Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

NHỚ TIẾNG SÁO QUÊ HƯƠNG

           Có lẽ trong các loại nhạc cụ mang âm hưởng đồng quê thì cây sáo là nhạc cụ phổ thông nhất bởi nó dễ làm, gọn nhẹ và cũng dễ sử dụng. Đàn bầu, nhị, hồ, đàn tam, đàn tứ… có nhiều bộ phận và phải qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân, các nhạc sĩ có kinh nghiệm thì mới có thể có được một cây đàn chuẩn. Riêng cây sáo thì chỉ cần một đoạn ống trúc, ống nứa khoét lỗ theo những khoảng cách nhất định là xong. Cây sáo dài ngắn khác nhau nhưng dài nhất cũng chỉ trên dưới bốn mươi xăng-ti-mét nên rất gọn, có thể đúc túi, giắt quanh người đi khắp nơi đây đó. Cần lúc nào là rút nó ra đưa lên miệng và thổi. Tiếng sáo véo von réo rắt như tiếng chim kêu, như nước suối chảy. Hay dở do năng khiếu của mỗi người thổi. Thế nên, ngày trước làng tôi hầu như thanh niên nào cũng có cây sáo và cũng đều biết thổi sáo. Những đêm trăng sáng, tiếng sáo gọi bạn vút lên giữa xóm này, xóm nọ nghe vui lắm.

          Để có một cây sáo khá dễ dàng. Ta chọn cây nứa tép vừa đủ già, lấy ống dài thuôn thuôn hai đầu bằng nhau, tiện cắt lấy một đoạn đúng bằng cây sáo. Lấy sợi dây đo dọc ống sáo, gấp đôi lại đặt lên thân sáo từ điểm đầu ống sáo cho đến đúng giữa cây sáo thì đánh dấu lại, ta được nốt si. Tiếp đó, khoanh cái dây xung quang nốt si đó hai vòng chu vi lấy độ dài khoảng cách đó đặt tiếp từ nốt si về hai đầu cây sáo sẽ được lỗ thổi (khoét to hơn) và nốt cuối cùng - nốt rê. Đo tiếp đường kính cây sáo để phân chia bốn nốt còn lại ở phía trong. Tùy theo các nốt mà có từ khoảng cách một hoặc một lần rưỡi đường kính ống sáo. Theo các vạch đánh dấu đó ta khoét lỗ. Khoét bằng cái đục chàng sắc, hoặc dùng cái dùi nung đỏ để dùi. Sau cùng, ta kiếm cái bấc hoặc cục giấy đẩy nút một đầu sáo (phía không có nốt) thế là xong. Có người còn làm thêm lỗ thoát hơi phía đuôi cây sáo, hoặc mở thêm nốt nữa (nốt thứ bảy) phía sau cây sáo để tăng sức diễn tả của sáo. To nhỏ, ngắn dài tùy theo nó là sáo sol, sáo đô tùy sở thích người thổi. Sáo tre, sáo trúc làm cầu kỳ hơn. Thanh niên làng tôi chủ yếu chơi sáo nứa. Dễ làm mà công năng cũng không kém gì các cây sáo khác.
          Sau một ngày lao động mệt nhọc, cơm tối xong, theo tiếng sáo gọi nhau, thanh niên nam nữ làng tôi lại tụ tập nhau dưới gốc đa làng, bên bến sông quê để chuyện trò tâm sự, hát hò. Vui lắm. Đêm trăng sáng, bên cầu em giặt áo. Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo. Cảnh làng quê thật thanh bình. “Anh vẫn hành quân”, “Lý hoài nam”, “Trên đường chiến thắng”, “Đào liễu”, “Chàm rông”… Từ ca mới đến các điệu lý, điệu chèo tiếng sáo cứ véo von, da diết, bồi hồi. Chỉ nghe tiếng sáo thôi là đã nhận ra người thổi sáo. Những hôm sinh hoạt chi đoàn, có tiết mục ngâm thơ, tiếng sáo vút lên thì thôi rồi. Tất cả như bồng bềnh theo tiếng sáo cùng những câu thơ lang thang trôi trong đêm trăng. Đi chơi khuya về, nghe loa công cộng truyền đi tiếng sáo của chương trình Tiếng thơ thì kiểu gì tôi cũng phải đứng lại để nghe. Đêm thanh vắng trăng trong như thế, tiếng sáo vút lên du dương như thế, lời thơ mượt mà ngọt ngào đến thế làm sao mà cầm lòng được.
          Chẳng những chỉ thanh niên mới yêu sáo, thổi sáo, lũ trẻ trâu chín mười tuổi đứa nào cũng dắt bên mình cây sáo. Nhìn chúng cưỡi trâu thổi sáo mới thú vị chứ. Đúng là tiếng sáo của mục đồng. Sáo chẳng những kêu từ miệng người thổi mà nó còn cưỡi lên trên chín tầng mây theo những cánh diều để cho gió thổi vi vu suốt từ mùa hạ sang thu. Tiếng sáo rộn rã những đêm chèo, đêm thơ. Tiếng sáo da diết gọi người yêu. Tiếng sáo tưng bừng tiễn người ra trận. Tiếng sáo thúc giục bước quân hành. Cả tiếng sáo bi ai tiễn người về thế giới bên kia nữa. Ôi tiếng sáo quê hương đã theo tôi bao nhiêu năm tháng từ bấy đến giờ!
          Bây giờ về quê, chẳng còn nghe thấy tiếng sáo véo von nữa. Hầu như không ai thổi sáo. Người ta tụ tập nhau hát karaoke. Người ta ooc-gan điện tử. Nghe chát xình inh oang mà nhạt thếch, nhức đầu. Đến ru con cũng bằng USB, bằng băng đĩa nữa là (!). Muốn nghe tiếng sáo đành phải nhờ nhà đài, chờ chương trình Tiếng thơ đêm khuya hoặc chương trình Văn nghệ chủ nhật để nghe nhạc hiệu vậy. Thương và nhớ vô cùng ơi tiếng sáo tre, sáo trúc quê hương!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét