Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

NỢ NẦN

Thanh Nhã là một cây bút nữ tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh. Chị làm thơ, viết văn và có nhiều tác phẩm đăng tải trên báo chí trung ương và địa phương. Thơ chị đằm thắm, đang có sự bứt phá đổi mới, cách tân, từng bước vượt qua ranh giới giữa thơ truyền thống và thơ hiện đại. Mới đây, báo Tiền phong chủ nhật, báo Văn nghệ đã giới thiệu thơ chị (mỗi báo đăng một chùm 2 bài). 
         Không chỉ làm thơ hay, Thanh Nhã còn viết tản văn, tùy bút rất thành công. Nhiều tác phẩm của chị đã được báo Văn nghệ cùng nhiều báo khác ở trung ương sử dụng. Tùy bút, tản văn của chị đầy chất thơ, chị đã trải lòng mình qua từng con chữ. Đọc chị, độc giả cảm nhận được tình cảm mến yêu của chị gửi cho quê hương, người thân gia đình và bè bạn. Đặc biệt, phong tục, tập quán, cảnh quan nơi chị đang sống đã hiện lên ngồn ngộn trên từng trang viết với nguồn cảm xúc thật dào dạt. Đọc chị ta được thả hồn về một miền quê sông nước, về những cánh rừng cao su, về tình yêu tha thiết với cuộc sống và quê hương. 
          Hoa Nhã my xin trân trọng giới thiệu tản văn "Nợ nần" của chị.  Chắc chắn khi đọc xong tản văn này, quý vị có thể tự tìm cho mình một lời giải thích vì sao lại gọi là "nợ nần"?

NỢ NẦN
                                                 Tản văn của Thanh Nhã
Một ngày đầu tháng tư, tôi cùng người bạn Chăm đến thăm khu di tích Căn cứ Lõm tại xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu. Sau khi tham quan phòng trưng bày, chúng tôi dạo bước vòng quanh khu rừng rợp mát bóng cây, nó làm dịu đi cái nắng gay gắt. Ở đó có nhiều loài cây, có những cây mà tôi chưa quen tên.

          Khi nhìn thấy một loài dây to bằng ngón tay, mọc thẳng, có gai tôi chợt nhớ nội tôi ngày ấy. Khi tôi còn nhỏ, tôi hay theo bà vào rừng đào củ nần. Khu rừng không lớn lắm, nhưng nó chứa đầy ắp những kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Nơi ấy dù bây giờ đã hoá thành rẫy cao su của ai đó, nhưng nó vẫn mãi lưu giữ những hình ảnh đẹp của một cô bé ngây thơ với hai bàn tay nhỏ xíu kệ nệ xách cái ky to hơn người, lẽo đẽo theo sau bà đi vào rừng tìm củ nần. Nội vác cuốc đi trước, lâu lâu, ngoái lại thăm chừng cháu, rồi đứng lại chờ. Nội thăm dò kỹ lưỡng coi nó được bao năm tuổi, nó có củ to không. Sau khi “khám xét” xong, nội lấy cuốc dẫy lên một lớp đất mỏng, nội đào xung quanh sâu dần. Rồi dẫy từ từ, đào kỹ không để củ nần bị lát. Cuối cùng, bộ củ thật to cũng được nội moi lên khỏi mặt đất. Có những củ to bằng cả cái ky. Hai bà cháu phủi sạch đất bám quanh củ, cho vào ky, rồi nội bưng về. Nội không quên găm lại dây nần để chúng mọc chồi và cho củ vào những mùa sau. Tôi hí hửng đi theo nội về nhà với chiến lợi phẩm có được. 
         Sau khi gọt bỏ vỏ, nội bào củ ra thành từng lát mỏng. Giai đoạn làm nần mất khá nhiều công sức và thời gian. Nội bảo, củ nần có chất độc, có khi làm chết người, nên phải ngâm muối và rửa lại mỗi ngày. Làm như thế cho đến chín hoặc mười hai lần. Sau đó còn phải mang phơi nắng cho thật khô để dành ăn dần.
Đến lứa tuổi tôi, việc ăn nần như là một thức ăn “giải trí”. Nội nói, ngày xưa nội phải ăn nần để chống đói. Không có củ nần chắc dân làng chết đói hết. Khi ấy, chỉ có thể nấu củ nần như nấu cơm, bỏ thêm muối cho vừa ăn, để ăn thay cơm, chứ đâu có điều kiện mà làm nhiều món như tôi biết. Nần có thể nấu chung với gạo tẻ hoặc nếp, chiên mỡ hành, có thể cho thêm thịt, lạp xưởng, rau nấm hoặc hải sản. Cũng có thể chế biến như món xôi ngọt với đường, dừa, đậu phộng rang ăn rất ngon, có mùi vị đặc trưng, có độ dẻo, dai, ăn rồi sẽ nhớ mãi.
Ngày nay, do diện tích đất rừng bị thu hẹp, nần cũng ít đi, đã lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy chúng, kỹ niệm cũ ùa về…
Bất chợt người bạn tôi lên tiếng:
“Ơk, Kơu nau mưk damin
Glai cơk lin tapin tian anưk kơu lipa”
“Đói, ta đi kiếm củ nần
Rừng núi mịt mùng cho đói con ta”
Bạn nói đó là ca dao Chăm và cho biết thêm, ngày cũ bạn cũng đi theo người nhà vào rừng lấy nần. Mọi người hay đọc câu ca dao ấy. Vậy ra, người Chăm cũng như người Kinh được nần cứu sống qua khỏi mùa đói. Đột nhiên tôi lại nghĩ ra một điều, chắc là ông cha ta ngày xưa biết ơn củ nần nên dùng chữ “nợ nần”, để rồi cháu ngày nay cứ hễ mắc nợ ai cái gì đó nhiều, nhiều lắm thì gọi là nợ nần như ngày xưa ông cha mắc nợ cây nần vậy. Tôi lấy một dây nần nhỏ, mang về trồng ở góc vườn nhà để nhớ ơn cây nần và cho đỡ nhớ nội. Người bạn đi cùng tôi, buộc miệng: “Chúng tôi nợ nần nhiều lắm, nần ơi!” 
                                                               THANH NHÃ

8 nhận xét:

  1. Giá có cái ảnh về cây nần thì tốt. Mình chưa biết loại cây này nhưng đọc xúc động lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chưa biết được cây nần
    Nhưng tôi tin đến toàn phần bài em
    Đã từng đói ở Tây Nguyên
    Đã ăn búng báng cho nên nợ rừng
    Thương nhau no đói đã từng
    Nợ nần vì vậy xem chừng dễ tin

    Trả lờiXóa
  3. Thể theo yêu cầu của Ngọc Tân và anh VQK cùng nhiều bạn đọc khác yêu mến Hoa Nhã My điện đến, Hoa Nhã My đã đề nghị tác gải gửi ảnh của cây "nần" đến và chúng tôi đã kịp post ảnh đó lên để quý vị tham khảo. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho quý vị những điều khám phá mới, bổ ích và lý thú.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh06:33 12/7/11

    Hay quá! Mình chậm chân nên được xem cả ảnh. Đúng là "Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay". Tản văn đưa ta về lại một thời gian khó để mến yêu hơn cuộc sống này. Cảm ơn tác giả và Hoa Nhã My.

    Trả lờiXóa
  5. Dây nần trong ảnh nửa giống củ từ, nửa giống củ nâu. Cụm từ "nợ nần" được tác giả phát hiện quá hay. Cám ơn bông hoa Nhã My!

    Trả lờiXóa
  6. Thì thế mới là Hoa Nhã my mà anh Cầm Sơn ơi! Nợ nần. Cuộc đời này là cả một chuỗi nợ nần, phải không anh?

    Trả lờiXóa
  7. " Nợ nần" - Lại Thanh Nhã. Cái đột nhiên nghĩ ra... ấy của tác giả nhẹ như hơi thở mà như là từ cổ tích. Tôi ngưỡng mộ cách kể chuyện thủ thỉ ngồ ngộ mà chiết lí của chị, đặc biệt là sự trải lòng của tác giả: " Tôi lấy một dây nần nhỏ, mang về trồng ở góc vườn nhà để nhớ ơn cây nần và cho đỡ nhớ nội".

    Trả lờiXóa
  8. Một lần nữa cảm ơn Nua_nho với cái còm thật thật dễ thương.

    Trả lờiXóa