Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

“SẠP THƠ LỤC BÁT CÒN TƯƠI CHỮ VẦN”

                                                  
                      Nguyễn Hữu Quý

Thực tình tôi đã loay hoay khi nghĩ đầu đề cho bài viết cảm nhận về tập thơ Lục bát bỏ bùa (*) của Đỗ Xuân Thu. Cuối cùng, bằng lòng trích hẳn một câu trong bài Lục bát cầu may của anh ấy làm tít. Tôi biết, Đỗ Xuân Thu đang dồi dào lực viết; ngoài 6 tập truyện ngắn, 3 tập tiểu thuyết, 1 tập tản văn anh đã trình làng 9 tập thơ. Lục bát bỏ bùa là đứa con thơ thứ 9 của Đỗ Xuân Thu.
Tôi nghĩ, thể thơ được coi là truyền thống này đã chảy, đã thấm trong Đỗ Xuân Thu từ lâu bởi vậy mới có lời ru thao thiết: Lục bát à, lục bát ơi!/ Buồn đau không bán, vui cười không mua/ Lang thang một gã quê mùa/ Gánh thơ ra chợ, vào chùa…cầu may…Chợ và chùa, một chỗ ồn ào xô bồ, một chốn tĩnh lặng, thanh đạm nhưng đều thuộc về cuộc sống cả và ở đâu cũng cần tình người tốt đẹp. Đắm chìm vào cái tình, vin câu lục bát, Đỗ Xuân Thu phơi trải lòng mình vừa hồn nhiên, vừa sâu sắc đến dễ thương.
Làm thơ lục bát dễ nhưng khó. Non tay là sáo mòn, nôm na vần vè ngay thôi. Cảm xúc không đầy, tứ thơ không vững, hình ảnh không đắt, ngôn ngữ không hoạt thì lục bát khó hay lắm dẫu vần rất chuẩn, luật bằng trắc chẳng sai. Không phải nhà thơ nào cũng bén được duyên lục bát đâu. Đọc lục bát của Đỗ Xuân Thu, tôi thấy anh là một trong những người viết hiện nay có cái duyên “lặn vào trong” với thể thơ đậm chất Việt này. Độ hòa nhuyễn trong thơ lục bát của Đỗ Xuân Thu đáng ghi nhận. Không khó lắm khi ta muốn chọn ra những bài khá, câu khá trong tập Lục bát bỏ bùa này. Những bài như Bảy ngày ở xứ Kim Chi, Bỏ bùa, Chìm nổi, Đời sông, Gió đàn ông, Khúc ru của mẹ, Ru chay, Trước ngày con làm mẹ, Vai diễn…sẽ minh chứng cho điều tôi vừa nói. 

Cái duyên ngầm trong lục bát của Đỗ Xuân Thu lấp ló trong những bài thơ thế sự khi bâng khuâng hoài niệm, khi day dứt nhân tình. Từ hiện tại anh vọng về quá khứ với những nuối tiếc bùi ngùi:
Bây giờ đám cưới ở quê
Trầu cau tủi phận ủ ê góc bàn
(Để tôi mời trầu)
Trầu cau gắn với tích xưa, nếp xưa, từ là “miếng” để mở đầu câu chuyện đến “lễ” không thể thiếu trong cuộc trăm năm. Cụ thể là như thế, chỉ thế thôi song mở ra đó là thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt có từ mấy nghìn năm rồi. Vậy mà, nó đã bị bỏ rơi, bị lãng quên trong lối sống ào ào, bon chen của xã hội đương thời. Tính khái quát của bài thơ được xác lập bởi những ẩn dụ nghệ thuật như thế và tôi tin nó sẽ đủ sức ám ảnh người đọc.
Đỗ Xuân Thu có những câu lục bát ấn tượng nói về thân phận, kiếp số làm người. Không phải để xót xa than thân trách phận mà đó là chiêm nghiệm có được từ sự từng trải, lăn lộn trên đường đời của chính mình:
Lang thang khắp bốn phương trời
Sông lặn thì nổi, đời bơi lại chìm
(Chìm nổi)
Cuộc sống đầy rẫy nghịch lý và những trái ngang cũng không thiếu nên khó thoát được rủi ro, bi kịch trong kiếp người. Cảnh ngộ gập ghềnh tha phương, vật vã mưu sinh, an biến thăng trầm đâu chỉ của một ai. Vì thế, soi vào thơ thấy bóng hình mình, trong dĩ vãng và cả hiện tại. Cách đối trong câu “bát” không mới ( Tình trong như đã, mặt ngoài còn e – Nguyễn Du) nhưng phải nói tác giả đã khá thuần thục trong vận dụng thủ pháp truyền thống này.
Tôi thực sự có cảm tình với những câu thơ dung dị nhưng hàm lượng cảm xúc cao và độ nghĩ sâu của Đỗ Xuân Thu như thế này:
Mặc ai bên lở, bên bồi
Cứ thao thiết chảy để rồi còn sông
(Đời sông)
Mẹ đi trong gió heo heo
Vẫn lo con cái bọt bèo bến sông
(Khúc ru của mẹ)
Cây chen nhau chốn đại ngàn
Bão giông ném cả lá vàng sang nhau
(Ước gì)
Thơ viết về sông cũng là viết về người, bồi đắp phù sa của niềm tin yêu cuộc sống trầm kha. Thơ viết về mẹ chân mộc mà sâu lắng ân nghĩa vô cùng. Thơ viết về cây là để chỉ thói đời chen lấn, vẩn đục.
Trong thơ lục bát của Đỗ Xuân Thu luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà hồn Việt. Đó là, dù cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn nghèo khó nhưng lòng lạc quan, yêu đời vẫn không để rụng rơi. Có mặt trong sân khấu cuộc đời với muôn cung bậc buồn vui hay vai diễn trên chiếu chèo dân gian cũng thuộc về con người cả, nên phải biết thuận duyên chấp nhận, biết hòa trộn vào nhau:
Mới hay sân khấu cuộc đời
Chẳng cần diễn vẫn cứ phơi cái nghèo
Thế mà hễ giục trống chèo
Lại “quan”tít mắt cười theo thằng hề
(Vai diễn)
Từ hiện tượng cuộc sống quen thuộc, thơ nâng lên tầm bao quát để còn lưu lại được trong lòng người đọc những dư âm yêu dấu khi anh viết về sự làm mẹ của con gái mình:
Con đau trở dạ mà mừng
Cha đau câu chữ nhặt từng vần thơ
Mẹ cho con khúc ầu ơ
Câu thơ cha viết bây giờ trao con
(Trước ngày con làm mẹ)
Trong tập lục bát này có một đại từ luôn được lặp lại nhiều lần. Đó là “Em”. Em chính là nhân vật trong thơ tình của Đỗ Xuân Thu. Em là vợ, là người tình, là phái đẹp, là đối tượng để tác giả gửi gắm lòng si mê, đa tình của mình vào những dòng sáu tám quen thuộc. Có thể nói, thơ tình là phần chủ đạo của tập thơ này; có không ít lá bùa yêu lục bát được bày ra ở đây. Tôi thích những câu thơ đắm đuối thế này:
Nhớ hoài thắt đáy lưng ong
Trời ơi, con mắt liếc cong mái chùa!
(Bỏ bùa)
Lúm đồng tiền ấy lạ chưa
Bỗng dưng lốc xoáy, bất ngờ bão giông
Gió này đúng gió đàn ông
Bao nhiêu cái nắng chưa chồng lung liêng
(Gió đàn ông)
Em cuối bể hay đầu nguồn?
Ở đâu trên trái đất tròn, em ơi?
“Chấm com”, “chấm nét” khổ tôi
Tình ngay trước mặt mà vời vợi xa
(Tình ảo)
Thôi còn một chút tin yêu
Xin em, giữ lại mơ nghìn muôn sau
(Qua ngõ nhà em)
Đêm qua mơ gặp vợ người
Tình xưa ập đến, đất trời tan ra
Bồng bênh giữa dải Ngân Hà
Trăng non phơi cái nõn nà…Giời ơi!
(Mơ hoang)
Cái sự đa tình rất đàn ông Việt này khi bôn ba xứ lạ vẫn cứ vẹn nguyên như thời cụ kỵ ông bà xa xưa vậy:
Không em xứ lạ bảy ngày
Vía thăng bảy vía, hồn bay ba hồn
Còn đây thân xác vô ngôn
Hồng sâm không giải được buồn đâu em
(Bảy ngày ở xứ Kim Chi)
Dù khắt khe đến mấy cũng không thể không khen hay những câu lục bát này. Nếu ai còn nghi ngờ về khả năng diễn đạt rộng mở, lắng sâu của thơ lục bát thì nên đọc ngẫm những câu như thế. Còn hơn ngàn vạn lần những câu thơ loằng ngoằng, cố ý trúc trắc, chen chúc chữ mà gầy úa cảm xúc, ý nghĩ.
Góp thêm phần duyên lục bát của Đỗ Xuân Thu có lẽ cũng nhờ vào sự dụng công trong sáng tạo ngôn từ và hình tượng. Có hình ảnh cực kỳ ảo diệu:
Thôi về khâu những giấc mơ
Vá lành mảnh gió mà chờ ru chay
(Ru chay)
Động tác khâu vá đã được ảo hóa, lạ hóa làm cho câu thơ lung linh khác thường. Vẻ đẹp của thơ nằm ở hình ảnh, ngôn từ mang dấu ấn sáng tạo của người viết. Thêm một ví dụ nữa để chứng tỏ điều ấy ở Đỗ Xuân Thu:
Tháng hai lúa trổ chè vè
Rách bươm mảnh gió bờ tre gai cào
(Ru chay)
Chân mộc nhưng không dễ dãi, truyền thống nhưng ít cũ mòn, có những sáng tạo về cấu tứ và ngôn từ, tập Lục bát bỏ bùa của Đỗ Xuân Thu đáng để đọc. Tôi nghĩ, anh là một trong những tác giả hiện nay có duyên với lục bát. Nếu nghiêng về thơ lục bát và khổ công hơn, chiu chắt hơn chắc tác giả sẽ thành công với nó. Những chữ những vần còn tươi rói như hoa trái nhà quê trong tập thơ này làm cho tôi hy vọng nhiều vào điều vừa nói. Tuy nhiên, tôi biết Đỗ Xuân Thu còn nặng lòng với văn xuôi thì biết đâu mảng thơ lục bát đối với anh chỉ như tấm chiếu chèo được trải ra ở đình làng khi tiếng trống hội vang lên. Thế cũng đã là quý rồi, có câu lục bát neo được lòng người đủ cho người viết rưng rưng trọn đời. Theo năm tháng dãi dầu, không mong gì hơn, Đỗ Xuân Thu vẫn còn ru:
Lục bát à, lục bát ơi!
Buồn đau không bán, vui cười không mua…

                                           Đồng Xa, cuối năm Giáp Ngọ, đầu năm 2015
                                                                        NHQ

(*) Thơ Đỗ Xuân Thu, NXB Hội Nhà văn, 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét