Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 8)



8

          Trận bom đầu tiên dội xuống xã Chí Đám vô cùng ác liệt. Mặc dù đã được quán triệt từ trước và đã chứng kiến những xã xung quanh bị máy bay Mỹ đánh phá nhưng mọi người đều không khỏi bàng hoàng. Bảo bị bất ngờ ư? Không đúng. Vì tất cả đều đã chuẩn bị sẵn sàng vào cuộc từ lâu rồi. Đảng uỷ, uỷ ban, xã đội, rồi các hợp tác xã, các ban, ngành đoàn thể đều đã được triển khai quán triệt chỉ thị của cấp trên, đã chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Ấy vậy mà khi loạt bom đầu tiên nổ rung chuyển đất làng mình mọi người vẫn không khỏi bàng hoàng. Có người vẫn còn nửa tin nửa ngờ cho rằng nó ném bom vào xã bên kia chứ không phải xã mình. Chỉ đến khi loạt bom thứ hai dội xuống, căn hầm của mình chao đảo rung lên thì họ mới tin rằng đó là sự thật.
 Vừa dứt tiếng kẻng báo yên tất cả mọi người trong xã đều hướng về làng Ngọc Chúc. Số người đi sơ tán hớt hơ hớt hải chạy về làng. Ai nấy đều sốt ruột xem lại nhà cửa của mình có bị gì không. Đặc biệt những nhà có người thân chưa đi sơ tán lại càng lo gấp bội. Người nọ trồ vào người kia hỏi nhau nháo nhác. Cánh dân quân từ bến chạy về cũng ríu hết cả chân.
          Phương gặp mẹ ngay trên đường. Bà Thinh đầu tóc rũ rượi cũng đang lao ra bến để tìm Phương. Bà sờ khắp người đứa con gái yêu của mình xem có bị gì không. Đến khi tin chắc rằng Phương vẫn nguyên lành thì bà ôm chầm lấy cô. Hai mẹ con cùng khóc. Mãi một lúc sau, cô mới nói với mẹ: “Bây giờ mẹ hãy về nhà đi. Con còn phải cùng anh em dân quân đi kiểm tra xem làng xóm có ai bị sao không”. Nói đoạn, cô buông mẹ chạy về xóm Đầu Cầu. Bà Thinh dặn với theo: “Hãy cẩn thận đấy. Nhớ về ăn cơm trưa, mẹ chờ”. 

          Hố bom nham nhở dọc đường. Cây lá xác xơ. Mấy bụi chuối ven đường lá rách bươm. Rặng tre ven gò tướp hết lá, trơ ra toàn cành như que tăm. Tất cả như vừa mới  qua một trận cuồng phong mưa đá tàn phá. Bom bi rải như ngô rang khắp mọi nơi. Những hố bom phá, bom xiên toang hoác trên mặt ruộng. Gà vịt chết nhan nhản trong vườn, dưới ao. Gần chục con trâu bò cũng nằm chết lăn lóc ngoài đồng.
Bốn năm ngôi nhà bị cháy tre nứa nổ đôm đốp. Tàn tro theo gió bay mù trời. Nhà ông Nhâm tự nhiên bay đâu mất. Bom thổi bạt sang một nơi khác.
Lực lượng dân quân dưới sự chỉ huy của ông Thạc, ông Chi và Phương đang chia nhau đi từng nhà để tìm kiếm người bị nạn. Một tốp toả ra cánh đồng, lên các nương rẫy trên đồi. Tiếng hú gọi nhau ơi ới. Vừa thận trọng đặt từng bước chân trên bãi bom vừa nổ họ vừa căng tai ra để nghe ngóng. Mắt quan sát dò tìm từng căn hầm, tai lắng nghe từng tiếng động. Nắng càng trưa càng nóng nực. Nắng ong ong trong đầu mỗi người. Căng thẳng không kém gì lúc ngồi hầm khi máy bay rú lên lao xuống.
Những người trong các ngôi nhà cháy trong xóm vẫn nguyên vẹn. Không ai hề hấn gì. Riêng nhà ông Dương thì không thấy bà ấy đâu cả. Ông cùng mấy người con cuống cuồng lo lắng. Mãi sau ông mới nhớ ra là sáng nay bà ấy được đội trưởng điều đi nhổ mạ ở cánh đồng Mạ. Cả nhà ông liền xô ra đó để tìm. Phương cùng mấy người dân quân cũng chạy theo.
Chẳng phải tìm lâu la gì, bà Dương nằm sõng soài ngay trên ngỡn mạ. Hai tay bà vẫn nắm chặt lấy túm mạ đang nhổ dở. Ông Dương lao đến ôm lấy bà. Người bà bê bết máu. Những viên bom bi găm khắp thân thể bà. Bà đã tắt thở tự bao giờ. Mắt bà vẫn mở trừng trừng nhìn lên bầu trời xanh bao la. Mấy người con của bà gào lên cào cấu quanh xác mẹ. Ông Thạc cũng vừa tới nơi. Mọi người xúm quanh xác bà Dương. Có người gào lên thay cho con bà. Ông Thạc vội vuốt mắt cho bà và vực ông Dương đứng dậy. Mấy người họ hàng bà Dương lại lao đến ôm xác bà mà khóc. Gái phải gỡ tay từng người an ủi họ.
Người ta xúm lại khiêng xác bà Dương về nhà. Người nọ truyền miệng người kia làm cho cả làng Ngọc Chúc nhốn nháo. Không khí tang tóc bao trùm lên cả làng. Mới đấy với đấy thôi thế mà đã âm dương cách biệt. Tiếng khóc lóc, kêu than nghe mới não nuột làm sao.
Đang rối mù với đám bà Dương thì mọi người lại nhận được tin phát hiện ra ông Tộ người làng Đám cũng đã chết ở ngay khu trường cấp hai cũ. Cánh dân quân phải nhận dạng mãi mới biết là ông Tộ. Mặt ông bê bết máu. Sáng nay ông đi chặt xoan để lấy gỗ về làm nắp hầm cho học sinh. Khi máy bay đến ông không kịp chạy thế là dính luôn loạt bom đầu.
Thân bế xác ông Tộ ra bãi cỏ. Người ông vẫn còn nóng. Mấy người lóng ngóng xúm quanh.
- Đồng chí nào lên báo cho gia đình ông ấy biết đi?
Ông Chi nâng đầu ông Tộ lên và nói với ra ngoài.
- Cậu Hải, nấy xe đạp của tôi đi ngay báo cho bà Tộ biết. Tiện thể báo cho ông Duyên, ông Khang nắm được tình hình dưới này nhé.
Hải dựng chiếc xe đạp cà tàng của ông Thạc lên và phóng vù đi.
Khoảng ba mươi phút sau người nhà ông Tộ đã đến. Họ lao qua mọi người đến bên thi thể ông Tộ. Bà Tộ ngã vật bên xác chồng bất tỉnh. Lũ con gào gọi cha nghe xé ruột, xé lòng. Anh em của ông Tộ cũng kêu than ầm ĩ. Dân làng Ngọc Chúc kéo đến ngày một đông.
 Ông Khang bí thư và ông Duyên chủ tịch cũng đã có mặt. Hai ông cùng ban chỉ huy xã đội hội ý chớp nhoáng bàn việc mai táng cho ông Tộ và bà Dương. Huân, Tiến và Hiến cũng cùng dự.
Phương án giải quyết hậu quả trận bom được thống nhất. Trước mắt là phải tập trung lo chôn cất hai người chết, đồng thời phải làm tốt công tác tư tưởng, không để một ai hoang mang, dao động. Ban quản trị hợp tác xã cùng lực lượng dân quân lo phần mai táng cho ông Tộ và bà Dương. Tổ chức chôn cất ngay hai người vào chiều tối nay không để sáng mai vào giờ cao điểm rất nguy hiểm. Cũng không được đưa đi sớm quá vào giờ máy bay nó đánh buổi chiều. Tất cả phải bình tĩnh, hết sức cảnh giác đề phòng máy bay Mỹ quay lại đột xuất. Yêu cầu bà con phân tán, ai vào việc nấy…
B dân quân của Phương nhận nhiệm vụ đi đào huyệt. Họ quên cả đói. Giữa trưa hè nóng nực, chẳng ai kịp ăn uống gì. Mọi người phơi đầu ra giữa đồng thi nhau với cái nắng tháng sáu. Lưng họ bóng nhẫy mồ hôi. Mãi đến hơn hai giờ chiều họ mới được về qua nhà. Bà Thinh ôm lấy con hỏi rối rít. Nào là lúc máy bay đến thì mày ở đâu? Nào là ngoài bà Dương, ông Tộ chết ra còn có ai bị thương gì không? Sao mà bom bi gì mà ác thế? Phương vừa ăn vừa trả lời mẹ. Cô tranh thủ và vội bát cơm rồi lại đi. Phương dặn mẹ là phải xuống hầm ngay khi máy bay nó đến. Ngày mai dứt khoát mẹ phải vào nhà bá Thi sơ tán. Dặn xong, cô quấy quả bước ra cổng.
Mãi đến chiều muộn đám tang của ông Tộ bà Dương mới được cử hành. Người ở cuối xã, người ở giữa xã, hai nhà cách nhau ba, bốn cây số cùng bị bom chết làm náo động cả xã. Mọi người đi đưa đám rất đông. Ai cũng khóc tiếc thương cho số phận rủi ro của hai người. Huân, Hiến, Tiến cũng lặng lẽ đi trong đám ma bà Dương. Phía tây mặt trời đang xuống núi hắt những tia nắng vàng vọt yếu ớt lên bầu trời màu tím ngắt trông thật ma quái. Những đụn mây đủ mọi hình thù ma quái đang lờ đờ biến dạng đổi hình để chìm vào bóng đêm. Không gian hoàng hôn lặng phắc. Cuối trời thấp thoáng một đàn chim đang chấp chới vội vã bay về tổ. Tiếng con vạc lẻ loi gọi bạn đi ăn đêm sớm xé ngang trời. Không một tí gió. Bức bối vô cùng. Tiếng trống, tiếng kèn như xoáy vào tim óc người dân Chí Đám. Thế là bọn Mỹ đã gieo rắc chết chóc lên quê hương mình rồi. Đoàn người lặng lẽ tiến ra nghĩa địa.
Đi bên Phương, ông Thạc khẽ hỏi:
- Hôm nay là ngày bao nhiêu hả Phương?
- 11 tháng 8 năm 1967 bác ạ.
Ông Thạc lẩm nhẩm nói với Phương như nói một mình:
- Phải ghi nhớ nấy ngày này. Coi như nà hai người dân của xã đã chết vì bom Mỹ. Xong đây, cô nhớ nhắc chị em dân quân tối nay tiếp tục vác đạn.
Phương lấy khăn mùi xoa chấm nước mắt khẽ gật đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét