Hồi còn đang đi học, và công tác
ở xã, tôi đã đọc, đã mê thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh rồi. Những bài thơ tình
của anh, tôi và một số bạn bè học sinh thanh niên đã chuyền tay nhau chép.
Choáng ngợp bởi khí phách của “Chào Đất Nước”, tự hào bởi những bài thơ về Đền
Hùng, về Đất Tổ; say sưa với những bài thơ tình của anh. Và chính điều này đã
dẫn dụ tôi chập chững bước vào con đường thi ca theo anh. Tập thơ “Hương bưởi”
đầu tay và hai tập thơ “Trung du”, “Đất nhớ” tiếp theo của tôi ra đời có công
lớn của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức. Nhà viết kịch
Trịnh Hoài Đức động viên, khích lệ tôi tập hợp các bài thơ đã viết để “ra tập”,
để “làm chứng minh thư giới thiệu vào Hội”. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh hồi đó là
Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phú là người biên tập, chỉnh sửa và giúp tôi ra sách.
Chính hai ông cùng với họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ sau này
đã “dẫn lối”, “đưa đường” để tôi “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ cả dòng sông”, bỏ đường
quan trường để đi làm văn nghệ. Từ Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy, Trưởng Phòng
Văn hóa Thông tin huyện, tôi “một nước” về Hội VHNT tỉnh giữ chân Phó Tổng biên
tập tạp chí Văn nghệ Đất Tổ để được làm việc với nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức
và họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng. Lúc này, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã nghỉ hưu.
Môi
trường công tác mới, vị trí mới, tôi được tiếp xúc, làm việc với các văn nghệ
sĩ. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh tuy nghỉ hưu vẫn tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ tôi
nhiều mặt, trong đó có thi ca. Sự khâm phục, mê hoặc thơ Nguyễn Đình Ảnh xưa
được dịp cho tôi trải nghiệm, thấm nhuần, học tập và tiếp thêm nguồn cảm hứng
thẩm định và sáng tạo.
Hồi
trước, tôi đã chép tay và thuộc bài thơ “Ngày ấy bây giờ” thì đúng bây giờ tôi
được gặp và làm việc cùng tác giả. Tiếp xúc trực tiếp mới thấy Nguyễn Đình Ảnh
hiền khô, chín chắn, cẩn trọng nhất là trong từng từ ngữ, dấu câu. Tuần vài lần
anh lọ mọ đến cơ quan cũ. Dáng anh gầy, đôi mắt tinh anh, bộ lông mày rậm, cái
mũ phớt, hút thuốc lào và giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường trong các cuộc vui,
đông người thì tôi chẳng thể nào quên được.
Dạo
đi học, biết nhà thơ là chiến sĩ pháo binh, có nhiều bài thơ tình về người giáo
viên, tôi cứ liên tưởng với ca khúc “Hành khúc ngày và đêm” để rồi mỗi khi đọc
thơ anh, tôi lại lẩm nhẩm hát bài này. “Rất dài và rất xa, là những ngày thương
nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa, là trái tim thương yêu, là trai tim yêu thương...”.
Những bài thơ tình của Nguyễn Đình Ảnh chẳng biết viết cho người con gái nào
cũng chứa chất nỗi niềm như thế. Đến đoạn:
“Anh đang mùa hành quân pháo lăn
dài chiến dịch
Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran.
Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ.
Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào.
Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ,
Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu.
Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ,
Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ…”
Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran.
Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ.
Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào.
Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ,
Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu.
Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ,
Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ…”
Và khi biết
người yêu của anh là chị Lan Thanh - giáo viên thì đích thị mối tình này cũng
nằm trong ca khúc ấy. Về sau, được anh tặng cho một số tập thơ, tôi kiểm chứng
lại những bài thơ tôi thường chép thì đúng là những bài thơ anh ghi tặng chị
Lan Thanh và đúng như trong bài hát trên.
Nguyễn
Đình Ảnh làm khá nhiều thơ tình, nhất là những bài thơ tình dành riêng tặng cho
chị Lan Thanh. Đọc những bài thơ ấy, tôi như thấy mình cũng có trong đó và cũng
thầm ước được như anh. Thơ anh hình như cũng nói hộ lòng tôi vậy. Cái thuở
đương yêu, tuy người yêu mình không phải là giáo viên mà sao tôi vẫn cứ thấy
đồng cảm với nhà thơ. Chả thế mà mấy lần tôi đã mượn thơ anh, chép trộm để tặng
bạn gái mới liều chứ. Hôm nay, trước vong linh anh, một lần nữa xin thú tội này
cùng nhà thơ và xin điểm qua những cảm nhận của mình về một số bài thơ anh đã
viết tặng chị Lan Thanh.
Khi
yêu nhau, ai cũng muốn gặp người yêu, muốn ở bên người yêu, nhất là đôi lứa ấy
lại ở xa nhau. Hò hẹn, chờ đợi, ngóng trông và chỉ mong có thời gian lúc nào là
lặn lội tìm nhau, là lao đến bên nhau và muốn ở mãi cùng nhau. Ai qua thời
chiến chan, có người yêu ở xa mới hiểu, cảm thông và quý cho những giây phút
này. Thì đây, Nguyễn Đình Ảnh lên thăm người yêu là chị Lan Thanh đang học ở
trên Thái Nguyên, họ đã gặp nhau và gặp cả cơn mưa đột ngột. Phố ướt, đường
ướt, ấy vậy mà anh đã:
“Tay cầm mãi một que kem
Không ăn, chỉ muốn nhìn em thôi mà
Giọt kem rơi lạnh trên da
Sao lòng lại ấm như là lửa nhen”
(Đêm Thái nguyên)
Phải
chăng, nhờ Tình yêu mà có những điều tưởng như nghịch lý lại có lý đến vậy? Que
kem lạnh - lòng người ấm, không ăn - chỉ nhìn. Khổ thơ này cứ ám ảnh tôi mãi.
Đợi
chờ hò hẹn khi yêu nhau là một nỗi đợi chờ khắc khoải, “một ngày bằng mấy trăm
năm hỡi người”. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh trong một lần của năm 1971 đợi chị Lan
Thanh cũng thế. “Có tàu - lại chẳng thấy
em/ Ra về, đã quá nửa đêm mất rồi” để anh phải thốt lên, kêu lên một cặp
sáu tám kết bài “Đợi…” thật nhoi nhói:
“Vẫn con đường nhựa ấy thôi
Sương rơi…buốt cả triền đồi…và anh”
“Buốt cả triền đồi” vì em không đến, vì
nỗi đợi chờ thì thật quả là xa xót. Đọc mà thương. Thế mới biết anh yêu chị ấy
tới nhường nào.
Năm
1972, anh lại lên thăm chị ở Phú Lương, có lẽ không gặp nên mới có những câu
thơ như thế này:
“Vắng bóng em, lùm cọ hóa âm thầm
Em tới lớp, ríu
rít sau vòm lá
Rừng xanh nõn,
có cái gì trẻ quá
Muốn reo lên mà
chẳng nói lên lời
Anh đi qua, giờ
học đã xong rồi
Anh tìm mãi chỗ
em ngồi, chẳng thấy
Những chiếc lá
gió thổi rơi trên mái
Nghe xa vời mà
thương thế em ơi!”
(Tạm
biệt miền rừng)
Khi
chia tay chị Lan Thanh một trưa hè bên sông, đò đưa anh sang rồi mà lòng anh cứ
mãi ngóng trông trở về tìm chị. Khi ấy, chị đã:
“Lẫn vào màu cỏ ven đê
Áo em xanh suốt trưa hè bên sông…”
Phải
yêu nhau lắm thì mới có cái nhìn như thế. Lại những hình ảnh đối lập: trưa hè
nắng chang chang và cỏ xanh và áo xanh của người yêu. Nắng nóng như thế, vậy mà
với người yêu và màu xanh ấy nhà thơ vẫn cảm thấy dịu dàng thanh mát lạ. Xanh
cả không gian (bên sông), xanh cả thời gian (suốt trưa hè), xanh như chính tên
người yêu Lan Thanh nữa thì phải?
Thời
chiến tranh, những cuộc chia tay trên sân ga đã để lại bao lưu luyến, trở thành
thơ, thành nhạc, thành nỗi niềm khắc khoải cho nhau. Nguyễn Đình Ảnh và Lan
Thanh cũng thế. Có khá nhiều bài thơ nhà thơ viết trong bối cảnh này. Và đây là
một trong số những bài thơ đó của anh - bài “Tâm tình sau lúc em đi”.
“ Có những sân ga đem niềm vui đi xa
Có những sân ga
mang nỗi buồn trở lại
Đưa em đi buổi
trưa hôm ấy
Anh trở về -
lòng bâng khuâng khôn nguôi…”
“Chuyến tàu
trưa đưa em về đâu?
Giờ, em đang ở
nơi nào đấy?
Buổi trưa ấy -
anh còn nhớ mãi
Một vết sẹo mờ
trên ngón tay”
Rõ
ràng biết người yêu đi đâu rồi mà vẫn cứ hỏi con tàu, vẫn cứ muốn biết hiện ở
em đang ở đâu. Đúng là chưa xa mà đã nhớ. Nhớ đến như thế cơ mà. Nhớ cả vết sẹo
mờ trên ngón tay thì nhớ lắm chị Thanh ạ. Chả thế mà, anh ấy đã bần thần, đã
thảng thốt viết toạc ra rằng: “Bây giờ,
anh chỉ còn em thôi/ Là tất cả buồn vui - là duy nhất”.
Bài
thơ “Buổi tối ở Đại Từ” anh viết năm 1970 cho chị Lan Thanh cũng khá ám ảnh.
Khung cảnh là một buổi tối anh đến thăm chị “Nột chiếc bàn gỗ mộc/ đĩa dưa và căn phòng/ giưa rừng đêm âm thầm/ niềm
vui thành bát ngát/ Những giọt mưa nhảy nhót/ đùa nhau trên mái nhà/ một chiếc
kim đồng hồ/ tự nhiên rơi xuống đất”. Lại mưa. Đúng là trời se duyên cho
hai người nên mới thế. Mưa cũng nhảy nhót vui mừng khi hai người gặp nhau. Để
rồi cái kim đồng hồ tự nhiên rơi, miếng dưa người yêu trao, cái nhìn nhìn bỡ
ngỡ, cả ánh đèn dầu nữa… đã trở thành kỷ niệm, trở thành thơ trong anh. Khổ kết
thật hay:
“Ánh đèn dầu buổi đó
Soi rõ những ngày sau
Không riêng gì anh đâu
Mà cả anh nữa đấy
Chao ôi! Cái buổi tối…”
Lại
có một lần chị Lan Thanh từ Thái Nguyên về Phù Lỗ đột ngột, khiên anh Nguyễn
Đình Ảnh không ngờ tới bởi vì hai người ở xa nhau. Chiều đó “Giếng thì xa mà dốc lại cao/ lối qua đồi cọ
nhiều sỏi đá/ thương từ Thái Nguyên đi, đường vất vả/ anh xách thùng lên cho
em, cho em…”, “bao nhiêu thùng rồi, anh không nhớ nữa/ em gội vào vai có thấm
đâu”. Thật đẹp những hình ảnh đó. Tình tứ lắm, thơ mộng lắm. Xách nước cho
người yêu tắm gội trong rừng cọ với nắng gió trung du thì còn gì thơ mộng bằng.
Để rồi:
“Em choàng ngoài chiếc áo nhung đen
Bên trong, chiếc áo chui màu đỏ
Đêm ấm áp, hoa hải đường tở mở
Hương thơm ngập cả căn phòng
Lá long não rơi trên cầu thang
Sao em ra ngoài hành lang, đứng, khóc?
Ôi, cái gác hai nửa khô nửa dột
Em còn nhớ không?”
Sao
lại không nhớ cơ chứ? Chiều thì tắm gội cho nhau. Tối thì “hoa hải đường tở mở”, “lá long não rơi”, “hương thơm ngập cả căn phòng”,
còn người ta thì nhớ cả áo ngoài, áo trong màu sắc gì của mình bảo sao lại
không nhớ? Câu “Sao em ra ngoài hành
lang, đứng, khóc?” anh dùng tới hai dấu phảy trong câu để tách ra vị trí,
động thái của chị Lan Thanh chắc phải ẩn ý lắm. Thơ Nguyễn Đình Ảnh hình ảnh
thì cứ tự nhiên, câu chữ thì lại chọn lọc, cân nhắc từng chỗ đặt dấu chấm, dấu
phảy. Phải vì thế không mà sâu lắng đến vậy?
Hầu
hết những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh viết tặng chị Lan Thanh đều vào
những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Có lẽ khi đó là anh chị đang
thời kỳ yêu nhau. Hình như Thái Nguyên là nới nảy sinh và nuôi dưỡng tình yêu
hai người. Chị giáo sinh, anh chiến sĩ pháo binh đúng cảnh trong bài hát “Hành
khúc ngày và đêm”.
Năm
1994, khi đã là vợ chồng và anh chị đã có con, thơ tình của anh về chị vẫn khắc
khoải, vẫn đắm đuối yêu thương, đã phản ánh hơi thở cuộc sống, với những chiêm
nghiệm, triết lý nhân sinh. Bài “Tâm sự với em về hạnh phúc” có những đoạn như
thế này:
“Bữa cơm thường ngày, cá thịt ít hơn rau
Ta biết nhường cho nhau những miếng nào ngon nhất
Em tất tưởi vừa nuôi con vừa học
Mấy năm ở phố, ở rừng
Chiều quê hương, gà rúc rích lên chuồng
Em cặm cụi ngồi thổi cơm dưới bếp
Mưa. Khói ẩm, không thể bay lên được
Quấn quanh anh làm mắt cứ cay xè
Những hạt lạc đỏ và tròn xoe
Cứ thơm dần lên khi nồi rang bén lửa
Anh bế con ngồi bên bậc cửa
Nhìn em, nhìn mãi, thế thôi
Hạnh phúc quý giá của con người
Hóa ra lại là đơn giản thế
Tiếng gà gọi nhau và tiếng trẻ
Hơi mưa, mùi khói, căn nhà…”
Quan
niệm hạnh phúc, tình yêu từ những điều cụ thể, tưởng như giản đơn mà ý nghĩa
quá chừng. Khung cảnh chiều quê, bữa cơm thường ngày, hạt lạc rang cháy thơm,
tiếng gà gọi nhau, tiếng trẻ, hơi mưa, mùi khói, căn nhà…Chỉ thế thôi cũng đã
là hạnh phúc. Bình dị, yên ả biết chừng nào.
Còn
rất nhiều bài thơ tình nữa của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh viết tặng chị Lan Thanh
trong các tập thơ, trên các báo chí tôi không thể điểm hết được. Trên đây, tôi
chỉ điểm qua một số bài trong các bài thơ anh ghi tặng chị, những bài thơ này
đã ám ảnh tôi và tôi rất tâm đắc. Có nhiều bài tôi đã thuộc nằm lòng. Những bài
thơ tuy anh không ghi tặng chị Lan Thanh nhưng tôi đọc cũng thấy thấp thoáng
bóng chị rồi. Hình như hình ảnh người yêu, người vợ Lan Thanh của anh đã ngự
trị, đã chiếm trọn trái tim anh, đã dâng trào cảm hứng trong thơ anh. Chị Lan Thanh
- nàng Thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh. Thật hạnh phúc biết bao khi có người
yêu, người chồng như thế.
Nhà
thơ Nguyễn Đình Ảnh đã ra đi. Một nửa của chị Lan Thanh đã về cõi vĩnh hằng.
Nhưng tình yêu và thi ca anh dành cho chị, cho chúng ta thì vẫn còn mãi mãi.
Nối tiếp mạch nguồn ấy, nửa còn lại của anh - chị Lan Thanh lại tiếp tục cùng
nàng Thơ đốt cháy lên ngọn lửa Tình yêu hai người từ ngày ấy. Và chị, thật xứng
đáng với Tình yêu, với thi ca mà anh đã dành cho chị để mê mải làm thơ, để đằm
mình trong thơ, để trở thành nhà thơ như anh. Lãng mạn lắm, hạnh phúc lắm khi
cả vợ và chồng đều là thi sĩ, đều thắp sáng, đốt cháy lên ngọn lửa Tình yêu -
ngọn lửa vĩnh hằng của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét