Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

“NÉT XƯA” - NHỮNG VẦN THƠ TRI ÂN QUÁ KHỨ, QUÊ HƯƠNG

       “Nét xưa” là tập thơ thứ hai của tác giả thơ Nguyễn Thị Va vừa được Nhà xuất bản Lao động ấn hành quý IV năm 2016. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tâm hồn thi sĩ của chị vẫn thăng hoa, tỏa sáng qua 45 thi phẩm trong tập sách này, vẫn nối tiếp mạch nguồn thơ trong trẻo của “Tâm sự tuổi vàng” ở tập thơ trước. Người thơ trong chị vẫn nồng nàn da diết đáng yêu biết nhường nào. Tâm hồn nhạy cảm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của chị thật trân trọng đáng quý.
          Mạch nguồn chủ đạo trong “Nét xưa” là những hoài niệm, nhung nhớ của tác giả về ngày xưa, về một thời quá vãng đúng như tên gọi của tập sách. Nhớ những dấu ấn thời gian đầy kỷ niệm của tác giả. Nhớ những địa danh, vùng đất tác giả đã đi qua. Nhớ những con người yêu thương tác giả đã gặp. Nguyễn Thị Va nhớ không chỉ để mà nhớ mà nhớ là để tri ân, để sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện mình hơn, vươn lên, hướng tới chân, thiện, mỹ trong cuộc sống con người.

          Có tới hơn nửa số bài trong tập thơ viết về những điại danh của những chuyến đi. Hình như, tác giả đi tới đâu đều để hồn mình lại bằng những bài thơ, câu thơ đầy suy tư, nhung nhớ. Từ đêm Đà Nẵng “lung linh điện sáng cầu quay đổi màu” đến hang Pác Bó “Suối Lê nin, núi Mác còn đây/ Non xanh, nước biếc mây bay trắng mờ”. Từ “Sơn Trà bãi Bụt sáng nay/ Biển trời Đà Nẵng mây bay là là” đến thành cổ Quảng Trị “Tượng đài liệt sĩ lưu danh/ Các anh vinh dự, xuân xanh đời đời”. Tù đỉnh Phan-xi-păng đến vịnh Hạ Long. Rồi vào chùa, ra bến sông… Đến đâu tâm hồn nhạy cảm thi sĩ của chị cũng rung lên thành điệu, thành vần.
 Ta hãy cùng chị “Viếng hương hồn các chiến sĩ bên dòng sông Thạch Hãn”. Bờ sông Thạch Hãn đến đây rồi/ Thắp nén hương, thầm khóc bạn tôi”. Không rưng rưng rơi lệ sao được khi những người ngã xuống nơi đây cùng trang lứa với tác giả, có nhiều người là bạn của chị, ra đi giữa tuổi thanh xuân, hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Để cho chị hôm nay đến thăm, lặng ngắm dòng sông bình yên trôi mà dưới đó, ở đáy sông ấy có bao bạn bè của chị đã mãi mãi không về. Chị xót xa giữa cảnh “Gió lạnh, đông về, thương tiếc bạn/ Thả đầy hoa nhớ xuống dòng trôi”. Vâng, trong cảnh “gió lạnh, đông về” trầm buồn u tịch ấy, hòa bình đã mấy chục năm rồi, giờ mới đến được nơi bạn đã ngã xuống để gọi bạn, để nhớ bạn thì buồn thương biết chừng nào. Chị thả hoa mà lại là “hoa nhớ” - thứ hoa tâm hồn ấy xuống dòng sông viếng bạn thì linh thiêng lắm lắm. Thì thế mới là thi sĩ, mới đắm đuối, nặng lòng.
          Chỉ điểm qua mấy nơi đó thôi cũng đủ biết Nguyễn Thị Va không phải là người đi đâu viết đó theo kiểu vịnh tả mà chị chọn lựa ý tứ, chắt lọc hồn cốt của vùng đất, thấm cái tinh túy đặc trưng của địa danh đó để rung cảm, thăng hoa cất chưng thành câu chữ. Bài thơ “Viếng mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu” chỉ có bốn câu như bài “Viếng hương hồn các chiến sĩ bên dòng sông Thạch Hãn” thôi nhưng toát lên cả hồn cốt nơi đây và khí phách anh linh của liệt nữ: “Lanh lẽo Hàng Dương hương khói bay/ Sóng trào bờ cát, gió ngàn cây/ Bao năm biển hát, ru hồn chị/ Cúc trắng, huệ thương nước mắt đầy”. Hai câu đầu là cảnh “hương khói bay”, “sóng trào bờ cát”, “gió ngàn cây” khá lạnh lẽo của nghĩa trang Hàng Dương. Hai câu kết là tình của tác giả: “biển hát ru hồn chị”, “cúc trắng, huệ thương”, là “nước mắt đầy”. Chị chỉ nhắc tới hai loài hoa trong câu thơ trong đó có một loài hoa thực - “cúc trắng” và một loài hoa nửa thực nửa mơ: “huệ thương” (chứ không phải huệ trắng hay một hoa huệ màu nào khác). Nếu ở bờ sông Thạch Hãn chị có “hoa nhớ” thì trước mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu chị lại có thêm một loại hoa nữa - hoa “huệ thương”. Chỉ có thi sĩ mới có những loại hoa nhớ thương đó.
          Theo chân tác giả, ta cùng chị đến nghĩa trang đường 9 để “Tìm anh”. “Chiều nay em đến đây rồi, anh ơi!”. Đó là một tiếng reo vừa mừng vui, vừa buồn tủi của tác giả. Mừng vì sau bao nhiêu năm xa cách, bây giờ chị mới có điều kiện, có dịp tìm lại được anh. Buồn tủi vì tìm được anh đấy mà đâu có gặp được. Âm dương cách biệt mất rồi! Thế nên mới “Em nghe vọng tiếng thì thào/ Giọng anh văng vẳng năm nào bên tai”. Cái ngày “tiễn chân anh ở sân đình/ Lời thề em nhớ, chúng mình xa nhau”. Cái ngày “anh mang mái tóc hương nhài/ Vào Nam chiến đấu chí trai không sờn” cứ ào ạt hiện về trong tâm tưởng tác giả để cho tác giả “Thương anh nước mắt tuôn trào/ Thắp hương trên mộ, nhói vào tim em”. Thương quá những mối tình như thế. Chiến tranh đã qua rồi mà người trai không trở lại để người yêu đi tìm mãi người yêu trong khói hương mờ ảo chiều Trường Sơn u tịch thật bi hùng xiết bao! 
          Bài thơ “Lưu danh” chị viết kính tặng mẹ và em trai liệt sĩ khá xúc động. “…Dáng mẹ liêu xiêu/ Vai gầy vác cuốc những chiều lên nương” “Kể từ ngày tiễn con đi/ Mái đầu mẹ cũng trắng vì sương mai”. Để rồi khi “Tin báo tử/ Sét ngang tai/ Con mẹ nằm xuống/ mãi ngoài tiền phương/ Đâu là thịt/ Đâu là xương/ Đâu là núm ruột mẹ mang một thời?”. Chỉ những người mẹ mới thấm thía nỗi đau xé thịt, xẻ xương này. Trước tình cảnh đó, chị đã bên mẹ, an ủi, sẻ chia cùng mẹ. “Xin đừng gục ngã, mẹ ơi! Thù này mãi mãi đời đời khắc sâu”. Chị nhắc lại lời thơ Tố Hữu “Lớp cha trước, lớp con sau”, quyết nén đau thương để chuyển thành hành động cách mạng, để “Nước nhà độc lập cờ sao rợp trời”. Và chị rất tự hào “Mẹ của con/ Mẹ của đời? Mẹ của liệt sĩ sáng ngời sử xanh”. Tri ân mẹ, tri ân liệt sĩ để có nước non độc lập cờ sao rợp trời hôm nay.
          Cùng mạch nguồn tri ân các anh hùng, liệt sĩ chị còn có các bài thơ “Tưởng niệm 13 liệt sĩ”, “Anh đã về”, “Tưởng nhớ đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Viếng thăm nghĩa trang Đồng Lộc” với những cung bậc cảm xúc khác nhau khá ám ảnh.
          Với quê hương, chị luôn một niềm đau đáu “gửi lòng mình với mênh mông sóng dồi”. Biết là phận “gái phải theo chồng” “Thế mà …nước mắt chan chan/ Nỉ non với mẹ, níu bàn tay cha”. Hỡi những người con gái “xuất giá”, bước chân lên xe hoa về nhà chồng chắc thấu hiểu nỗi lòng này? Thế cho nên “đã đi quá nửa cuộc đời” chị “Vẫn mang giọng nói của người Tam Nông”, vẫn không bao giờ quên được cái giây phút bước chân về nhà chồng, rời xa quê ngày xưa ấy. Để đến bây giờ thi thoảng chị lại thốt lên: “Quê ơi! Mấy độ chia xa/ Quên làm sao được quê nhà nhớ mong” (Nhớ). Và “À ơi…khúc mẹ ru hời/ Sóng nghiêng ngả giữa tơi bời bão giông” để cứ “Nghĩ là sắc sắc, không không” mà vẫn “Ta thương sóng giữa mênh mông sóng cồn” (Sóng). Phải nặng lòng với quê lắm lắm mới viết được những câu thơ gan ruột ấy.
          Quê hương của Nguyễn Thị Va còn ở trong các bài thơ “Gia Cẩm - phường tôi” với bao cảnh sắc phố xá lung linh, đảng dân đoàn kết, “đất trời nở rộ ngàn hoa/ Gia Cẩm giàu đẹp chúng ta tự hào”; là “Phố Vàng tấp nập sớm chiều/ Bản xa đường mới đã nhiều đổi thay/ Rừng lên bát ngát chân mây/ Đồi chè xanh biếc, gió bay tóc thề” (Vẫn chờ). Một cảnh sắc tưởng không có gì đẹp hơn thế nữa. Quê hương của chị còn hiện hữu trong con gái, trong cháu nội với ngày sinh nhật của họ, trong bạn bè công tác, học tập ngày xưa nay đã nghỉ hưu vừa có dịp hội ngộ trong ngày mừng thọ, trong chuyến tham quan vãn cảnh tuổi xế chiều… Đúng là phải sống hết mình với đời mới bật lên được những bài thơ tri ân đó.

          Nguyên là một cán bộ chính trị chủ chốt của tỉnh Phú Thọ (Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh), tưởng chị cứng nhắc, khô khan vậy mà thơ chị lại nồng nàn, đắm mê đến vậy. Tuy còn một số bài tứ chưa chặt, vần còn gượng ép, còn bị lặp, bị gần, con chữ còn mải chạy theo cảm xúc để tả… nhưng xuyên suốt cả tập thơ, mạch nguồn chủ đạo của “Nét xưa” là cái tình của tác giả, là sự hoài niệm quá khứ, tri ân tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, tri ân quê hương. Dẫu tính nghệ thuật thi ca chưa nhiều nhưng “Nét xưa” cũng đã tạo sự đồng cảm, rung động nhất định cho người đọc. Ở tuổi “xưa nay hiếm” của một người nguyên là cán bộ chính trị, một người thơ nghiệp dư mà đạt được như vậy kể cũng đã là một sự thành công rồi. Xin chúc mừng tác giả với tập thơ mới này. Hy vọng “Nét xưa” sẽ để lại, đọng lại nhiều dư âm trong lòng độc giả để từ đó tác giả tiếp tục thăng hoa những vần thơ mới, bài thơ mới hay hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét