thích. Ngay hôm khai mạc đã có người đặt vấn đề mua, trao đổi tranh của họa sĩ Việt Nam. Kết quả trong những ngày triển lãm, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng bán được 1 bức, họa sĩ Quang Hưng và Lương Công Tuyên được một họa sĩ nổi tiếng xứ Hàn trao đổi mỗi người một bức. Họa sĩ Nguyễn Lợi, Lệ Thủy, Hà Thị Bích Liễu được các bạn xin số điện thoại để liên hệ thỏa thuận mua bán sau này.
Ấn tượng đầu tiên khi đến xứ sở kim chi là sự đón tiếp rất nồng hậu, chu đáo, quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết của các bạn Hàn Quốc. Giáo sư, họa sĩ Kim Jung Taek - Giám đốc điều hành của Hội và giáo sư Kim Gi Pyeong - Chánh Văn phòng Hội (những người đã sang Phú Thọ tham gia triển lãm mỹ thuật quốc tế phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013) ra tận sân bay đón đoàn. Tôi đang lo đất khách quê người, không phiên dịch, vốn liếng tiếng Anh ít ỏi (mà các bạn Hàn Quốc hầu như không sử dụng tiếng Anh) thì xoay sở thế nào? Vậy mà bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng mọi cử chỉ, từ nụ cười, ánh mắt, đến cái bắt tay, giơ tay cùng với các cô gái phiên dịch, chúng tôi đã hiểu nhau. Trong mấy ngày đó có 3 cô gái là người Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc được bạn nhờ phiên dịch cho đoàn.
8 họa sĩ Hàn Quốc năm ngoái đến Phú Thọ thì chúng tôi đã gặp lại gần đủ. Tay bắt mặt mừng, vồ vập ôm nhau, “um-pa”, “ơ-ni”, “xin chao”... ríu ran như người nhà. Người chúng tôi ấn tượng nhất đó là giáo sư họa sĩ Kim Jung Taek, giám đốc điều hành của hội bạn, người ký thư mời đoàn Việt Nam và lo toan toàn bộ cho cuộc triển lãm. Bận như thế, đón mấy đoàn quốc tế liền như thế mà ông dành mấy ngày liền cho đoàn chúng tôi. Đón, đưa, tiễn tận sân bay. Lo nơi ăn nghỉ, lo địa điểm, phương tiện tham quan. Con trai vừa từ Thái Lan về, ông cũng bỏ nhà để đi suốt với đoàn. Hình ảnh ông khuân tranh, bê sách, vẫy tac-xi, cười nói với đoàn (ông nói rất dài mặc cho chúng tôi hiểu hay không hiểu), cả cái cách ông ăn nữa, hồn nhiên lắm, thân mật lắm, thì chúng tôi chẳng bao giờ quên. Hàm giáo sư, chức giám đốc điều hành, đứng đầu một tổ chức, một sự kiện quốc tế mà sao dân giã, gần gũi, thân thiết đến thế.
Người thứ hai chúng tôi nhớ đó là giáo sư, họa sĩ Kim Gi Pyeong, chánh văn phòng hội bạn. Đích thân ông lái xe đưa chúng tôi đi mấy ngày liền. Ông này trẻ (khoảng 50 tuổi) ít nói nhưng sâu sắc và rất hóm. Chị em trong đoàn thích ông này lắm, đòi ông đưa thăm các nơi, dẫn đi chợ như người nhà. Hiểu tiếng Việt (nếu mình nói chậm) nhưng không nói được tiếng Việt, biết chút ít tiếng Anh, tận tụy, mẫn cán, đúng giờ giấc. Tôi gọi Kim Gi Pyeong là người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Do cùng biết tí tiếng Anh nên tôi và ông hay trò chuyện, xử lý những lúc bất đồng ngôn ngữ giữa ta và bạn.
Người thứ ba là giáo sư, họa sỹ Oh Yong Hwan - Phó Chủ tịch Hội. Ông này to béo, bụng bự, rất vui tính. Vừa lái xe vừa hát. Ông nói chuyện liên tục theo kiểu “ông nói gà bà nói vịt” rồi OK và...cười. Ông còn cùng vợ gọi bạn bè của mình là những luật sư, doanh nhân, giám đốc ngân hàng mang mấy xe con đến đón đưa đoàn đi tham quan, chiêu đãi trọng thể và lịch sự. Đi hàng trăm cây số chỉ để ăn một bữa thôi mới khiếp chứ. Nguyên tiền xăng xe đi lại không biết tốn kém biết chừng nào. Chính vì có nhiều ô tô như thế mà họa sĩ Trần Lệ Thủy bị bỏ quên ở nhà hàng (vì xe nọ ngỡ xe kia) mãi đến khi thăm nhà bà luật sư mới phát hiện ra. Lúc này, phiên dịch đã về rồi mới khổ chứ. Rất may, ông doanh nhân biết tí tiếng Anh, tôi và ông ấy phải “vận khí công”, nói và ra hiệu mới hiểu nhau. Cuối cùng, ông doanh nhân đã cho xe quay lại đón Thủy. Cách 50 cây số chứ ít gì.
Còn nhiều họa sĩ nước bạn khác cũng đáng nhớ, đáng yêu lắm. Đó là nữ họa sĩ Cheong Heang Cha (năm ngoái đã đến Phú Thọ), cách Seoul mấy trăm cây số nghe tin chúng tôi sang cũng tìm đến gặp cho bằng được. Chị hỏi han, tặng quà, dẫn đi siêu thị, tiễn ra sân bay. Rồi một họa sĩ nữa, tôi không nhớ tên (tên Hàn Quốc khó đọc, khó nhớ lắm) nhưng rất nhớ cái tính nghệ sỹ của ông. Lái xe đưa đoàn đi mà đến chỗ đèn giao thông, trong khi chờ đèn đỏ, ông lấy sáo ra thổi, biểu diễn cho đoàn xem đến nỗi lạc cả đường, phải “a-lô” mãi mới gặp được nhau. Rồi bà luật sư Young Y. Paek - người đoạt danh hiệu hoa hậu quý bà thủ đô Seoul nữa. Bà này mê văn nghệ, tự tay pha chế sữa bột thực phẩm chức năng tiếp chúng tôi bữa sáng, mời chúng tôi thăm nhà riêng, tự tay lái xe đưa chúng tôi thăm thú mấy ngày liền...
Một tuần trên đất bạn, chúng tôi làm việc hết công suất. Các bạn đã đưa chúng tôi đi thăm các khu Teocheong (khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng cách thủ đô Seoul hơn một giờ xe chạy, khoảng gần hai trăm cây số), Cheongchong, núi Juwansang (công viên quốc gia đặc biệt cách thủ đô Seoul hơn bốn giờ ô-tô, khoảng 500 cây số gì đó), thăm bảo tàng mỹ thuật Seoul cùng một số địa danh khác. Tại khu Cheoongsong, đoàn đã  tham gia sáng tác tại chỗ với các họa sĩ Hàn Quốc. Đoàn Phú Thọ sáng tác được 5 bức tranh, ký họa được 6 chân dung, cảnh vật khác. Toàn bộ tác phẩm này đoàn đã tặng lại cho Trung tâm lưu trữ tác phẩm nghệ thuật Cheongsong.
Trong những ngày trên đất Hàn Quốc, chúng tôi đã tìm hiểu hoạt động mỹ thuật của nước bạn, học tập được nhiều kinh nghiệm về tổ chức triển lãm mỹ thuật Quốc tế; các hình thức xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật; kinh nghiệm sáng tác, quảng bá, lưu giữ tác phẩm; những nét văn hóa nổi bật về giao thông công cộng, về bảo vệ môi trường, về ý thức công dân và nhiều vấn đề khác... Hàn Quốc rất chú trọng đến văn học, nghệ thuật, nhất là ngành mỹ thuật. Các công trình kiến trúc, các khu bảo tàng, nhà triển lãm từ thủ đô đến tận khu, quận đã nói lên điều đó. Phải nói rằng sự đón tiếp của các bạn Hàn Quốc là trọng thị, thân tình, không khách sáo và dành ưu tiên cho đoàn Việt Nam. Chúng tôi ai cũng trầm trồ, xúc động trước sự đặc biệt ưu ái đó.
Cảm nhận về “kỳ tích sông Hàn” được chứng kiến tận mắt sự bề thế, quy mô của các công trình, sự văn minh, lịch sự, thân thiện, tác phong công nghiệp, đậm bản sắc truyền thống dân tộc của người Hàn Quốc chúng tôi mới thật sự nể phục ý chí vươn lên của bạn. Đường phố, nhà hàng, khắp nơi sạch như lau như ly, đẹp và quy củ lắm. Không có xe máy và người đi bộ trên đường. Không có công an. Không có còi xe. Không chen lấn. Không bắt khách dọc đường. Đúng luồng, làn, tốc độ. Đúng giờ giấc. Xe năm, sáu chục ghế mà chỉ có hơn chục người đến giờ cũng cứ xuất phát. Cả mấy trăm cây số, xe đó chỉ phục vụ mấy khách đó. Lái xe mặc như trí thức. Cúi chào, cảm ơn là động tác và câu nói cửa miệng của người Hàn. Không nói to, không bia rượu, không vứt rác bừa bãi và xếp hàng rất thứ tự, kể cả vào nhà hàng ăn cơm bụi hay lên xe buýt, từ người già cho đến đứa trẻ năm, sáu tuổi. Rất tự giác, tự nhiên như là nó phải thế. Còn nhiều cái ấn tượng lắm, nể phục lắm nhưng phạm vi bài viết có hạn nên đành khất bạn đọc lần sau tôi sẽ chi tiết hơn.
Hôm tiễn đoàn về nước, từ ông giám đốc điều hành, phó chủ tịch, chánh văn phòng hội và bạn bè của họ rồng rắn mấy xe con liền đưa chúng tôi ra sân bay. Đợi chúng tôi vào hẳn phòng chờ họ mới vẫy tay tiễn biệt. Lòng chúng tôi ai cũng rưng rưng. Bao nhiêu là sách, bao nhiêu là quà cùng những vòng tay ôm xiết, những cái bắt tay rất chặt, những ánh mắt ngậm ngùi sao mà lưu luyến thế.
Đây là chuyến công tác nước ngoài quy mô đầu tiên của hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Đi ngày đàng, học sàng khôn. Thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, chúng tôi ai cũng thấy mở mang thêm đầu óc của mình và lưu giữ mãi những hình ảnh đẹp đẽ về đất nước và con người xứ sở kim chi. Mong lắm ngày trở lại Hàn Quốc ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét