Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 12)



12

          Đang trong khu sơ tán thì Phương nghe thấy tiếng kẻng. Theo phản xạ, cô dỏng tai nghe ngóng. Không phải kẻng của trạm gác phòng không trên đỉnh Hang Khay. Tiếng kẻng này từ làng Ngọc Chúc vọng tới. Phương chăm chú lắng nghe. Vừa dứt một hồi thì tiếng kẻng trở lên dồn dập. Báo động! Đúng là tiếng kẻng báo động rồi! “Keng… keng keng, keng… keng keng…”. Nhịp đánh ngũ liên này đích thị là báo động thật rồi! Nhưng mà báo động cái gì nhỉ? Hay là cháy nhà ai? Bà Thinh cũng nhớn nhác.
          Phương nói với mẹ:
          - Con phải về trước đây mẹ ạ. Không biết họ báo động cái gì cơ chứ?
          Bà Thinh lo lắng:
          - Con phải cẩn thận đấy.
          - Mẹ yên tâm. Không phải báo động máy bay đâu. Chắc có việc gì gấp nên xã đội người ta mới gõ kẻng đấy. Thôi, tối nay mẹ ở với bá Thi, đừng về nữa. Một mình con về cũng được.
          Phương vừa quay đầu chiếc xe đạp vừa nói với mẹ. Chiều nay, lúc ở dưới đồng lên, cô đạp vội xe vào đây để đón mẹ về nhà. Mấy ngày nay nó đánh dữ quá nên mọi người đều phải đi sơ tán. Riêng B dân quân và chi đoàn thanh niên vẫn bám làng trực chiến và sản xuất. Bà Thinh nhớ nhà quá chỉ muốn về. Bà nhắn mấy người bảo Phương vào đón bà, cho bà về nhà một đêm. Thế mà chưa kịp về đã lại báo động.
- Con Phương nó nói phải đấy. Dì đừng có về làng bây giờ, nguy hiểm lắm. Dì về chỉ vướng cẳng nó thôi. Cứ ở đây với vợ chồng tôi. Có gì nó sẽ thông tin cho sau.

Bà Thi tiếp lời Phương, gàn bà Thinh. Bà Thinh cầm cái đãy đựng quần áo, nhìn về làng Ngọc Chúc bần thần. Hoàng hôn đang sập xuống. Mặt trời đã lặn ở phía sau dãy núi Hang Khay. Phương sốt ruột:
- Thôi mẹ vào đi để con về.
- Thì mày cứ đi đi - Bà Thinh hơi cáu - Nhớ cẩn thận đấy nhé.
- Được rồi! Mẹ yên tâm.
Phương nói vậy rồi nhảy lên xe đạp phóng đi. Cô đạp hối hả. Hai chân guồng hết tốc lực. Không biết báo động gì cơ chứ? Là B trưởng, cô phải có mặt tại sân kho hợp tác trước tiên mỗi khi có báo động.
Về tới nơi, Phương đã thấy ông Thạc, ông Chi, Huân, Hiến, Tiến đang ở sân kho.
- Có việc gì thế các bác? Phương vừa thở vừa hỏi.
- Cô hỏi chú Huân thì biết - Ông Thạc úp mở.
Phương quay sang Huân:
- Có việc gì quan trọng mà báo động vậy anh?
- Một chuyến hàng đặc biệt đang lên - Huân nói với Phương - Cấp trên yêu cầu chúng ta giải phóng hàng ngay đêm nay tuyệt đối không để qua đêm, rất nguy hiểm.
- Thì đêm nào chả giải phóng hàng. Có hôm nào để hàng tồn trên xà lan đâu?
Phương thắc mắc. Huân lại gần Phương, nói nhỏ:
- Nhưng đây là loại hàng đặc biệt. Bốc dỡ từ xà lan lên rồi xếp ngay cho ôtô chở đi luôn. Hàng rất bí mật và độ nguy hiểm cao. Việc này chỉ trong mấy người chúng ta biết thôi. Lát nữa anh em tập trung, chúng ta sẽ quán triệt họ theo cách khác. Coi như việc bốc hàng bình thường như mọi hôm chỉ có điều là phải chuyển đi luôn nên mới phải báo động như thế.
- Coi như nà bí mật quân sự. Nhiệm vụ cấp trên giao chúng ta phải cố mà hoàn thành.
Ông Thạc với bộ mặt nghiêm trọng nhắc lại.
- Chả thế lại không ư!
Ông Chi cũng khẳng định.
Anh chị em dân quân đã kéo đến khá đông. Phương hô khẩu lệnh tập hợp anh em. Mọi người đều thắc mắc không biết có việc gì quan trọng mà lại báo động gấp gáp thế? Có người vẫn cởi trần trùng trục. Có đứa con gái tóc tai bù xù, ướt át dính đầy lá chanh trên đầu. Chắc cô nàng đang gội đầu hoặc đang tắm? Đến cẩn thận như cái Tịch kia cũng cài khuy áo cái nọ vào cái kia làm cho hai vạt áo xộc xệch trông rất buồn cười.
Đội hình chỉnh tề đâu đấy, ông Thạc bước lên phía trước hàng quân. Ông e hèm:
- Các đồng chí chú ý. Vừa rồi các đồng chí đã nghe tiếng kẻng báo động. Coi như nà chúng ta đã có mặt rất đông đủ và kịp thời. Thay mặt ban chỉ huy xã đội tôi xin biểu dương tinh thần của các đồng chí. Sau đây nhiệm vụ mới của chúng ta. Đêm nay chúng ta sẽ bốc hàng dưới sông nên rồi xếp ngay nên ôtô chuyển đi nuôn. Thời gian rất gấp, do đó chúng tôi phải báo động để tập hợp các đồng chí triển khai sớm. Mọi đêm chúng ta có thể thong thả nhưng đêm nay yêu cầu các đồng chí phải thật khẩn trương vì chúng ta vừa phải dỡ hàng nại vừa xếp hàng. Dỡ đầu dưới, xếp đầu trên. Ôtô hợp đồng rất khít về thời gian. Coi như nà chính xác đến từng phút đấy. Các đồng chí rõ cả chứ?
- Rõ!
Mọi người dõng dạc hô vang. Không ai hỏi thêm điều gì vì công việc này quá quen đối với họ. Vừa lúc một đoàn ô tô cài đầy lá nguỵ trang xuất hiện. Đoàn xe rẽ vào bến ông Hiếu. Huân chạy lại đoàn xe. Anh ra hiệu cho đoàn xe dừng lại chờ lực lượng dân quân của xã. Sau đó, Huân bám vào ca bin chiếc xe đi đầu dẫn đường. Ông Thạc, ông Chi cũng bám theo. Hiến, Tiến cùng B dân quân của Phương toả ra nhảy lên các xe. Mấy người chưa kịp ăn cơm tối cũng quên cả cái đói để đi vác đạn. Tiếng cười đùa vang lên. Trời đã nhá nhem tối. Mấy bụi tre ven đường vươn cành ra mắc vào tóc, vào áo mấy cô gái ngồi trên xe khiến họ kêu oai oái. Bọn con trai thấy vậy cũng ré lên cười một cách thích thú.
Ra đến bến, xe dừng lại. Mọi người nhảy xuống. Đã thấy lố nhố bao nhiêu người ở đó. Thì ra dân quân làng Đám, làng Lã Hoàng cũng được huy động. Tiếng chào hỏi nhau lao xao. Trời tối quá, chẳng nhìn rõ mặt nhau nhưng giọng nói của ai cũng rôm rả lắm. Chẳng mấy khi họ được vác đạn cùng nhau như đêm nay. Mọi tối, chỉ có một đến hai B là cùng. Luân phiên cắt lượt nhau. Thế mà đêm nay cả xã cùng nhau đi vác đạn. Chả trách ôtô về nhiều thế là phải.
Hoàn kéo Hiến, Tiến xuống bến sông. Một chiếc xà lan chất đầy hàng to lù lù đậu ngay sát bến. Anh nhìn nó kêu lên:
- Đầy hàng thế kia bốc xong thế chó nào được?
- Phải đến vài trăm tấn đấy chúng mày nhỉ?
Đã thấy tiếng con gái trên xà lan rồi. Đứa nào mà nhanh chân thế? Hoàn nghĩ bụng.
- Xong chứ lại không xong! Cả xã bốc cơ mà!
Hiến nói lại với Hoàn.
- Nhưng mà còn cả xếp lên ôtô nữa cơ? Hoàn cự nự.
- Thì vưỡn. Tôi bảo xong là xong mà - Hiến vẫn khăng khăng.
- Các đồng chí chú ý! Tiếng ông Thạc vang lên - Mỗi B một cầu hàng. Yêu cầu các đồng chí B trưởng sắp xếp quân số của mình về vị trí để tiến hành bốc dỡ. Coi như nà chúng ta phải bốc hết số hàng trên chiếc xà nan này và chuyển xong nó nên ôtô trong đêm nay. Nần nượt  B Đầu Mầu ở đầu xà nan rồi đến các B nàng Chí, nàng Đám, nàng Nã Hoàng, nàng Ngọc Chúc, cuối cùng nà nàng Phượng Hùng. B nào no B ấy. Đồng chí Chi và đồng chí Huân sẽ ở dưới xà nan kiểm tra đôn đốc các đồng chí. Tôi, đồng chí Ngân bí thư xã đoàn cùng hai đồng chí Tiến và đồng chí Hiến bộ đội sẽ no xếp hàng nên xe ôtô. Thôi, chúng ta bắt đầu tiến hành đi.
- Các đồng chí no thế còn chúng tôi đói à? Coi như nà phân biệt đối xử nhé.
Có tiếng cười khúc khích phát ra phía tiếng nói. Nại con “Xuân xóc”. Chỉ được cái nhại giọng ông tài. Ông Thạc vừa quay về phía ôtô vừa nghĩ vậy. Con Xuân bé lách chách nhưng cứ hễ gặp ông Thạc ở đâu là nó lại trêu. “Bác coi như nà” ơi, hợp tác mình trồng cây gì, nuôi con gì thì nhất hả bác? Có phải núa, nang, nạc, nợn nồng nuồn nà nãi nớn phải không bác? Thế sao chúng cháu nàm cật nực mà vẫn đói còn bác thì núc nào cũng no thế?”. Nói xong, nó ré lên cười và chạy biến vào đám đông. Ông Thạc chỉ còn biết hậm hừ ở miệng: “Con này náo quá” và cười trừ cùng Xuân. 
Các tấm ván bắc làm cầu tàu nối từ xà lan lên bờ được các B vứt xuống rình rình. Trời đã hơi sáng ra một tí vì bầu trời đầy sao. Tiếng lội nước bì bõm kê cầu, bắc ván. Tiếng kêu oai oái vì trượt chân, vì cấu véo. Bến sông mọi tối rộng như thế thế mà tối nay đâm ra lại quá chật. Mặc dù đã được ông Thạc phân chỗ bốc dỡ nhưng B nọ vẫn tranh chỗ của B kia. B nào cũng muốn chỗ thuận tiện lên bờ nhanh.
Những hòm đạn đầu tiên đã được lên vai mọi người.
- Này, hôm nay hòm đạn có vẻ nặng hơn hay sao ấy chúng mày ạ?
- Hòm lại to và dài nữa.
- Hay là bom?
- Bom gì mà bom. Mình có máy bay ném bom đâu mà có bom.
- Hòm này phải hai người khiêng. Ai đấy mó với tôi một tay nào.
- Đốt đèn lên cho nó sáng một tí. Mò mẫm khó làm quá.
- Đốt cái gì mà đốt. Muốn gọi máy bay à?
Tiếng mọi người râm ran trên xà lan. Không khí thật nhộn nhịp. Có người vác cả hòm đạn to tướng chạy băng băng. Có cặp ì ạch khiêng một chiếc hòm to dài như chiếc bàn uống nước. Có đôi dựng nghiêng một hòm đạn trên vai vác cùng. Chết cái trời nhá nhem chẳng ai nhìn rõ ai nên mỗi người vác một vai làm cho họ đi chuệnh choạng như sắp ngã. Mấy chiếc cầu tàu rung bần bật không lúc nào nghỉ. Đường lên bến chật ních người. Tiếng những bước chân nghe thình thịch vội vã. Mặt đất như rung chuyển. Mấy dòng người chuyển động từ xà lan dưới sông lên nối với mấy chiếc ôtô đang đậu rải rác trước cổng nhà bà Sự. Trong ánh đêm nhờ nhờ nhìn họ như những đàn kiến đang tha mồi về tổ.
- Các đồng chí cẩn thận nhé. Đừng để ngã mà gãy chân què tay thì khổ. Nhớ là đừng để rơi hòm nào xuống đất. Nó mà vỡ ra thì nguy hiểm lắm.
- Bom hả bố?
- Tớ cũng không biết.
- Bố cứ bí mật. Con biết thừa rồi.
- Biết rồi sao cậu còn hỏi?
Ông Chi vẫn úp mở.
- Bác Chi ơi, bác nhắc chị em hộ cháu là bốc đều hai mạn xà lan kẻo nó mà lệch chìm xà lan thì chết.
Tiến kéo áo ông Chi nói.
- Thế sao cậu không nhắc mà cứ phải tôi?
- Cháu có nhắc nhưng các cô ấy cứ trêu cháu, bực lắm bác ạ.
- Họ trêu vui ấy mà - Ông Chi động viên.
- Chúng cháu nói thật đấy. Nghiêng thế nào được xà lan. Mà có nghiêng thì cả ba anh bộ đội đứng về phía nổi là nó cân ngay ấy mà.
Lại rinh rích tiếng cười. Tiến phản lại:
- Phải sáu người mới cân được. Ba chúng tôi với ba cô nữa. Đôi nào đôi ấy dàn đều trên xà lan thì nó mới khỏi chìm.
- Thế anh nhận ai nào?
- Anh nhận em đấy.
- Thế còn em?
- Cũng nhận.
- Tham thế? Chúng mình chết chìm ở sông Lô này mất.
- Chìm anh cũng chiều.
- Tiến ơi! Đừng tin bọn họ. Lúc xà lan chìm là họ nhảy lên bờ luôn đấy.
Hoàn đang vác hòm đạn trên vai cũng chêm vào. Lũ con gái nhao nhao:
- Chưa biết ai đâu nhé.
- Em là em ôm bí thư trước tiên.
- Thôi đi các cô. Tập trung vào mà vác không lại lăn tòm xuống sông chìm thật chứ chẳng bỡn.
Phương vừa nhấc một đầu hòm đạn lên vai cho Thân vừa đôn đốc chị em làm việc.
- Á à? Sợ mất bí thư hả?
- B trưởng mình sợ bí thư chi đoàn chết chìm chúng mày ơi!
Đặt hòm đạn lên vai cho Thân xong, Phương chạy ngay đến túm tóc người vừa nói. Thì ra là cái Tịch. Tiếng cấu véo cười đùa lại vang lên. Hoàn cảm thấy lâng lâng. Hòm đạn trên vai như nhẹ đi đến một nửa.
- Thôi nào! Mấy cái cô này! Có tập trung vào làm không đấy?
Ông Chi quát lên. Tịch bám lấy áo ông:
- Bác xem, cháu mới nói có thế mà cái Phương cứ dồn cháu. Bí thư với B trưởng chèn ép anh em quá bác ạ.
- Không biết nó chèn cô hay là cô chèn nó. À mà trên Hang Khay tối nay đứa nào trực thế?
- Cái Côi với cái Đắn bác ạ.
- Liệu chúng nó có thức để canh máy bay hay lại ngủ chỏng tĩ ra, nó mà đến thì chết cả nút.
- Bác cứ yên tâm đi. Chị em chúng cháu cảnh giác lắm. Với lại ở trên đỉnh núi đèo heo hút gió thế, lợn rừng, khỉ độc xung quanh bố chúng cháu chả dám ngủ chứ tưởng.
- Được. Hôm nào tôi lên kiểm tra đột xuất khắc biết.
- Vâng, xin mời thủ trưởng.
Trên bờ, không khí chuyển đạn lên xe cũng không kém phần tất bật. Người ta giục nhau, chen nhau. Kẻ lên, người xuống. Mấy tay thanh niên trên ôtô xếp hàng không kịp văng tục loạn xạ. Huân, Hiến cùng các lái xe kiểm tra việc xếp hàng. Họ kê, đệm những hòm đạn lại cho ngay ngắn, xít chặt vào nhau. Đầy hàng nọ rồi lại xếp tiếp hàng kia, thứ tự từ trong đầu xe đến cuối xe. Những cành lá nguỵ trang vướng vào họ lằng nhằng. Xe vừa đầy hàng là nổ máy đi ngay. Chiếc khác ra, chiếc kia lại vào. Bước chân người rầm rập, tiếng máy ôtô  rú ga, quay đầu ầm ầm. Cả làng Ngọc Chúc náo động.
Hơn mười giờ đêm, xem chừng mọi người đã thấm mệt. Không thấy bóng dáng Hoàn đâu. Tiếng trêu chọc nhau vãn hẳn. Người nào người nấy lầm lì bấm chân, gồng vai để vác hàng. Đã thấy những tiếng thở mệt nhọc. Trên xà lan, hàng bốc mới được già nửa. Vừa lúc đó thì ông Thạc phát lệnh giải lao. Mọi người ùa lên bờ túm năm tụm ba ngồi nghỉ. Cánh hậu cần do chủ nhiệm các hợp tác xã đích thân chỉ huy gánh xôi và nước uống ra. Bốn nữ tướng chủ nhiệm của bốn hợp tác xã ơi ới gọi anh em đến nghỉ.
Bà Út, chủ nhiệm hợp tác xã Phượng Hùng còn cho người vác cả mấy vác mía ra phục vụ dân quân. Bà Giáp, bà Thi chủ nhiệm các hợp tác xã Hợp Công, Thống Nhất cũng mang xuống bao nhiêu là bưởi. Riêng bà Sự, chủ nhiệm hợp tác xã Tân Hoà sở tại thì luộc hẳn mấy nồi sắn non cùng với mấy xoong mật phục vụ. Đội tiếp tế toàn các bà trung tuổi tất bật chia xôi, chia sắn cùng với mía, bưởi cho anh em. Cánh nữ vừa ăn vừa trêu nhau. Mấy tay thanh niên lúc chiều chưa kịp cơm  nước gì, đói quá, đang cầm những nắm xôi to tướng ngấu nghiến ăn. Của đáng tội nếu mà ban ngày thì nhìn các tướng này buồn cười phải biết. Tiếng rước mía nghe lốp rốp. Lũ con trai ném những bã mía vào lưng các cô gái. Tiếng cười đùa lại nổi lên rôm rả.
Chợt có tiếng của Ngân, bí thư xã đoàn:
- Đề nghị các chi đoàn hát hò cho vui đi.
- Phải đấy. No rồi, ngọt giọng rồi, hát đi!
- Hát cái gì mà hát? Khuya rồi để nàng xóm người ta ngủ.
Tiếng ông Thạc cắt ngang. Mọi người đang cụt hứng thì bà Sự lên tiếng:
- Có còn ai ở làng nữa đâu mà lo họ mất ngủ. Tất cả trong nơi sơ tán, ông không nhớ à? Cứ cho chúng nó hát. Đứa nào khoẻ giọng hát hay mở màn cho bá xem nào?
- Cái Xuân.
- Cái Tịch nhé!
- Song ca nam nữ đi.
- Cái Phương với anh Huân song ca đi.
Mọi người nhao nhao sau lời của bà Sự. Hoàn đang nhồm nhoàm nhai khẩu mía nghe nhắc đến Phương giật thót mình.
- Đề nghị bí thư xã đoàn mở đài lên hát cho sướng.
- Lấy ngay thùng xe ôtô kia mà làm sân khấu.
- Phải đấy.
- Hát đi anh em ơi!
Ngân vội vã lấy chiếc đài ORIONTON đấu dây loa, treo chiếc loa lên cành si và nhảy lên thùng xe ôtô. Trên thùng xe những hòm đạn đang xếp dở cao ngất nghểu. Hai tay nâng chiếc đài, anh ghé miệng vào nó, nói to:
- A lô! Loa đài tốt rồi, xin mời các chi đoàn cử người lên tham gia văn nghệ.
Phương đang ăn dở củ sắn vội tách mọi người bước lên thùng xe:
- Tôi, chi đoàn sở tại xin mở màn.
- Hoan hô đồng chí Phương.
- Hoan hô chi đoàn đồng chí Hoàn!
- Đúng là thanh niên làng Ngọc Chúc.
Ngân trao chiếc đài cho Phương. Cô đưa hai tay đón lấy và sửa soạn tư thế để hát. Phương e hèm hắng giọng mấy lượt. Tiếng vọng của những cái e hèm đó cùng với hơi thở của Phương dội vào loa vọng vào đêm khuy nghe rõ mồn một. Hoàn đứng tim theo dõi. Đâu đó có tiếng rúc rích cười. Cánh các bà tiếp tân cũng bồn chồn háo hức nghe Phương hát. Mấy chiến sỹ dưới xà lan nói vọng lên:
- Bắt đầu đi. Sao lâu thế?
- “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…”
Mọi người đang xi xao bỗng im bặt. Tiếng hát của Phương vút lên trong không trung, tan vào đêm khuya tĩnh mịch. Ai nấy đều thả hồn mình theo câu hát. Làng quê yên ắng đến lạ lùng. Không tiếng chó sủa. Không tiếng gà gáy. Vừa mới ầm ầm tiếng xe ôtô, râm rinh tiếng nói cười đùa trêu nhau ban nãy thế mà bây giờ tất cả nhường lại cho tiếng hát của Phương. Lời hát vút lên. Chỉ còn tiếng sóng sông Lô vỗ vào bờ dào dạt làm nền cho tiếng hát của Phương. Gió khuya mát lạnh chắp cánh cho tiếng hát vang xa. Làng chài bên kia sông như cũng bồng bềnh trong câu hát. Rặng tre, khóm chuối, mấy cây đa, cây si ven sông đang mơ màng ngủ như cũng bừng tỉnh giấc rì rào nghe Phương hát.
Mấy chàng lái xe gần đo thò cổ ra khỏi ca bin để nghe. Tay lái xe của chiếc “ôtô sân khấu” nhẹ nhàng mở cửa ca bin, nhoài hẳn người ra, ngóng cổ lên ngoái lại để xem cô gái đang hát. Huân đang ngồi phải nhổm người dậy đứng lên. Anh như uống từng câu hát. “Rẽ mây cho tới trăng vàng, cho sông tới bến cho nàng về anh”… Phương nhả giọng, buông lời khúc cao trào của bài hát thành một âm thanh mỏng như tơ rung trong khuya vắng. Mọi người ai nấy đều như sởn gai ốc. Mệt nhọc đều như tiêu tan hết. Sao hôm nay Phương lại hát hay thế? Cái hôm đầu tiên về làng này sinh hoạt chi đoàn mình có thấy Phương hát đâu? Cô gái này tiềm ẩn nhiều điều lạ quá. Huân đứng như trời trồng trong đêm nghe Phương hát và nghĩ về cô.
Không chỉ có Huân như thế, cả Hoàn cũng bị mất hồn. Và rất nhiều người khác nữa. Mọi ngày Gái rất ít hát. Nếu ai không biết thì sẽ bảo cô Phương này khá khô khan. Ây vậy mà đêm nay, Phương hát hết mình. Có điều gì xao động trong tim của cô gái này chăng? Rất nhiều trai làng và cả mấy chiến sỹ nữa, đặc biệt là Huân, là Tiến, là Hiến đều hy vọng như vậy.
Phương hát xong từ lâu mà mọi người vẫn lặng đi. Mãi một lúc sau tiếng vỗ tay mới nổi lên rầm rầm. Mấy chàng quá khích hú lên đòi Phương hát lại. Bà Sự bỏm bẻm nhai trầu nói:
- Cha bố con nhà Thinh, sao nó hát hay thế.
- Làng mình mà bá. Chỉ có Ngọc Chúc mới có giọng hát này thôi bá ạ.
Hoàn xen vào.
- Thôi. Đừng có vơ vào.
Ông Chi chấn chỉnh.
- Coi như nà văn công. Con bé thế mà khá.
Ông Thạc ca ngợi.
- Tiếp đến chi đoàn khác nào? Phượng Hùng? Thống Nhất hay Hợp Công đây? Khẩn trương không Ngọc Chúc lại hát tiếp bây giờ.
Ngân giục trên loa.
- Tôi xin góp vui một bài.
- Ai đấy? Ngân hỏi.
- Tịch. Tịch Phượng Hùng đây.
- Hoan hô Phượng Hùng! Hoan hô đồng chí Tịch.
Cứ thế mọi người thay nhau hát. Hết chi đoàn nọ đến chi đoàn kia. Cả mấy tay lái xe cũng lao lên hát. Chẳng ai thấy mệt và buồn ngủ nữa.
Hàng dưới sông vẫn còn nhiều, không lẽ cắt ngang cuộc vui, mãi sau ông Thạc đề nghị:
- Chúng ta vừa vác hàng vừa văn nghệ. Đề nghị các B tiếp tục nàm việc. Đồng chí Ngân phụ trách khâu văn nghệ.
Tất cả lại vui vẻ đứng dậy. Ai vào vị trí đó. Tiếng nói cười trêu đùa lại rộn lên. Ô tô ầm ầm nổ máy. Chiếc loa trên cành si vẫn vang lên những câu hát, điệu hò giục giã mọi người làm việc.
Mãi đến hơn hai giờ sáng toàn bộ công việc mới xong. Xà lan nhổ neo xuôi dòng. Chiếc ôtô cuối cùng rời khỏi bến. Mọi người toả ra về. Lúc này họ mới cảm thấy thấm mệt. Hoàn bước thấp bước cao bám theo Gái. Tiếng chó sủa râm ran khắp làng Ngọc Chúc. Tiếng gà gáy sáng cất lên. Huân, Hiến, Tiến cùng với ông Thạc, ông Chi và Ngân về nhà bà Sự rút kinh nghiệm buổi báo động bốc dỡ hàng đầu tiên. Ai cũng phấn khởi vì đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch cấp trên giao.
Một đêm đầy ấn tượng với Huân. Còn gì vui hơn khi mình hoàn thành nhiệm vụ có bao nhiêu người cùng chung lưng gánh vác. Trong đầu anh như vẫn ngân nga tiếng hát của mọi người, trong đó có Gái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét