Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

CÙNG NGUYỄN LÊ HẰNG “XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC”

        Nguyễn Lê Hằng vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai của mình đúng ngày cuối cùng của năm 2015. Tập thơ “CHÚNG TA XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC” gồm 58 bài (104 trang khổ 13x19) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2015. Tên tập thơ hay hay khiến tôi liên tưởng đến “Cho tôi một vé về tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tuy vậy, khi đọc tập thơ mới biết Nguyễn Lê Hằng đưa tôi về miền ký ức không phải chuyến đi giản đơn mà chuyến đi ấy, hành trình ấy phải “xếp hàng”, phải “mua” để về được cái miền thiêng liêng ấy.
Chúng ta đều biết, ký ức là quá trình tâm lý phản ánh lại trong óc những hình ảnh của sự vật và hiện tượng đã tri giác được hoặc những tư tưởng, tình cảm, hành động về những sự vật và hiện tượng đó. Đó là những mảnh vụn lúc dày lúc mỏng, lúc xa lúc gần của mỗi người. Những mảnh vụn rời rạc ấy ghép lại thành một bức tranh có người thấy đẹp, có người thấy không, nhưng đó vẫn là một phần quan trọng đã từng đi qua trong đời. Và tôi đã mê mải theo người thơ Nguyễn Lê Hằng lạc về miền ký ức của chị.

          Bắt đầu hành trình ký ức là tuổi thơ. Tất nhiên rồi. Ai trong đời mà không có và không trải qua tuổi thơ cơ chứ. Nguyễn Lê Hằng mời gọi: “Có ai về tuổi thơ với tôi không/ Lội suối rừng bắt côn trùng cánh cứng/ Vạch lá rừng men vào rừng trúc/ Nghe đàn ong rừng ríu rít lấy mật thơm”. Không gian ký ức thật trong lành. Bốn câu thơ có tới bốn từ “rừng” đủ biết rừng có vị trí đến nhường nào trong ký ức của chị. Chị ở miền rừng Sapa cho nên cái không gian rừng núi của tuổi thơ xa xưa ấy đã hằn sâu trong cõi nhớ của Nguyễn Lê Hằng. Chị đưa ta về gặp cơn mưa rừng, gặp “ánh trăng trung thu chín vàng rơi trên ngõ”, gặp “dáng mẹ mong manh”, gặp “bố tựa cửa đợi con”, cho ta “ăn xôi nếp vàng quyện mùi hương núi”… Và đặc biệt, miền ký ức ấy “Có bàn tay mẹ như dấu hỏi/ Quặn vào lòng trời vết nhám thời gian” thật ám ảnh (Có ai về tuổi thơ).
          Rồi từ đó, Nguyễn Lê Hằng bắt đầu “bán vé về tuổi thơ” với đủ bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi học trò. Từ đùa nhau “quanh gốc cây rơm”, dưới “cây đa bóng xòe che rợp phố” đến “những giờ học rộn rã tiếng cười/ Mình làm thơ chế nhau có người ngồi khóc”. Rồi quay cóp bài, rồi phượng nở, ve kêu, rồi đến thời sinh viên xao xuyến mối tình đầu giữa mùa thu Hà Nội. Viết về tuổi thần tiên này, Nguyễn Lê Hằng không dễ dãi thả bút, chị đã chắt lọc câu chữ, chọn lựa kỷ niệm để làm lung linh hơn miền ký ức của mình.
          Ký ức không chỉ tuổi học trò, thời sinh viên mà ký ức của Nguyễn Lê Hằng còn bắt đầu cả với những trải nghiệm cay đắng, buồn vui, được mất của kiếp người. Những bài thơ về vùng ký ức này của chị rất thấm thía và thật hay. Đó là các bài “Đi qua ngày cũ”, “Vị chát”, “Gió không tên”, “Nói với thời gian”, “Đi qua”, “Em cũ kỹ”, “Nhập đồng”, “Người đàn bà ngốc”, “Phía sau em mùa thu ở lại”, “Thu bỏ đi”
          “Để ý nỗi nhớ làm gì khi em đi qua ngày cũ/ Bước qua khung cửa gỗ/ Mọi cũ kỹ một ngày tan vào gió như không” (Đi qua ngày cũ). Ngỡ tưởng sẽ rũ bỏ hết lo toan, phiền muội, để tất cả “chuyện thường ngày” ở ngoài khung cửa gỗ cho gió cuốn đi để về với chốn bình yên gia đình, ấy vậy mà người thơ vẫn không thể nào không trăn trở. “Vớt nhan sắc trong chiếc gương soi cũ/ Thời gian trầm tư em thêm dấu hỏi/ Cứ trượt vào một cõi mông lung”, để rồi “Em dịu dàng đi qua ngày cũ/ Nhặt lại mình trên tóc rối của hoa” (Đi qua ngày cũ). Và “Em đã khóc trong mơ/ thấy mình yếu đuối/ Vớt mình ra khỏi khát khao/ Vỏ không gian nhiều vết nứt/ Muốn chạy về ôm lấy vai bờ đất/ Ngẩng mặt nhìn trời xanh xao xuyến ngóng hương đưa” (Nói với thời gian). Rồi “Em sẽ nhặt những thứ mới và gói vào mảnh giấy/ Theo vũ trụ lơ lửng trên không/ Em nhằn những vị chát để thấy cuộc đời không phẳng lặng” (Vị chát).
          Nguyễn Lê Hằng thường gửi tâm trạng mình vào ngọn gió, hóa thân thành ngọn gió để lang thang thổi về, bay về miền ký ức. “Gió không tên” để “trở về ký ức”, “gõ cửa tình yêu”, “đến cửa nhà em/ ngập ngừng gọi những lời thương mến” để “Em - nỗi nhớ không tên gật gù bên bậu cửa/ Gọi anh về đi gánh thời gian(Gió không tên). “Cơn gió tỉa chiếc lá đã vàng hơn/ Đặt xuống đất những niềm hy vọng mới” (Ngày mới đến). “Tỉa” và “đặt” chứ không phải là bứt, là vặt, là ném nhé. Rất trân trọng nâng niu cuộc đời này. “Ven đường giấc mơ của cỏ trỗi dậy/ Gió gọi tên em/ Trái tim neo bên đường nghe cỏ nở/ Mùa đông dịu dàng thơm nắng nhạt/ Môi em vị giác mới lăn qua/ Nhập đồng theo gió gọi tên mùa cỏ/ Vài cánh cò chiều nhớn nhác rủ nhau bay…” (Nhập đồng).
Ký ức đâu chỉ có niềm vui mà còn có cả nỗi buồn, những vị chát, đắng. Chất nữ tính trong thơ chị đầy sự mỏng manh, yếu đuối, cứ như động vào là vỡ, chạm vào là tan. Nghe chị tâm sự “thành phố buồn chị nhỉ?”, “đêm thật buồn chị nhỉ?”, nhắc hỏi mấy lần mà cảm thấy chênh chao.  “Chúng ta đi qua miền vui thì ít, nỗi đau nhiều hơn/ Em nhìn đám mây màu xám tro đợi cơn mưa thật lớn/ Mưa sẽ mang đi những gánh lo toan”, “gió mỏng manh khâu vài chiếc áo/ Những vết thương mùa đang lạnh phải không?” (Đi qua). Hình như chị cứ thủ thỉ đâu đây bên tai ta về cuộc đời, về kiếp con người trong bươn chải, lo toan. Chị đã tự nhận mình “chỉ là một người đàn bà rất ngốc”, “là một lọ lem của núi”, “là một người đàn bà núi”, “chỉ là người đàn bà đơn giản” (Người đàn bà ngốc). Nhưng nỗi niềm trong thơ chị nào ai bảo chị như thế bao giờ. Đa đoan lắm nỗi, nhạy cảm vô cùng, thủy chung hết mực… Thì thế mới có thơ, có một miền ký ức đẹp và phong phú đến vậy chứ.
Tập thơ “Nỗi nhớ chưa vơi” trước của chị có khá nhiều bài viết về mùa thu. Tập thơ này cũng vậy nhưng những bài thơ thu của chị khắc khoải hơn, đằm thắm hơn. “Thu về chợ phiên”, “Theo mẹ”, “Thu chín”, “Vẻ đẹp mùa thu”, “Phía sau em mùa thu ở lại”, “ Thu Hà Nội”… Mỗi bài một tâm trạng, một hoài niệm, một ký ức hằn sâu.
Đây là cảnh đẹp quê mùa thu của chị: “Hình như núi chín vàng/ Quấn vòng ôm bậc thang”, “Những bậc thang mẹ xếp/ Thành bốn mùa trên tay/ Những lá rừng ai may/ Mà khâu vàng trên ngõ”, “Tiếng chim rừng không tan/ Mà đọng vào tiếng gió”, “Những bông vàng theo mẹ/ Về phơi sân mùa thu” (Theo mẹ). Thật không gì đẹp hơn. Thơ mà vẽ được như tranh, ăm ắp tình người, bồng bênh hồn chữ. “Góc phố mùa thu còn ở lại/ Trên tay em xao xuyến sắc vàng/ Chỉ một chút xao lòng lá mỏng/ Rơi xuống đường cũng hóa mênh mang” (Phía sau em mùa thu ở lại). Di sản thiên nhiên thế giới ruộng bậc thang Bắc Hà, Lào Cai (quê của Nguyễn Lê Hằng) mùa thu về thật lộng lẫy, đẹp mê hồn.
          Mùa thu buồn man mác. Thu ở vùng núi rừng lại càng buồn hơn, “ruộng bậc thang chín vàng nỗi nhớ”. Ai đi vào rừng thu nghe lá thu rơi/ Em nghe cả núi bật chồi/ Mầm chồi vun nỗi nhớ/ Em đi vào mùa thu, mùa lá rụng/ Cây hoa sữa hẹn hò, cây nỗi nhớ về anh” (Mùa lúa chín). Vẫn cứ nhớ và nhớ. Chỉ đọc thôi cũng thấy như mình đang hát rồi. Nhạc điệu, hình ảnh làm câu thơ cất cánh. Thì ta đang trôi về miền ký ức, đang “xếp hàng mua ký ức” cùng Nguyễn Lê Hằng đấy là gì.
          Tập thơ CHÚNG TA XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC có một phần quan trọng nữa về gia đình và quê hương. Dù là gia đình hay quê hương thì cũng đều lung linh, huyền ảo, đều ngời ngời cảnh sắc trong miền ký ức của Nguyễn Lê Hằng. Những bài thơ chị viết về mẹ, về bố, về cậu, về em, về chồng con thật cảm động. “Ba chín mùa xuân mang tôi đi qua những con đường/ Những chìm nổi khi tôi bước vào cuộc sống/ Trên đôi vai tôi có nỗi nhớ của mẹ khi gió trở trời/ Có giọt nước mắt từ tôi nóng hổi/ Có nỗi nhớ lời thơ bố ru tôi” (Mầm cuộc sống). Trải bao sóng gió cuộc đời, “những cạm bẫy khiến lòng thêm giông gió”, Nguyễn Lê Hằng càng nhớ về mẹ cha, càng gắng gỏi vượt lên cho xứng với lòng tin yêu, công lao dưỡng dục của các bậc sinh thành. Những vết xước trong lòng con tự vá/ Tự cho mình những phút tái sinh con” (Gửi bố).
          Nguyễn Lê Hằng có những câu thơ cảm động về mẹ. “Khi con đặt chân lên thành phố lạ/ Nhớ dáng mẹ gầy tất tả những chiều đông”, “Bàn chân mẹ từng đêm trên phố lạ/ Từng đêm nuôi ước mơ con/ Những cơn gió theo mẹ khắp các ngả đường…” (Gửi mẹ). Ký ức về mẹ, hình ảnh mẹ gánh hàng rong sớm khuya khắp mọi ngóc ngách các dãy phố, con đường, mặc trời nắng mưa, rét buốt để kiếm tiền nuôi con ăn học đại học thật nao lòng. Có thể là mẹ tác giả, cũng có thể là mẹ của những sinh viên đại học bạn của Hằng. Dù thế nào chăng nữa thì hình ảnh mẹ trong ký ức ấy sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. “Có một nỗi nhớ tràn trong góc tuổi thơ/ Khi gặp phía bầu trời nền xanh biêng biếc/ Khi tháng chín phả qua nhà mùi hương ổi chín/ Trên lưng mẹ già thêm gánh âu lo”. Tháng chín là tháng bước vào năm học mới. Vui với con trẻ bao nhiêu thì cũng là gánh nặng lo toan của cha mẹ bấy nhiêu.
          Về quê hương, Nguyễn Lê Hằng có khá nhiều bài thơ trong tập rất hay. Đọc những bài này thấy ngay hình ảnh miền quê núi rừng chị đã và đang sống. “Níu em vào Phan-xi-păng”, “Tiếng rừng”, “Sapa mùa xuân”, “Viết cho ngày lạnh”, “Theo mẹ”, “Sapa mùa đông vài độ”, “Thành phố ốm”…
Và đây, những câu thơ hay, ám ảnh trong chùm thơ quê hương của chị. “Hình như núi chín vàng/ Quấn vòng ôm bậc thang”, “Những bậc thang mẹ xếp/ Thành bốn mùa trên tay/ Những lá rừng ai may/ Mà khâu vàng trên ngõ” (Theo mẹ). “Anh cầm bàn tay em/ Mùa hạ như rối lại”, Em qua dốc Ba Quanh/ Đường lòng vòng con gái” (Về nhà). “Sapa mùa đông vài độ/ Thị trấn ấm áp sương mờ/ Hàng cây treo từng giọt nước/ Phố nhỏ treo từng buồn vui” (Sapa mùa đông vài độ). “Biển trời Phan-xi-păng/ Em nghe lời hoa gọi/ Bám môi vào nụ ngọt/ Cùng dây leo lên trời”, “Níu mây hẹn mây thôi/ Dốc trời hoa buông rơi/ Sapa nghe thác gọi/ Níu em vào mây trôi” “Níu em vào Phan-xi-păng”… Còn nhiều, nhiều lắm những câu thơ tả cảnh, lắng tình say mê như thế.
          Hầu như các bài thơ trong tập đều thuộc thể tự do. Nguyễn Lê Hằng tung tẩy trên từng con chữ, thả hồn qua những câu thơ. Chị ít chú ý đến vần. Tuy thế, đọc thơ chị vẫn thấy cứ ngọt ngào, dễ thuộc, dễ nhớ. Đó phải chăng là hình ảnh chắt lọc sống động, là nhạc điệu du dương, và trên hết là cái tứ, cái tình của chị trong mỗi tác phẩm? Vẫn phong cách viết của tập thơ trước nhưng ở CHÚNG TA XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC này đằm sâu hơn, chiêm nghiệm hơn.
Thơ Nguyễn Lê Hằng dễ đọc, dễ hiểu, gần gũi với mọi người nhưng cũng không kém phần triết lý, lắng sâu, ẩn giấu những điều thầm kín sau từng con chữ. Càng đọc, càng ngẫm và tưởng tượng lại càng thấy hay. Thơ chị nằm ở giữa khoảng thơ truyền thống và thơ hiện đại. Không cầu kỳ, làm xiếc con chữ; không buông thả dễ dãi vần điệu, hình ảnh; thơ Nguyễn Lê Hằng cứ nhẹ nhàng mà khắc khoải, vừa bồng bênh vừa lắng đọng đến lạ kỳ. Chất nữ tính, vùng miền trong thơ chị thật rõ nét. Đọc là thấy Sapa, là hình dung ra được người thơ mong manh, đa cảm đến chừng nào. Tuy vậy, giá chị dụng công tu từ, chỉnh câu hơn nữa thì giá trị nghệ thuật sẽ tăng lên rất nhiều.
          Ký ức là một miền huyền ảo, say mê. Kho ký ức đẹp như cổ tích của người thơ Nguyễn Lê Hằng đã cuốn hút tôi và nhất định sẽ cuốn hút độc giả. Tôi tin là như thế bởi vì tôi đã cùng Nguyễn Lê Hằng xếp hàng để mua ký ức, trở về với miền thiêng ấy của người thơ và đã bị người thơ chinh phục. Xin chúc mừng chị với tập thơ CHÚNG TA XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC đầy ý nghĩa và rất hay này. Hy vọng Nguyễn Lê Hằng tiếp tục thăng hoa cất cánh từ miền ký ức đẹp và thơ ấy để có nhiều tác phẩm bứt phá, hay hơn nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét