Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

TUYÊN QUANG - LUNG LINH LỄ HỘI ĐÊM RẰM TRUNG THU

                   alt

           Tôi có may mắn là thành viên của Ban tổ chức hoạt động tham gia ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII của tỉnh Phú Thọ tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Năm nay, có 8 tỉnh về thành phố Tuyên Quang để tham dự ngày hội này (gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Cạn và Tuyên Quang). Lễ hội diễn ra từ ngày 26 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2012. Vì là tỉnh tham gia phối thuộc, nên tôi có mặt ở đó và đi về trước đó một tuần. Phải nói rằng, chưa kể đến không khí ngày hội này thì thành phố Tuyên Quang đã tưng bừng, nhộn nhịp không khí đón Tết Trung thu rồi.

          Tôi đã đi nhiều tỉnh nhưng chưa có nơi nào tổ chức Tết Trung thu hoành tráng và ấn tượng như thành phố Tuyên Quang. Năm nay là năm thứ 8 thành phố Tuyên Quang tổ chức đêm hội đường phố và đón Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống nổi bật  thực hiện hoàn toàn từ nguồn xã hội hoá mà ít có tỉnh, thành phố nào làm được. Cứ đến tháng 7 âm lịch là khắp các đường phố, ngõ xóm nhộn nhịp làm đèn cho các cháu và cho cả người lớn. Năm nay, đón chào Ngày hội văn hoá thể thao và du lịch vùng Đông Bắc lần thứ VIII trùng với Trung thu nên không khí mừng vui, tất bật rộn ràng hơn.
         Hôm tôi mang ảnh lên chuẩn bị cho triển lãm đã thấy những mô hình rồng, rùa, tàu biển, máy bay đủ các loại, đèn ông sao đủ các cỡ đang được gấp rút hoàn thiện. Tổ dân phố nào cũng có một vài mô hình để bên đường với những nghệ nhân là những người dân bình thường của khu phố đang lúi húi cắt dán, gò uốn. Trẻ con xúm xít vây quanh. Người lớn ngắm ngắm, ngó ngó điều chỉnh. Khác với mọi năm, năm nay mô hình tham gia Đêm hội đường phố phong phú, đa dạng, độc đáo, tập trung vào chủ đề truyền thuyết dân gian, truyện lịch sử, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, các chủ đề về môi trường, về biển đảo... Nào chùa một cột, nào tàu điện leng keng; nào thuyền hoa, rồng, rùa, hổ, ngựa; nào trái đất xanh, nào tàu biển Trường Sa... Từ cọn nước của nền văn minh lúa nước tới vệ tinh thời hiện đại đều có cả. Thông qua các biểu tượng nhằm minh họa và giáo dục cho các cháu và nhân dân hiểu rõ được truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, về lịch sử dân tộc Việt Nam...
          Được biết, thành phố đã chuẩn bị trên 70 mô hình các loại. Hầu hết các mô hình này đều do nhân dân tổ chức đóng góp để phục vụ cho Tết Trung thu và Đêm hội đường phố. Có mô hình trị giá tới 30 triệu đồng. Ngoài mô hình của các tổ nhân dân trên địa bàn thành phố, còn có sự hưởng ứng tham gia của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố và các huyện. Đây thực sự là lễ hội của dân, do dân và Tết trung thu thực sự dành cho trẻ em, vì trẻ em. Không khí thi đua giữa các tổ dân phố, giữa các phố hiện lên trên khuôn mặt mọi người và qua các mô hình, biểu tượng. Thành phố sẽ chấm điểm bình chọn mô hình và cách thức tổ chức Tết Trung thu của từng phường để trao giải. Vì vậy, từ trẻ con đến người lớn, từ dân thường đến cán bộ tổ dân phố...ai cũng muốn tổ mình, khu phố mình đạt giải.
alt          Đầu tháng 8 âm lịch, khi trăng thu còn như cái lưỡi liềm ngoắc trên cành si đền Cây Xanh bên bờ sông Lô thơ mộng thì ngay từ chập tối, trên khắp các ngả đường của thành phố, từ cầu Nông Tiến đến chợ Tam Cờ, từ ngã ba Công an tỉnh đến ngã ba Bình Thuận... dòng người, dòng đèn ông sao (các kiểu đèn) bám theo những mô hình (do người đẩy hoặc trên các xe tải, xe con) cùng tiếng trống ếch rộn ràng, tiếng nhạc tưng bừng dạo quanh các phố. Xe mô hình đi đến đâu, người ta hoà theo đến đó. Đường phố chật ních những người là người. Đèn điện, đèn trung thu lung linh huyền ảo. Cứ thế, đêm này nối tiếp đêm khác cho đến đúng rằm Trung thu thì các đoàn hội tụ lại để nghe ban tổ chức công bố giải thưởng và phá cỗ đón trăng.
           Những ngày này năm ngoái, tôi dự hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại thành phố này đã chứng kiến và thưởng ngoạn mấy đêm lễ hội đường phố đón Tết Trung thu như thế. Có tối, tôi lái xe đưa em dạo phố khi quay về chỗ nghỉ thì đường phố đông quá, xe phải nhích từng tí một. Rồi choáng ngợp trước cảnh rước đèn đó mà lạc mất lối về. Xe cứ quay đi quay lại mấy lượt vẫn không tìm thấy nơi nghỉ. Điện thoại bạn bè ríu rít tìm nhau. Rất gần nhau mà không đến được vì tắc đường, ô-tô không di chuyển được. Thế là đành lỡ hẹn buổi tụ tập với nhau. Bù lại, chúng tôi có một đêm lễ hội đường phố hoành tráng chưa từng có bao giờ. Tối sau, tôi không đi ô-tô nữa. Cả bọn nắm tay nhau dạo phố, hoà vào dòng người cùng đi đón rằm Trung thu. Máy ảnh chớp lia lịa. Bạn bè trong nam, ngoài bắc của tôi, du khách thập phương ai cũng tranh thủ ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi này. Theo báo cáo của ban tổ chức thì năm đó, thành phố Tuyên Quang thu hút hơn hai vạn khách du lịch tới tham quan và vui Tết Trung thu. Thật tuyệt vời! Hạnh phúc biết bao cho trẻ em nơi đây. Trung thu đâu chỉ riêng các em mà cho cả người lớn nữa đấy chứ.
alt          Năm nay, lễ hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc khai mạc đúng vào dịp lễ hội đường phố đón rằm Trung thu hàng năm nên không khí náo nhiệt, tưng bừng, hoành tráng lắm. Chiều nay, tranh thủ dạo một lượt các tuyến phố, tôi thấy mình rạo rực, náo nức cứ như trẻ thơ. Mải ngắm nhìn, chụp ảnh quên cả giờ ăn cơm chiều. Đêm nay, khai mạc lễ hội rồi! Giá có em cùng dự như năm ngoái thì vui biết mấy. Bây giờ em ở đâu? Thành nhà Mạc đây, thành phố thơ mộng bên bờ sông Lô đây, cầu Nông Tiến đây, hồ công viên Tân Quang đây, khách sạn Kim Bình đây...và trăng Trung thu trong văn vắt trên trời kia nữa... Tất cả đang lung linh huyền ảo, đang rộn ràng chỉ còn thiếu có em thôi. Em ở đâu? Hãy về cùng anh, cùng thành phố Tuyên Quang mộng mơ, chúng mình cùng hoà vào dòng người, dòng đèn để đón rằm Trung thu em nhé.
         Dòng sông Lô trôi. Thành phố Tuyên Quang đêm nay như hạt ngọc, như cái cúc áo kim cương đính vào vạt áo bên bờ sông Lô. Hội đã khai rồi. Anh vẫn chờ em đây. Em sẽ về kịp, em nhé. Ơi Tuyên Quang!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét