Đã mấy ngày đêm rong ruổi trên đường,
chuyến xe của Vân hành hương về Đất Tổ vẫn náo nức rộn ràng. Đây là lần đầu
tiên trong đời Vân được ra Bắc. Từ đất mũi Cà Mau, tổ hưu của chị thuê chiếc
ôtô 24 chỗ ngồi nhằm hướng bắc thẳng tiến. Chiếc xe chạy băng băng. Ai cũng
mong cho chóng đến Phú Thọ để dự Hội Đền Hùng. Được viếng mộ Tổ là mơ ước của
Vân và của mỗi người trong đoàn. Thực ra, ở Vân còn chất chứa một nỗi niềm khác
nữa. Đó là trong chuyến đi này, Vân mong tìm gặp lại Hải, người bạn chiến đấu,
người yêu đầu đời của Vân.
Trên
xe, mọi người ríu ran chuyện trò. Phong cảnh thanh bình của đất nước đã làm cho
họ như trẻ lại. Cứ mỗi lần xe qua một địa danh chiến đấu năm xưa là mọi người
lại xôn xao nhớ về kỷ niệm cũ. Đây là nơi tiểu đội của ông Quang dầm mình cả
tháng trời dưới sình lầy để chờ giặc đến. Kia là bãi cát trắng dài ven biển nơi
bà Hoan giả làm người buôn cá để mang mìn cho đội đặc nhiệm đánh tàu chiến Mỹ.
Có nhiều nơi họ không nhận ra được nữa vì phong cảnh đã khác xưa nhiều quá. Nhà
máy mọc lên. Phố xá tưng bừng. Người xe tấp nập. Chẳng còn đâu là hàng rào dây
thép gai hay đồn bốt, xe tăng của Mỹ nguỵ nữa. Tất cả đã vùi sâu vào dĩ vãng.
Quang cảnh ngày xưa chỉ còn lờ mờ hiện lên trong ký ức của họ.
Qua đèo Hải
Vân, xe dừng lại ít phút trên đỉnh đèo. Gió từ dưới biển thổi lên lồng lộng.
Mọi người say sưa ngắm nhìn trời đất bao la. Trời xanh, biển xanh như hoà làm
một. Ai cũng có một cảm giác bềnh bồng khó tả. Chiếc loa trong xe vang lên bài
hát “Đường chúng ta đi” sao mà hay đến thế. Bất giác Vân cũng khe khẽ hát theo.
Chị mơ màng nhớ về Hải, tưởng tượng ra cái giây phút gặp Hải. Chắc Hải sẽ ngỡ
ngàng lắm.
Hồi ấy, cách
đây trên ba mươi năm, Vân là một cô gái Nam bộ dịu dàng duyên dáng. Cô là y
tá trong đội du kích hoạt động bí mật ở ngoại thành Sài Gòn. Một đêm tối trời
cuối tháng tám, Vân đang ngủ thì có tiếng súng nổ rộ lên ở cuối xóm. Linh tính
mách bảo cô điều chẳng lành. Có lẽ các anh ở trên cứ tập kích vào đồn giặc đã
bị lộ? Vân choàng vội chiếc khăn bà ba lao đi. Cô lần mò về phía súng nổ. Tiếng
đạn bay chiu chíu xé rách màn đêm, vạch thành những đường lửa nhức mắt. Bước
chân người chạy rình rịch. Tiếng hô hét, tiếng chó sủa ầm ĩ. Pháo sáng bắn lên
trời soi rõ từng cành cây ngọn cỏ. Vân nép người xuống bờ ruộng căng mắt theo
dõi. Bọn địch lùng sục soi dọi đèn pin khắp nơi. Chúng quát tháo lẫn nhau loạn
xạ. Lát sau thì tiếng súng im hẳn. Bọn địch cũng co lại rút về đồn. Vân thở
phào bò thêm một đoạn về phía bốt nghe ngóng. Chợt Vân quào tay vào một thi thể
ướt sũng, nhầy nhụa. Chắc là bê bết máu. Cô sững lại căng mắt nhìn. Không phải
lính Mỹ. Cũng không phải thằng nguỵ. Đích thị là bộ đội đặc công đằng mình rồi.
Vân áp sát tai vào ngực người lính. Tim anh đập yếu ớt. Còn sống! Anh ta còn
sống! Bằng kỹ thuật chuyên môn của mình Vân ngồi hẳn dậy làm động tác hô hấp
nhân tạo cho anh. Lát sau, anh ta khẽ thở trở lại. Vân mừng quá. Cô vừa bò vừa
cõng người lính đó trên lưng lết về nhà. Trong căn hầm bí mật, Vân cùng mẹ lau
rửa, băng bó vết thương cho anh. Vài ngày sau người thương binh ấy tỉnh hẳn.
Tên anh ta là Hải, ở đơn vị trinh sát. Đêm ấy, tổ trinh sát của anh có nhiệm vụ
tiếp cận mục tiêu, nắm tình hình đồn địch chuẩn bị cho một trận đánh mới. Không
may cho anh khi đang bò vào hàng rào dây thép gai thì gặp lũ chó tuần tra đánh
hơi thấy. Bọn địch bắn như vãi đạn. Anh lộn mấy vòng thoát khỏi hàng rào thì bị
trúng đạn bất tỉnh. Rất may cho anh và Vân là chúng không phát hiện ra anh và
anh chỉ bị thương vào phần mềm ở đùi và cánh tay phải.
Gần một tháng
điều trị ở nhà Vân, Hải đã khỏi hẳn. Đêm đến, anh có thể lên khỏi hầm và tự đi
lại được. Tình yêu giữa 2 người nảy nở tự lúc nào không biết. Ở Hải, đó là ơn
cứu mạng của Vân, là sự săn sóc chu đáo tận tình của Vân và cả gia đình cô.
Nhiều lúc anh lên cơn sốt, Vân đã ngồi bên nâng đầu anh bón từng thìa cháo. Cô
dỗ dành anh như một đứa trẻ. Khi tỉnh, mở mắt ra anh thấy ánh mắt Vân hiền dịu
yêu thương ngay sát mặt mình. Khuôn mặt ấy đẹp tựa vầng trăng. Hơi ấm của người
con gái toả ra làm anh ngây ngất. Vân như người chị, người mẹ chăm sóc anh,
nâng giấc anh qua cơn hiểm nghèo. Hải hạnh phúc trong vòng tay âu yếm của Vân.
Với Vân, Hải đáng để cho cô khâm phục kính trọng. Đau đớn là vậy mà Hải không
một lời kêu ca. Anh cắn răng, gồng mình vật lộn trước những cơn đau. Những lúc
khoẻ anh hiền khô, một mực chỉ đòi tìm về đơn vị để chiến đấu. Anh thủ thỉ tâm
sự cho Vân nghe về gia đình và quê hương. Anh dạy Vân hát xoan, hát ghẹo. Những
làn điệu dân ca nổi tiếng của quê hương Phú Thọ đã cuốn hút Vân. “Thuyền ai róc
rách bên đồi là bên ư hừ đồi...”, câu hát ấy cho Vân tưởng tượng về miền quê
Sông Thao với “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”. Tay Hải bắt nhịp cho Vân
hát. Ánh mắt cô mơ màng. Vân ao ước có một ngày được ra thăm Đất Tổ, được ngắm
nhìn phong cảnh Phong Châu, vùng đất cội nguồn của dân tộc, để được đắm mình
trong những làn điệu xoan ghẹo nổi tiếng quê anh.
Một
đêm cuối tháng chín, trời không trăng, không sao, họ bịn rịn chia tay nhau. Hải
tìm về đơn vị. Sông Sài Gòn đen thẫm trong đêm. Vân bí mật cùng con thuyền đưa
Hải sang sông về cứ. Sang tới bờ sông bên kia hai người ôm nhau lưu luyến. Họ
nắm chặt tay nhau. “Nhất định anh sẽ về với em, Hải nhé”. Giọng Vân thì thầm.
Hải ghì đầu Vân vào ngực mình: “Chờ anh ngày chiến thắng, nghe em!”. Và nụ hôn
đầu đời họ đã trao nhau bên bờ sông đêm ấy.
-
Ôi! Việt Trì đây rồi! Đẹp quá!
Tiếng
bà Hoan reo cắt ngang dòng hồi tưởng của chị. Trên xe mọi người xôn xao. Ai
cũng cố nhoài người ra phía cửa để được ngắm nhìn phong cảnh thành phố ngã ba
sông. Lạ thật! Mấy ngày liền ngồi trên xe, ngỡ tưởng tuổi cao, đường xóc sẽ làm
cho họ mệt nhoài, thế mà ra đến đây vẫn chẳng có một ai say xe, mệt mỏi gì cả.
Chuyện trên xe vẫn ngày càng như pháo nổ. Gió sông Lô phơi phới thồi vào xe làm
tung bay những mái tóc điểm bạc của họ. Chú tài xế hào hứng:
-
Ngọn núi xanh trước mặt phía tay trái kia là núi Hùng rồi đấy các bác ạ. Chỉ
chục cây số nữa là ta sẽ về đến Hội.
Mọi
người náo nức nhìn theo.
-
Chú cho băng hát “xoan ghẹo” đi – Tiếng ai đó đề nghị.
“Thuyền
ai róc rách bên đồi là bên ư hừ đồi...”. Giọng dân ca vang lên. Hồn Vân như cất
cánh. Gió sông Lô mơn man. Thành phố ngã ba sông bồng bềnh trong nắng xuân, du
dương cùng câu hát. Hải ơi, em đang về với anh đây! Liệu chuyến đi này mình có
gặp nhau không? Đợi em ngày Giỗ Tổ, anh nhé!
Ngã
ba Đền Hùng đông nghịt những người và xe. Không khí ngày hội tưng bừng trên
gương mặt mọi người. Cả đoàn Vân xuống xe cuốn theo dòng người về phía Nghĩa
Lĩnh. Núi Nghĩa Lĩnh mịt mùng khói sương, nhuốm màu rêu phong trên mái ngói của
những ngôi đền tĩnh lặng, cổ kính. Vân và mọi người cùng kéo vào Công Quan, đến
Bảo tàng. Tại đây, qua sa bàn, họ được xem toàn cảnh khu vực Đền Hùng. Kia sông
Đà, sông Thao hợp lưu ở Tam Thanh. Xuôi chút nữa, sông Lô gặp sông Hồng ở ngã
ba Bạch Hạc. Núi non, sông nước, mây trời như cùng về đây tụ hội. Cha ông ta tự
ngàn xưa đã khéo chọn nơi này, với thế rồng bay, voi chầu, hổ phục, gối sơn đạp
thuỷ để làm nơi khai cơ dựng nghiệp. Vân ngơ ngẩn, mơ màng thả hồn theo những
lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên du lịch. Chị như nghe thấy tiếng trống
đồng của cha ông ngàn xưa vọng về. Đã qua bao cuộc bể dâu, bao thế kỷ rồi mà
sao tiếng trống đồng vẫn âm vang hào hùng đến thế!
Leo lên lưng
chừng núi thì đến đền Hạ. Nơi đây thờ mẹ Âu Cơ với bọc trứng nở trăm con rồng
tiên tạo dựng giang sơn. Ngày trước khi nghe Hải kể chuyện này Vân cứ cho là
anh bịa. Bây giờ nghe cô hướng dẫn viên thuyết trình, qua tìm hiểu sách báo,
Vân mới hiểu thêm về ý nghĩa của câu chuyện huyền thoại đó. Đền Hạ có mái khá
thấp. Cửa đền hẹp, du khách vào đền phải cúi mình mới vào được. Phải chăng đó
là dụng ý của người xây dựng muốn mọi người khi vào đền phải cúi mình xuống để
tỏ lòng thành kính với tổ tiên? Người chen người chật ních ở cửa ra vào. Ai
cũng muốn vào Đền thắp nén hương nhớ về tiên tổ. Chùa Thiên Quang ở cạnh Đền Hạ
có cây thiên tuế ba ngọn duy nhất ở Việt Nam với tuổi đời 700 năm và hình
dáng kỳ lạ. Trên cao, tán cây rì rào như thủ thỉ tâm sự câu chuyện ngàn năm với
du khách. Lá cây đung đưa trong gió như vẫy chào Vân và mọi người.
Đoàn
người chen chúc lên Đền Trung. Nơi đây tương truyền Lang Liêu dâng bánh chưng,
bánh dày và là nơi Vua Hùng thường họp bàn việc cơ mật với lạc hầu, lạc tướng.
Cạnh đền, cây chò chỉ vươn cao uy nghi hùng vĩ. Những trái chò chỉ có hai cánh
rơi xoáy thành những vòng tròn trên không trung dẫn đoàn của Vân rời Đền Trung
để lên Đền Thượng. Tiết xuân ấm ấp như tiếp sức, nâng đoàn Vân đi. Vượt hàng
ngàn cây số, leo bao bậc đá thế mà ai cũng vẫn cảm thấy khoẻ khắn, vui vẻ lạ
thường. Tổ tiên ơi, có phải chăng Người đang phù hộ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét