Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

ĐÁM MA KỲ LẠ


                                        (Đường lên cột cờ Lũng Cú)

        Chiều qua, sau khi thăm và chụp ảnh lưu niệm tại chân cột cờ Lũng Cú, đoàn chúng tôi rút dần xuống Yên Minh. Lúc đó đã hơn 12 giờ trưa. Nắng, nóng, đói nhưng không có quán ăn. Cả chặng đường dài mấy chục cây số đường núi đá không lấy đâu một ngôi nhà chứ chưa nói gì đến quán ăn. Thế là phải nhằm thị trấn Yên Minh để tìm chỗ ăn trưa. Từ Lũng Cú đến Yên Minh chỉ mấy chục cây số thôi nhưng cứ tốc độ 10 km/h thế này thì chưa biết lúc nào mới được ăn? Tuy nhiên, cảm giác đặt chân đến địa đầu Tổ quốc khiến mọi người vẫn lâng lâng mà tạm quên cả cái đói.
          Xe đang đổ đèo thì bên đường có một đám rất đông người H’Mông. Nam quần áo đen, đầu đội mũ nồi đen. Nữ quần áo màu phong phú hơn. Trống, khèn nhảy tưng tưng. Thấy lạ, mọi người nghển cả cổ ra để xem, nhất là mấy tay “nhiếp ảnh”. Tôi liền bảo lái xe dừng lại. Có thể là một lễ hội rất phù hợp để các tay máy sáng tác và tôi cũng khám phá được điều gì chăng?
                          (Hỏi chuyện những người trong đám)


         Các tay máy đều nhăm nhăm máy ảnh trên tay. Tôi chạy lên trước vào giữa đám đông. Nhìn xuống rãnh đường quốc lộ thấy một người đang thổi khèn, đúng ra là vừa thổi vừa múa khèn. Cạnh đó là một cái trống to và dài hơn thùng gánh nước một tí. Một người đàn ông đang cầm dùi gõ từng nhịp một theo điệu khèn. Phía bên kia, mấy người đàn ông khác đang nâng một bò rượu (cái ông bơ rỉ trong đó đựng rượu) mời nhau uống. Lúc này tôi mới để ý ven đường đã có mấy người nằm im như ngủ. Thì ra họ là những người say rượu. Xung quanh xúm xít đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ. Họ thấy chúng tôi giơ máy ảnh liền xua tay: “Không được chụp đâu vớ!”. Tuy vậy, các tay máy nhà ta được dịp săn ảnh bấm lia lịa. Lại có giọng lơ lớ: “Chụp thì chụp nhưng không được đăng báo đấy vớ!”.
          Thấy lạ, tôi hỏi một người đàn ông gần mình: “Bản mở hội à?”. Anh ta lắc đầu ú ớ. Ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp người khác. Một thanh niên trông mặt mũi sáng sủa hơn nói: “Không phải hội đâu vớ. Đám ma đấy!”. “Đám ma?”, tôi tròn xoe mắt. Anh ta nói tiếp: “Tập quán mà!”. “Thế ai chết vậy?”. Anh ta đưa mắt ra hiệu chỉ cho tôi về phía đầu đám đông. 
                           (Thi hài cháu bé - ảnh nghệ sỹ Minh Thái)
            Trời ơi! Bắc qua cái rãnh đường là một cái cáng trên đó hở ra một khuôn mặt trẻ con như đang ngủ, toàn thân cháu che đạy bởi một tấm vải trắng. Phía trên đầu cháu là một con gà phủ kín hở mỗi cái đầu và hai cái cánh bằng một thứ bột màu vàng, đó là bột ngô đã nấu chín (mèn mén). Dưới cái cáng là một chậu than gần nguội, vẫn thi thoảng bốc khói và ánh lên màu hồng. Một người đàn ông đang cầm một quả trứng gà đưa từ mặt cháu xuống khắp người cháu, miệng ông lẩm bẩm điều gì đó. Khi ông đưa hết lượt quả trứng qua thi thể cháu thì một người đàn bà lấy quả trứng khác từ phía dưới lưng cái cáng (lưng cháu và trên chậu than) đưa tiếp cho người đàn ông. Ông ta lại đưa quả trứng này theo chu trình như quả trứng trước. Hình như có 3 quả trứng như thế thay nhau. Không có hương khói, không ai khóc. Tôi không dám chụp ảnh cảnh này.
                                  (Say rượu trong đám ma)
          Hỏi mấy thanh niên bên cạnh, họ ú ớ (do chưa thạo tiếng kinh) rằng phong tục đám ma mà. Về lý do cháu bé mất là do sốt cao trên 40 độ, co giật và chết. Đã cúng ở nhà rồi giờ mang ra đây cũng tiếp, sau đó đi chôn. Tôi hỏi có quan tài không? Họ bảo có, tí nữa mang ra rồi cho nó vào. Lúc này quan sát kỹ hơn, thấy đầu rãnh đằng kia có hai cái hố như hai cái chậu họ vừa đào lên. Đất mới đào bị người thổi khèn dẫm lên đã nhẵn. Lại nhìn kỹ về phía đầu rãnh đằng này thấy hai cái chảo to đoành trong đó đầy nước lõng bõng đang sôi. Ở mép đường là một đống thịt bò đã thái. Người thanh niên bảo tôi: “Thắng cố đấy!. Chờ cũng xong thì ăn”. Tôi rung mình. Tất cả đều ở dưới rãnh đường. 
                         (Hai chảo thắng cố phục vụ đám ma)
          Người ta tập trung đứng lô nhô cả trên đường. Cũng may, đường chẳng có mấy ôtô nên họ tự do bàn tán. Lạ là không có ai khóc, thậm chí nhiều người còn cười, đùa nữa. Tôi nhảy xuống rãnh đứng gần ông múa khèn quan sát. Bỗng có tiếng “nhảy đi”. Thế là như vô thức tôi nhún chân, khua tay theo điệu khèn. Nhiều người cười tán thưởng. Có ai nói: “Cái cán bộ này tốt đấy. Nó biết nhảy buồn với mình!”. Và tôi cứ nhún nhẩy một cách vô tư. Mấy người đang bưng bò rượu mời tôi: “Uống rượu này!”. Nhìn vào cái ống bơ rỉ, tôi lắc đầu rùng mình: “Không biết uống rượu mà!”. Trong bụng trộm nghĩ: nhỡ có sao thì chết, ví như bùa, hèm, ngải chẳng hạn. Các tay máy được dịp tha hồ chụp. 
                                (Múa khèn trong đám ma)
          Tôi cố hỏi thêm rằng tại sao phải làm thế này, tại sao phải thế kia nhưng mọi người đều cười và nói “tập quán mà!”. Vốn tiếng kinh không đủ để họ trình bày chăng? Hoặc giả họ còn đang tập trung vào việc ông không thấy đấy à mà còn phải hỏi. Đành chịu, sợ lâu ở đây quá, tôi bảo mọi người lên xe để tiếp tục đi Yên Minh. Có hơn hai chục cây số mà mãi tới gần ba giờ chiều chúng tôi mới đến được Yên Minh. Đến đó mới có chỗ để ăn cơm… trưa. Gần 3 giờ chúng tôi mới tìm được quán ăn. Mệt nhoài.
Thật là một đám ma kỳ lạ. Thương cho cháu bé chết rồi mà vẫn phải phơi mặt ra ở ven đường! Đám ma ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi. Cầu cho linh hồn cháu bé được siêu thoát phù hộ cho mọi người và đoàn chúng tôi.
(Mưu sinh)

4 nhận xét:

  1. Khách vãng lai09:30 10/7/11

    Người đa cảm nên mọi thứ đều thương, nói chi là đám ma của bé!

    Trả lờiXóa
  2. Xuân Thu múa dẻo Bởi giỏi chăn bò
    Đi xem người chết Mai còn có thơ
    Trưa đang đói lả Thắng cố họ mời
    Sao không đánh chén Thử xem một nồi
    Biết đâu lại thấy Một loài hoa tươi
    Nó mà bùa ngải Thế là chết toi

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn các bác. Quả thực đến bây giờ nhà em vẫn bị ámaảnh bởi một đám ma kỳ lạ đó. Nhà em chỉ biết ghi lại hình ảnh và tả lại bằng lời vậy thôi, còn bản chất vì sao lại thế (phong tục, tập quán) thì chưa kịp điều tra nên bài viết chỉ dừng lại như teế. Cac bác đọc thông cảm nha.

    Trả lờiXóa