Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ


(Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh truyền hình Phú Thọ của ông
Đỗ Xuân Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ)

1. Phóng viên: Trong đời sống của con người, con gà gắn bó gần gũi như thế nào?
          Ông Đỗ Xuân Thu:
          + Về mặt tinh thần:
- Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu; nằm trong lục súc (ngựa, trâu, , chó, lợn, gà).
- Gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần).
- Tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả.
+ Về mặt vật chất: Con gà đem lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho con người, nhất là thực phẩm (trứng gà, thịt gà), dược phẩm (trứng gà dưỡng da, bồi dưỡng người ốm, cạo gió), đồ dùng hàng ngày (lông gà làm chổi, quạt, áo lông, quả cầu…), phân gà làm phân bón (cây ớt, cây thuốc lá rất ưa loại phân gà).
2. Phóng viên: Xin ông cho biết những đặc tính tốt của con gà?
Ông Đỗ Xuân Thu:
Đó là tính bầy đàn, mắn đẻ, siêng năng, chịu khó.      
3. Phóng viên: Trong quan niệm dân gian Việt Nam, con gà tượng trưng cho điều gì?
Ông Đỗ Xuân Thu:
- Cho điều tốt lành. Gà gáy sáng gọi mặt trời lên, ngày mới tới, xua đi đêm tối, trừ tà ma…
- Cho 5 đức tính tốt của người quân tử: Văn (cái mào đỏ tựa mũ cánh chuồn của quan văn, bộ lông sặc sỡ như văn công); (mỏ nhọn cong như kiếm, cựa gà bén nhọn như gươm - vũ khí để đấu chọi), Dũng (không sợ địch thủ, sẵn sàng giao chiến), Nhân (có cái ăn thì gọi nhau cùng hưởng, thường kiếm ăn bên đàn gà mái nuôi con nhỏ, có mồi thường nhường cho cả mẹ con, có chim ác rình rập nó xả thân bảo vệ), Tín (gáy sáng đúng giờ, không ngày nào quên).


4. Phóng viên: Vì sao con gà thường được dùng trong lễ cúng tế ở Việt Nam?
Ông Đỗ Xuân Thu: Nó có 5 lý do sau đây:
- Thứ nhất: gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết (tục xem chân gà, cắt tiết gà rồi bỏ ra xem đầu nó về hướng nào để biết tốt xấu… Đầu năm, một số dân tộc như Mông, Tày… thường đặt gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy thất hay phát. Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ ma nhà hoặc buồng chủ nhà thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại, nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải...).
- Thứ hai: con gà như biểu tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần dần trở thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về.
- Thứ ba: gà trống từ trước đến nay là biểu tượng của sự cao quý, gà trống gáy sáng gọi mặt trời dậy; có 5 đức tính quý và đẹp (Văn, Võ, Dũng, Tín, Nhân) của người quân tử hơn hẳn các con vật khác .
- Thứ tư: Trong phong thủy, tượng gà trống thường được dùng làm biểu tượng cho sự giải trừ các thế sát của ngôi nhà hoặc giải trừ đào hoa sát, tránh bị những kẻ tiểu nhân nói xấu sau lưng, mang đến sự may mắn và hạnh phúc cho chủ nhân.
 - Thứ năm: đó là ý nghĩa thực tế. Con gà nó vừa đủ lượng cho việc biện lễ “ván xôi con gà”, làm một mâm cúng cho một cái giỗ nho nhỏ, hay ngày rằm, mùng một, cầu xin một việc trọng đại nào đó… dâng cúng thần linh, trời đất... Không dưng ai làm giỗ, lễ bằng việc mổ trâu, mổ ngựa hoặc lợn một cách thường xuyên, càng không ai cũng giỗ bằng thịt chó, thịt dê. Gà lại sinh sản nhanh, sống bầy đàn rất tiện cho việc làm thịt phục vụ những công việc này. Mặt khác, các con vật khác không đủ 5 tính quân tử như tôi đã nói ở trên.
Chú ý: Gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng… và quan trọng là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết) thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
5.     Phóng viên: Chúng ta tiếp tục trò chuyện về hình ảnh con gà trong Văn học nghệ thuật. Xin ông giải thích ý nghĩa của một số câu tục ngữ, thành ngữ.
Ông Đỗ Xuân Thu:
+ Về thời tiết:
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa: kinh nghiệm về thời tiết.
Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa: Dựa vào màu mây đoán mưa gió.
Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống: Chỉ hiện tượng có bão.
+ Món ngon:
Chó già, gà non: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm.
Vịt già, gà tơ:  vịt già còn ăn được, chứ thịt gà già vừa dai vừa dở.
Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm - Cau hoa gà giò - Gà lấm lưng chó sưng đồ - Ếch tháng ba gà tháng bảy.
Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ: Những thứ người ta ưa chuộng vì ngon vì đẹp.
Cơm gà, cá gỏi: Khen bữa ăn ngon và sang trọng.
Đầu gà, má lợn - Nhất phao câu, nhì đầu cánh… Miếng ăn ngon.
+ Mua bán:
Tiền trao ra, gà bắt lấy: Sòng phẳng.
Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa: Mùa gió gà hay toi, trời mưa chó xấu mã. Bán như thế thì bất lợi.
Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy: Chọn giống gà hay mua gà thịt.
Con gà tốt mã vì lông: Người ta dễ bị thu hút bởi cái vẻ bên ngoài.
+ Chê bai:
Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm: không có người chỉ huy, làm bậy.
Lép bép như gà mổ tép: Chê người ngồi lê mách lẻo.
Lờ đờ như gà ban hôm: Quáng gà, chậm chạp, không hoạt bát.
Lúng túng như gà mắc tóc: Chê người thiếu bình tĩnh, bối rối.
Đá gà, đá vịt - Đầu gà, đít vịt: Làm ăn qua loa, không thống nhất.
Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng: Cậy thế bắt nạt người khác.
Gà què ăn quẩn cối xay: Chê những người không có ý chí.
Một tiền gà, ba tiền thóc: lợi thu về không bằng công sức bỏ ra.
Tiếc con gà quạ tha: Chê người tiếc cái không đáng tiếc.
Trấu trong nhà để gà ai bới: Việc nhà lại để cho người can thiệp.
Trói gà không chặt: hèn yếu, không làm được việc gì nên thân.
Học như gà đá vách: Chê những người học kém.
Gà nhà lại bới bếp nhà: Chê cùng phe cánh lại phá hoại lẫn nhau.
Nhìn gà hoá cuốc: không nhìn rõ sự thật, lẫn lộn phải trái.
Thóc đâu mà đãi gà rừng: Chỉ hành vi lãng phí hoặc quá tiết kiệm.
Mèo gả, gà đồng: Chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy.
Phù thuỷ đền gà: Làm không nên phải đền lại phí tổn cho người ta.
Quạ theo gà con: Nói kẻ xấu rình cơ hội để hại người.
Gà mái gáy gở (không biết gáy): Chê phụ nữ can dự việc đàn ông.
Ngẩn ngơ như chú bán gà, tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng: Chê người đần độn, không biết tính toán.
 + Khuyên:
Đầu gà còn hơn đuôi phượng hay Đầu gà còn hơn đuôi trâu:  Đứng đầu một nơi còn hơn làm tớ kẻ khác.
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau: đoàn kết, gắn bó với nhau.
Hóc xương gà, sa cành khế: Chỉ những điều nguy hiểm cần tránh.
Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt: sự hiếu khách của chủ nhà.
6.     Phóng viên: Những đặc tính của con gà đã đi vào trong thành ngữ, tục ngữ dân gian như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Thu: Đó là một số đặc tính nổi bật sau:
- Cạnh tranh, thi đua: “Con gà tức nhau tiếng gáy”,  “Gà đẻ gà cục tác”, “Thấy gà người ta gáy gà mình cũng đập cánh”, “Thấy gà người ta rác, gà mình cũng nhảy ổ”.
- Sinh sản duy trì nòi giống: “Gà đẻ trứng vàng”, “Trứng gà, trứng vịt”, “Te tái như gà mái nhảy ổ”.
- Bầy đàn: “Gà con ấp mẹ”, “Nháo nhác như gà lạc mẹ”, “Chó cùng nhà, gà cùng chuống”, “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”…
- Niềm tin: “Còn gà trống, gà mái, thì còn gà giò”.
Vân vân và vân vân…
7.     Phóng viên: Vì sao xưa kia hay treo tranh gà trong nhà?
Ông Đỗ Xuân Thu:
Do việc gáy báo sáng, xua tan đêm tối nên người ta xác tín rằng gà có công năng xua đuổi ma quỷ - những loại lấy đêm làm ngày. Do vậy, tranh gà được coi là một thứ bùa treo trước nhà để trừ tà.
Việc dùng tranh gà vào dịp tết, ngoài ý nghĩa cầu mong điều tốt (cát, đại cát) cũng được bắt nguồn từ một quan niệm truyền thống xác tín rằng ngày mồng một là ngày sinh ra gà (hai - chó, ba - lợn, bốn - dê, năm - trâu, sáu - ngựa, bảy - người, tám - lúa, chín - trời, mười - đất) nên đầu năm, Tết treo tranh gà.
Gà" chữ hán đọc là "Kê", đồng âm với “cát" (điều tốt, đối với hung). Do đó "gà" biểu trưng cho điều tốt. "Gà gáy" chữ Hán là "kê minh" "minh" (gáy) đồng âm với "minh" (sáng rõ). Do đó, hình ảnh gà gáy biểu trưng cho sự "minh danh", sự nổi tiếng.
8. Phóng viên: Tranh vẽ con gà trong tranh dân gian Đông Hồ có những ý nghĩa gì?
Ông Đỗ Xuân Thu: Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình Unesco đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Tranh Đông Hồ có nhiều lắm, tôi chỉ xin kể ra mấy bức tiẻu biểu sau:
Vinh hoa: Em bé trai ôm gà tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử như nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn. Cái khỏe cái mạnh của bé trai trong tranh không chỉ được diễn tả ở da thịt nở nang, hồng hào mà còn ở cách ôm gà của em bé. Một tay đè chặt con gà vai nổi cao, cánh tay đưa thẳng xuống, một tay giữ cái ức con vật kéo lại. Mình bé hơi vặn theo chiều của con gà đang cố trườn lên phía trước, như đang cố tung cánh thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên trời… song dường như gà hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự điềm tĩnh của em bé. Sự vùng vẫy của gà đối lập với sự yên vui, hồ hởi tiềm tàng ở em bé tạo nên một nội dung mang ý nghĩa tâm lý, có kịch tính.
Mẹ con đàn gà: Con gà mái lớn đang ngậm con ong chăm chút các con. Mười chú gà con vây quanh gà mẹ: con đang đùa chạy, con rỉa lông, con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, như dường như tất cả đều đang hướng về phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ dang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự dành mồi của các chú gà con, sắp bổ nhào tới. Bố cục tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu. Sự sắp xếp chỗ đứng của từng con gà rất được chú ý, khiến người xem thấy được ngay cái rộn ràng, vui vẻ của đàn gà. Tông màu nóng (đỏ và vàng) làm cho đàn gà sáng bừng trong màu nắng. Ý nghĩa: chúc tụng, cầu may cho gia đình sum họp, bình an vô sự, con cháu đề huề, chúc cho vợ chồng mới cưới sớm có con cái. Gà cùng một mẹ mang triết lý của một dân tộc yêu chuộng phúc đức, hòa bình.
Giáo tử thành danh: Hình ảnh gà trống cất cao cổ gáy, xung quanh là 5 con gà con, ngụ ý gà trống đang dạy con. Ngoài ra, còn có những tên gọi khác như: “ngũ tử đăng khoa”, “giáo tử thành long”, “vọng tử thành long”, “nhất phẩm đương triều”…
Nhà thơ Hoàng Cầm trong bài “Bên kia sông Đuống” có đoạn viết: “Quê hương ta/ lúa nếp thơm đồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong /Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”.
9. Phóng viên: Khi vẽ tranh gà người ta vẽ kèm hoa cúc, vịt thì hoa sen (cúc kê, liên áp), vì sao?
Ông Đỗ Xuân Thu:
Có người giải thích: gà là giống vật sống trên cạn thường kiếm ăn quanh bụi cúc trong vườn nhà, còn vịt là loài sống nửa cạn nửa nước, thích ăn ở hồ sen trước ngõ. Người thực tế hơn lại bảo: thịt gà nhồi hoa cúc, thịt vịt ướp hạt sen ngon và bổ vào loại nhất.
10. Phóng viên: Trong 12 con giáp thì con gà có vị trí thế nào?
Ông Đỗ Xuân Thu:
Đứng thứ 10, có tên là Dậu: Tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi.
Năm Dậu tượng trưng cho một giai đoạn hoạt động lao động cần cù siêng năng vì gà phải bận rộn từ sáng đến tối. Cái mào của nó là một dấu hiệu của sự cực kỳ thông minh và một trí tuệ bác học.
11. Phóng viên: Năm Dậu có phải là năm tốt không?
Ông Đỗ Xuân Thu: Tùy quan niệm mỗi người. Có thể tốt với người này lại chưa tốt với người kia.
12. Phóng viên: Cuộc đời và tính cách của những người tuổi Dậu có gì đặc biệt:
Ông Đỗ Xuân Thu: Người sinh vào năm Dậu được xem là người có tư duy sâu sắc. Đồng thời, gà được coi là sự bảo vệ chống lại lửa, thường kiếm sống nhờ kinh doanh nhỏ, làm ăn cần cù như "một chú gà bới đất tìm sâu". Và có khuynh hướng bảo thủ, mặc dù bề ngoài họ luôn thể hiện sự xông xáo, linh hoạt và tự tin. Tuy nhiên, họ thuộc loại người làm việc chăm chỉ và có tính quyết đoán. Người sinh tuổi này được chia ra làm 2 dạng: dạng thứ nhất gồm những người rất ít nói và dạng thứ hai dành cho những người rất thích giao thiệp. Nhưng nói chung, họ đều là những người thích được người khác chú ý nhưng lại không quan tâm nhiều đến tình cảm của người khác.
13. Phóng viên: Ý nghĩa của năm Đinh Dậu trong hoa giáp 60 năm là một năm như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Thu: Nó được kết hợp từ thiên can Đinh (Hỏa âm) và địa chi Dậu (). Lục thập hoa giáp là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60. Giờ Dậu kéo dài từ 17-19 giờ là giờ gà lên chuồng, giờ mở đầu cho buổi tối, con người ăn tối và nghỉ ngơi. Tháng Dậu là tháng Tám, giữa mùa thu, thời tiết đẹp và dễ chịu nhất, nhiều loài cây cối bắt đầu cho thu hoạch quả, hạt.
2017 biểu tượng cho may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc. Ta hãy nhớ lại những sự kiện lớn tron năm 1957: Đó là: Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên; Hội nghị 65 Đảng Cộng sản và công nhân thế giới; Thành lập Hội Nhà văn Việt Nam; xuất bản tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tiên và… đó cũng là năm tôi có diễm phúc được sinh ra. Còn bước vào năm Đinh Dậu 2017 này chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với nhiều triển vọng mới, bước vào năm thứ 31 tiến hành sự nghiệp đổi mới được Đảng ta khởi xướng năm 1986. Chắc chắn sẽ có nhiều sự kiện mới.
14. Phóng viên: Thông thường người ta quan niệm năm tuổi thường gặp điều không may mắn cho lắm, ông có e ngại về điều này không?
Ông Đỗ Xuân Thu: Không. Với tôi không nghĩ vậy.
15. Phóng viên: Vậy, theo ông năm Đinh Dậu này chúng ta nên bắt đầu làm gì?
Ông Đỗ Xuân Thu: Nên bắt đầu bằng xác định niềm tin yêu đối với cuộc đời, chữ Tín đối với nghề nghiệp và đối với nhau, lạc quan trong cuộc sống. Trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, niềm tin quan trọng lắm. Chữ Tín phải đặt lên hàng đầu. Không có niềm tin không làm được gì đâu. Như con gà đó. Trọng chữ Tín lắm. Gáy phải đúng giờ, bất kể gió mưa, giá rét, bão giông. Muốn có chữ Tín thì phải chứng minh bằng việc làm. Với tôi sẽ viết, sẽ sáng tác những tác phẩm mình tâm đắc phục vụ bạn đọc và công tác tuyên truyền của Đảng.
16. Phóng viên: Đầu năm mới, ông có lời chúc gì đến quý vị khán giả của đài Phát thanh truyền hình Phú Thọ?
Ông Đỗ Xuân Thu: Vâng, nhân dịp đầu xuân năm mới con Gà, qua chương trình này tôi xin gửi tới toàn thể quý vị khán giả đài PTTH Phú Thọ lời chúc mừng năm mới. Chúc tất cả quý vị: “Năm mới Đinh Dậu/ Gà đẻ trứng vàng/ Gáy vang rộn rã/ Công danh của nả/ thăng tiến đủ đầy/ Cơm gà, cá gỏi/ Đàn giỏi, hát hay/ Đời vui như Tết”. Cũng xin kính chúc nhà Đài/ Tiếng hay, hình đẹp, trong ngoài đều mê. Xin trân trọng cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét