Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ “KHÚC ĐỒNG DAO” CỦA XUÂN THU (Luận văn tốt nghiệp Đại học của Hứa Thị Lưu - phần tiếp theo)

alt  CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ CỦA TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ “ KHÚC ĐỒNG DAO” 
         3.1. Giá trị tạo nhịp điệu và âm thanh: 
        Nhịp điệu là thứ ngôn ngữ đặc biệt của thơ ca, một tác phẩm thơ không thể không kể đến yếu tố nhịp điệu nhưng để có một tác phẩm văn xuôi giàu tính nhạc tức là có nhịp điệu là một sáng tạo hết sức độc đáo và đặc sắc.
        Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán: trong văn chương, nhịp điệu là sự lặp lại, cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, mô típ nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuât.
        Còn theo “Từ điển tiếng Việt”, Nhịp điệu là “sự lặp đi, lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ theo những trình tự, cách thức nhất định”.
         Việc sử dụng rất nhiều từ ghép láy ở trong tập thơ đã tạo sự linh hoạt, luôn luôn thay đổi sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh, đã tạo nên nhịp điệu, tiết tấu hài hòa tạo nên “Khúc đồng dao” luônlấp lánh, rung rinh sắc màu”. Có câu thơ âm điệu nhẹ nhàng: Đắng cay yêu vẫn ngọt ngào. Dù có đắng cay như thế nào thì tình yêu của tác gải vẫn cứ ngọt ngào, tha thiết, với âm điệu rất nhẹ nhàng, xao xuyến để rồi : Liêu xiêu chân bước mơ màng (Chàng say và chiếu chèo hội xuân).
       Rồi có những câu thơ mà âm thanh cứ rộn ràng, vui tươi; Quán khuya cười nói oang oang (Quán ôc) để rồi một mình lặng thinh : Tí tách ngâu rơi (Trống vắng).

        Đọc cả tập thơ ta thấy hiện lên những nhịp điệu của những vần thơ lục bát,, 50 bài thơ trong tập thì có tới 30 bài tác giả dùng thể thơ lục bát. Lục bát của Xuân Thu rất nhuần nhị, chặt chẽ về cấu tứ. Bài thơ đầu tiên của tập chính là bài "Lục bát cầu may":
          “Tôi bày ra giữa chợ đời
          Sạp thơ lục bát còn tươi chữ vần
          ... “Lang thang một gã quê mùa
          Gánh thơ ra chợ vào chùa cầu may.
        Tác giả có ý tung những câu lục bát lên trời chăng? Như vậy ta có thể thấy Xuân Thu làm thơ lục bát rất chuẩn, không ép vần, không gò bó về tứ thơ làm cho người đọc có thể đễ nhớ, dễ thuộc những vần thơ của ông.
          3.2. Tính hình tượng:
Nếu hình tượng là “sự phản ánh hiện thực một cách khách quan bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính” thì hình tượng nghệ thuật là “sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật”. Trong tác phẩm văn chương, hình tượng nghệ thuật biểu hiện ở nhiều cấp độ, đó có thể là một bông hoa, một bức tranh, một phong cảnh, cũng có thể là một cảm xúc, một nét tâm trạng nào đó.
         Ở đây Xuân Thu sử dụng rất nhiều hình tượng để tả cảnh, tả tình như: "khản đêm gió gào vật vã/ Lập bập môi run gọi người..." để anh ngồi "nhặt từng chiếc lá rơi/ Những mảnh thư tình xào xạc/ Khẳng khiu cành thơ ngơ ngác/ Đâu rồi? Đâu rồi mùa thu?" (Em mang mùa thu đi đâu?). Người mang mùa thu đi đem hết cả hồn anh, bỏ lại cho anh mùa đông xơ  xác để anh lập bập môi run gọi người”.
         Trong số 50 bài thơ của tập thì có tới hơn 40 bài Xuân Thu viết về Tình yêu lứa đôi và chắc hẳn phải là người trải nghiệm thì ông mới viết được những bài thơ sâu sắc, đắm say đến thế. Ta thấy tình yêu lứa đôi là đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật nói chung và của thi ca nói riêng. Và dưới góc nhìn của mỗi loại hình nghệ thuật, của mỗi tác giả, thì vẻ đẹp của tình yêu lại ánh lên những nét đẹp lạ thường, luôn luôn mới mẻ. Có khi đẹp trong hạnh phúc, lại có lúc đẹp cả trong khổ đau. Xuân Thu cũng có những bài thơ như vậy: Xuân Thu tự nhận mình là người đa tình, ông viết: "Yêu như một kẻ trời đày/ Vụng thương, trộm nhớ, cười vay, khóc thầm/ Nhiều khi yêu đến lặng câm/ Lắm phen bão nổi sóng gầm lao đao" (Đa tình). Để rồi có những lúc tương tư "Phải lòng là cái chi chi/ Mà sao lơ lửng, vân vi thế này?”(Phải lòng) ta thấy chỉ trong một câu thơ mà tác giả dùng hai từ láy lơ lửng, vân vi,
        Hay như những hình ảnh khi tác giả tả về người mẹ: Tong teo một tấm thân gầy”
         Đó là những người mẹ dành trầu cau để hỏi vợ cho con từ ngày con nhập ngũ, nhưng đến khi con trở thành liệt sỹ, vẫn trầu cau ấy, mẹ đã ‘tong teo người mẹ mòn mỏi chờ người con trở về trong sự cô đơn, lạnh lẽo, với nỗi nhớ thương người con khiến cho tấm thân gầy của người mẹ lại càng gầy đi rất nhiều, thể hiện sự cô đơn của người mẹ mòn mỏi chờ đợi con.
        Giá trị tạo hình của từ láy trong tập thơ “Khúc đồng dao” cũng có khả năng gợi tả màu sắc, hình ảnh của sự vật, hiện tượng và hình dáng con người. Từ ghép láy tạo hình trong thơ Xuân Thu đã tái hiện được những bức tranh thiên nhiên, những cảnh, cuộc sống của người dân với tất cả đường nét, hình khối màu sắc của sự vật, hiện tượng. Nhiều từ ghép láy tạo hình được tác giả sử dụng đặc sắc tạo nên những ấn tượng mạnh cho người đọc. Ta có thể kể đến những từ láy tạo hình như:
            Lang thang một gã quê mùa
            Hỡi con chuồn chuồn ớt đỏ
            Khẳng khiu cành thơ ngơ ngác
            Sinh ra đã tính khù khì
            Ngu ngơ giữa chợ tôi đi
            Chiếc điện thoại nằm chỏng chơ, thương quá!
            Quờ tay chỉ toàn những vỏ chai lăn lóc
            Quay ngoắt theo người tưng tửng cứ  như không
            Hàng cây trút lá giữa trời khẳng khiu
            EM lộng lẫy anh nguyện làm nô lệ
            Liêu xiêu chân bước mơ màng
            Còn anh với chiều chạng vạng
            Hoàng hôn sim tím mông mênh
            Hớ hênh thế để cho nhau… “chết” người!
            Gió mưa bão lũ tơi bời
            Mấy mươi năm lẻ héo hon thân già
            Tong teo một tấm thân gầy
            Chân run chiếc gậy, ăn mày xẩm xơ
           Tất cả những từ ghép láy tạo hình đều được sử dụng để làm nổi bật lên sự vật, hành động được nói đến trong câu thơ, nên từ ghép láy có giá trị rất lớn, nó bổ nghĩa cho chủ thể được nói đến. Từ ghép láy tạo hình, làm chức năng miêu tả hình dáng, màu sắc của thiên nhiên và của cả con người.
          Câu “Hoàng hôn sim tím mông mênh” có từ ghép láy “mông mênh” được sử dụng tể tả một cảnh tượng rất là đẹp, những đồi sim tím mênh mông bát ngát trước cảnh hoàng hôn tạo nên cảm giác buồn dịu ngọt của tình yêu.hay như câu “Hớ hênh thế để cho nhau... “chết” người! đó là một cách sử dụng rất mới mẻ và đặc biệt, tạo nên một hình ảnh cô gái với dải yếm đào, tóc lả yếm lơi để rồi chàng trai “say” : “chàng say chợt tỉnh thế rồi…lại say.. như vậy. Những từ ghép láy tạo hình trong  tập thơ “Khúc đồng dao”  mang những giá trị về cả nội dung và nghệ thuật, những hình dáng của thiên nhiên, của con người, của sự vật đều được gợi lên thật tự nhiên và cũng rất nổi bật.
         Trong bài “Em mang mùa thu đi đâu” nhiều hình ảnh thiên nhiên được thể hiện trong các từ ghép láy mà tác giả sử dụng để miêu tả rất tài tình:
          Tôi nhặt từng chiếc lá rơi
          Những mảnh thư tình xào xạc
          Khẳng khiu cành thơ ngơ ngác
          Đâu rồi? Đâu rồi mùa thu?
        Bài thơ này cũng đã được nhạc sỹ Trịnh Hùng Khanh phổ nhạc và được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới”.
         Những hình ảnh nông thôn rất gần gũi như: mục đồng, chim sáo, cây lúa và lão nông đã được tác giả sử dụng từ láy để miêu tả một cách độc đáo:
                     Mục đồng đuổi bắt hả hê
                     Ríu ran chim sáo, ngô nghê nghé cười
                     Lão nông chống cuốc nhìn trời
                     Tứ thơ vụt hiện bời bời lúa lên
                               (Điệu đà tháng giêng).
            Xuân Thu với khả năng sử dụng ngôn ngữ với những nét tả cảnh, tả người đến thông minh và độc đáo, chỉ bằng hai câu thơ mà tác giả vẽ nên một bức tranh tả người hết sức cụ thể và ấn tượng. Có lẽ nhiều họa sỹ phải tốn nhiều bút lực mới có được bức tranh thơ này:
           Nón mê te tướp gió bay
           Chân run, chiếc gậy ăn mày xẩm xơ
                                                           (Người mẹ ăn mày)
         Khó ai có thể tìm được từ nào đắt hơn từ "xẩm xơ" của tác giả. Như vậy giá trị gợi tả của từ ghép láy chính là do mối tương quan  giữa âm và nghĩa trong từ tạo thành. Mỗi từ ghép láy đều mang trong mình một thế giới sống động mà khi tiếp nhận nó, trí tưởng tượng của người đọc được mở rộng hơn. Nó giúp ta hiểu rõ hơn về con người của  Xuân Thu - một con người giản dị, mộc mạc, hóm hỉnh mà kín đáo bởi khi ta đọc tho ông, nhất là khi đọc tập thơ “Khúc đồng dao” thì ta sẽ thấy tình yêu của Xuân Thu trong "Khúc đồng dao" là thứ tình yêu thầm kín, chỉ mình mình biết, đó là những “Khối tình câm”.
           3.3. Tính truyền cảm:
           Trong lời nói đã chưa đựng những yếu tố tình cảm, thể hiện ở sự lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ: từ ngữ, câu, cách nói, giọng điệu. Tính truyền cảm thể hiện ở chỗ làm cho người đọc (nghe) cùng vui, buồn, yêu thích như chính người viết( nói). Tính truyền cảm hay còn gọi là giá trị biểu cảm của từ là khả năng diễn đạt thái độ đánh giá, tình cảm của người nói với sự việc hay thuộc tính do từ biểu thị và cũng là khả năng khơi dậy ở người nghe thái độ đánh giá, một tình cảm tương ứng.
           Trong bài “Chút tình rơi”, với những từ ghép láy mà tác giả sử dụng làm cho những câu thơ đều phảng phất nỗi u hoài, nỗi khao khát để có được tình yêu khiến cho người đọc cảm thấy cứ tội tội thế nào:
                             Ngu ngơ giữa chợ tôi đi
                             Khăng khăng ôm khối tình si… mà cười
                             Đành xin mắc nợ với đời
                             Để tôi còn chút tình rơi muộn màng
          Câu thơ “Khăng khăng ôm khối tình si mà cười” vừa phảng phất cái xưa cũ mà vẫn có cái riêng của tác giả. Khi yêu con người ta trở nên yếu đuối, trở thành thằng Bờm trong vòng lao lí của tình yêu để rồi người đàn ông đã phải thốt lên lời cầu xin : Để tôi còn chút tình rơi muộn màng.
           Tác giả cũng quằn quại, day dứt với nỗi nhớ người yêu bằng ba từ ghép láy được sử dụng trong hai câu thơ làm cho người đọc cảm thấy ý của tác giả dâng cao mãnh liêt.
                             Tưởng rằng ngày tháng nguôi ngoai
                             Lại day dứt phút, lại gai góc giờ
                                                (Mười ngày xa em)
           Và nếu như ai đã đọc tập thơ Khúc đồng dao” chắc hẳn sẽ có một cảm giác gì đó cứ “chênh chao” như ở tên một bài thơ cuối trong tập sách vậy. Bởi bao trùm suốt cả tập thơ là Tình yêu lứa đôi, là nỗi niềm khắc khoải, hạnh phúc, khổ đau của Xuân Thu đối với người con gái mà tác giả đã yêu, đã khiến cho người đọc thấy yêu đời hơn, yêu cuộc sống này hơn và chẳng còn khô khan như trước nữa và đó chính là Thơ tình của Xuân Thu chứ không phải “Khúc đồng dao” mà trẻ con hay hát bởi Thơ lục bát dễ viết nhưng khó hay, thế nhưng lục bát của Xuân Thu đã đứng được, đã đi vào lòng độc giả hoàn toàn tự nhiên, không gượng gạo, không trở thành ca dao như ta vẫn thường gặp đâu đó của một số tác giả.
          3.4. Tính hàm xúc:
         Hàm xúc là hình thức diễn đạt qua đó người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Đây là đặc điểm đồng thời là yêu cầu rất cao của ngôn từ văn học. Tính hàm xúc của ngôn từ có nhiểu biểu hiện như thể hiện qua tính đa nghĩa, dung lượng lớn những ý nghĩ, tình cảm mà người viết không viết ra nhưng người đọc có thể tự mình suy ra được.
        Tập thơ "Khúc đồng dao" được Xuân Thu sử dụng từ ngữ khá chọn lọc, đắc địa.Ví dụ như: "Quay ngoắt theo người tưng tửng cứ như không", "quay ngoắt" và "tưng tửng" là rất đắt, từ "tả tơi" trong "Đơn phương yêu đến tả tơi" (Đa tình )  Mặt khác, tác giả dùng từ rất "thơ". Chẳng hạn như "khẳng khiu cành thơ ngơ ngác", …Nào là "tháng ba đỏng đánh", "đòng đưa"... Những điều tưởng như vô lý mà đọc lên, nghe và ngẫm lại thấy thật có lý. Tác giả  tả những cô gái thật đẹp, thật sinh động: "Đỉnh đèo mây đậu má em/ Vàng thu rải nắng gót mềm em đi" (Hoa núi), "Đã hồng đôi má hây hây/ Đuôi gà ngúng nguẩy ơ này tháng ba" (Tháng ba)...tính hàm súc đó được gợi lên từ những từ ngữ ông sử dụng được chọn lọc như vậy.
              3.5  Tiểu kết chương 3:
           Từ những đặc điểm trên ta có thể thấy, về ý nghĩa từ ghép láy trong tập thơ “Khúc đồng dao” của Xuân Thu mang tính khái quát cao về nghĩa thể hiện bên ngoài, và mang nhiều nét nghĩa cụ thể  sâu sắc. Các từ ghép láy được Xuân Thu sử dụng đều mang tính hình tượng cao và đa nghĩa.
          Những từ ghép láy được Xuân Thu sử dụng trong tập thơ “Khúc đồng dao” đều thể hiện ý nghĩa lớn nhất của từ láy đó là miêu tả sắc thái cảnh vật, miêu tả cảm giác con người, miêu tả nội tâm nhân vật trữ tình trong thơ, đây là ý nghĩa nổi nhất, tác giả tả cảnh, tả tình qua những câu thơ được hiện lên từ những câu chữ, nó không cầu kì, thế giới thơ Xuân Thu đa chiều, nhiều hình ảnh, gần gũi với nội tâm đôi khi còn là sự liên tưởng giàu cảm xúc đã khiến cho "Khúc đồng dao" để lại nhiều ấn tượng đẹp cho người đọc.
           Từ ghép láy trong tập thơ “Khúc đồng dao” mang nhiều giá trị biểu hiện khác nhau. Giá trị gợi tả của từ ghép láy làm cho người đọc mở rộng trí tưởng tượng, giá trị gợi tả làm cho mỗi bài thơ là một bức tranh với những nét vẽ được tô đậm, hay những cảm xúc trong tình yêu được hiên lên bởi các từ ghép láy đó... Từ những đặc điểm và ý nghĩa của từ ghép láy thì từ ghép láy đã góp phần làm nên thành công cho tập thơ bay cao, bay xa và luôn luôn lung linh sắc màu.
                                   KẾT LUẬN
         Từ ghép láy có giá trị biểu cảm rất cao cũng vì thế mà nó được sử dụng phổ biến trong thơ ca. Trong tập thơ “Khúc đồng dao” thì Xuân Thu chủ yếu sử dụng kiểu ghép láy đôi, vì đây là kiểu láy phổ biến hơn cả trong cuộc sống. Từ ghép láy đôi cô đọng xúc tích mà lại mang tính biểu cảm cao nên rất phù hợp với ngôn ngữ thơ ca. Xuân Thu đã dựa vào đặc điểm đó để nói lên tiếng lòng của mình, nói lên những cảm xúc của tình yêu và với ông thì Tình yêu như một hành trình ngọt ngào và cay đắng, khi bàn chân trần này bước lên chông gai rướm máu thì bàn chân kia, bước lên đất mịn mát lành,không tránh được ,và đó là con đường số phận”.(Đọc Khúc đồng dao của Xuân Thu-Phạm Ngọc Kiệm)
            Từ ghép láy được Xuân Thu sử dụng trong tập thơ với nhiều vị trí khác nhau trong câu thơ, đã thể hiện sự linh hoạt của từ ghép láy trong việc tham gia vào các chức vụ cú pháp trong câu. Vị trí và chức năng của từ ghép láy linh hoạt nhưng dù được sử dụng ở phương diện nào thì cũng không làm mất đi giá trị biểu cảm của nó. Từ ghép láy vẫn thể hiện khả năng biểu đạt cao của nó trong mỗi câu thơ, và làm cho bài thơ trở nên thật hàm xúc. Nhờ vậy mà con người và cảnh vật được hiện lên trong tập thơ “Khúc đồng dao”có màu sắc,có đường nét, có hình khối riêng.
          Với tần suất sử dụng từ láy ở trong tập thơ rất nhiều,trong tổng số 52 bài thì có tới 50 bài có sử dụng từ ghép láy, Xuân Thu đã thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đặc biệt là những cung bâc cảm xúc trong tình yêu. Với “Khúc đồng dao”dường như là nỗi day dứt luyến tiếc, một nỗi tự xót xa, tự thương cảm lấy chính mình. Tứ thơ của ông gợi mở một chiều sâu, về nỗi cô đơn, day dứt trong tình yêu, sự cô đơn xa cách của con người. ông đã có sự sáng tạo ngôn ngữ của dân tộc, ông có sự kế thừa những câu thơ lục bát và sử dụng nhiều từ ghép láy trong tập thơ làm cho Cả tập thơ rất trang nhã, thanh thoát nhưng ẩn trong đó là những hoài niệm của tình yêu. Khi đọc thơ ông, ta thấy hiện lên đó là một con người yêu đời, yêu cuộc sống, ông luôn sống gần gũi với độc giả bằng những câu thơ hết sức quen thuộc, dễ nhớ mà không gây nhàm chám mà ngược lại rất “Đậm đà dư vị” trong lòng bạn đọc.

3 nhận xét:

  1. Hoài niệm tình yêu trong thơ anh đã được Hứa Thị Lưu đọc vị rất nhanh. Tuy phần này không sâu sắc, nhưng lập luận chặt chẽ khiến người đọc không thể bỏ qua.Đặc biệt phần Tính truyền cảm và tính hàm xúc người viết đã bằng những lí luận ngôn từ khiến cho câu thơ sáng lên rất đáng trân trọng. Chúc mừng anh và bạn đọc của Tập thơ. Chúc anh luôn thành công và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em nhận xét sẻ chia, đồng cảm. Trân trọng chúc em buổi tối nhiều niềm vui.

      Xóa
  2. Nặc danh05:21 16/6/13

    Wish to consider it on the up coming degree?

    My blog: bowflex selecttech 552 dumbbells review

    Trả lờiXóa