Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

“CHẠM VÀO NỖI NHỚ” LÂNG LÂNG TÌNH ĐỜI





“CHẠM VÀO NỖI NHỚ” LÂNG LÂNG TÌNH ĐỜI
(Đọc “Chạm vào nỗi nhớ” - Nxb Hội Nhà văn, 2014 -
tập thơ của Nguyễn Khắc Pha)
 
          Nhớ, thương, hờn, giận, “hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si” là những trạng thái tình cảm của con người. Ở đời, ai chẳng có, chẳng đã từng trải qua những sắc thái “thất tình đó”. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau nhưng có lẽ thi sĩ, nghệ sĩ là dễ nhìn thấy nhất, nhận ra nhất. Ở họ có sẵn một trái tim đa cảm, một tâm hồn nhạy cảm để nhớ, thương, hờn, giận. Chẳng những không giấu được, ngược lại, ở thi sĩ nó còn chảy tràn ra trên trang giấy thành những vần thơ khắc khoải yêu thương. Tác giả Nguyễn Khắc Pha là một trong những con người ấy. Anh đã “chạm vào nỗi nhớ” để có hẳn một tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014.
          Bao trùm cả tập thơ, xuyên suốt từ bài nọ tới bài kia là nhớ và nhớ. Mạch cảm xúc ấy đã cuốn hút người đọc qua từng bài thơ để rồi khi đọc xong tập thơ, chính người đọc cũng có cảm giác lâng lâng, bồi hồi và cũng nhớ theo anh lúc nào không biết. 

          Mở đầu tập thơ là bài lục bát “Ngày em đến” rất “dữ dội”. Em đến “như nham thạch vỡ òa”, như “sét đánh” để hoàng hôn cùng ghen với nắng chiều, để thiêu cháy cả đời anh. “Một ngày em đến cùng ta/ Nghe như nham thạch vỡ òa lời yêu/ Hoàng hôn ghen với nắng chiều/ Không mưa mà sét lại thiêu cháy mình”. Đúng là tình yêu sét đánh. Đây là nguyên nhân của nỗi nhớ, là cái cớ để có tập thơ này chăng?
          Quả đúng vậy, “em” đã ám ảnh Nguyễn Khắc Pha mọi lúc, mọi nơi để anh triền miên trong cõi nhớ, hóa thành thơ “chạm vào nỗi nhớ”. Chạm được vào nỗi nhớ kể cũng thật là tài. Nỗi nhớ ấy của Nguyễn Khắc Pha phải có dáng, có hình thì anh mới sờ tới, mới chạm tới được chứ? Chỉ riêng điều này đã rất thi sĩ rồi. Ta thử xem anh chạm vào nỗi nhớ như thế nào nhé.
          Nỗi nhớ của Nguyễn Khắc Pha là nỗi nhớ có màu. Có khá nhiều bài trong tập thơ này anh vẽ nỗi nhớ bằng những màu sắc khác nhau. Khi thì màu xanh, khi thì màu lửa, lúc lại màu chín... “Có một nỗi nhớ xanh/ Ủ trong hoàng hôn tím/ Có một ngày ngọt lịm/ Gió dắt chiều hanh hao/ Có ngày không gặp nhau/ Nỗi nhớ quăn màu lửa/ Theo đêm về tan vỡ/ Như mảnh trăng cuối mùa” (Nỗi nhớ xanh). Nỗi nhớ quăn màu lửa” thì thật là dữ dội. Nhìn mảnh trăng cong bơ vơ cuối mùa Nguyễn Khắc Pha liên tưởng thành nỗi nhớ “quăn màu lửa” thì thấy anh nhớ biết chừng nào. Để rồi “Có một nỗi nhớ xanh/ Đang đợi người - nhớ chín” (Nỗi nhớ xanh). Hai câu kết của bài thơ này thật hay và mới. Từ “nhớ xanh” đợi mãi, đợi hoài thành “nhớ chín”.
          Trong bài “Miền chiêm bao” lại thêm một lần anh vẽ màu xanh cho nhớ. Nhớ ở đây không còn là “nỗi”, là “niềm” nữa mà là “mùa”, là “giấc” rồi. “Môi em màu sen khát/ Ủ tròn mùa nhớ xanh”. Và bốn câu kết của bài này cũng thật tài tình: “Bên thềm rêu mịn màng/ Trời non vừa hé mở/ Gối sâu vào giấc nhớ/ Chợt thấy tình sang trang”. “Rêu” là nói về cái cũ, “trời non” là viết về cái mới. “Giấc nhớ” là nhịp cầu bắc ngang để cho “tình sang trang”. Và ta còn bắt gặp nhiều màu sắc nhớ nữa của anh trong các bài thơ khác, nhưng màu chủ đạo nỗi nhớ ấy là màu xanh. Phải chăng, đó cũng là màu hy vọng?
          Nỗi nhớ của Nguyễn Khắc Pha không chỉ là màu sắc, hình hài mà nó còn vận động qua các trạng huống khác nhau. Khi “đi vòng”, lúc “bơ vơ”, lúc lại “trườn lên dốc”, khi thì “xoay tròn”, lúc lại “kết tủa”, lúc khác lại “giăng mắc”... khiến người thơ không biết đâu mà gỡ, cứ ngập tràn trong biển nhớ. “Người mang thương nhớ đi vòng/ Dắt ta về với dòng sông đợi người” (Vắng em); “Biển cồn cào bạc trắng nhớ bơ vơ” (Trả biển); “Một ngày mai - em này/ Nếu không còn nhau nữa/ Nỗi nhớ về kết tủa/ Theo anh suốt cuộc đời” (Tan vào nỗi nhớ). Nỗi nhớ kết tủa thì ghê lắm đấy. Bài “Tan vào nỗi nhớ” là bài tôi rất thích. Sau khi thử giấu em vào nắng, giấu em vào mưa thì khi tan mưa, lúc hết nắng, hình em vẫn cứ hiện lên rất rõ. Thế thì thứ kiểm tra lại mình xem sao? Tác giả “giấu mình vào phía tối” thì “Trái tim đầy tội lỗi/ Cứ lộ nguyên hình hài”. Cái gốc của nỗi nhớ chính là ở đây. Trái tim đa cảm chìm trong biển nhớ cho “Em vớt hong nắng đầy” ấy thế mà vẫn không được. Khổ cuối của bài thơ ta thấy nỗi nhớ của anh đã kết tủa lại rồi.
          Còn đây là nỗi nhớ xoay tròn của anh: “Chẳng thể nào quên nỗi nhớ xoay tròn/ Hoa sóng thay ngàn lời muốn nói”, “Nỗi nhớ xoay tròn - ngày ấy - biển mùa đông” (Biển mùa đông). Và đây nữa là nỗi nhớ “trườn lên dốc”: “Nhớ em gió cũng lỡ làng/ Trườn lên dốc đứng miên man gọi thầm”. Nhớ thế mới là nhớ chứ.
          Nhớ của Nguyễn Khắc Pha lúc thì như biển, lúc lại giăng mắc vô hình, khi khác lại dồn lại vào một góc nhỏ. “Có một mùa cạn trắng dòng sông/ Đem cô đơn chất vào góc nhớ” (Trở mùa) hay “Buồn vui trả hết cho người/ Mang cô đơn xếp góc trời - lại đau” (Vòng cô đơn). Nhưng dù gì đi chăng nữa, nỗi nhớ vẫn cứ vây bủa anh. Nhớ trong mơ (Miền chiêm bao, Mơ tiên), nhớ những địa danh cụ thể với những kỷ niệm ngọt ngào với người yêu (Tây nguyên, Hà Nội, Đà Lạt, Kinh Bắc quan họ...), nhớ cánh bằng lăng tím, nhớ chặng đường hành quân xưa... Viết về kỷ niệm vùng miền nhưng Nguyễn Khắc Pha không rơi vào “vịnh thơ” mà anh chọn được chi tiết điển hình, sự kiện điển hình ra được cái hồn của tứ thơ. Vì thế, thơ anh rất nhuyễn để lại dấu ấn và những cảm xúc mới lạ. Chẳng hạn, đây là một miền nhớ của anh: “Tên em tràn lối nhớ/ Chơi vơi anh phố chiều/ Nước vẫn xanh Hoàn Kiếm/ Như thuở nào mình yêu”(Tôi và Hà Nội). “Tên em tràn lối nhớ” thì nhớ dữ dội lắm, ào ạt lắm đấy thi sĩ ạ.
          Tất cả nỗi nhớ ấy, dù màu gì, trạng huống gì đi chăng nữa thì cũng đã làm điêu đứng, liêu xiêu tâm hồn thi sĩ Nguyễn Khắc Pha rồi. Anh bị tan chảy ra, kết tủa lại trong một nỗi nhớ mang tên Nguyễn Khắc Pha. Không “bổi hổi, bồi hồi như đứng đống lửa, như ngồi đống than” như các cụ ngày xưa thì Nguyễn Khắc Pha cũng bị “quăn màu lửa”, “trườn lên dốc”, “tràn lối nhớ”, “xoay tròn” “giăng mắc” tít mù rồi. Gỡ được, thoát ra miền nhớ ấy chắc chẳng bao giờ được. Ai bảo anh dại khờ mà chạm vào nỗi nhớ cơ chứ?
          Nhớ thường đi đôi và đồng hành với buồn, với cô đơn. Với Nguyễn Khắc Pha, cô đơn thì có nhưng buồn thì tôi không thấy. Đọc hết cả tập thơ nhớ của anh nhưng không thấy anh buồn. Có chăng chỉ là bâng khuâng, thầm thì (“Cúc vàng nhuộm thắm mùa thu/ Tôi thầm gói khúc hát ru giữa đời”, “Giờ nhìn theo hạt mưa rơi/ Bâng khuâng tôi nhớ một thời đã xa” - Nắng xưa); hay “nghĩ bao điều vẩn vơ” (Vùng không sóng), “lang thang đuổi bắt bóng hình” (Nỗi buồn không tên) mà thôi. Đây là thế mạnh, là sự vững bút của anh. Viết về nỗi nhớ mà không bi lụy, không não nề, nỗi nhớ vẫn cứ hiển hiện rõ hình hài, rất mãnh liệt, rất dữ dội. Cả người thơ và người đọc đều cảm thấy lạc quan, tin yêu, nâng niu quý trọng tình đời, cuộc đời này hơn. Đặc biệt, thơ Nguyễn Khắc Pha hầu như bài nào cũng gắn với vũ trụ, mưa nắng, ngày đêm, gió mây, sông núi... Có tới hai bài anh ví em, ví tình yêu như dòng nham thạch phun trào.
          Thơ Nguyễn Khắc Pha thiên về các thể thơ truyền thống. Lục bát (22/52 bài, gần một nửa), ngũ ngôn (16/52 bài), còn lại là các bài thơ tự do với vần điệu, khổ đoạn khá êm ngọt. Thơ anh dễ đọc, dễ cảm nhận, sẻ chia và tạo được sự đồng cảm lớn. Đó là thành công của anh.
          Tuy nhiên, lục bát Nguyễn Khắc Pha có đôi chỗ gieo vần còn hơi bị gần (bài “Khúc quanh” với các vần “cười, bời, tôi, thôi”) đọc chưa sướng lắm. Bài “Chợ tình” sẽ khá hơn nếu thay được từ “rẫy” - vì ngoài Bắc không dùng từ này ở những nơi có chợ tình (mà là “nương” cơ). Có một từ “cắc củm” trong câu thơ “Tôi chắt chiu cắc củm gửi về em” khiến tôi cứ “lăn tăn” mãi không hiểu “cắc củm” nghĩa là gì? Từ địa phương? Từ làm mới của tác giả chăng?
          Tập thơ “Chạm vào nỗi nhớ” có nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu tôi rất thích. Ví như “Ngày em đến”, Nỗi nhớ xanh”, “Tan vào nỗi nhớ”, “Mơ tiên” hay “Miền chiêm bao”, “Nắng xưa”...chẳng hạn. Trong rừng thơ hiện nay có được “Chạm vào nỗi nhớ” với những bài như thế chinh phục tôi thì cũng quý và trân trọng lắm rồi.
Cảm ơn Nguyễn Khắc Pha đã cho tôi chạm được vào nỗi nhớ của anh để cho “Vần thơ thay sợi chỉ mềm/ Cột mây vào gió, cột đêm vào ngày/ Cột tình vào những cơn say/ Cột mắt người với mắt này làm tin” (Lên mùa), để cùng anh lâng lâng trong khát khao yêu, trong khát khao sống.
          Chúc mừng thành công của Nguyễn Khắc Pha qua tập thơ đầu tay này và chúc anh sau “Chạm vào nỗi nhớ” tiếp tục nhớ, mãi mãi nhớ để thăng hoa có nhiều tác phẩm mới hay hơn nữa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét