Trên tay tôi
là tập ca khúc “Lời mẹ” của nhạc sĩ Khánh Nhung - hội viên Hội Liên hiệp Văn
học nghệ thuật Phú Thọ. Đây là tập ca khúc đầu tiên của chị do nhà xuất bản
Thanh niên ấn hành tháng 10-2016. Là người sáng tác văn học, nghệ thuật ai cũng
mong muốn có riêng cho mình những tập sách để quảng bá tác phẩm và để tự khẳng
định mình trong sự nghiệp sáng tác. Tập sách đầu tay, đứa con tinh thần đầu
lòng càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết với mỗi văn nghệ sĩ. Cảm xúc trào dâng,
hồi hộp lo lắng, nâng niu trên tay, ngắm nghía nó, hy vọng nó sẽ được độc giả,
dư luận đón nhận. Khánh Nhung cũng không ngoài tâm trạng đó khi “Lời mẹ” xinh
xắn, trang nhã, với 20 ca khúc chọn lọc in trong tập sách này.
Không như sách
văn học, sách in các bản nhạc, các ca khúc phải có cách đọc riêng. Không chỉ
đọc bằng mắt mà còn phải đọc cả bằng miệng, bằng tai, bằng tay nữa. Mắt đọc lời
nhìn nhạc. Miệng “í i” hát theo. Tay gõ nhịp giữ phách. Tai tự mình lắng nghe.
Tất cả các “cơ quan” ấy vừa “làm việc” vừa thẩm định. Có nghĩa là phải “đọc”
bằng cả trái tim tình cảm của mình, phải hòa đồng với nhạc sĩ qua từng con chữ,
nốt nhạc. Rất may, tôi cũng võ vẽ biết nhạc, chơi được một số nhạc cụ và hầu
hết các ca khúc trong tập “Lời mẹ” này tôi đã được nghe, được xem chính tác giả
và các nghệ sĩ thể hiện qua các chương trình văn nghệ, các hội diễn, trên đài
Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh truyền hình Phú Thọ nên cảm nhận được ngay
về đứa con tinh thần đầu tiên của Khánh Nhung.
Mở đầu tập
sách, sau lời giới thiệu là ca khúc “Lời mẹ”. Tên ca khúc này được lấy tên cho
cả tập. Ca từ “Lời mẹ” thật dễ thương “Mùa
xuân đời mẹ là ánh mắt con lung linh/ Bài ca đời mẹ là tiếng khóc con thơ ngây/
Lời ru của mẹ đằm sâu trong tim con/ Lời ru của mẹ mênh mông giữa biển trời…”.
Chỉ nhẩm đọc phần ca từ thôi cũng đã ngọt ngào du dương như đang hát một mình
rồi.
20 ca khúc
trong tập sách thì có tới 6 bài về biển đảo (chiếm 1 phần 3 quyển sách). Đó là
các bài: Tiếng biển Quê hương, Tình Em Trường Sa, Hát Xoan ở Trường Sa, Đêm yên
tĩnh Biển, Ngẫu hứng biển, Mơ biển… Hầu hết những ca khúc này đã được được
giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình
trung ương và địa phương, in cả trong tập nhạc Dậy sóng Biển Đông của
Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong tạp chí Diễn
đàn Văn nghệ Việt Nam nữa. Điều đó chứng tỏ sức lan tỏa những ca khúc này thật
rộng rãi biết bao.
Có duyên với biển,
nên chị đã có những cảm xúc và ngôn ngữ âm nhạc đa dạng khi phổ thơ các bài Hát
xoan ở Trường Sa (phổ thơ Đỗ Xuân Thu), Đêm yên tĩnh Biển (phỏng
thơ Vũ Kim Liên), Ngẫu hứng biển (phỏng thơ Phạm Long)... Đặc biệt, bài Mơ
biển với ca từ đẹp do chính chị viết: “Quê tôi miền Trung du không có biển/ Yêu quá trùng dương tôi mơ sóng
mỗi đêm về/ Những con sóng đảo chìm, đảo nổi/ Vỗ vào tôi năm tháng tình yêu biển
khơi / Vỗ vào tôi năm tháng tình yêu Trung du… Tôi mơ biển, Trung du mơ biển/
Đất nước mình không thể thiếu sóng đại dương/ Đất nước mình không thể thiếu
sóng Biển Đông”. Lời ca ấy cộng với giai điệu, tiết tấu dịu dàng, khi đằm
thắm du dương, lúc sôi nổi hào hứng của gam mi thứ, mi trưởng chuyển giọng cho
nhau, tôn nhau lên đã gây một hiệu ứng rưng rưng xúc động như sóng biển dạt dào
vọng về đất Tổ.
Sau những bài
hát về biển đảo của Tổ quốc đã được trân trọng giới thiệu trong phần đầu của
tập nhạc này là các bài hát về đề tài quê hương đất Tổ, nơi chị sinh ra và
trưởng thành. Đó là các bài hát Quê hương tôi, Việt Trì Thành phố tôi trẻ mãi,
Chiều Sông Thao (phỏng thơ Nguyễn Văn), Trở
lại Việt Trì (thơ Đỗ Xuân Thu), Khúc
ca Xuân Đất Tổ (thơ Cao Văn), Tình
Bác với trống đồng đất Tổ (phỏng thơ Kim Dũng)...và đương nhiên không thể
thiếu được những bài hát về ngành sư phạm, nơi mà chị đã và đang dành nhiều
công sức cống hiến: Hoàng hôn trên sân trường,
Khúc hát tự hào trường Nguyễn Quang Bích, Bay theo con đường ánh sáng, Xin Anh
đừng về…và cả những bài về đề tài chiến sĩ, về tuổi thơ, về tình mẫu tử như
Dáng núi biên thùy (phỏng thơ Cao
Xuân Thái), Con yêu của Mẹ; Tết đến nhà
(thơ Nguyễn Hồng Kiên).
Có lẽ sinh vào
năm Ngựa (Mậu Ngọ 1978), nên Khánh Nhung là người độc mã trên con đường thiên
lý đi tới học vấn và âm nhạc! Liên tục trong hơn một thập niên từ những năm đầu
của Thiên niên kỷ mới đến nay, Khánh Nhung luôn đạt được những dấu mốc quan
trọng trong sự nghiệp của mình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa trung ương
(2000); tốt nghiệp Đại học sáng tác âm nhạc học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
(2005 -2010) rồi tiếp đó là Thạc sĩ Văn hóa học - Học viện Khoa học Xã hội
(2013). Khánh Nhung là hội viên Hội VHNT thị xã Phú Thọ năm 2009 và tháng 01
năm 2014 chị đã trở thành hội viên chuyên ngành sáng tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ
giảng viên trường Đại học Hùng Vương (khoa Nghệ thuật) Khánh Nhung đã được cấp
trên điều động về làm Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học, trường Bồi dưỡng nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Phú Thọ (đầu năm 2016). Tại môi trường
công tác mới này, chị tiếp tục phát huy sở trường của mình, tham mưu cho lãnh
đạo nhà trường thành lập câu lạc bộ hát xoan với mục đích quảng bá hát xoan tới
đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục từ đó nhân rộng ra diện để khẳng định, phát huy
di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo về khẩn cấp.
Đồng thời, thông qua câu lạc bộ này chị triển khai thực hiện đề tài khoa học về
hát xoan phục vụ công tác giảng dạy. Câu lạc bộ hiện có 22 thành viên và đã
được Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ ra quyết
định công nhận. Vừa làm công tác giảng dạy, vừa duy trì hoạt động của câu lạc
bộ hát xoan, chị vừa tiếp tục làm luận án nghiên cứu sinh Văn hóa học Học viên
Khoa học Xã hội Việt Nam. Công việc bề bộn nhưng cứ rảnh lúc nào, chộp được cảm
hứng lúc nào là Khánh Nhung lại sáng tác. Hình như, chưa thấy khi nào chị yên.
Vừa nghe chị ở thị xã Phú Thọ, một lúc
sau Khánh Nhung đã có mặt ở Việt Trì. Rồi thì Hà Nội, Hưng Yên. Khi lại Bắc
Ninh, Yên Bái. Lúc phiêu diêu trước cây đàn pi-a-nô, khi lại thấy chị trầm tư
trước trang bản thảo đầy nốt nhạc. Khi khác lại thấy chị hùng biện, say sưa
trên bục giảng. Đúng là tuổi ngựa, con người của công việc và đam mê.
Hiện nay,
Khánh Nhung là nhạc sĩ trẻ, hội viên trẻ không chỉ của Hội Liên hiệp VHNT Phú
Thọ mà cả của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nữa. Tuy trẻ cả về tuổi đời và tuổi hội
nhưng Khánh Nhung đã khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt các sáng tác
cùng giải thưởng. Đó là: giải B với bài hát Lời mẹ tại Liên hoan Âm
nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ tổ chức ở Bắc
Ninh năm 2014; giải B (không có giải A) trong cuộc thi sáng tác thơ nhạc về
biển đảo do tạp chí Văn nghệ Đất Tổ và Sở Thông tin truyền thông Phú Thọ tổ
chức với ca khúc “Tình em Trường Sa”; giải khuyến khích 5 năm (2010-2015) của
UBND tỉnh Phú Thọ cho chùm ca khúc “Tiếng biển quê hương”, “Lời mẹ”, “Tình em
Trường Sa”; giải C năm 2015 với ca khúc “Hát xoan ở Trường Sa”; đặc biệt trong
cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 70 năm thành lập Quân khu 2,
Khánh Nhung đã đạt giải Nhất với ca khúc “Dáng núi biên thùy”. Chị đã được các
cơ quan tặng thưởng bằng khen và nhiều giấy khen trong hoạt động văn học nghệ
thuật. Chưa đầy 3 năm bước vào con đường văn học, nghệ thuật mà có được thành
tích như vậy cùng tập ca khúc “Lời mẹ” này nữa thì quả là rất đáng trân trọng
sự lao động miệt mài, nghiêm túc, say mê và dấn thân của chị.
Với 20 bài hát
lấp lánh nhiều sắc mầu trong “Lời mẹ” thể hiện một tâm hồn đa cảm, một tư duy
mạch lạc của một nữ nhạc sĩ trẻ người Phú Thọ, cùng với môi trường công tác sôi
động, trẻ trung với những thành quả bước đầu trân trọng ấy, tin chắc rằng chị
sẽ có thêm nhiều sáng tạo mới trên các lĩnh vực sáng tác, lý luận, sư phạm và
hoạt động âm nhạc, nhất là khi với cương vị Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Hội
Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Thọ càng làm tiền đề, điều kiện để cho Khánh Nhung
cất cánh thăng hoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét