Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

BẢN TÌNH CA SÔNG CHẢY

        “Hãng hàng không Jetstar xin trân trọng thông báo: quý khách trên chuyến bay BL795 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, thời gian dự kiến khởi hành lúc 14 giờ 15 phút nay xin chậm lại thêm 30 phút nữa vì lý do thời tiết xấu. Chúng tôi thành thực xin lỗi quý khách. Mong quý khách thông cảm”.
          Tiếng loa vừa dứt là tiếng chuông đặc trưng của nhà ga vang lên “từng tưng tứng” một cách vô duyên rồi tắt ngấm. Mọi người nhốn nháo. Kẻ thở dài. Người văng tục. Tất cả ngao ngán. Đây là lần thứ hai báo chậm giờ. Lần trước đã xin lui lại 30 phút. Lần này thêm 30 phút nữa. Vị chi là vừa một tiếng. Từ 13 giờ 45 ghi trên vé, hoãn đến 14 giờ 15, và giờ cộng 30 phút nữa sẽ thành 14 giờ 45 phút, tức là gần 3 giờ chiều mới bay. Mà chắc gì giờ ấy đã cất cánh được? Hay lại hoãn, lại lùi lần nữa? Quá tam ba bận thì… Các máy điện thoại được kề tai. Tiếng a-lô “à, ừ” báo chậm giờ bay, lùi giờ đón cùng rộ lên một chập.
          Như bao hành khách khác có mặt tại đây, Quân nhìn đồng hồ thở dài. Nhung cũng thế. Hai người nhìn nhau với con mắt mệt mỏi. Niềm háo hức đưa người yêu lần đầu tiên về quê ra mắt mẹ của Nhung lại càng dồn nén hơn. Cô chỉ muốn bay ngay lúc này, vù ngay về bên mẹ, sà vào lòng mẹ mà nũng nịu, mà khoe với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con đưa người yêu - chồng chưa cưới của con về ra mắt mẹ đây! Anh ấy đây này, mẹ!”.

Còn Quân cũng hồi hộp náo nức không kém. Dễ có đến dăm năm nay anh chưa về Bắc. Mải làm ăn, chạy đua với các hợp đồng kinh tế, khiến anh bù đầu. Những năm trước, thi thoảng anh cũng ra Hà Nội để tìm đối tác, thiết kế các mối quan hệ làm ăn. Nhân những dịp đó, anh cũng ghé thăm quê cha đất tổ, thăm ông chú, bà bác. Thế nhưng, từ ngày bố mẹ chuyển hẳn vào Nam ở với anh, đồng thời trong tay anh lại có được hợp đồng xây dựng lớn và dài hạn nên hầu như anh không phải bay ra Bắc nữa. Lần này, anh cùng Nhung về Bắc là để vừa ra mắt mẹ Nhung và họ hàng cô ấy, vừa xin được tổ chức lễ thành hôn cho hai người. Họ phải cưới gấp vì Nhung đã có thai hơn hai tháng.
Ra Bắc lần này, bố mẹ Quân già yếu không về cùng được. Họ chỉ chuẩn bị, sắp xếp chu đáo, căn dặn Quân tỉ mỉ những việc phải làm, những người phải gặp, những nơi phải đến. Hai người phấn khởi lắm. Niềm mơ ước bao nhiêu năm nay được chuẩn bị cho ngày hạnh phúc trăm năm của con trai họ bây giờ mới thành hiện thực. Mừng là phải khi con trai của họ đã bốn mươi ba tuổi rồi mới “đứng số” lấy vợ. Giục chán chê mê mải giờ độp một cái thì nó đòi cưới luôn. Con bé đẹp thế, trẻ thế, chênh nhau đến hai chục tuổi cơ mà! Chúng nó còn bảo đã có con với nhau, hai hay ba tháng gì đấy? Không cưới ngay sao được? Đúng là “song hỉ lâm môn”. Được con dâu lại được luôn cả cháu. Có nhắm mắt họ cũng đã yên lòng. Từ hôm nhận được tin này, bố mẹ Quân mừng lắm. Họ cười nói ríu rít, như trẻ lại cả chục tuổi. Đúng là hơn cả giấc mơ.
Họ hàng Quân và Nhung tất cả đều ở ngoài Bắc. Thế nên, theo kế hoạch, anh phải về quê mình trước. Thì cũng để giới thiệu Nhung với họ hàng nhà mình chứ. Rồi sau đó anh phải báo cáo bác trưởng, thắp hương tổ tiên, để bác ấy thay mặt bố mẹ đi cùng anh lên quê Nhung “có ý kiến với nhà người ta” cho môn đăng hộ đối. Đất lề quê thói. Gì chứ việc cưới xin hệ trọng cả một đời người không thể dông dài qua loa được. Từ quê anh Hải Dương lên Yên Bái quê Nhung cũng hơn hai trăm cây số chứ ít gì. Ba giờ chiều mới bay. Hơn năm giờ mới tới được Nội Bài. Về Hải Dương chắc tối mịt? Chốc chốc, Quân lại nhìn đồng hồ sốt ruột.
Để có chuyến về quê đặc biệt này, cả Quân và Nhung đều không ngờ tới. Tình yêu sét đánh đã gắn kết hai người lại với nhau. Như số phận sắp đặt, một người là giám đốc công ty xây dựng đang ăn nên làm ra, một người là nhân viên văn phòng của chính công ty ấy đã ập vào nhau mà nên vợ thành chồng. Người là mối tình đầu ở độ tuổi hai mươi. Kẻ là mối tình thứ đang ở độ tuổi bốn mươi. Sau bao năm đoạn tuyệt với tình yêu, lấy niềm vui là công việc và cây đàn guitar, tưởng đã đoạn tuyệt với phụ nữ, ấy vậy mà gặp Nhung, Quân đã bị hút hồn. Con tim anh đã được đánh thức trở lại. Tình yêu sét đánh làm cho hai con tim cô đơn như hai cực trái dấu hút nhau với lực hút lạ kỳ. Để rồi cái gì đến phải đến. Như số phận đã định sẵn. Như chương trình đã lập trình. Không cưỡng lại được. Cứ tự nhiên như nhiên. Họ đã cuốn vào nhau cho tới ngày hôm nay. Mọi chuyện vẫn cứ thế. Và mãi mãi về sau chắc vẫn thế.  
Buổi tối hôm ấy, cách nay gần hai năm, Quân và Nhung đều nhớ như in lần đầu tiên họ gặp nhau. Quán cà phê Nửa nhớ giữa thành phố Hồ Chí Minh, bên sông Sài Gòn thật thơ mộng. Quân có thói quen là sau mỗi ngày làm việc anh lại đến nơi này để nhâm nhi ly cà phê và nghe nhạc. Ông chủ quán này có cách pha cà phê khá đặc biệt. Chẳng biết có bí quyết gì mà cà phê của quán ông dù đen đá hay nâu nóng đều có sức hấp dẫn lạ kỳ, đều giữ được chân khách. Khách đã đến một lần rồi thì nhất định phải đến lần thứ hai nếu ở xa, và đến lần thứ ba, thứ tư, trở thành khách ruột của quán nếu khách ở gần. Quân nằm trong số khách thứ hai đó. Chẳng những cà phê ngon mà ca nhạc ở đó cũng đặc biệt. Toàn nhạc Trịnh. Toàn nhạc sống. Ca sĩ, nghệ sĩ toàn người đẹp, đàn giỏi hát hay. Nhiều người gọi quán này là quán nghệ sĩ, quả không sai. Sau một ngày làm việc, tất bật với nhịp sống thị trường hối hả bon chen, người ta tìm đến quán cà phê Nửa nhớ để thư giãn đầu óc, để tìm lại sự bình yên.
Như thường lệ, Quân cho lái xe đánh ô-tô lùi vào chỗ để xe mọi khi. Sau đó, anh đến đúng cái bàn nơi góc quán, ngay sát cửa sổ nhìn ra sông. Nhiều khách định ngồi ở đây nhưng đến giờ của Quân, chủ quán và nhân viên đều xin lỗi khách rằng bàn ấy đã có người đặt rồi. Vị trí ngồi thật khiêm nhường. Chỉ là góc quán, khuất tầm nhìn nhưng bù lại nó quan sát được khá rõ sàn diễn và dòng sông, không bị ai quấy rầy. Thường thì ở quán hay gặp người quen lắm, nhất là những người có vai vế, chức sắc, quan hệ rộng. Gặp nhau, cái tổi thiểu là chào hỏi, là mời nhau cốc bia, ly rượu. Rồi thì “dô dô”, rồi thì bỗ bã, ồn ào. Quán ăn nhậu thì được chứ quán cà phê này thường là những người cần sự yên tĩnh. Trong sự yên tĩnh ấy thì chỗ này của quán là nhất. Còn gì thú vị hơn là vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm lục bình trôi trong trăng trên sông, vừa ngắm và nghe nghệ sĩ đàn hát trên sàn diễn. Nhạc Trịnh du dương. Lời ca dìu dặt. Sông nước mênh mang. Lục bình trôi lặng lờ. Tất cả đưa người ta vào cõi khác. Mộng mơ, huyền ảo. Sắc sắc không không…
“Mở đầu chương trình văn nghệ tối nay, xin giới thiệu với quý vị, ca sĩ Khánh Nhung vừa từ ngoài Bắc vô sẽ chuyển tới quý vị một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca khúc Biển nhớ. Xin mời quý vị lắng nghe”. Vừa nhấp môi ly cà phê đen đá, Quân vội hướng cặp mắt lên sàn diễn. Một cô gái rất trẻ, xinh xắn bước ra sân khấu. Cô ta nghiêng người, cúi đầu chào khán giả. Hình như có vẻ ngượng ngập, bẽn lẽn. Thoáng một chút thì phải. Nhưng mà… Ơ kìa! Khuôn mặt kìa, ánh mắt kìa, làn da kìa… Sao lại đẹp thế cơ chứ. Quân sững người. Hình như đã gặp cô ta ở đâu rồi thì phải? Chưa kịp định thần thì “Ngày mai em đi…”. Tiếng hát cất lên cuốn hút cùng tiếng nhạc. Tất cả khách đều bỗng dưng yên lặng, hướng về cô gái. Không ai bảo ai mà đều thầm khen cô gái trẻ xinh cùng với giọng hát đẹp như nhung lụa ấy.
Khi tiếng hát của Khánh Nhung vừa dứt, cả mấy chục người trong quán đồng loạt vỗ tay. Có tiếng huýt sáo. Có tiếng trầm trồ. Có người đề nghị hát tiếp. Trên sàn diễn, Khánh Nhung bẽn lẽn, ngơ ngác nhìn MC. MC gật đầu nháy mắt với Khánh Nhung. “Vâng. Xin mời quý vị thưởng thức tiếp bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Xin mời chị Khánh Nhung”.
Nhạc nổi lên. Nhung cầm micro cúi chào khán giả. Đèn trong quán tắt hết. Chỉ còn mấy cái bóng đèn hắt tập trung ánh sáng chiếu về Khánh Nhung. Thêm vào đó, chiếc đèn nháy xanh đỏ quay đều rải những sắc đỏ, tím, vàng, xanh như những cánh hoa ra khắp quán, lên phông chính làm cho không khí phòng trà càng thêm lung linh, huyền ảo. Khánh Nhung hiện lên rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu. Đôi mắt của Quân không rời một cử động nào của cô. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…”. Khánh Nhung cất tiếng hát. Quân ngồi ngây ra, hầu như quên hết mọi thứ xung quanh. Anh thả hồn theo giai điệu bài hát. Rồi bỗng như sực tỉnh, anh nháy mắt với cậu lái xe thì thầm điều gì đó. Cậu ta tức tốc rời quán. Lát sau, trở lại với một bó hoa tươi thắm trên tay. Vừa lúc đó Nhung cũng đã hát xong bài hát. Đèn bừng sáng. Tiếng vỗ tay ào ào không dứt.
Quân vội vã cầm bó hoa chạy lên sàn diễn trao tặng người đẹp. Trăm con mắt dồn cả vào cử chỉ này của anh. Tiếng vỗ tay càng rộ lên. Có cả tiếng la ó tán thưởng. Khánh Nhung bẽn lẽn nhận bó hoa từ tay Quân. Đôi má cô ửng hồng. Quân giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng. “Thưa quý vị. Quả thực, chưa bao giờ tôi được nghe một giọng hát hay đến thế. Rất xúc động. Rất truyền cảm. Tôi tặng em bó hoa này và xin phép chủ quán cùng nhạc sĩ (anh quay về phía người chơi đàn) cho tôi mượn cây đàn guitar và xin được đệm đàn cho em hát lại bài Biển nhớ. Các vị có đồng ý không ạ?”. “Đồng ý! Đồng ý!”. “Thật tuyệt vời!”. “Hát đi! Hát đi!”. Mọi người nhao nhao tán thưởng.
Đón cây đàn từ người nhạc công, Quân lấy tư thế, lựa tay đàn và gảy những nốt đầu tiên dạo nhạc. Tiếng đàn ngân lên. Khi dào dạt như sóng biển. Lúc thánh thót như mưa rơi. Lúc thì dồn dập náo nức. Khi lại lơi lả dập dìu. Quen thân như chủ quán cũng phải ngỡ ngàng trước tay đàn của Quân. Khúc dạo đầu vừa dứt thì “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”. Khánh Nhung say sưa hát. Cô hát hay hơn cả lúc nãy. Tiếng đàn nâng tiếng hát. Tiếng hát hòa quyện với tiếng đàn. Rất nhịp nhàng da diết. Khán phòng lặng phắc. Chỉ còn hai người trên sân khấu bồng bềnh cùng tiếng đàn lời hát. “Hôm nao em về bàn tay buông lối ngỏ. Đàn lên cung phím chờ. Sầu lên đây hoang vu…”. Bài hát vào đoạn cao trào. Ánh mắt hai người trao nhau tình tứ. Giai điệu ngọt ngào du dương. Cứ thế, họ dìu nhau đi trong giai điệu bài hát cho đến nốt cuối cùng thả trôi trong chơi vơi.
Họ quen nhau từ buổi tối ca nhạc ở quán cà phê ấy. Sau đó, tối nào cũng vậy, hai người thường đàn hát với nhau vài bài. Toàn nhạc Trịnh. Xong rồi thì Quân ngồi lặng lẽ bên bàn cà phê ngắm nhìn và nghe Nhung hát. Không như những ngày trước, từ ngày có Nhung, anh thường mãi khuya, tan cuộc mới về. Còn Nhung, có một người hâm mộ như Quân cô càng tự tin, thăng hoa hơn. Tối nào cũng vậy, cô đều nhận một bó hoa nho nhỏ của Quân tặng trước khi anh lên đệm đàn cho cô hát. Có hôm, cô còn được Quân đưa ô-tô về tận chỗ nghỉ.
Qua tâm sự, họ cởi mở với nhau hơn. Cùng quê ngoài Bắc, cùng tha phương làm ăn, lại cùng sở thích ca nhạc, nhất là nhạc Trịnh. Thế nên họ hợp nhau lắm. Quân biết Nhung quê ở Yên Bái. Cô học xong lớp mười hai. Thi đại học hai năm liền không đỗ đã theo bạn vào Sài Gòn kiếm việc làm. Hiện tại, cô làm tiếp thị cho một hãng sản phẩm. Công việc phập phù. Thu nhập bấp bênh. Tối tối cô phải làm thêm bằng cách đi hát ở các phòng trà. Trời phú cho cô giọng hát nên cũng thêm được một khoản thu nhập kha khá. Bao nhiêu khoản phải chi. Nào tiền thuê nhà, tiền điện nước. Nào là tiền ăn tiêu, may mặc. Rồi lại son phấn, đầu tóc nữa chứ. Con gái mà. Lại còn phải tiết kiệm gửi về cho mẹ ở quê nữa.
Lần đầu tiếp xúc với Quân, Nhung toàn xưng hô chú cháu. Quân đề nghị anh em cho nghệ sĩ. Và thực ra họ cũng rất nghệ sĩ rồi đấy chứ. Thế rồi Nhung cũng thay đổi cách xưng hô. Quen nhau được gần tháng, Quân đề xuất tuyển Nhung vào công ty anh. “Trước mắt em làm ở văn phòng, bộ phận tuyên truyền và tham gia đội văn nghệ”. Anh không muốn cô phải lang thang đi tiếp thị, ngày ngày phơi mặt dầu dãi ra phắp hang cùng, ngõ hẻm, tối đến lại phải thức khuya hát ở quán sá, phòng trà. Ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, không có giờ giấc nào cả. Tuyển dụng Nhung, trước hết là Quân trọng dụng nhân tài, thứ nữa là thực lòng anh thương Nhung. Cô ấy đẹp thế không thể làm công việc loong toong dạ dật được. Tự sâu thẳm lòng anh đã nhen nhóm một thứ tình cảm rất lạ mà cách nay hơn hai chục năm anh đã có.
Ngày ấy, cuối thế kỷ trước, bố mẹ Quân là công nhân đường bộ. Quân lúc đó hai mươi tuổi. Gia đình Quân phải theo các công trình làm đường. Đường mở, đường nâng cấp thì công trường mở theo. Xong, lại chuyển nơi khác. Các gia đình công nhân cứ bám theo công trình mà sinh sống. Họ như những hộ thuyền chài trên sông. Cứ ở đâu có cá thì chống thuyền tới đó. Đánh bắt xong lại đi. Những hộ thuyền chài còn có bến đậu để về, đằng này những hộ làm đường thì chỉ có đi thôi. Vợ chồng cái con, valy, hòm xiểng… công trường đến đâu là họ lại lếch thếch tha vợ con đến đó. Khổ nhất là việc học hành của lũ trẻ. Nhiều hộ phải gửi con về quê cho ông bà để có trường cho chúng đi học.
Đợt mở rộng nâng cấp quốc lộ 2 qua huyện Đoan Hùng, công trường bố mẹ Quân lưu lại ở đó lâu nhất. Quân học xong cấp ba, chưa có việc làm. Lãnh đạo công trường tạm thời bố trí anh đi đập đá để thêm thu nhập cho gia đình. Thời gian này, Quân gặp rồi yêu mê mệt Ngân. Ngân là con gái cưng của ông trưởng bến phà Đoan Hùng. Học lớp mười hai, Ngân nổi lên như một đóa hoa rừng bên bờ sông Chảy. Quân cao to đẹp trai, chơi đàn guitar số một ở vùng đó. Làng tạm của công nhân đường bộ đóng cách bến phà hơn một cây số. Cái duyên họ gặp nhau là qua những cuộc giao lưu văn nghệ giữa đoàn trường cấp ba và đoàn công ty đường bộ. Đẹp trai, đàn hay, hát được Quân hút hồn bao cô gái trong đó có Ngân. Và Quân cũng chỉ để ý rồi yêu duy nhất một mình Ngân. Cả hai đều là mối tình đầu nên say đắm nhiều khi đến mê muội. Chuyện tình của họ cứ như những trang tiểu thuyết. Dạo đó, thanh niên say mê đọc sách lắm.
Cứ tối tối, Quân lại đeo đàn, đạp xe ra bến sông chờ Ngân. Trăng lên. Ngã ba sông luênh loang huyền ảo. Từng chuyến phà qua sông tiếng xích kêu loảng xoảng xen với tiếng sóng nước vỗ vào bờ ì oạp. Xa xa, cuối dòng kia thấp thoáng những con thuyền đang lững lờ trôi. Hai người chọn gốc duối già cách bến phà khá xa, rất yên tĩnh để trò chuyện tâm sự. Thường thì họ không nói với nhau nhiều, chỉ nhìn nhau, ngắm trăng và ngắm sông. Rồi thì đàn hát. Hết “Trường ca sông Lô” lại “Sông Lô chiều cuối năm”. Có hôm, hứng chí Quân bảo: “Anh sẽ sáng tác bài hát “Tình ca sông Chảy” kể về mối tình của chúng mình Ngân ạ. Bao nhiêu bài hát về sông mà chưa thấy có bài nào về sông Chảy cả”. Ngân cười say đắm nhìn sâu vào đôi mắt Quân. “Thật nha! Anh viết đi, rồi anh đàn em sẽ hát cho”. “Nhất định rồi!”. Và họ hôn nhau dưới trăng.
Chuyện tình Quân Ngân tưởng cứ thế rồi nên vợ thành chồng, nào ngờ bố của Ngân phát hiện ra và cấm ngặt. Đặc biệt, khi Ngân thi hỏng cấp ba thì bố mẹ Ngân đồng lòng cấm cửa Quân. Quân nghe được lời bắn tin của bố Ngân rằng: không bao giờ gả con gái cho Quân. Dân đường bộ nay đây mai đó, suốt đời “phu lục lộ” khổ lắm. Dân bến phà như ông dẫu có khổ vẫn còn có bến đậu. Mấy lần Ngân trốn nhà đi chơi với Quân, ông đều cho người đi tìm. Có bận, ông còn trói Ngân vào cột nhà rồi đánh nữa. Ông căm tức Quân vì anh mà con gái ông thi trượt. Để chia rẽ hai người, ông còn bắn tin những lời cay độc, động chạm đến danh dự của Quân và gia đình anh. Lòng tự ái lên cao độ đã thắng tình yêu, khiến Quân bỏ cuộc, xung phong đi bộ đội. Hết nghĩa vụ, ra quân, anh đi tuốt vào Nam làm đủ các việc để cố quên đi mối tình đầu thơ mộng mà đau đớn đó. Từ xe ôm, đến xách vữa, phu hồ, rồi vươn lên đứng chân thợ cả. Từ chân thợ cả, anh nhận công trình tiến tới thành ông chủ. Rồi lập công ty xây dựng trở thành giám đốc. Mê mải làm ăn, khẳng định thương hiệu, trả xong cái nợ “dân đường bộ”, “phu lục lộ”, ngoảnh đi ngoảnh lại đã ở tuổi bốn mươi. Đến khi gặp Nhung, anh bừng tỉnh. Thế là yêu. Thế là tìm lại cảm hứng của một thời trai trẻ.
Khánh Nhung vào biên chế, làm chân văn phòng của công ty Quân. Nhờ thông minh, giao tiếp tốt, hát hay, cô được mọi người yêu mến. Những buổi giao lưu văn nghệ, cô và giám đốc Quân đàn hát thì thôi rồi, cả công ty, cả chủ và khách đều ngỡ ngàng. Các hợp đồng cứ thế đến. Không khí công ty sôi động hẳn. Rồi Nhung được cử đi học những lớp ngắn hạn, cấp tốc. Cô trở thành thư ký của giám đốc. Và tình yêu của họ cứ mỗi ngày một thăng hoa. Để rồi, cái gì đến phải đến. Họ đã đi quá giới hạn, ăn cơm trước kẻng. Và chuyến bay về quê này để hoàn tất mọi thủ tục cho họ chính thức nên vợ thành chồng.
Về quê Hải Dương hôm trước, hôm sau, Quân cùng Nhung ngược Yên Bái lên quê Nhung. Hai người đi trước để Nhung về báo cáo mẹ và Quân ra mắt mẹ và họ hàng của Nhung. Sau đó, Quân sẽ trở lại Hải Dương để cùng ông bác trưởng họ và một số người nữa sẽ ngược trở lại gia đình Nhung để làm lễ ăn hỏi rồi xin cưới Nhung luôn. Mới có mấy năm không ra Bắc mà khắp nơi thay đổi nhiều quá. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai êm ru. Trước kia, muốn lên Yên Bái, theo đường bộ phải qua Đoan Hùng, nơi ấy cất giấu bao kỷ niệm của Quân. Bây giờ, đường cao tốc cứ Hà Nội thẳng tiến qua Việt Trì lên Yên Bái chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ. Từ thành phố này, họ thuê tắc-xi đi tiếp một chặng nữa về nhà Nhung. Nhà cô ở mãi bên bờ sông Chảy.
Nhung hồi hộp quá chừng. Từ cô gái nông thôn không nghề nghiệp, nay Nhung đã trở thành một cán bộ văn phòng. Có việc làm, có địa vị, Nhung lại có cả người yêu làm giám đốc nữa. Mẹ tha hồ mà vui, mà tự hào về con gái của mẹ. Mắt Nhung ngời ngời ngắm nhìn phong cảnh quê hương, ríu rít chuyện trò với Quân.
Sông Chảy mùa này cạn nước hở ra toàn cát sỏi. Nước trong vắt. Có đoạn, có thể lội bộ được sang bờ bên kia. Hai bên bờ sông, những trang trại, vườn quả sai lúc lỉu những bưởi vàng, quýt đỏ. Mẹ liên tục điện hỏi Nhung. Nhung hớn hở báo tin mẹ về đến chỗ nọ, đoạn kia. Hào hứng. Hồi hộp. Xôn xang. Một căn nhà ba gian lợp lá cọ nằm khiêm nhường ngay bên bờ sông hiện ra trước mặt. Nhung hào hứng lay Quân, chỉ: “Nhà em kìa!”. Tới nơi, xe đỗ. Cô xuống xe chạy ào vào sân. Mẹ Nhung ra tận cửa đón con gái. Quân khệ nệ khuân đồ từ tắc-xi vào nhà.
“Anh ấy nhà con đấy mẹ ạ!”. Nhung hớn hở cười chỉ tay vào Quân khi anh vừa bê vừa xách túi đồ vào đến sân. “Chào bác ạ!”. Quân ngẩng lên chào mẹ Nhung. Rồi bất ngờ, anh buông rơi túi quà, tròn mắt sững sờ. Mẹ Nhung cũng thế. Chị thất sắc rồi khuỵu xuống. Quân đứng như trời trồng. Nhung ngơ ngác. Cô chạy vội lại đỡ mẹ, dìu mẹ vào nhà. Quân lóng ngóng chạy theo. Lát sau, mẹ Nhung tỉnh lại xua tay. “Mẹ không sao đâu. Hai người tranh thủ rửa mặt mũi chân tay đi”. Nhung ríu rít trở lại. Cô nắm tay Quân lôi đi. Khi hai người ra đến giếng nước, Nhung hồn nhiên: “Tại mẹ em xúc động quá đấy, anh ạ!”. Còn Quân, từ nãy đến giờ không nói một câu nào. Trời ơi! Sao lại là Ngân? Bao nhiêu năm rồi, cô ấy vẫn không khác xưa là mấy. Sao lại chéo ngoe thế này hả giời?
“Con ra chợ mua thêm mấy thứ về nấu cơm cho mẹ nhé. Để anh ấy ở nhà mẹ nói chuyện”. Mẹ Nhung nói với con gái. Nhung nhảy chân sáo xách làn đi chợ. Khi chỉ còn Quân và mẹ Nhung trong nhà, lúc đó mẹ Nhung mới lên tiếng: “Có đúng là anh không? Quân?”. Quân gật đầu: “Đúng Quân ngày xưa đây. Các cụ nhà mình đâu cả rồi?”. Anh nói trống không. Ngân sụt sùi: “Anh ác lắm. Bỏ em ngày ấy”. Rồi Ngân kể: “Sau khi đường làm xong, công ty đường bộ của bố mẹ anh chuyển đi thì cầu qua sông Chảy cũng xong. Bến phà giải tán. Bố mẹ em chuyển về quê. Được mươi năm thì các cụ bị tai nạn giao thông cùng ra đi một ngày. Em lấy chồng và sinh con Nhung. Rồi chồng em cũng bị ung thư bỏ đi nốt. Em ở vậy từ bấy đến giờ. Thế còn Quân?”.
Quân kể vắn tắt về mình sau ngày rời đất Đoan Hùng đi biệt xứ. Làng công nhân giải thể. Bố mẹ anh về sinh sống ở Hải Dương. Sau đó, anh đón họ vào Nam ở cùng anh. Rồi gặp Nhung và… Quân bo đầu, bứt tóc. Chuyện với Ngân, anh toàn nói trống không hoặc xưng tên với nhau. Cuối cùng, Ngân nói trong ngàn ngạt nước mắt: “Chúng mình có duyên với nhau nhưng không có phận. Em đã lỡ rồi. Giờ con em nó thay em hưởng cái phận ấy. Mong anh yêu thương lấy nó như yêu thương em ngày xưa. Anh hãy viết bản tình ca sông Chảy để nó thay em hát, anh nhé. Từ nay về sau, chuyện tình của chúng ta tuyệt đối không cho con em biết. Tất cả cứ bình thường như cuộc đời, Quân nhé. Thế là em hạnh phúc lắm rồi”. Quân u ơ không biết nói gì. Vừa lúc đó thì Nhung đi chợ về. Cô véo von hát từ đầu ngõ.
Khi hai mẹ con ríu rít nấu nướng, Nhung nói với mẹ: “Mai này, vợ chồng con đón mẹ vào ở với chúng con mẹ nhé. Phải không anh Quân?”. “Được thế thì còn gì bằng”, Quân đáp. “Không được. Mẹ chỉ sống ở quê hương thôi. Mẹ phải ở đây để còn hương hỏa cho ông bà chứ. Các con ở trong đó hạnh phúc với nhau là mẹ mừng rồi”. Chị Ngân tưng tửng nói như chưa hề có câu chuyện lúc nãy với Quân. “À, mẹ bảo lúc nào mẹ hát Tình ca sông Chảy cho con nghe cơ mà?”. “Được rồi. Mẹ sẽ hát và truyền lại để con hát nha”. “Vâng, con gái của mẹ mà. Nhất định rồi. Anh Quân đàn hay lắm mẹ ạ. Anh ấy sẽ đệm đàn cho con hát để mẹ nghe nhé”.

Nhung cứ huyên thuyên ríu rít hồn nhiên như thế. Quân bần thần đang cố nhập vai. Ngân cũng thế. Chỉ ngoài kia, sông Chảy là vẫn ngày đêm lững lờ trôi, thao thiết chảy như ngàn đời nay vẫn vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét