Có
một địa danh làm nên thương hiệu du lịch tỉnh Yên Bái đó là Suối Giàng.
Lên Yên Bái mà không vào Nghĩa Lộ để nồng say cùng múa xoè người Thái,
qua Văn Chấn để thưởng thức chè Suối Giàng, hay tới Yên Bình để bồng
bềnh mây nước Thác Bà thì coi như chưa đến Yên Bái. Vì thế, chuyến công
tác vừa rồi lên Nghĩa Lộ, tôi đã quyết dự bằng được một đêm múa xoè tình
tứ và quyết thêm một một “quyết” nữa là lên Suối Giàng. Mà cũng chẳng
phải quyết làm gì cả, các anh ở Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái như đã biết
nhu cầu của chúng tôi và cũng là để khoe tiềm năng du lịch của tỉnh nữa
thì phải nên đã thiết kế một chương trình làm việc khá dày đặc, trong đó
có đưa đoàn lên tham quan Suối Giàng.
Chiều cuối thu, nắng vàng mơ
rải xuống cánh đồng Mường Lò. Đoàn xe chúng tôi rời thị xã Nghĩa Lộ
quay trở lại thị trấn Văn Chấn. Huyện Văn Chấn là huyện khá kỳ lạ của
tỉnh Yên Bái. Huyện này kéo dài từ tỉnh Phú Thọ lên tới giáp Lào Cai
theo hướng tây bắc - đông nam (hơn trăm cây số) bao trọn thị xã Nghĩa
Lộ. Về đơn vị hành chính thì thị xã và huyện tương đương nhau, nhưng về
mặt địa lý thì thị xã Nghĩa Lộ nhỏ xinh nằm ở gọn trong lòng huyện Văn
Chấn.
Từ thị trấn Văn Chấn, biển báo lên Suối Giàng 12 km. Xe chúng tôi bám
sát nhau cả đoàn rồng rắn bắt đầu uốn lượn lên đèo. Đúng là “oằn tà là
vằn”, toàn những cua tay áo. “Mây bay trên đầu và nắng trên vai” tự
nhiên tôi nhớ tới câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bao nhiêu là mây.
Mây đuổi nhau lượn lờ bên sườn núi. Có lúc chúng nhở nhơ như ngắm núi,
ngắm rừng. Có lúc hứng chí lên lại lại bay vù vù bám đuổi nhau trông
thật thích mắt. Tai tôi bắt đầu ù lên. Hai bên đường bạt ngàn chè là
chè. Những nương chè búp non mơn mởn, xén tỉa bằng chằn chặn trông như
những tấm thảm xanh trải khắp núi rừng. Đây vẫn là chè thường. Những cô
gái người Mông đang thoăn thoắt hái chè trong mới đáng yêu làm sao. Tôi
để ý chưa chấy cây chè shan cổ thụ đâu cả. Háo hức lắm. Mãi tới khi gần
lên tới đỉnh núi thì trước mắt tôi là bạt ngàn những cây khẳng khiu, lá
to xanh, đó là cây chè shan. Chúng như cây cam, cây quýt, thậm chí như
cây bưởi ở dưới xuôi. Cả một vùng rộng lớn hình như không có loài cây
nào khác xen vào ngoài cây chè shan. Ngay từ những năm 60, thống kê có
tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn
những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Diện tích
chè tuyết có 393 ha, trong đó diện tích cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi
là 293ha, còn 100ha do bà con trồng mới.
Được biết, Suối Giàng nằm ở độ cao 1400 mét so với mặt nước biển. Như vậy nó cao hơn Ba Vì và Tam Đảo. Chả trách khí hậu ở đây mát mẻ dễ chịu thật. Chúng tôi tìm tới cây chè tổ mà xem ảnh trên các tờ báo đăng thì nó hoành tráng lắm. Thân to (mấy
người ôm), tán rộng (nhiều người trèo lên hái búp, chụp ảnh). Tuy vậy,
do lâu ngày không lên núi nên các anh ở Hội VHNT Yên Bái quên mất vị trí
cây chè đó. Rừng chè vắng teo không có người hỏi thăm. Trời xế chiều.
Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một cây chè cổ (được rào nứa xung
quanh bảo vệ) không như cây chè trên ảnh báo chí. Thôi, cũng đành, trời
lại sắp tối rồi, chúng tôi vội thi nhau tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm.
Thân cành cây chè này trắng mốc. Thế cây ăn ngang theo trục hoành. Lá
xanh ngắt. Trông cây chè già như một cây cảnh, dáng thế thật đẹp. Tôi
bứt liền mấy búp cho vào miệng nhấm nháp. Chát, ngọt, thơm... rất thú
vị. Lúc nãy, nghỉ giải lao ở quán nước cả đoàn đã được ông chủ quán pha
chè shan tuyết uống miễn phí, tôi đã được thưởng thức loại trà này trên
đỉnh núi cao 1400 mét, trong sương trong mây, ngay giữa rừng chè shan
tuyết rồi. Một ấm chè pha mấy lần nước mà nước vẫn cứ xanh, vị vẫn cứ
đậm đà thì thật là lạ. Đúng là hội tụ cả ba yếu tố: hương thơm, vị đậm,
nước xanh. Điều đặc biệt là, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều dựa
vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông nơi đây. Chè Shan tuyết
cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm
ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Nó
độc đáo vì trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị "đầu đẳng của chè trên
thế giới”. Chả thế mà cây chè Shan tại xã Suối Giàng này được xếp vào
một trong 6 giống chè thủy tổ của thế giới.
Còn vì sao chè nơi đây được gọi là chè tuyết thì tôi được mọi người
giải thích rằng: Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to,
có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các
loại chè khác, búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết. Thì ra thế. Lại còn nghe nói có loại chè tuyết "5 cực"
nữa cơ? Tìm hiểu ra thì "5 cực" đó là: “cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực
sạch và cực đắt”. Chè Shan mọc rải rác khắp một vùng núi cao rộng lớn,
nên việc thu hái vô cùng gian khổ. Trèo núi, leo cây, lại phải hái sao
cho chè khỏi bị dập nát. Phải dậy sớm hái chè từ tinh mơ vì đây là thời
điểm hương vị chè được tích tụ cao nhất trong mỗi búp
chè. Chỉ hái “một tôm” thôi. Hái xong về phải xao ngay. Chè tươi để quá
2 tiếng đồng hồ mới sao thì búp chè ứ nhựa, chất lượng chè khô giảm
phẩm cấp. Xao phải bằng loại than cây sến. Vì loại than này có đủ nhiệt
lượng và giữ nhiệt theo yêu cầu. Duy trì nhiệt độ trong trong từng thời
điểm là khâu khó nhất, góp phần quyết định đến việc chè có dậy hương hay
không. Mỗi cân chè năm cực này giá thành tới 1,6 triệu đồng mà cả vùng
này một năm chỉ được khoảng 100 cân như thế. Tôi ao ước, giá được một
lần thưởng thức vị chè 5 cực này nhỉ? Khéo đến quên đường về mất thôi,
Suối Giàng ơi!
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt. Thì ở quê tôi nhà máy
chè Tây Cốc, rồi các lò chè tư nhân vào vụ thu hái cũng ngào ngạt hương
chè nữa là. Trên núi cao này, giữa mây bay, gió thổi, khung cảnh đất
trời thiên nhiên với bao nhiêu nhà người Mông cùng hái chè, cùng xao chè
thì còn ngào ngạt hơn nữa. Dậy hương núi rừng là chắc chắn rồi. Du
khách sẽ được ướp trong hương chè và bồng bềnh cùng mây sương. Nhựa chè
thơm chan chát, quyến rũ đến mức người ta đã có cảm giác đáy họng mình
cũng có vị chan chát, ngầy ngậy.
Chỉ một buổi chiều phi ngựa xem hoa, chạy qua hàng chè tuyết mà trong
tôi vẫn cứ bồng bềnh lắc lư cùng đèo dốc, mây sương, cùng ngất ngây với
vị chè có một không hai nơi đây. Tạm biệt Suối Giàng, xe chúng tôi lại
đổ đèo về Nghĩa Lộ mà hương chè cứ vướng vít mãi không thôi. Nhất định
sẽ có ngày tôi trở lại để uống chè 5 cực và ngắm cô gái Mông hái chè,
nghe chàng trai Mông thổi khèn gọi bạn đấy, Suối Giàng ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét