Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

CHÚ KIA LÀ VỢ CỦA CỤ NÀY


         Trong chuyến sang Hàn Quốc dự triển lãm Mở Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 21 được tổ chức tại thủ đô Seoul, đoàn họa sỹ Phú Thọ được phía bạn chọn cử 3 phiên dịch luân phiên cho đoàn là 3 cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Mỗi cô mỗi vẻ, ai cũng vui mừng được gặp người quê hương xứ sở, được nói tiếng mẹ đẻ. Trong 3 cô gái ấy có LaThị Hồng Nương, người Trà Vinh, lấy chồng Hàn Quốc đã được 9 năm. Em xinh đẹp, thông minh, vui tính và thông thạo tiếng Hàn nhất. Nương sinh 1984, tuổi Giáp Tý. Gặp lại người Việt mình, Nương ríu rít chuyện trò.
          Hôm ấy, đoàn họa sĩ Phú Thọ được ngài Kim Jung Taek - Giám đốc điều hành Hiệp hội trao đổi nghệ thuật quốc tế Hàn Quốc (KAIEA) dẫn về khu Cheongsong (cách thủ đô Seoul khoảng hơn 400 km) tham dự một cuộc triển lãm mỹ thuật của khu này. Nơi đây có họa sĩ Yasong Lee-Wonjwa (năm nay đã ngoài 70 tuổi) rất nổi tiếng. Khi đoàn đến, quan chức tại đây đã xếp hai hàng từ cổng để đón đoàn. Họ còn trải thảm từ cổng vào nữa.
Vào phòng triển lãm, đoàn của hai nước đứng hai bên. La Thị Hồng Nương lần lượt phiên dịch cho cả hai phía. Thành phần hai đoàn đã giới thiệu xong thì bất ngờ có một phụ nữ trạc 50 tuổi từ phía ngoài bước tới. Ông trưởng đoàn sở tại giới thiệu bà ta với chúng tôi. Do xúc động lâu ngày mới được gặp người Việt, được nói tiếng Việt, Nương phiên dịch: “Chú kia là vợ của cụ này!”.
Nghe vậy, cả đoàn Việt Nam cười ngất. Phía bạn thấy Việt Nam cười cũng cười theo. Nương đỏ mặt. Tôi gật đầu, nháy mắt ra hiệu cho em: kệ họ, cứ OK đi. Và thế là cả hội trường cùng cười vang trong tình thân mật buổi ban đầu.
Sau đó, buổi chiều và ngày hôm sau tôi cứ trêu em hoài. Em đấm tôi thùm thụp bắt đền: “Tại bà ấy trẻ quá so với cụ họa sĩ. Với lại không khí trang nghiêm, long trọng quá làm em cuống”. Tôi an ủi: “Thì đã sao. Chỉ có người Việt mình mới biết “chú kia là vợ của cụ này thôi mà”. Và thế là chúng tôi lại cùng cười ngất.
Đó là kỷ niệm đáng nhớ của tôi trên đất Hàn Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét