Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

PLEIKU -THỰC HAY MƠ?


          Chiếc máy bay phản lực của hãnh hàng không Mê kông đáp xuống sân bay Nội Bài đúng 12 giờ 30 phút ngày 3 tháng 7 năm 2011 đưa tôi trở lại quê hương sau hơn 10 ngày dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa V mở tại thành phố Pleiku xinh đẹp, thủ phủ của tỉnh Gia Lai. Đang từ cao nguyên lộng gió với khí hậu mát mẻ quanh năm không cần đến điều hòa nhiệt độ, bước ra cửa máy bay tôi bắt gặp ngay cái nóng như thiêu như đốt của quê nhà. Vẫn cái nóng nực oi nồng quen thuộc ấy sao hôm nay tôi lại lạ lẫm, ngỡ ngàng, xa lạ đến lạ thường. Trong tim tôi vẫn rạo rực lâng lâng cái khí hậu mát mẻ, chan chứa tình người của Pleiku, dư âm của lớp học. Ôi! Thế là xa thật rồi ư Pleiku, xa thật rồi ư các bạn, xa thật rôi ư hoa nhã my huyền thoại của Gia Lai trong tôi? Tôi bước lên xe về nhà mà cảm thấy chống chếnh không sao dứt ra được những kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ trong những ngày học đầy ấn tượng này.

                                             


            Ơi Pleiku mến yêu! Ơi Gia Lai thương nhớ! Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới vùng đất này. Chỉ nghe người ta kể, người ta hát, chỉ đọc trên sách báo thôi tôi đã có cảm tình lắm rồi. Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa V mở tại đây chỉ dành cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ nhưng bốn chúng tôi (tôi, hai tác giả thơ là Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Thanh Bình cùng tác giả văn xuôi Trần Như Đắc của Hội LH VHNT Phú Thọ) với tính hiếu học, thích khám phá đã xin theo học bằng được lớp này. Đi bằng ô tô để được ngắm nhìn phong cảnh đất nước, về bằng máy bay để nhìn đất nước từ trên trời xuống, chúng tôi đã có một chuyến đi, một khóa học thật mỹ mãn, đặc biệt là với tôi. Lớp học có hơn 40 người thì xa nhất là Phú Thọ - Đất Tổ (hơn ngàn cây số) và Tây Ninh (hơn 700 ki-lô-mét). Những gì thu hoạch từ lớp học này theo chương trình là điều dĩ nhiên, nhưng riêng tôi, tôi còn gặt hái được nhiều điều mới lạ mà đến giờ tôi vẫn còn ngỡ như mơ. Tình người Pleiku, cảnh sắc thành phố Pleiku, đôi mắt Pleiku, hoa nhã my huyền thoại cùng bao điều mới lạ nữa đã để lại dấu ấn trong tôi thật khó có thể phai mờ.
          Đặt chân tới một vùng đất lạ không có người quen, ít bạn bè, ắt hẳn trong ai cũng có nỗi lo nào đó. Tôi cũng thế, không là một ngoại lệ. Thế nhưng, ngay từ phút đầu tiên đến, chúng tôi đã như ùa vào vòng tay bè bạn, người thân của các anh, các chị Hội VHNT tỉnh Gia Lai. Anh Văn Công Hùng - nhà thơ, phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Gia Lai, đồng nghiệp của tôi điện cho tôi nói “bằng mọi giá phải vào, cần thiết bỏ cả ngày báo chí mà vào, giao cho ai thay mà đi, dễ không có ông thì Phú Thọ không có ngày báo chí chắc?” - anh khích. Có thể nói, Văn Công Hùng là đầu mối, là người thân duy nhất của tôi ở Pleiku. Ấy vậy mà, những ngày ở lớp học, chúng tôi thật sự là “thượng khách” của các bạn Gia Lai.
          Đêm đầu tiên, đang “buồn như chấu cắn” thì Hoàng Thanh Hương (biên tập của tạp chí Gia Lai) tổ chức một nhóm bạn vỉa hè uống rượu hoẵng đã cho Thanh Nhã (học viên như tôi đến từ Tây Ninh) phóng xe máy đến đón tôi. Tôi loạng choạng điều khiển chiếc xe ga (chưa quen) đèo Nhã đi trong mưa cao nguyên để tới chỗ các bạn. Tại đây có mấy bạn ở Gia Lai và đoàn Tây Ninh, như vậy tôi là trường hợp “đặc biệt”. Thì mình đã biết ai mà người ta mời. Trong chén rượu nồng nàn, được nhấm nháp đặc sản Pleiku, những câu chuyện đã xích chúng tôi gần lại. Tôi hỏi thăm về một số địa chỉ của thành phố. An Duyên (Gia Lai) láu lỉnh “nếu tính theo đường chim bay thì… còn nếu mà cho chim đi bộ thì…”.  Tiếng cười vỡ ra khiến tôi ngơ ngác. Thế là được thêm một từ mới trong từ điển sáng tác của mình.

                           
Ngoài bắc giờ này nóng phải biết, thế mà ở đây mưa cao nguyên, gió cao nguyên khiến tôi có cảm giác se se lạnh. Nhìn những cặp dìu nhau đi trong mưa, dưới ánh đèn đường thành phố, trong cái se lạnh này tôi chợt thấy bâng khuâng. Các bạn Gia Lai bảo mùa này là mùa mưa nên mưa suốt ngày tháng. Được cái mưa ào qua rồi tạnh nên cũng không khó chịu lắm.

                        

                        
          Tiếp theo đó là những ngày tôi chìm trong tiệc tùng mời mọc sau mỗi buổi học. Bắt đầu tại nhà Thanh Hương (người con của Đất Tổ). Gần như tất cả các tỉnh đều có mặt. Thêm chén thêm đũa, có gì đâu. Nhưng mà đâu phải thế, vợ chồng Hương Tuấn chu đáo lắm, đồ ăn thức uống la liệt. Người ngồi chen chúc nhau nhưng rượu uống, đồ nhắm và hơn cả là tình người đâu có thiếu. Lời thơ, tiếng cười, giọng hát cứ theo nhịp đũa gõ vào bát mà vang lên. Máy ảnh, điện thoại nháy liên tục. Đúng là văn nghệ sỹ chung một mái nhà.
Nguyễn Minh Tuấn, người gốc thị xã Tuyên Quang, học viên của lớp chiêu đãi riêng đoàn Phú Thọ một bữa thịt bê làm theo phong cách Gia Lai tại quán. Cái sự quen anh chàng thi sĩ này cũng lạ. Hỏi thăm qua loa tại lớp, biết là đồng hương “miền bắc”, dăm ba câu chuyện, thế thôi, tôi coi Tuấn như bao học viên khác. Thì tôi là khách mà, vồ vập quá sợ bất nhã. Hôm sau đến lớp, mở lap top, một cái comment của Minh Tuấn trên blog của tôi đã khiến tôi chú ý. “Em vào nhà anh và lục tung nhà anh lên rồi, hay lắm”. Tôi lần theo đường link dẫn sang nhà Tuấn. Tin về khai giảng lớp học này cùng với những bức ảnh đã được Tuấn tung lên mạng. Thì ra tay này cùng lớp học với mình. Hỏi An Duyên: “Tuấn là ai thế?”. Cô chỉ sang anh đầu hói: “Kia kìa!”. Và thế là quen nhau.
Tuấn mời tôi về thăm nhà. Nhà Tuấn cách thành phố Pleiku gần hai chục cây số. Tôi đồng ý. Và tôi đã ngủ một đêm với Tuấn tại xã IaBăng. Vợ chồng Tuấn đều là giáo viên. Tuấn quê Tuyên Quang, vợ Tuấn là Huệ ở Hà Tĩnh. Họ đã có hai cháu gái. Đêm ấy, Tuấn tâm sự với tôi. Qua câu chuyện, tôi biết Tuấn cũng đầy chất nghệ sỹ. Hai mươi tuổi, đang làm ở một nhà máy quân đội, chỉ mười phút Tuấn quyết định khoác ba lô rủ bạn bỏ nhà máy “nam tiến”. Lại cái tính hiếu kỳ, thích xê dịch, máu ham khám phá đã đưa đẩy cuộc đời anh. Trong túi chỉ có một ít tiền, hai người phải bán vỏ chăn, quần áo để đi từng chặng đường, trong khi đó họ chưa biết Chư Prông ở đâu, chưa có khái niệm về vị trí địa lý của bất cứ tỉnh nào miền nam. Hai bàn tay trắng làm thuê cho nông trường cao su, rồi học thêm một lớp sư phạm cấp tốc để chuyển hẳn làm thầy giáo đem ánh sáng tri thức tới những đứa trẻ dân tộc Gia Lai. Mê văn chương, anh viết báo, viết văn, làm thơ và dấn thân vào con đường khổ ải này. Chẳng khác gì nhà thơ Văn Công Hùng, cũng bỏ thành phố Huế mộng mơ, khoác ba lô mang tuổi trẻ sinh viên khoa văn đầy nhiệt huyết và mơ mộng lên Pleiku rồi gắn chặt với mảnh đất này gần bốn mươi năm, làm nên sự nghiệp văn học báo chí cho mình và cho Gia Lai. Tuấn cởi mở, tếu táo hồn nhiên lắm. Tất cả các cuộc vui của các bạn trong lớp học Tuấn đều hăng hái tham gia tổ chức.
Mấy ngày sau, nhà thơ Văn Công Hùng mới dành được thời gian gặp mặt đoàn Phú Thọ. Thì anh bận đến thế cơ mà. Cùng một lúc diễn ra hai sự kiện văn học trên đất Gia Lai. Nào lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, nào đại hội chi hội nhà văn khu vực Tây Nguyên. Rồi bao bạn bè đồng nghiệp khác hò hẹn. Làm người của công chúng khổ thế đấy. Anh giãi bày: chưa gặp được Phú Thọ áy náy lắm. Chả gì trong đoàn cũng có Xuân Thu đồng nghiệp, đồng cấp với mình. Nhưng mà các vị thấy đấy, bận bù đầu. Với lại, Xuân Thu cũng cảm thông cho mình, cùng cảnh mà, biết chứ. Thì tôi có trách gì anh đâu. Hết người nọ mời, người kia đón, chúng tôi cũng đâu còn có thì giờ để trách anh. Hôm nay, anh dành thời gian để tiếp chúng tôi là quý lắm rồi. Thế là nhậu, thế là say, thế là hát. Tôi muốn trốn để đi việc riêng cũng không được. Rồi Phạm Đức Long (Gia Lai) người đã có chục đầu sách, vừa học Nghị quyết XI vừa học viết văn Nguyễn Du cũng khéo tổ chức để gặp mặt được đoàn Phú Thọ trong bữa tiệc tối tại gia đình thật ấm cúng.
Cuộc vui nào cũng có Văn Công Hùng, Thu Loan, Thanh Hương, Minh Tuấn, An Duyên, Vi Thủy, Ngô Thị Thanh Vân … những người đẹp phố núi. Nhạc sỹ Lê Xuân Hoan, chủ tịch hội, mặc dù bận rất nhiều việc cũng dành trọn 2 ngày để cùng lớp đi thực tế ở hai huyện. Đồng thời anh còn phổ nhạc bài thơ "Ta chờ em" của Nguyễn Đình Phúc rồi hát vang lên trước lớp khiến ai cũng xúc động. Anh Chử Anh Đào, quê Lâm Thao, hiện đang là phó hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm Gia Lai, không học lớp học này nhưng đã điện thoại, nhắn tin nhiều lần cho tôi mời đoàn Phú Thọ đến thăm gia đình và “ăn bữa cơm quê hương” mà tôi không tài nào xếp lịch được. Anh tỏ ý giận dỗi. Mãi sau, tôi phải đề nghị Văn Công Hùng cho chúng tôi gặp Chử Anh Đào không thì anh ấy “không dám về quê mẹ”. Anh Nguyễn Như Bá (học cùng) cũng thế, cũng hò hẹn mấy lần gặp tôi để mời riêng bù khú cũng chịu. Sau cùng, anh bảo “chính không được thì phụ vậy, cà phê, bia bọt lai rai, Xuân Thu phải dành cho tớ chút thời gian chứ”. Thế là đánh lẻ, gặp riêng. Mà đâu có riêng, đang giữa cuộc lại điện thoại, lại alô, rồi kéo đến nào Chử Anh Đào, Văn Công Hùng, nào bạn bè của anh cùng một số bạn của các tỉnh bạn. Thế mới vui, thế mới hãnh diện với bạn của mình. Mấy khi bạn mình được gặp các văn nghệ sỹ tên tuổi. Anh tươi cười nói vậy. Ôi, hồn nhiên và trân trọng biết chừng nào! Tên tuổi gì cái thân tôi cơ chứ? May chăng có Văn Công Hùng kia mới xứng đáng. Mà Văn Công Hùng thì anh còn lạ gì. Thôi thì uống. Nào thì thơ, mặc dù biết Văn Công Hùng không thích nghe đọc thơ trong các cuộc nhậu. Anh bảo “ai đọc thơ phải bỏ nhuận nghe ra mỗi bài 50 ngàn đồng”. Vậy mà đâu có ngăn được?
Hai ngày đi thực tế ở hai huyện Chư Prông và Chư Sê thật ấn tượng và ý nghĩa. Bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, bạt ngàn nắng gió, mênh mang tình người. Trời thật khéo chiều, hai ngày đó lại nắng ráo. Xe đi trong hun hút rừng cao su. Nhìn những cây cao su thẳng tắp ngút ngàn hai bên đường khiến tôi mơ giá như mình được trở lại tuổi hai mươi để được chạy trốn tìm em trong những gốc cây cao su kia thì thích biết mấy. Nhưng mà em lại bảo: anh trốn ở đó thì em tìm thấy ngay, phải trốn ở vườn ươm cao su mới thích. Quê em ở Tây Ninh rừng cao su đẹp lắm. Tôi ngơ ngác. Em giải thích vườn cao su nó um tùm, cây lá cao bằng đầu người thôi, chứ không cao vút chọc trời thế kia, thoáng đãng vậy, tìm thấy ngay. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt em, thử hình dung, nhắm mắt lại để tưởng tượng và… mơ màng. Chẳng thấy cao su đâu, chỉ thấy em.
Mãi đến hôm chia tay, vẫn còn có nhiều người hò hẹn mời mọc tiệc tùng. Mấy đoàn các tỉnh muốn giao lưu với Phú Thọ, chúng tôi cũng đành chịu. Thôi, ưu tiên chủ nhà, chúng mình gặp nhau trên lớp là được rồi. Chiều hôm trước khi về, Minh Tuấn, anh Như Bá, Chử Anh Đào và mấy người nữa còn tìm tôi để tặng quà và sách. Bao nhiêu là quà, bao nhiêu là sách, bao nhiêu là tình trong đó. An Duyên, Thanh Vân, Vi Thủy, Thanh Hương, cả anh Văn Công Hùng, chị Thu Loan nữa đều níu kéo chúng tôi. Ánh mắt khác lạ, sâu thăm thẳm. Giọng hát của An Duyên nghẹn ngào. Tôi cố nâng ly để giấu những giọt lệ chực trào ra. Thì đã chia tay đâu mà khóc. Mà cũng phải khóc dần đi là vừa. Ơi Pleiku, Gia Lai, chưa xa mà đã nhớ!

                        
Với tôi, chuyến đi này còn gặt hái được một thành công bất ngờ nữa, hơn cả trong mơ, đó là tôi đã gặp một loài hoa lạ của Tây Nguyên: hoa nhã my. Hôm ấy, lớp chúng tôi đi thực tế ở huyện Chư Sê, trên đường về có ghé thăm thác Phú Cường. Giữa trưa hè nóng nực, mặc dù có gió cao nguyên song ai cũng cảm thấy nóng vì mệt, vì buổi trưa đã phải “chiến đấu” với Công ty cao su Chư Sê. Từ xa, đã thấy ngọn thác đổ con nước xuống ầm ầm. Tôi đã gặp nhiều thác rồi nhưng thác Phú Cường này đặc biệt lắm. Nó vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ. Cách cả chục cây số không có lấy một ngôi nhà. Cách cả trăm mét đã nghe thấy tiếng thác đổ. Đường vào thác tuy đã rải nhựa nhưng nhiều chỗ bị hỏng nên hơi bị khó đi. Xe phải đỗ xa, đi bộ mới đến được thác. Chỉ có một số người xuống thác. Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Càng bí hiểm càng phải khám phá. Dưới chân thác lổn nhổn là đá. Những viên đá thật lạ. Đủ mọi hình thù, đủ các tư thế, màu sắc thì xám đen ra, không hề rêu mốc gì cả. Tôi nắm tay em xuống thác trong cái lạnh toát của hơi nước tung ra từ thác. Thác cao khoảng hai chục mét, rộng tới cả trăm mét. Cả khối nước từ đâu đổ về đột ngột rơi ập xuống tung những bọt nước li ti bắn vào người tôi, rơi vào tóc em, má em. Thú vị quá. Đang nóng vậy mà như bước vào phòng lạnh. Không xuống đây thì thật là uổng phí. Tiếc thay cho một số người còn tránh nắng ở quanh xe.
Nhà báo Giang Sơn, nhà thơ Vũ Miên Thảo (Tây Ninh), Minh Tuấn, anh Mai Dân (Bình Phước) cùng một số người khác nhanh chân hơn xuống tận gần chân thác. Họ đang lựa các tư thế chụp ảnh. Tôi và em dừng chân giữa lổn nhổn đá và say sưa ngắm nhìn xung quanh ba bề vách thác. Cỏ cây hoa lá điệp trùng. Bất ngờ, tôi nhìn vào mắt em, qua phản chiếu của lung linh nắng, của bảy sắc cầu vồng, tự nhiên tôi thấy một loài hoa lạ nở tím bám vào vách thác hiện lên. Hoa nhã my! Thì sáng qua, nhà thơ Văn Công Hùng chẳng đã giới thiệu qua rồi còn gì. Đúng rồi! Hoa nhã my! Và cứ thế, như có ai kể ở trong đầu, huyền thoại hoa nhã my cứ hiện lên trong tôi. Tôi ngây người ngắm em hiện lên như tiên sa trước dòng thác đổ. Người tôi sởn da gà như có linh tính nào mách bảo. Những vần thơ mới, những dòng đầu của tình sử huyền thoại hoa nhã my bỗng ào ạt xuất hiện. Người tôi mụ đi vừa như lâng lâng bay lên vừa như nặng trĩu như có ai kéo tôi ngã xuống trong tiếng réo gầm của thác.
Mãi sau tôi mới bừng tỉnh. Tôi quyết định tìm chọn lấy hai viên đá về làm kỷ niệm. Hai viên đá màu đen, hình cánh buồm, một hòn to, một hòn nhỏ, tôi định sẽ ghép chúng lại tựa hồ như hòn trống mái ở Đồ Sơn. Đồng thời tôi sẽ viết theo kiểu thư pháp câu thơ về hoa nhã my cùng với ngày tháng đã đến nơi đây để ghi nhớ mãi về sự phát hiện ra loài hoa lạ đó. Nắng như thế, dốc dựng đứng như thế mà tôi vẫn cố vác hòn đá trên vai leo lên. Dễ phải đến gần chục kí ấy chứ. Nhà báo Giang Sơn đi bên cạnh nói: “Yên trí, tớ chụp được ảnh hoa này rồi”. Tôi mỉm cười hiểu ý anh. Chính vì hai viên đá ấy mà khi xuống sân bay, cái túi du lịch triệu bạc của tôi mua ở Pleiku bị bục tung do người khuân đồ quẳng cái túi như bao cái túc khác. Không sao. Mang được viên đá về qua hơn ngàn cây số là tốt rồi.
Suốt mấy đêm liền không ngủ, tôi đã có được một chùm thơ tâm đắc về hoa nhã my, về Pleiku. Bài thơ “Hoa nhã my” đã được in trên báo Gia Lai cuối tuần ngay trong thời gian chúng tôi đang học. Thế mà, khi post bài thơ này lên blog của tôi, mấy bạn ngoài bắc không tin cho tôi là hoa bịa. Họ bắt tôi phải chụp ảnh, hoặc ngắt được bông hoa đó về thì họ mới tin. Cũng may, có ảnh của  nhà báo Giang Sơn, không thì…
Giờ thì tôi đã cõng được hai viên đá về quê và đang ngồi viết những dòng này. Tôi là người duy nhất tiễn em lên máy bay và cũng là người cuối cùng của lớp rời khỏi Pleiku sau hơn 10 ngày học tập. Thế là xa thật rồi Pleiku! Thế là vắng thật rồi các bạn cùng lớp! Bao kỷ niệm mến thương về Pleiku dễ gì mà quên được. Tôi mang trong tim một đóa nhã my về cùng với huyền thoại về loài hoa đó đang hình thành trong trí tưởng tượng của tôi. Người ta dạy viết văn là khơi gợi trí tưởng tượng và chuyển trí tưởng tượng đó thành tác phẩm. Tôi đang cố gắng làm điều đó. Đó chẳng là thành công của lớp học ư?
Ơi Pleiku những đêm không ngủ! Ơi những con người mà tôi đã gặp nơi đây! Ơi hoa nhã my yêu thương huyền thoại! Vẫn còn đây những cuộc giao lưu bạn bè bằng hữu. Vẫn còn đây những “Cuội”, “Ngói nâu”, “Tre xanh”, những “Diên Hồng”, “Biển Hồ”, những Chư Prông, Chư Sê, IaBăng… nơi tôi và em đã đến. Đó chính là nguồn cảm hứng vô tận sẽ chắp cánh cho những tác phẩm văn thơ của tôi bay lên.
“Người yêu ơi! Dù mai này cách xa… “, “càng xa nhau ta càng thấy yêu nhau”. Bất chợt tiếng hát của An Duyên vang lên trong tôi. Người tôi lâng lâng nhưng sao mắt tôi ngấn lệ? Pleiku - thực hay mơ hỡi người?

                                                          Quê nhà, đêm 04-7-2011

3 nhận xét:

  1. Oách! Một ghi chép thật đầy đủ và cảm động khiến khối kẻ phải tìm đường đến với Pleiku.
    Thân mến anh!

    Trả lờiXóa
  2. emgaitaynguyen23:41 7/7/11

    Được mọi người yêu mến và trải lòng mình như thế chỉ có những người sống thật tình cảm mới viết được. Xem ra, Pleiku với anh hơn cả 1 giấc mơ.

    Trả lờiXóa
  3. Thế thì phục xếp Xuân Thu
    Nhã My có thực bây chừ thì tin
    Cám ơn công nghệ nghe nhìn
    Giúp Xuân Thu thoát đứng tim vì tình

    Trả lờiXóa