Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

ĐÂU RỒI, CỌ ƠI?


    
 
       Hồi còn đi học, tôi rất khoái mỗi sớm mai cùng đám bạn bè nhảy chân sáo len lỏi trên các triền đồi, dưới tán lá rừng cọ cắp sách tới trường để nghe ai đó hát bài “cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi”. Khoái đến nỗi, khi về nhà rồi, hoặc bất cứ đang ở đâu đó mà nghe đài hát bài này tôi lại cứ ngỡ như mình đang đi học. Chẳng biết bài hát hay rừng cọ đã khiến cho tôi vui thú tới trường đến thế. Lớn lên một chút, khi học lớp bảy, tôi ngẩn ngơ mơ màng với câu thơ “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát” của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Ta đi tới. Rồi trong lúc chui hầm tránh máy bay Mỹ, bất chợt loa phóng thanh vang lên “rừng cọ xoè vẫy mãi khách qua đây” khiến tôi chẳng còn biết sợ hãi là gì nữa. Nhiều khi hứng chí, tôi ngóc cổ lên khỏi hầm nhìn những tàu lá cọ xanh mơ đang rung rinh trong gió mà quên cả tiếng gầm rú của lũ máy bay Mỹ. Tự hào lắm “rừng cọ đồi chè” trung du quê tôi.
          Tôi không sinh ra ở Phú Thọ nhưng sống ở Phú Thọ từ bé. Phú Thọ đã hun đắp nên hồn cốt, tính cách, trong đó “văn hoá cọ” đã ngấm vào máu thịt của tôi. Nói đến Phú Thọ là nói đến rừng cọ. Thủ đô của cọ là huyện Phù Ninh, mà “lõi của lõi” đó chính là các xã Trạm Thản, Chân Mộng, Gia Thanh, Tiên Phú... Ngoài ra còn có các huyện “ven đô” của cọ là Cẩm Khê, Đoan Hùng và một số xã bên kia sông Lô của huyện Lập Thạch nữa.“Dù ai đi ngược về xuôi/ Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh”. Câu ca ấy đủ biết cây cọ có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống con người nơi đây.
          Ngày trước, quê tôi bạt ngàn rừng cọ. Các hợp tác xã đều có đội chuyên cọ. Có hợp tác xã lấy cọ là ngành sản xuất chính. Người ta sống chết cùng cọ. Cọ theo người đi suốt cuộc đời, chia sẻ mọi buồn vui sướng khổ. Ra khỏi nhà gặp cọ đã đành, về nhà cũng vẫn gặp cọ. Cọ làm nón, làm mũ; cọ làm quạt, làm chổi... Đến nỗi, khi nằm ngủ rồi tưởng ra khỏi cái bóng của cọ, ấy vậy mà khi nhìn lên mái nhà ta lại thấy cả một khoảng trời bình yên lá cọ chở che.
          Cây cọ rất dễ sống. Đất cằn khô đến mấy cọ vẫn bám trụ và vươn lên. Nếu Việt Nam tự hào có cây tre thì quê tôi tự hào có thêm cây cọ. Rừng cọ quê tôi không biết có tự bao giờ mà cây nào cây ấy cao chọc trời, vỏ mấu nham nhở, rêu xanh, dương sỉ bám mọc um tùm. Mỗi tháng cây cọ chỉ sinh một tàu lá, một năm có mười hai tàu và cây cọ cao thêm chừng hai chục phân. Nói vậy để biết rằng cây cọ cao chục mét kia cũng phải ít nhất bảy tám chục tuổi, hàng trăm năm gì đó. Trong cái nắng chói chang mà đi trong rừng cọ, nghe gió rì rào thổi thì còn có thú vị nào bằng. Hơn cả điều hoà nhiệt độ bây giờ ấy chứ. Ngược lại, khi trời mưa, nhất là những lúc cơn mưa bất ngờ ập đến, chạy trú mưa trong rừng cọ thì thích lắm. Lúc đầu là lộp bộp mưa rơi, sau là ràn rạt mưa rơi, sau nữa là sầm sập mưa và ta cứ yên trí núp mình dưới tán cọ mà nghe rừng cọ tấu lên bản nhạc không lời về mưa say đắm đó. Đúng là “mưa rừng cọ gió rừng thông”. Ai không biết ngỡ là cơn mưa to lắm nhưng thực ra cọ hát là chính, chứ mưa chỉ có mấy giọt thôi mà.
          Cây cọ là cây đa dụng. Lá dùng để lợp nhà, làm nón mũ, gói cơm nắm. Thì đấy, chả có câu ca “cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh” đấy là gì! Không phải lá cọ nào cũng dùng để nắm cơm được. Ta phải tìm những lá cọ non, nhỏ bằng miệng nón, còn phớt xanh hoặc chưa xòe hết của những cây cọ tơ tầm ngang thắt lưng thôi. Đem những tàu cọ đó cắt bớt tua lá, lau rửa sạch, để cho ráo nước. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn mặt ướt nắm tròn lại, lăn cho kỹ, nhuyễn. Nắm to nhỏ tuỳ khẩu phần ăn mỗi người. Sau đó, cho nắm cơm vào tàu cọ, túm đầu lá buộc chặt lại, lăn qua lần nữa là được. “Móm cơm lá cọ” để cả ngày, thậm chí để sang ngày hôm sau vẫn không bị thiu. Đến bữa, mở móm cơm ra, nắm cơm trắng mịn hình trái bưởi có những đường sọc đều đặn của gân lá cọ trông thật đẹp mắt. Dùng dao cắt ra. Từng miếng cơm trắng mịn, bùi ngọt, hương gạo quê lẫn mùi lá cọ tạo một hương vị đặc trưng khá hấp dẫn. Chấm miếng cơm đó với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang muối thì tuyệt cú mèo. Bây giờ, quán cơm nhiều, tiền sẵn, người ta quên mất “móm cơm lá cọ” này. Và nó lại trở thành đặc sản mới oách chứ. Bạn cứ thưởng thức một lần “cơm nắm lá cọ” mà xem, đảm bảo đã ăn rồi nhớ mãi.
           Cơm nắm lá cọ mà có món “cọ ỏm” ăn cùng thì tuyệt vời. Vào quãng giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm, những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm đó, những trái cọ bắt đầu chín. Quả cọ màu xanh đậm rồi ngả sáng ra như màu xanh da trời. “Cọ ỏm” là cọ phấn. Quả phải lấy từ cây vài ba năm không chặt lá. Cho nước vào nồi, đợi sôi lăn tăn, sủi tăm cua thì bắc xuống. Lúc đó thả quả cọ vào khuấy đều đợi 15 - 20 phút thì vớt ra. Váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi. Từ màu nâu sậm, quả cọ “ỏm” xong có màu vàng ươm, bóp thấy mùm mũm, ăn đượm, rất ngon. Lũ trẻ con chúng tôi khoái “ăn vã” món cọ ỏm này lắm. Môi miệng đứa nào đứa ấy tím đen màu cọ, thơm lừng hương quê trung du.
          Lá cọ, quả cọ là thế, còn các bộ phận khác thì sao? Cành cọ đơn giản nhất là làm hàng rào, làm củi. Nhưng không, quê tôi dùng cành cọ làm mành thay chiếu đấy. Bạn đã được ngả lưng trên chiếc mành cọ vào mùa hè chưa? Mát, êm, thoải mái vô cùng. Lại còn dùng mành cọ với những hình vẽ trang trí nữa để che cửa làm duyên, làm dáng nữa nhé. Có cả những hợp tác xã, những gia đình chuyên sản xuất mành cọ để xuất khẩu. Thân cây cọ bỏ ruột làm cống, làm cầu, làm ván lát sàn nhà đều tốt. Đến bẹ cọ cũng làm được chổi quét nhà nữa cơ. Chổi bẹ cọ quét tuyệt hơn chổi rơm rất nhiều. Vừa bền, vừa sạch. Có lẽ cũng chỉ có quê tôi mới có loại chổi “đặc chủng” này.
          Cây cọ đa dụng là thế, thân thương là thế, thế mà giờ đây cứ vắng bóng dần. Rừng cọ đã biến thành rừng bạch đàn, thành khu dân cư, thậm chí thành “đất trống, đồi núi trọc” mới ác chứ? Chẳng còn “rừng cọ xoè vẫy mãi khách qua đây” khi du khách qua thành phố Việt Trì - thành phố ngã ba sông. Đâu còn nữa “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”? Tìm đâu thấy những ngày xưa đi học “cọ xoè ô che nắng râm mát đường em đi”? “Cơm nắm lá cọ”, món “cọ ỏm” cũng xưa lắm rồi! Sao bỗng dưng nhớ và thèm cọ đến thế! Vẫn biết, mọi sự đều bất biến nhưng sao vắng cọ, nhớ văn hoá cọ đến nhường này! Đâu rồi, cây cọ trung du quê tôi? Đâu rồi cọ ơi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét