Cơm tối xong, lão Choẽ vừa vê điếu
thuốc lào chưa kịp cho vào nõ điếu thì bà Choẽ đã dấm dẳn: “Ông biết tin gì chưa?”.
“Tin gì?”, lão Choẽ dừng vê thuốc, hỏi lại. Bà Choẽ thong thả lấy bọc trầu ra rồi
cà kê: “Tin quan trọng!”. “Tin gì, bà nói tôi nghe đi? Quan trọng đến cỡ nào?
Bà nghe ở đâu? Có phải động đất ở thuỷ điện Sông Tranh không?”. Lão Choẽ bò hỏi
dồn. “Còn hơn cả động đất ấy cơ”. “Thì tin gì? Bà nói ngay đi! Sốt cả ruột”.
Bà Choẽ nhẩn
nha: “Chiều nay, tôi qua nhà bác Văn Sĩ Chiến, bác ấy khoe có cái truyện ngắn vừa
mới được in báo, nhuận bút dững một triệu cơ”. “Giời ạ! Thế thì có gì là lạ. Bác
ấy là nhà văn, có truyện in báo là chuyện thường tình chứ có gì là ghê gớm mà bà
cứ úp úp mở mở”. “Chả ghê gớm lại không ư. Truyện có 1000 từ, oánh luôn cả triệu
bạc, vị chi mỗi từ của bác ấy giá 1000 đồng, ông biết chửa? Chữ người ta như thế
chứ, chứ chữ ông có hoạ mà...”. “Mà làm sao?”. Lão Choẽ nóng gáy. “Thì đấy. Bác
ấy sắp đổi xe máy rồi đấy. Chỉ bằng nhuận bút thôi đấy nhá. Còn ông, thơ với phú,
bờ lốc với chả bờ leo, chả thấy một xu một cắc nào cả. Toàn mơ mộng hão huyền. Giờ
cứ phải thực dụng ông nhá. Mí lại đã bảo cấm tiệt thơ rồi mà ông cứ “anh anh em
em” lộn cả ruột. “Anh em” mà nó ra tiền thì còn đỡ nhá, đằng này...”.
Bà Choẽ “nhá
nhá” một thôi một hồi không kịp cho lão Choẽ cắt ngang. Đợi mãi cho bà nghỉ giọng,
lão mới đấu dịu: “Nhưng mà người ta là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, người ta có thời
gian viết lách. Còn tôi, suốt ngày phải theo đàn bò, sáng tác thế chó nào được.
Tôi mà được như ông ấy á, tôi chả có hàng tá truyện”.
“Thật thế chứ?
Bà Choẽ cướp lời - Vậy thì mai ông để đàn bò cho mẹ con tôi chăm, ông ở nhà sáng
tác truyện ngắn nha. Cố mỗi ngày lấy một cái kiếm lấy một triệu cho đỡ phải mưa
nắng mệt người nha. Nhà mình cũng phải chuyển dịch cơ cấu ngành nghề thôi. Mẹ
con tôi chăn nuôi bò, ông chuyển sang sáng tác văn học nghệ thuật nha. Vừa lao động
chân tay, vừa lao động trí óc. Nhà nông, nhà văn hai nhà ta thi nhau ông nhá”.
Lão Choẽ ớ người.
Lão không ngờ mụ vợ ham tiền của lão “nha nha” có lúc mà văn học nghệ thuật lại ngon
ăn đến thế cơ chứ. Muốn là được chắc? Thế nhưng, trót đâm lao rồi lão đành phải
lao theo lao vậy.
Và hôm sau, lão
Choẽ đóng cửa im ỉm để tập trung vào sáng tác truyện ngắn. Cứ tưởng ngon ăn, nào
ngờ bắt tay vào viết mới thấy nó khó. Chỉ được đôi ba câu là lại tịt. Có lúc lão
ngồi ngây như ngỗng ỉa mà chữ vẫn không ra. Bao nhiêu cốt truyện, rất nhiều ý tưởng
thế mà viết chỉ được vài dòng thì nó lại biến đi đâu hết cả. Biết thế này thì đi
thả bò còn hơn. Nhưng chẳng lẽ lại thua lão Chiến? Mà chết cha cái xóm Cổ Cò này,
đã có Choẽ bò rồi lại còn có thêm Văn Sĩ Chiến làm gì nữa để bây giờ lão phải
khổ thế này đây! Giá không có hắn thì mình có phải nhất xóm rồi không? Mấy bài
thơ văn vần đủ khẳng định tên tuổi Văn Sĩ Choẽ, đưa Choẽ bò vào đội ngũ văn nghệ
sỹ rồi, ấy vậy mà... Tức thật! Thế này thì tức thật! Tức quá đi thôi mất.
Hôm sau nữa, hết
cả tuần, rồi cả tuần sau nữa, vưỡn đếch được chữ nào. Bà Choẽ thì hễ đi thì thôi
chứ về đến nhà là lại ngó ngó nghiêng nghiêng xem lão viết lách thế nào. “Được
mấy cái rồi ông?”. “Gửi cho báo chưa?”. “Cố viết cho nó dài dài ra một tí, hơn
hẳn nhà Sĩ Chiến đi. Cho nhà nó trắng mắt ra ông ạ”. “Dài chữ dài tiền ông nhỉ?”.
Thế có tức không cơ chứ. Lúc nào cũng tiền tiền tiền tiền. Có hôm thấy lão nhăn
nhở quá, bà Choẽ dòm vào tận mặt hỏi: “Viết khó lắm hả? Có khó bằng đau đẻ không
ông?”. Lão Choẽ xù lên: “Chả khó lại không ư? Khó gấp chán vạn nghìn lần đau đẻ
ấy, bà biết chửa? Đẻ còn có cái mà đau, đằng này đau không có cái mà đẻ”. Bà Choẽ
thở dài ra chiều thông cảm.
Thế rồi bà thì
thầm với thằng Chụm, con trai: “Sao bố mày viết mãi mà chả thấy báo nào về nhỉ?
Tao thấy bao nhiêu là bản thảo vứt ở thùng rác là thế nào?”. Thằng Chụm ra vẻ
hiểu biết nói: “Mẹ không biết đấy thôi, bố con viết tiểu thuyết đấy!”. “Tiểu thuyết
là cái gì?”. “Là rất nhiều truyện ngắn gộp lại”. “Có nghĩa là nhiều chữ?”. “Vâng!”.
“Có nghĩa là nhuận bút sẽ nhiều?”. “Thì vưỡn!”. “Thế thì được. Phen này nhà Chiến
thì trắng mắt nha. Có mỗi cái truyện ngắn nghìn chữ được triệu bạc mà đã tinh vi.
Bố mày á, chữ dài như thế thì tiền dài phải biết con nhỉ?”. “Thì vưỡn! Con biết
có ông nhà văn nhận nhuận bút tiểu thuyết, kịch bản phim hàng mấy chục triệu cơ!”.
“Thế cơ?”. Bà Choẽ tròn xoe mắt hỏi lại. Cu Chụm gật gật đầu ra cái vẻ lắm.
Mấy chục triệu
vị chi là mấy con bò liền. Có mấy tháng, thì cứ cho là cả nửa năm nữa đi, mà đạt dững ngần ấy tiền thì công đạt quá rồi còn gì. Chăn bò bao giờ cho được vậy. Đẻ thế mới là đẻ chứ. Thôi, cứ bình
tĩnh chờ đợi vậy, để cho lão ấy yên tâm sáng tác.
Thế rồi, quá nửa
năm, hết tám tháng, qua chín tháng mười ngày vưỡn chẳng thấy báo biếu về, chẳng
thấy giấy mời lĩnh nhuận bút đâu thì bà Choẽ bắt đầu chán. Còn lão Choẽ thì cứ
gầy rộc đi. Bà Choẽ nhìn lão vừa giận lại vừa thương. Chuyển dịch cơ cấu ngành
nghề có nguy cơ chệch hướng.
“Có tin rồi bố
mẹ ơi!”. Đang buồn như trấu cắn vậy thì cu Chụm tay cầm tờ báo ở đâu chạy về
reo to. Vợ chồng lão Choẽ gần như đứng bật dậy cùng lúc. “Đâu? Tin gì? Đọc to lên
nào?”. Cu Chụm cầm tờ báo run run đọc. “Hộp thư bạn đọc. Tuần qua chúng tôi đã
nhận được tin bài cộng tác của các bạn: Lò Văn Muôi, Phí Văn Tổn, Văn Sĩ Choẽ...
Xin cảm ơn sự cộng tác của các bạn”. “Giời ạ! Tưởng tin gì!”. Vợ chồng lão Choẽ
bò tiu nghỉu như mèo cắt tai. Thế là vưỡn đếch ăn thua gì rồi ông ơi!
Đêm đó, nằm bên
chồng, bà Choẽ thủ thỉ: “Thôi, mai mình lại đi thả bò ông ạ. Thả bò cho nó lành.
Truyện với thơ làm chó gì cho nó mệt óc. Ông cứ lại như xưa cho mẹ con tôi nhờ.
Lại làm thơ đi, nhưng thơ tình ít thôi, em anh ít thôi, thơ về bò ấy, đưa lên bờ
lốc cho thế giới cùng đọc cho vui ông ạ! Không thèm chấp lão Chiến nữa. Mình cứ
bò mà phất, cần đếch gì ông nhỉ?”.
Lão Choẽ thở dài thườn thượt. Thì còn biết làm gì hơn được nữa? Và tự nhiên, một bài thơ về bò đã loé lên trong đầu. Lão khoái quá, bật người dậy, châm đèn hí hoáy chép. Bà Choẽ cũng dậy ngồi sau lưng lão Choẽ. Chép thơ xong, lão đọc cho vợ nghe. Cả hai cùng cười ngất trong đêm. “Công nhận cái anh văn học nghệ thuật này ma mị, thần diệu thật, ông nhỉ?”, bà Choẽ vít cổ chồng vào bộ ngực đồ sộ của mình và sau đó thì...
Lão Choẽ thở dài thườn thượt. Thì còn biết làm gì hơn được nữa? Và tự nhiên, một bài thơ về bò đã loé lên trong đầu. Lão khoái quá, bật người dậy, châm đèn hí hoáy chép. Bà Choẽ cũng dậy ngồi sau lưng lão Choẽ. Chép thơ xong, lão đọc cho vợ nghe. Cả hai cùng cười ngất trong đêm. “Công nhận cái anh văn học nghệ thuật này ma mị, thần diệu thật, ông nhỉ?”, bà Choẽ vít cổ chồng vào bộ ngực đồ sộ của mình và sau đó thì...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét