Từ thành phố Hồ Chí Minh, theo đường cao tốc Trung Lương, qua tỉnh Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho, chúng tôi đã đến với thành phố Bến Tre. Đây là điểm thứ hai dừng chân trong chuyến "phượt" trốn rét cả tuần của chúng tôi. Lần đầu tiên "phượt" sâu xuống Sài Gòn nên trong tôi có một cảm giác háo hức lắm. Công nhận tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương rất hoành tráng và hiện đại. Toàn là đường trên cao, cưỡi trên ngọn phi lao mà đi. Năm chục cây số mà có cảm tưởng như gần lắm nhanh lắm. Thì vận tốc liên tục phải giữ từ 80-100km/h, không được dưới 60 cây số. Chạy dưới 60 cây số là bị phạt liền. Cậu lái xe bảo thế. Xe đi đúng luồng, đúng làn, đúng tốc độ. Chả bù cho cao tốc Thăng Long - Nội Bài, các bác tài cứ thoải mái phóng, thoải mái ì ì, thoải mái lấn làn, lấn luồng, đang đi lại lạng một phát sang làn đường của xe khác. Kỷ luật của đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương giống với đường cao tốc xuyên qua Hà Nội vừa mới khánh thành đưa vào sử dụng (đường từ Mỹ Đình đến cầu Thanh Trì).
Tới thành phố Mỹ Tho - một thành phố rất xanh, sạch, đẹp (dẫu mới chỉ đi qua nhưng tôi có cảm nhận như thế), cậu lái xe lúng túng lạc đường, vòng vèo quay đi quay lại mấy lần mãi mới tìm được đường sang Bến Tre. Quá 11 giờ trưa nên ai cũng đói. Tuy vậy nhưng ai cũng thích vì tự nhiên được tham quan khá kỹ thành phố Mỹ Tho này. Qua cầu Rách Miễu, cái cầu rất hiện đại, vào hàng anh em cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. Cậu lái xe bảo vậy vì có ai trong đoàn đã được qua hai cái cầu kia đâu, chỉ biết qua ti vi, sách báo. Chả biết gì chứ cầu Rạch Miễu này cũng oách lắm rồi. Hai cột trụ vững chãi với rất nhiều dây văng giữ cho chiếc cầu cong cong vắt qua ba nhánh sông Tiền liền nhau, 2 cồn nổi (cồn Phụng và cù lao Thới Sơn). Từ trên cầu ngõ ra xung quanh thấy một vùng sông nước trảo dài ra ngút tầm mắt. Đẹp quá! Thế này mà những đêm trăng sáng đứng trên cầu ngắm sông nước, trời sao, đón gió sông Tiền, nghe thuyền bè đi lại trên sông thì không còn gì thú vị bằng.
Qua khỏi cầu Rạch Miễu là hết đất Tiền Giang, bắt đầu vào đất Bến Tre - quê hương đồng khởi, tỉnh kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Phú ngày xưa. Xem trên bản đồ thì Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển 60 cây số. Phía tây và tây nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh. Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá do 4 con sông chia cắt là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Bến Tre là xứ sở của dừa cách thành phố Hồ Chí Minh 85 cây số. Hai bên đường chúng tôi qua bạt ngàn là dừa. Dừa mọc thành rừng, dừa lan ra tận mép sông, bến nước. Đặc sản của Bến tre là kẹo dừa, là bánh tráng Mỹ Lồng, bành phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh. Có lẽ vì thế chăng mà du lịch Bến Tre là ngành du lịch sông nước?
Mãi tới 12 giờ trưa chúng tôi mới đến thành phố Bến Tre. Nhận chỗ nghỉ và ăn trưa xong, chúng tôi ai cũng háo hức hỏi về tua du lịch sông nước. Khách sạn Việt Úc tiếp thị cho hay có tuor "Khám phá miệt vườn" trải nghiệm "một ngày làm nông dân xứ dừa" lên đênh trên sông 5-7 giờ với các nội dung: xem cảnh sinh hoạt đời thường của người dân trên sông (chài lưới, câu cá, đăng mé...), tham quan lò gạch đốt bằng phương pháp thủ công, dùng trái cây, giao lưu thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ, thăm vườn bưởi da xanh, thưởng thức đặc sản dừa, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, thưởng thức kẹo dừa nóng tại lò... Toàn những thứ hấp dẫn tôi (trừ lò gạch thủ công vì ngoài tôi cũng có). Rồi tuor "trải nghiệm một ngày làm nông dân" tham quan vùng đất "Tứ linh Công Phụng". Tuor này hấp dẫn bởi chợ cá, hệ sinh thái động thực vật hoang sơ và những hàng dừa nước phủ mát, duyên dáng hai bên bờ kênh, thăm thánh địa đạo dừa, khu du lịch nổi tiếng Bến Tre (Cồn Phụng) và cũng có đờn ca tài tử... Tuor khác là "Vương quốc hoa kiểng - cây ăn trái" chợ Lách - Cái Mơn cũng khá hấp dẫn... Chỉ nghe giới thiệu thôi đã muốn đi lắm rồi. Phượt đến đây mà không phượt chi tiết như thế thì cũng phí.
Ấy thế mà khi nghỉ trưa dậy thì đã 2 giờ chiều mà tuor tuyến tận những 5-7 tiếng đồng hồ mới hết nội dung. Nếu có đi thì phải 7-9 giờ tối chúng tôi mới về được. Theo lịch trình thì 5 giờ chiều Tỉnh uỷ Bến Tre chiêu đãi. Hơn nữa, trời lại đổ mưa. Hình như cơn bão số 1 rơi rớt? Thế là chúng tôi đành huỷ không đi tuor sông nước nào được nữa mà chuyển sang bách bộ thăm chợ dạo phố. Nghe bảo chợ đêm Bến Tre cũng hấp dẫn lắm. Đành vậy. Lại phải tưởng tượng vậy. Nghề viết mà. Có điều, đến tận nơi này mà tưởng tượng thì chắc chắn sẽ sát thực hơn.
Tôi lang thang dạo phố, thăm chợ dưới trời mưa. Chan chan là hàng hoá. Nhiều nhất là hoa quả. Có nhiều loại quả, nhiều món ăn mà tôi không biết gọi đó là thứ gì. Cứ ngơ ngơ ngác ngác ngó chỗ này một tí, ngắm hàng kia một lát. Thích nhất là ngắm sông. Từ tầng 9 khách sạn Việt Úc ngắm toàn cảnh thành phố Bến Tre trong mưa thật tuyệt vời. Đêm trăng, bình minh lên hoặc hoàng hôn xuống chắc đẹp phải biết. Tôi cố thu nhận vào tầm mắt của mình toàn bộ phong cảnh nơi đây và gõ vội mấy dòng này để còn tiếp tục tham quan, tiếp tục nồng nàn cùng Bến Tre đêm nay. Dẫu là phi ngựa xem hoa nhưng cũng thích thú vô cùng. Thêm một trải nghiệm, một địa danh nữa tôi đã qua và tôi đã đến.
Tự nhiên văng vẳng trong đầu tôi, du dương bên tai tôi ca khúc "Dáng đứng Bến Tre" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi ào chạy ra ban công ngó xuống thấy bạt ngàn màu xanh của dừa với những tàu lá khua rung rinh trong gió chiều và kia con sông Tiền giang, những ghe xuồng đang tấp nập lại qua. "Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre, con gái của Bến Tre"? Thì rõ rồi! Trên những chiếc ghe xuồng đang lướt trên sông kia là những cô gái Bến Tre đang dẻo tay chèo lái đó nhạc sỹ ơi! Bóng các em in rõ trên dòng sông, lồng lộng giữa trời chiều, cái chiều đầu tiên tôi đến nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét