Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

KÝ ỨC BÔNG HOA DẦU






          Lâu lắm rồi, ông Quang mới lại có một chuyến đi xa như thế này. Háo hức lắm. Cái máu xê dịch của ông lại được trỗi dậy khiến ông trẻ lại dễ chừng đến mươi tuổi. Nghỉ hưu mấy năm, đây là chuyến đi xa đầu tiên của ông kể từ ngày rời nhiệm sở. Hội cựu chiến binh xã tổ chức chuyến đi này dành cho những người đã chiến đấu ở miền Nam nhân ngày chiến thắng 30-4. Trở lại nơi có quá nhiều kỷ niệm, ông Quang không khỏi bồi hồi xúc động. Tự nhiên, ông nhớ Thanh quá chừng. Không biết giờ này em ở đâu?
          Ngày đó, cách nay đã mấy chục năm, khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, trong lúc các đơn vị kéo quân về tiếp quản thành phố thì đơn vị của Quang lại ngược ra tỉnh biên giới Tây Ninh. Chiến tranh vừa đi qua, nơi nào cũng ngổn ngang hố bom, bãi đạn. Mặt đất cây cối xác xơ. Địch bỏ chạy để lại bãi chiến trường những hàng rào dây thép gai chẳng chịt, những ụ súng ụ pháo nham nhở, những công sự hầm hào lở loét, những lán trại xiêu vẹo khét mùi thuốc súng... Đơn vị Quang có nhiệm vụ thu dọn chiến trường, khôi phục cuộc sống sản xuất những nơi này. Không trực tiếp đối mặt với kẻ thù nhưng hàng ngày hàng giờ cái chết cũng luôn rình rập, ập đến người chiến sĩ bất cứ lúc nào. Bao nhiêu là đạn bom sót lại, cả những hàng rào dây thép gai địch cài dày đặc mìn bảo vệ, chỉ sơ sểnh một tí là mất mạng như chơi. Rà phá bom mìn, san lấp hố bom, cải tạo mặt đất, tổ chức sản xuất cấy trồng lấy lại mầm xanh cho nơi đây. Chưa kịp buông tay súng, Quang và đồng đội đã phải tay cày, tay cuốc để lập lại cuộc sống mới. Chính những ngày như thế Quang đã gặp Thanh, cô gái Gò Dầu xinh xắn, tháo vát, nhân hậu đã cho anh tình yêu và khát vọng sau những năm tháng chiến tranh mòn mỏi đợi chờ. 
           Hồi đó, Thanh mới ngoài hai mươi tuổi. Dong dỏng cao, mái tóc dài, dáng thắt đáy lưng ong, Thanh khiến cho các chiến sĩ đơn vị Quang mê mẩn. Đôi mắt Thanh to tròn đen láy nhìn ai như hút hồn người ấy. Thanh có khuôn ngực nở nang căng tràn sức sống. Chiếc áo bà ba đen Thanh hay mặc càng tôn thêm vẻ đẹp cho em. Cái thóp ngực trắng ngần, phập phồng thở khiến những ai dù vô tình đến mấy cũng cứ bị hút sâu vào nơi ấy. Những lúc Thanh cười, Quang không tài nào cầm lòng được. Mặt anh ngây thộn ra. Trong đầu Quang thì chỉ nghĩ giá mà...đôi môi ấy, khuôn mặt ấy... rồi anh vội xua ý nghĩ đó đi ngay để nghĩ lảng sang chuyện khác. 
          Quang gặp Thanh rất tình cờ, như một lẽ tự nhiên. Hai người cùng làm công tác đoàn, Thanh bí thư đoàn xã, Quang bí thư đoàn đơn vị. Việc phối hợp công tác là một lẽ đương nhiên. Bàn tổ chức sinh hoạt cho thanh niên, bàn giao lưu văn nghệ, bàn gỡ mìn, phá bom, bàn tăng gia sản xuất... Thôi thì đủ thứ cần phải phối hợp. Đơn vị Quang lại có truyền thống công tác dân vận, đi dân nhớ, ở dân thương. Thế nên, điều kiện ấy, môi trường ấy đã cho họ gắn bó ngày càng mật hiết với nhau trở nên nặng tình, nặng nghĩa.
          Ngoài những hôm phối hợp chung ấy, Quang và Thanh còn có những chuyến công tác riêng, giao lưu các đơn vị bạn, huyện bạn. Từ Trảng Bàng đến Bến Cầu, từ Dương Minh Châu đến các huyện biên giới Tân Châu, Tân Biên... Có thể nói mảnh đất Tây Ninh này Quang đã thuộc trong lòng bàn tay. Anh nhớ mãi hôm cùng Thanh đi tham quan Trung ương Cục miền Nam, lúc chiều về qua cửa khẩu Lò-Gò, Xa-Mát, hai người đã dừng nghỉ chân trong một quán cà phê ven đường. Chiều Tây Ninh nắng chang chang, nóng hầm hập, không một tí gió, nhìn ra mặt đường thấy hơi nhựa bốc hơi mà rùng mình. Nằm trên hai cái võng trong một túp lều tuềnh toàng, hai người ríu ran trò chuyện. Thanh bảo mai kia theo anh về miền Bắc chắc sẽ thoát cảnh “Tây Ninh nóng nung người” này nhưng mà khi đó chắc em sẽ nhớ nơi này lắm anh ạ. Quê mẹ sinh ra mà, quên thế nào được phải không anh? Em cứ tưởng tượng quê anh đẹp lắm nhưng vẫn chưa hình dung nổi cái rét nó thế nào đâu. Chắc run cầm cập đấy anh nhỉ? Kể cũng buồn cười thật, nơi nóng nhất với nơi lạnh nhất lại yêu nhau được mới kỳ chứ. Có phải sức hút mãnh liệt của âm dương không anh?
          Cứ thế, Thanh hồn nhiên bao nhiêu chuyện. Đôi mắt Thanh nhìn anh đắm đuối. Đôi môi Thanh rít rít như cười. Mải chuyện, ly nước đá trên tay em sóng sánh theo nhịp đung đưa của cánh võng. Thấy ly nước của Quang đã cạn, Thanh san ly nước của em cho Quang. Còn Quang, anh không nói nhiều chỉ nhìn Thanh vừa đắm say vừa tư lự. Anh đang nghĩ tới vợ và con anh ngoài Bắc. Thanh ơi, giá anh gặp em sớm hơn, giá như tất cả được từ đầu... Muộn rồi, biết làm sao được em ơi?
          Việc Quang có vợ con ngoài Bắc anh chưa nói, hay đúng ra là chưa có dịp để nói với Thanh. Bởi lẽ, hễ anh cứ định nói ra thì Thanh lại liếc mắt, miệng nói nói cười cười cuốn đi. Anh nhờ đồng đội bắn tin cho Thanh việc này song khi nghe thế, Thanh lại bảo họ là “cứ đùa dai”. Bộ đội các anh là láu cá lắm, tán tếu chẳng biết đằng nào mà lần. Thế rồi, trước tình cảm vô tư của Thanh, Quang cũng không nỡ nói thêm nữa. Chính cái sự “tặc lưỡi” này là sai lầm chết người mà mãi sau này Quang mới nhận ra.
          Cuối cùng, trong một đêm trăng sáng, khi chỉ có hai người bên nhau, Quang đã cầm tay Thanh nói thật điều này. Thanh sững người. Đôi mắt em mở to dưới trăng. Rồi hai tay cô đấm Quang thùm thụp. “Em không tin! Em không tin!”. Thanh nức nở khóc rồi vùng chạy bỏ mặc Quang đứng như trời trồng bên bờ sông Vàm Cỏ.
          Sau hôm ấy, Thanh cố tình tránh mặt Quang. Thế nhưng cũng chỉ được mươi ngày thì chính em đã chủ động tìm đến Quang. Thanh nói: “Dù anh có vợ con ngoài Bắc rồi thì em vẫn cứ yêu anh. Đó là tình cảm thực của em. Em muốn xin anh một đứa con rồi anh muốn đi đâu thì đi”. Quang tròn mắt: “Không được đâu em ơi! Anh không được phép làm thế. Em có quyền được hưởng hạnh phúc. Rồi em sẽ tìm thấy tình yêu đích thực của mình. Đừng, đừng làm thế và nghĩ thế, Thanh ơi!”. Thanh cào cấu, ôm ghì lấy Quang và khóc. Nước mắt em đầm đìa, ướt hết ngực áo Quang, phả hơi nóng hôi hổi vào mặt anh. Hai tay Quang ôm mái tóc Thanh, ngửa đầu em lên và nói: “Nín đi em. Chúng mình mãi mãi sống tốt với nhau, đi bên cuộc đời nhau em nhé! Can đảm lên em!”. Cầu Gò Dầu đêm ấy chứng kiến cảnh Quang và Thanh ôm nhau sụt sùi mãi tới tận khuya. Dưới sông, từng đám lục bình lững lờ trôi mênh mang trong trăng. Mùa này đang mùa con nước ròng.
          Sau đó, Quang báo cáo tổ chức về sự việc này. Anh đề nghị được chuyển đơn vị kẻo Thanh cứ thế này thì khổ cả hai. Thanh phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, chính đáng. Anh không muốn làm khổ cô. Và nguyện vọng của anh đã được đáp ứng. Quang chuyển đơn vị ra bờ biển Cần Giờ. Anh lặng lẽ thu xếp quân tư trang lên đường, trong số đó có bông hoa dầu khô đặt trong chiếc hộp thủy tinh xinh xắn mà Thanh đã tặng anh trong một đêm trăng thanh dưới gốc cây dầu ngay cổng vào đơn vị. Trên cánh hoa dầu ấy, Thanh đã khéo léo viết hai chữ Q.T mà em nói với Quang rằng đó là Quyết Tiến, đó là Quyết Thắng. Dù khó khăn bao nhiêu thì anh cứ nhìn bông hoa dầu này mọi việc sẽ vượt qua tất cả. Còn Quang, anh biết ngoài ý bóng đó ra, cái ý chủ yếu nhất, sâu xa nhất chính là tên hai người. Quang Thanh. Phải rồi, Quang Thanh! Cái hộp có bông hoa dầu khô ấy được Thanh gói cẩn thận trong chiếc khăn rằn quê em. Quang cất nó dưới đáy ba lô và sau này đã theo anh suốt những tháng năm dài công tác.
Trước khi đi, anh nhờ đồng đội của mình chuyển cho Thanh cuốn sổ tay chép những bài thơ tình do anh sáng tác làm kỷ niệm cùng mảnh giấy ghi dòng chữ: “Tạm biệt em. Đừng tìm anh, em nhé. Hãy quên anh đi. Chúc em hạnh phúc. Nhất định sẽ có ngày anh trở lại thăm em. Thương nhớ em vô cùng. Anh: Huy Quang”.
          Từ đó, Quang cố dằn lòng mình, giấu mối tình này vào sâu trong ký ức. Anh không thư từ, điện thoại gì cho Thanh nữa. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn khác nhau, Quang vẫn theo dõi bước đi của Thanh, nhất là những năm đầu. Quang biết, khi nhận cuốn sổ và lá thư ngắn ngủi này, Thanh đã khóc ròng, bỏ ăn uống mấy ngày liền. Người em gầy sọp đi. Em ngơ ngác, thất thần. Dân làng thấy em cứ đứng thẫn thờ dưới gốc cây dầu cuối xóm, Mấy lần em định đi tìm Quang song nghĩ lại người ta cố tình bỏ mình thì tìm làm gì nữa cơ chứ. Đơn vị thì bảo anh đã đi xuất khẩu lao động theo đường dây của quân đội trong những năm đầu hòa bình. Thế rồi, công việc cuốn đi, Thanh cũng nguôi ngoai dần. Được tin này, Quang cũng yên lòng phần nào. Anh tự hứa với lòng mình nhất định sẽ có ngày trở lại thăm Thanh, thăm lại cái nơi mà bao nhiêu kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ của anh.
          Báo cáo trưởng đoàn, ông Quang tách đoàn lên Tây Ninh tìm về nơi xưa, chốn cũ. Tất cả đã đổi thay. Chẳng thấy dấu tích của những năm tháng ông đóng quân ở đây đâu nữa. Cây dầu cũng không còn. Thay vào đó là khu công nghiệp, là đường sá dọc ngang, là phố xá dân cư đông đúc. Thị trấn Gò Dầu nườm nượp người xe. Xa lộ 22 bóng lộn, thênh thang. Xe nọ nối xe kia ra biên giới, về thành phố Hồ Chí Minh. Ông Quang ngơ ngác. Lấy tay che mắt, nhìn mặt trời, ông định hướng tìm về lối xưa.
          Hỏi thăm mấy người về Thanh, họ đều lắc đầu không biết. Toàn những người lạ. Đang cảm thấy bối rối trong việc tìm kiếm, thì ông Quang chợt nghĩ ra cách vào ủy ban hỏi là thuận nhất. Quả đúng vậy, anh cán bộ ủy ban nghe giọng Bắc hỏi thăm người quê thì tận tình chỉ bảo. Lọc bỏ mấy người cùng tên Thanh, đối chiếu đúng đặc điểm của ông Quang tả, anh cán bộ ủy ban cho hay: bà Thanh nguyên là giáo viên tiếng Anh, sau là hiệu trưởng trường trung học cơ sở của xã. Bà nghỉ hưu được mấy năm rồi, hiện đang ở xóm ấy, đường ấy, cứ đi theo lối ấy là đến. Ông Quang mừng rỡ cảm ơn anh cán bộ rồi bắt xe ôm theo đi theo sự chỉ dẫn.
          Căn nhà ba gian mái tôn thoáng mát ở ngay gần đầu đường vào xóm chính là nhà bà Thanh. Trả tiền cho người lái xe ôm xong, ông Quang hồi hộp chỉnh trang lại quần áo, xốc lại chiếc ba lô rồi tự tin bước vào ngõ. Từ xa ông đã cất tiếng gọi bà Thanh. Một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi từ trong nhà chạy ra. Ông Quang thoáng sững sờ. Thanh! Phải Thanh không? “Cháu chào ông. Ông hỏi ai ạ?”. Tiếng thiếu phụ làm ông Quang sực tỉnh. “Cho tôi hỏi đây có phải nhà bà Thanh không cô?”. “Dạ. Ông hỏi mẹ con?”. “Thế ra cô là con bà Thanh?”. “Dạ. Mẹ con đi vắng rồi ạ. Con mời ông vô nhà”. Ông Quang thoáng hẫng hụt rồi theo cô gái bước vào nhà. Trong nhà có hai đứa trẻ, một trai một gái đang học bài.
          Lặng lẽ quan sát căn nhà, ông Quang chợt nhận ra tấm hình của Thanh hồi trẻ. Đúng nhà em đây rồi! Anh về thăm em đây Thanh ơi! Vừa pha nước, thiếu phụ và ông Quang cùng giới thiệu về nhau. Nhã, tên người thiếu phụ, là con gái duy nhất của bà Thanh. Chồng cô đang cùng bố mẹ vợ (tức vợ chồng bà Thanh) đi Cà Mau lo công chuyện nhà nội ngày mai mới về. Nhà chỉ còn ba mẹ con. Ông Quang cũng cho Nhã biết là hồi trước ông đóng quân ở đây, quen biết bà Thanh, nay nhân tiện chuyến tham quan của đoàn, ông rẽ vào thăm bà và gia đình. Ba mẹ con Nhã ríu rít mừng vui trước vị khách lạ. Nhã hỏi ông Quang có biết số máy của bà Thanh không, ông Quang lắc đầu. Thế là cô nhanh nhảu bấm máy cho bà Thanh. Hai người vồ vập nhau trên điện thoại. Chuyện nọ chồng chuyện kia. Bà Thanh bảo nhất định ông Quang phải ở lại, mai bà về để còn nhìn mặt nhau và chuyện trò tiếp chứ. Bà bảo ông đưa máy cho Nhã. Chẳng biết họ nói với nhau những gì chỉ biết rằng sau đó, Nhã nằng nặc giữ ông Quang lại. “Má con bảo bác phải ở lại đây, tối nay con gọi mấy ông bà cùng thời với bác, biết bác, đến để nhậu và trò chuyện ôn cũ nhớ xưa bác nhé. Bằng mọi giá lần này bác phải gặp ba má con đấy. Con không cho bác đi đâu”.
          Ông Quang không biết nói lời nào hơn lặng lẽ gật đầu. Bất ngờ, ông nhìn thấy trong tủ kính gian giữa một bông hoa dầu hai cánh khô y như bông hoa dầu mà Thanh đã tặng ông ngày trước, nó đang nằm trong cái hộp thủy tinh để dưới đáy ba lô ông mang theo đây. Cũng hai chữ Q.T trên cánh hoa, cũng màu chàm nâu óng ánh. Hai cánh hoa như hai bàn tay xòe ra đón yêu thương trên quả cầu nhỏ xíu là cái cuống hoa xinh xinh kia. Bất giác, ông Quang như thấy những bông hoa dầu đang rơi rơi trong gió tựa như những chiếc chong chóng đậu trên vai Thanh ngày nào. Bao nhiêu năm rồi mà kỷ niệm ấy chẳng thể nào quên được. Hai đóa hoa yêu thương bên nhau đi suốt cuộc đời. Ông Quang lâng lâng như đang ở nhà mình. Ngoài ngõ, tán lá cây dầu còn sót lại đang rì rào rung rinh trong gió.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét