Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

THEO DẤU CHÂN LỤC BÁT NGUYÊN HÙNG



THEO DẤU CHÂN LỤC BÁT NGUYÊN HÙNG
(Đọc “Dấu chân lục bát” - Nxb Hội Nhà văn, 2014 của Nguyên Hùng)
                                                                          
          Tôi quen biết Nguyên Hùng trên mạng Internet qua những bài thơ trên blog cá nhân của anh. Ngày lại ngày những vần thơ ấy, bài thơ ấy đã hấp dẫn cuốn hút tôi. Thế rồi, tôi được anh tặng cho những tập thơ “Cánh buồm thao thức”, “Sóng không đến từ biển”, “Bay về phía bão” mà anh đã cho ra mắt bạn đọc trong những năm gần đây. Từ đọc thơ trên mạng đến đọc thơ trên sách, cảm hứng của tôi hình như cũng thăng hoa dào dạt hơn. Thơ Nguyên Hùng đầy sóng gió, nhiều hương vị biển, thấm đẫm tình đời.
Về sau gặp anh ngoài đời mới biết rằng anh quê Nghệ Tĩnh, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, là tiến sỹ công trình thủy chuyên về hồ chứa, đê đập, nhà máy thủy điện, công trình bảo vệ bờ biển. Anh lại là chủ nhiệm mạng xã hội vnweblogs.com. Thì ra là thế. Tôi là cư dân mạng của anh mà không biết. Thảo nào thơ về biển, về tình yêu hay thế. Mới đây, tôi lại được anh tặng tập thơ “Dấu chân lục bát” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Háo hức, tò mò, tôi lập tức theo gót nàng Thơ của anh để rồi lạc giữa rừng lục bát rợp mát ý tình, như men say, như ru ngủ và bồng bềnh miên man tự lúc nào cũng không biết. 

          Nguyên Hùng làm thơ đủ các thể loại. Niêm luật chặt chẽ như thơ đường luật, phóng túng ngổn ngang như thơ tự do, chỉn chu dịu dàng như thơ lục bát... Thể loại nào anh cũng đạt được những thành công nhất định. Đã đọc lục bát của anh nhiều trên các trang mạng, các tờ báo, tạp chí, trong các tập thơ trước của anh nhưng với 68 bài trong “Dấu chân lục bát” này tôi càng thấy rõ hơn dòng chảy thể thơ dân tộc cuồn cuộn, dạt dào trong anh.
          Ngay việc chọn số lượng bài thơ lục bát công bố trong tập thơ mới này đã thấy ngụ ý của anh rồi. 68 bài cả thảy. Lục bát đấy chứ còn đâu nữa. Khi chạm vào bài đầu tiên, tôi bị cuốn hút luôn một mạch cho đến bài cuối cùng - bài thứ 68 của tập. Đọc đi rồi đọc lại càng thấy cái hồn lục bát của anh đậm đà biết nhường nào. Dấu chân lục bát của anh chạm tới khắp mọi nẻo đường, cả không gian và thời gian, dù tên bài không nói đến thì nội dung cũng đã hiện rõ ra rồi.
          Theo không gian, nàng thơ lục bát của anh đã đưa anh đến khắp mọi vùng trên cả nước. Mở đầu tập thơ, dấu chân anh tìm về chính là quê hương anh. “Về thăm cha mẹ chiều mưa/ Con mang theo cả tuổi thơ ân tình/ Nén hương con khấn thần linh/ Cầu mong cha mẹ yên bình cõi tiên” (Về thăm cha mẹ chiều mưa). Chọn khung cảnh trời mưa, buổi chiều, để về quê thăm viếng mộ cha mẹ, rồi lại dùng thể thơ lục bát truyền thống để diễn đạt tâm trạng của mình thì quả là đắc sách. Nỗi buồn cứ nao nao, “Thương cha, nhớ mẹ...rưng rưng trời chiều”.
Xong việc tâm linh đó, Nguyên Hùng đưa độc giả “Về thăm quê biển” cùng anh. Bài thơ này đứng thứ hai trong tập. Khung cảnh vẫn là buổi chiều, sang cả đêm nữa. Cảnh cũ, bạn xưa, tri âm tri kỷ gặp lại nhau đủ thứ chuyện trên đời để đến nỗi “Hàn huyên, lách cách cốc chai/ Không hay biển gọi ban mai tới gần”.
Trở về quê hương, xuất phát của dấu chân lục bát cũng từ nơi chôn nhau cắt rốn đó. Nguyên Hùng đưa tôi “Một thoáng trên hai vùng đất” đó là đất Tổ vua Hùng và Trà Cổ (Móng Cái). Anh về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, rồi ra địa đầu Tổ quốc để rồi “Đặt chân lên dải địa đầu/ Nhìn về chót mũi Cà Mau nghẹn lời/ Rừng xanh, biển thẳm ngàn đời/ Chung tay nguyện giữ đất trời của ta”. Có vẻ hơi to tát nhưng tôi cho là cảm xúc thực của anh, rất công dân và cũng khá thơ đấy chứ.
Bước chân lục bát của anh đến Hà Nội giữa lúc thu về để “vẳng nghe sấu rụng vẫn se sắt lòng/ Nhớ ngày em nói lời “không”/ Heo may chợt nổi bão giông Bờ Hồ”. Khổ. Cái thói đa tình thường vẫn thế. Kỷ niệm ngỡ đã ngủ quên từ những năm tháng trên giảng đường đại học bỗng chốc lại ùa về khiến người thơ – kẻ đa tình ấy bỗng chóc lại rưng dưng.
Bắt đầu của tập thơ là những nơi “quan trọng” đó. Không biết chủ ý của tác giả hay người biên tập nhưng tôi thấy sự “lên đường” lục bát của anh cũng thật ý nghĩa đấy chứ. Theo bước chân người thơ, nhịp sáu tám trữ tình, Nguyên Hùng đưa tôi đến Mèo Vạc, Tam Đảo, qua Tràng An, Cửa Lò, Cửa Hội đến Đồng Lộc, Phong Nha, Đà Nẵng, Đà Lạt; rồi Cần Thơ, Cần Giờ... Anh không ngần ngại lấy lên tên địa danh nơi đặt chân đến làm tiêu đề cho bài thơ của mình. Cái tài, cái hóm của Nguyên Hùng là anh “chơi chữ” để chuyển tải tình cảm, nỗi niềm mình với nơi ấy.
Đây là nơi biên cương “Lạnh lẽo” phía bắc: “Đêm nằm heo hút xứ Mèo/ Vạc vào nỗi nhớ, niềm yêu dâng đầy”. Chữ Mèo cuối câu tám trước bắt vào chữ Vạc đầu câu sáu sau cộng với hình ảnh “heo hút”, “vạc vào nỗi nhớ” thì thật là tài tình. Rõ là Mèo Vạc mà rất mông lung. “Cao nguyên lạnh lẽo sương dầy/ Anh như hóa đá những ngày không em”. Nghệ thuật bắc cầu, ngắt câu, nhả chữ, biến danh từ thành động từ mạnh như thế này đúng là tuyệt chiêu. Bài thơ chỉ có bốn câu mà rất gợi, rất ám ảnh.
So sánh ngọn núi Tam Đảo với “cặp bồng đào” của em cũng là sự liên tưởng khá thú vị. “Núi khoe ba ngọn xanh cao/ Em che một cặp bồng đào trắng tươi” (Tam Đảo). Hay “Dang tay làm một cánh diều/ Em cười say lả mấy chiều không gian” (Tràng An).Cửa Lò càng nóng càng đông/ Về đây tránh lửa người không muốn rời” (Cửa Lò). Về đến Cửa Hội lẽ ra phải vui như hội ấy thế mà Nguyên Hùng cứ day dứt về một miền xa lắc có em. “Ngồi đây ai cũng có đôi/ Thương về phương ấy một trời một em” (Cửa Hội). Rõ khổ. Bệnh đa tình thi sĩ đi đâu cũng nhớ cũng thương, cũng hoài niệm. “Phương ấy một trời một emthì đúng là thương thật. Vậy nên Cửa Hội đông vui thế nhưng mà Nguyên Hùng có vui được đâu. Nặng lòng quá đấy thi sĩ ạ.
Tôi tiếp tục theo chân anh tới các vùng miền khác. “Qua trăm rưởi bậc đá mòn/ Tới chùa Non Nước vẫn còn muốn leo” (Đà Nẵng), “Bên hồ liễu mướt tóc xanh/ Giữa vườn cẩm tú trắng ngần nhụy em” (Đà Lạt), “Nắng rang chín đỏ tháp Chàm/ Biển buồn Ninh Chữ nhuốm lam mặt người” (Nụ cười). Câu thơ thật hình ảnh, rất gợi. Dữ dội đấy chứ. Giữa khung cảnh đối lập khắc nghiệt ấy thì “Bất ngờ gặp một nụ cười/ Chợt xanh dịu lại khoảng trời hanh khô”. Tiếp tục theo chân anh “Đi Cần Thơ thiếu Nàng Thơ/ Ban mai nhợt nhạt, thẫn thờ chiều buông” (Cần Thơ). Không biết thiếu nàng Thơ hay thiếu em. Có lẽ thiếu em đấy. Đúng là khi “cần” thì lại không có. Thế mới suốt từ ban mai tới chiều buông người thơ chỉ thẫn thờ thôi. Hay “Cùng nhau ra đảo Cần Giờ/ Vài giờ không đủ để chờ trăng lên” (Cần Giờ). Lúc này thì Nguyên Hùng lại cần giờ, tức là cần thời gian cơ. Vậy mà cũng chỉ có được vài giờ thôi thì xoay trở làm sao kịp. Một cách “chơi chữ” tinh tế đấy chứ.
Cứ mạch cảm xúc ấy, Nguyên Hùng đưa nàng thơ Lục Bát đi đến các vùng miền của đất nước, ra cả nước ngoài nữa chứ. Đọc các bài “Tết này em có lạnh không?”, “Lan man theo người xa xứ”... sẽ thấy được điều này. Dù cho trong nước hay ngoài nước thì Nguyên Hùng không mắc bệnh “vịnh thơ” như một số người thường mắc phải. Họ cứ đi đến đâu thì làm thơ đến đấy. Thơ của họ là “thơ nghĩ”. Còn thơ Nguyên Hùng là thơ cảm, là thơ viết ra khi không đừng được cảm xúc của mình. Có nơi anh phải trở lại mấy lần mới tìm được cảm hứng để ra thơ. Khi có cảm hứng rồi, anh còn tìm cách thể hiện. “Chơi chữ”, lập tứ, chọn ý, tu từ để chuyển tải cảm xúc. Bởi thế, lục bát dễ viết khó hay nhưng với Nguyên Hùng thì rất lắng đọng, hóm hỉnh và đáng yêu.
Không chỉ đặt dấu chân lục bát theo không gian, anh còn lưu dấu lục bát qua thời gian, trong những trạng huống tình cảm, những khoảnh khắc bất chợt buồn, bất chợt nhớ, chơi vơi... “Giao thừa hai đứa hai nơi/ Nhớ nhau ngửa mặt lên trời tìm nhau” (Giao thừa). Câu tám thật ám ảnh. “Từ ngày may mắn có nhau/ Nhìn đâu cũng chỉ một màu Huế thơ” (Ngực đêm). Hai bài “Em và rượu”, “Em và trăng”, mỗi bài chỉ có bốn câu thôi nhưng rất chắt lọc, rất ấn tượng. Anh so sánh giữa rượu, trăng và em. “Khác chăng rượu uống thì vơi/ Riêng em đầy mãi một trời trong ta” (Em và rượu); “Em đi hun hút lối mòn/ Không em mùa cũng héo hon đợi mùa” (Em và trăng).
Cứ mê mải trong không gian, theo thời gian ấy, nhịp sáu tám dắt Nguyên Hùng đi, “đi thêm mỗi chặng là thêm đợi chờ”. Đã bảo cái thói đa tình, bệnh ngu ngơ thi sĩ thì khổ suốt đời. Càng đi càng nhớ. Càng đi càng dằng dặc nỗi đợi chờ. Để đến bây giờ “Bạc đầu mà vẫn trắng tay/ Ta là ai của hôm nay giữa đời?” (Mong manh cánh buồm). Phải kêu lên như vậy, phải hỏi như vậy chứng tỏ trong anh rất nặng nỗi đời. Căn nguyên của sự nặng lòng này chính là “Thiếu em mọi thứ hóa thừa/ Anh thành hoang vắng bơ vơ một mình” (Vắng em). Thì giữa giao thừa vắng em, thiếu em, anh đã phải “ngửa mặt lên trời tìm nhau” đấy là gì?
Lục bát Nguyên Hùng đúng theo “lối cổ”. Anh không cố tình ngắt câu, bẻ chữ, xuống dòng mà cứ “chằn chặn” sáu tám từng cặp một. Nhịp thơ cũng đều đều nhịp chẵn, 2/4, 2/2 hoặc 4/4, rất ít gặp nhịp lẻ 3/3, vần lưng.  Lục bát Nguyên Hùng đúng như nhà văn Kao Sơn trong lời giới thiệu đầu tập sách đã viết: “Tâm trí anh không dồn cho những cách tân hình thức, không mấy dễ bị cuốn vào những câu chữ lạ, cách chọn tứ, chọn cấu trúc, hình tượng thể hiện độc đáo hay cầu kỳ mà nằm ở điều anh muốn giải bày. Cái Ý được đặt lên hàng đầu”. Đó cũng vừa là thế mạnh cũng là điểm hạn chế của Nguyên Hùng. Lục bát của anh thiếu vắng những câu “độc”, vắng những bài “đinh”. Tuy thế, anh không “trắng tay”, không “là ai” giữa cõi đời này. Anh có một gia sản thơ rất đáng trân trọng, trong đó có tập lục bát 68 bài này. Anh là thi sĩ của tình yêu, của biển và sóng đó.
Xin chúc mừng anh đã lưu dấu chân lục bát trên thi đàn. Chúc anh tiếp tục “Giọt buồn gom giấu vào tim/ Giọt đau giằng xé lắng chìm vào thơ” (Giọt đau) để cho nàng thơ thăng hoa cất cánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét