inrasara
Một chiều trời nắng dịu, ở khoảng sân nhỏ tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tụ tập khá đông các cây thơ quen thuộc của tỉnh. Mọi người đang huyên thuyên trò chuyện chờ khai mạc sân Thơ Đường, chuẩn bị cho Đêm thơ Nguyên Tiêu, thì đột ngột, không khí sân thơ lắng lại. Có nhân vật lạ vừa xuất hiện. Vóc người tầm thước, vai đeo túi thổ cẩm căng phồng, cái đầu hói phô ra vầng trán rộng tạo ấn tượng mạnh cùng mái tóc dài lơ phơ đổ ra phía sau vừa bao hết cổ. Tôi liên tưởng đến hình ảnh các vị học giả, nhà bác học thường thấy trên sách báo.
Đi cùng là nhà thơ đất Tây Ninh Khaly Chàm. Anh đến dự Ngày Thơ, chắc là nhà thơ – tôi nghĩ thế. Vị khách đáp lại lời chào của mọi người bằng một nụ cười tươi rói và thân thiện, khoe những cái răng trắng, đều.
- Nhà thơ Inrasara – anh Quốc Việt giới thiệu, - xin chào nhà thơ nổi tiếng Inrasara đến với sân thơ chúng ta!
Biết nhiều về Inrasara qua các tác phẩm cùng các giải thưởng trong và ngoài nước anh đoạt được, nhưng chắc chắn với nhiều người (và cả tôi) đây là lần đầu tiên gặp mặt. Khách không mời mà đến, đến và tạo ngạc nhiên đầy bất ngờ thú vị.
Inrasara là vậy, luôn gây cho mọi người bất ngờ, bao nhiêu là bất ngờ. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng “Inrasara xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một huyền thoại”. Có người gọi anh là một hiện tượng văn hóa đa dạng, là kì nhân, nhà thơ hàng đầu…thôi thì đủ cả. Riêng tôi, khi hiểu anh, tôi nghĩ anh đến với trần gian và thế giới chữ nghĩa như là tặng vật.
Năm Đinh Dậu, đại hạn ở Ninh Thuận, cây cối chết khô, súc vật chết khát. Hạn, đến bồ câu ăn trứng do chính mình đẻ ra; còn con người phải vật lộn với thiên tai để sống qua ngày. Chính năm ấy, thằng Klu cất tiếng khóc chào đời dưới mái tranh trong một gia đình nông dân Chăm nghèo tại làng dệt thổ cẩm truyền thống - làng Chakleng. Là làng duy nhất có tên trên bia kí cổ, nơi sinh của vị vua lớn nhất trong lịch sử Champa: Po Klaung Girai. Có lẽ đấy là một định mệnh làm cuộc đời anh gắn liền với những cái nhất, cái lạ hoắc.
Mặc dù gia cảnh trâu thuê ruộng rẽ, nhưng cha mẹ vẫn lo cho năm anh chị em thằng Klu (tên cúng cơm của Phú Trạm) học hành bằng chị bằng em. Vừa chân ướt chân ráo làm học trò, Trạm đã nhất lớp. Và luôn ở ngôi vị đó như thế suốt những năm ngồi ghế nhà trường. Học giỏi, mà nghịch cũng dữ. Nhà dời từ quê ngoại sang quê nội, Trạm đi theo cha chăn trâu từ làng này sang làng khác, đá banh, chọi gà, đánh nhau với mấy đứa trong làng, đạp xe đạp cà tàng bán cà-rem khắp các làng Chăm… Có thể coi đó là một “tuổi thơ dữ dội” của đứa bé Chăm khác lạ trần đời (thơ Inrasara). Lớn lên là nông dân, trồng nho, thú y, buôn chuyến, mở quán tạp hóa, sản xuất và kinh doanh thổ cẩm,... Nghĩa là tất tần tật nghề. Nhưng tôi muốn nhận diện một Phú Trạm ở khởi điểm cho hành trình hình thành nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara nổi tiếng sau này.
Ngay từ năm lớp Ba, Phú Trạm đã biết lượm lặt các câu ca dao cuối sách Tập làm văn, để ráp lại thành bài có vần và học thuộc. Rồi khi được ông thầy lớp Nhất là Quảng Đại Hồng sính thơ bày cho cách làm thơ lục bát, thì thơ ca và chữ nghĩa gắn kết với định mệnh anh không dứt ra được. Vào Trung học ở nội trú trong kí túc xá của trường tại Thị xã Phan Rang cách làng mươi cây số, những ngày nghỉ cuối cuối tuần, thay vì “xuất trại” về nhà, Trạm lang thang qua các làng Chăm tìm đến các cụ già Chăm nghe nói sách, mượn các bản chép tay Chăm cổ về chép, chép cả Từ điển Chăm – Pháp của Aymonier dày cộp!
“Tôi mê văn chương Chăm và yêu âm vang của từ” – anh nói. Mỗi lần các bà nhà quê cãi vã nhau, Trạm chạy đến, nhưng không như các bạn cùng trang lứa, anh chỉ nghe “âm vang của từ”. Từ môi miệng của các bà, các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ rơi vãi ra. Và anh lượm nhặt:
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế! (Tháp nắng, 1996)
Có ai như chàng trai này không? Mê sách, mới hết năm Nhất Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, anh đã bỏ ngang để về quê cày thuê để có tiền mua sách! Một năm ròng anh đã làm như thế, để cuối cùng tủ sách anh chất đầy năm ngàn đầu sách đủ loại. Sự ham học kia cũng khác lạ trần đời. Mê chữ nghĩa, trong giai đoạn khốn khó nhất của cuộc sống gia đình (lúc đó anh đã có ba đứa con trai kháu khỉnh), anh vẫn tổ chức các Hội nghị bỏ túi tại Chakleng, mỗi quý một lần, mời các trí thức, già làng cùng chức sắc Chăm về nói chuyện. Anh chỉ gợi ý cho các chú, các bác nói. Một loại hội nghị giản đơn: đãi bữa cơm đạm bạc buổi chiều, tối sáng trăng anh trải “chiếu xe” giữa sân cùng mấy ấm bình trà với vài nải chuối là xong cuộc hội nghị.
Vậy mà bao nhiêu kiến thức thu lượm được trong các kì “hội nghị” đó giúp anh hoàn thành bộ Văn học Chăm, Khái luận - văn tuyển ba tập dày trên ngàn trang mười lăm năm sau đó!
Có lẽ chỉ có Phú Trạm mới nghĩ ra và làm được chuyện đó. Lâu nay văn học Chăm chỉ được biết đến qua vài mươi truyện cổ sưu tập, vài trường ca được dịch ra tiếng Việt in lác đác đây đó. Văn học Chăm, Khái luận - văn tuyển là “công trình đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có”- Bùi Khánh Thế. Chính nhận ra sự quan trọng của công trình này mà Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) cho anh Giải thưởng năm 1995.
- Đó chính là biện chứng của vay và trả.
Vay chữ nghĩa của ông bà, anh trả lại chữ nghĩa cho người cùng thế hệ và các thế hệ tiếp nối. Mùa hè năm 1975, tại quê nhà, Trạm mở khóa tiếng Chăm dạy tiếng và chữ mẹ để cho bảy mươi anh chị em mọi lứa tuổi. Đây là khóa dạy tiếng Chăm đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Đầu tiên, tập hợp đông nhất, và có thể nói thành công nhất. Và không phải không nên biết là, khi đó anh mới 18 tuổi!
Tên tuổi anh vang rền khắp thôn xóm Chăm. Anh sẽ trở thành thầy giáo tiếng Chăm và hưởng thành quả kia ư? – Không!
- Đó là quy luật của cho và nhận. Như dòng sông cho và đi – Cho và đi mất về biển xa (thơ Inrasara). Phú Trạm là người không dừng lại để nhâm nhi các thành tựu mà bao nhiêu phần thưởng danh giá mang đến. Đang nông dân, Tỉnh mời làm nghiên cứu ngôn ngữ tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm - Ninh Thuận; bốn năm sau anh bỏ về làm nông dân tiếp. Đang mở quán tạp hóa ở quê, Đại học Tổng hợp mời về biên soạn Từ điển Chăm - Việt và giảng dạy văn hóa Chăm; rồi sau sáu năm, anh lại nghỉ. Thời gian “bó” mình ở giảng đường đó, anh cho ra đời Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm (viết chung) và cuốn Tự học tiếng Chăm rất giá trị.
Rồi từ bỏ tất cả, để làm nhà văn tự do.
Nhà văn tự do, Inrasara gặt hái hết vinh quang này đến vinh quang khác. Ngay khi xuất hiện với tư cách là nhà thơ (dù làm thơ từ năm 13-14 tuổi, Inrasara chưa bao giờ gởi thơ đăng báo), tập thơ đầu tay Tháp nắng (1996) đoạt luôn Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Sáu năm sau, với tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư (2002), anh lần thứ hai đoạt Giải thưởng danh giá này; rồi chính tập thơ đó có vinh hạnh dẫn anh đến với Giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Và cuối cùng mới nhất là Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009 (lĩnh vực nghiên cứu) đưa anh đứng ngang hàng với học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu cả nước.
“Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ”- Báo Người Hà Nội đã khái quát chân dung thơ Inrasara như thế. Đó là chân dung thơ. Một chân dung luôn dịch chuyển từ mĩ học hậu lãng mạn đến hiện đại và sau cùng là mĩ học hậu hiện đại với những biến tấu mới lạ, khác thường. Thế rồi, lại “như một huyền thoại”, Inrasara tiếp tục dành cho độc giả bất ngờ mới: từ năm 2005, anh xuất hiện như một nhà phê bình, với hàng loạt bài tiểu luận sắc sảo, uyên bác cùng lối phê bình độc đáo và lôi cuốn đúng phong cách... Inrasara.
Không dừng lại ở đó, không thể khi nói đến văn chương Chăm, người ta cứ mãi nhắc mỗi cái tên Inrasara. Thế là anh cùng vài bạn đẻ ra Tagalau, Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm. Mười kì Tagalau đi qua chín năm là một kì công. Bởi đây là tập san dân tộc thiểu số duy nhất trên đất nước Việt Nam.
Luôn mới mẻ, và luôn gây bất ngờ. Đó chính là Inrasara. Mới và bất ngờ từ đời sống cho đến nghệ thuật. Từ nghiên cứu cho đến làm thơ viết văn, từ sáng tác cho đến phê bình. Chính vì lẽ đó, đã có không ít người cho rằng anh lập dị, kiêu ngạo. Không vấn đề gì cả! Các ý kiến dù khen hay chê đều tùy thuộc vào góc nhìn và cách nhìn nhận vấn đề, quan niệm về sáng tạo nghệ thuật. Riêng với tôi, mỗi lần gặp anh, mỗi tác phẩm, mỗi bước ngoặt đời sống hay đời văn, Inrasara luôn biết tạo ra cái mới, kích thích sáng tạo. Như các ngọn tháp Chăm vẫn cứ tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ, thách thức thời gian và sự vô tâm của lòng người. Cũ mà vẫn rất mới
Thanh Nhã
Chào Thanh Nhã
Trả lờiXóaEm đã là văn học gia, chính trị gia, phê bình gia khi viết bài này. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một thể thống nhất với lòng yêu nước nồng nàn. “Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ” là một đánh giá quá hay.
Chúc trang Xuân My luôn có nhiều bài viết hay
Cảm ơn Thanh Nhã đã cho mọi người biết một cách toàn diện thêm một nhân vật nữa. Thích đọc Hoa Nhã My để quen nhiều người nổi tiếng.
Trả lờiXóaBài viết sâu sắc, giới thiệu về Insara rất hay. Chúc mừng tác giả và Hoa Nhã my. Vào Hoa Nhã my được đọc thơ tình, được biết thêm về nhiều nhân vật nổi tiếng. Thích thật. Cảm ơn nhé.
Trả lờiXóaCảm ơn anh VQK đã có lời khen. Chúc anh Chủ nhật vui vẻ. Luôn đến thăm HNM anh nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Nhung nhiều. Nhớ đến với HNM nha. Chúc bạn vui
Trả lờiXóaChào Vân!
Trả lờiXóaVui khi bạn đến với HNM và thích HNM như thế. Chúc bạn luôn có nhiều niềm vui. Mong gặp lại
2 ngày nghỉ ko vào Hoa nhã my được, sớm mai đầu tuần vào thấy bài viết về nhà thơ INRASARA hay quá, sâu sắc lắm. Tôn trọng đồng nghiệp, ca ngợi bạn bè chính là làm sang cho mình đó. Chúc mừng HNM nha.
Trả lờiXóaINRASARA thật đáng nể phục về ý chí và nghị lực, về tài năng và tấm lòng. Bài viết giới thiệu nhân vật ngắn gọc nhưng nói được nhiều điều. Cảm ơn Hoa Nhã my cho mình hiểu thêm về Inrasara.
Trả lờiXóaGửi Phương Trà!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm Hoa Nhã my và đọc bài viết giới thiệu về nhà thơ INRASARA. Quả thực, Hoa Nhã my luôn muốn làm đẹp cuộc đời này từ chính những con người rất đẹp và đáng yêu đó. Trân trọng.
Gửi Hữu Thực!
Trả lờiXóaĐúng như bạn đồng cảm với tac giả bài viết, một tấm gương về lao động sáng tạo để chúng ta học tập. Mong bạn thường xuyên ghé thăm động viên Hoa Nhã my.