Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

LÊN LŨNG CÚ (Phần II)

Sáng nay, chúng tôi tạm biệt thị trấn Đồng Văn để tiếp tục hành trình lên Lũng Cú. 
                         (Trên đường lên Lũng Cú) 


(Uống rượu làm quen với mấy ông bạn người dân tộc H' mông".
      Trên bản đồ Việt Nam, nơi mà nhìn như cái chóp nón, như cái đỉnh của hình tam giác cân mà một góc là Sa Vĩ của Móng Cái (Quảng Ninh) và góc kia là Tây Trang (Điện Biên), đó chính là Lũng Cú. Dừng chân ít phút ở chợ Ma Lé, xe tiếp tục bò với vận tốc khoảng 10 km/h, đúng mười một giờ trưa chúng tôi đã đến được điểm cần đến. Cột cờ Lũng Cú nằm ở điểm cực bắc của Tổ quốc, vĩ độ 23 độ 15 phút bắc, kinh độ 105 độ 18 phút đông, trên đường biên dài 25,5 cây số áp Trung Quốc, trên độ cao 1.468,7 mét trên mực nước biển. Những thông số này được ghi rõ trên cột mốc ngay dưới chân cột cờ.

               (Bên cột mốc dưới chân cột cờ Lũng Cú)

                    (Chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn)
Mặc cho cái đói bắt đầu eo xèo, mặc cho cái nắng ban trưa vùng biên cương nóng rát, tôi hăm hở vượt lên trước đoàn bắt đầu leo những bậc đầu tiên lên cột cờ. Vừa leo vừa thở, vừa đếm bậc. Đường lên cột cờ vừa mới được xây dựng lại, quy mô, hoành tráng. Bậc xi măng, lát đá, tay vịn i-noc. Chặng một là bậc xi măng với 422 bậc, chặng hai là bậc đá 283 bậc, chui trong cột cờ leo tiếp 135 bậc sắt nữa thì tôi đã đứng chót vót trên đỉnh cột cờ. Lúc này đúng 11 giờ trưa. Tôi thả tầm mắt bao quát toàn vùng biên cương. Núi non hùng vĩ, điệp trùng. Và phía xa kia là đất Trung Quốc. Toàn bộ xã Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 là đá. Thế là tôi đã đến được địa đầu Tổ quốc và bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp nơi đây. Tôi sung sướng hả hê quên đi cái đói, cái nóng và cái mệt rút điện thoại bấm gọi bạn bè và gần như muốn reo to lên rằng: Tôi đã đến địa đầu, đã đặt chân đến cực bắc của Tổ quốc. Thế là ba đỉnh tam giác biên giới phía bắc tôi đã tới. Những lần trước là Móng Cái, Điện Biên và lần này là Lũng Cú. Bất chợt một câu hỏi hiện lên trong đầu tôi: bao giờ thì ta đến được mũi Cà Mau để thấy được rộng dài đất nước? Nhất định rồi, ta sẽ đến. Nơi đó là tình yêu của ta, là điểm ta sẽ đến trong đời.
Cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp. Cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn. Lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Mà có lẽ phần nổi trội nhất, ấn tượng nhất là lá cờ với diện tích 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đang phần phật bay  ngay trên đầu tôi đây. Tôi phanh ngực ra đón gió biên cương, dang rộng vòng tay như muốn ôm cả đất trời nơi này với một tình cảm thiêng liêng nhất. Tôi nhớ tới em. Giá lúc này có em ở bên thì thú vị biết mấy. “Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ!”, tôi sẽ nói với em điều đó.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3.460 ha với 9 thôn, bản: Lô Lô Chải, Seo Lủng, Tả Giao Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn. Ở đây là đầu nguồn của sông Nho Quế phân chia ranh giới Việt Nam - Trung Quốc. Thung lũng là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày Pu Péo. Lũng tiếng Mông là ngô. Lũng Cú là thung lũng ngô.
Thực ra, bản Lô Lô Chải mới là điểm cao nhất, nhọn nhất của hình chóp nón này. Lũng Cú mới là nhì thôi. Cái điểm xanh tít mù mà mắt thường ngó được nằm dọc đường biên kia là Lô Lô Chải, bản ấy theo mấy chiến sỹ biên phòng cho hay thì chỉ có 80 hộ với 400 khẩu. Bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế xanh trong bắt nguồn từ Mù Cảng (Vân Nam - Trung Quốc) đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).
Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.
                      (Cõng cả Đồng Văn trên lưng)
Thay cho bài nhật ký hành trình này, xin post mấy tấm hình trên để sẻ chia cùng quý vị.

4 nhận xét:

  1. Thiêng liêng thay địa đầu Tổ Quốc
    Hùng vĩ thay chí khí giống nòi
    Lá cờ đỏ sao vàng đất nước
    Ngạo nghễ tung bay bất chấp mưa rơi

    Cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú
    Đồng Văn, Nho Quế, Mèo Vạc ơi
    Thân thương quá non sông mình bất tử
    Vạn vạn năm con cháu mãi sinh sôi

    Trả lờiXóa
  2. Khá khen lão Chõe nhà ta
    Chuyến này thành nhiếp ảnh gia rõ tài
    Bức ảnh lưu niệm hai vai
    Lại hai em bé chân dài hai bên
    Lão Chõe này, rõ là hên
    Ảnh đẹp, người đẹp, sướng rên còn gì

    Trả lờiXóa
  3. Kẻ hèn09:44 10/7/11

    Chõe lên Pleiku, độ cao bằng một nữa Lũng Cú, có Nhã My
    Đến địa đầu Tổ Quốc mang theo 2 cô chân dài
    Sướng thế còn ai bằng.
    Cảnh đẹp, người đẹp, như trên thiên đàng.
    Ôi, ganh hắn quá!

    Trả lờiXóa
  4. Lão chõe vào nam đâu nửa tháng
    Đắm đuôí Plei xuýt không ra
    Tưởng lão về quê tạ lỗi vợ
    vài ngày quen lối ngựa mới đi
    Ai ngờ thoắt cái tay đã vẫy
    Lũng cú, cột cờ giữa hai em
    Không biết phen này về Chi Đám
    Bò có còn chuồng!? Bưởi lành không!?

    Trả lờiXóa