Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

ĐÂU RỒI CHÕNG TRE?

     alt
       Đêm mùa hạ. Trời oi bức ngột ngạt rất khó chịu. Không một tí gió. Ngoài vườn cây cối im phăng phắc. Mất điện. Quạt lớn, quạt bé ngay đơ bất động. Ngoài đường xe cộ chạy rầm rầm, bụi cuốn mù mịt. Nóng vậy mà nhà nào nhà nấy đều đóng cửa im ỉm. Chẳng biết mặt tiền mặt phố lợi ích thế nào chứ cái xóm tôi dở quê, dở phố này đang thi nhau xây dựng thì ngán quá. Bụi. Ồn ào. Nhộn nhạo. Trăm cái phiền phức kéo theo. Lúc này đây, đã nóng lại càng nóng hơn. Đã thế, lũ ve sầu như đúng hẹn, đến giờ lại cùng đồng loạt kêu lên ra rả. Bức bối. Khó chịu. Đau đầu. Nhức óc. Tôi lao ra vườn cây cảnh phía sau nhà. Nằm trên chiếc võng đung đưa tạo gió mà chẳng mát thêm tí nào. Bầu trời chi chít sao. "Một ông sao sáng, hai ông sao sáng, ba ông sáng sao...". Bỗng dưng tôi lẩm nhẩm đếm sao một cách vô thức và nhớ chiếc chõng tre quá chừng.
       Ngày xưa, cũng những đêm đầu hạ như thế này, bố tôi thường kê cái chõng ngoài sân. Ấm nước vối, mấy chiếc quạt nan thêm chiếc điếu cày để cạnh. Bố con tôi cùng nằm khểnh đếm sao trời. Phe phảy chiếc quạt nan, bố tôi chỉ cho tôi nhận biết những ngôi sao trên trời. Kia là chòm sao Thần Nông. Cái dáng khòng khòng đội nón đó là lúc ông đang vào vụ cày bừa. Dải sao li ti vắt ngang trời kia là sông Ngân Hà. Kia nữa là chòm sao con Vịt đang bơi có hai con mắt rất sáng. Nọ là chòm sao Tua rua. "Tua rua đi rắc mạ mùa". Bố tôi dẫn mấy câu ca dao về sao, về nghề nông đến bây giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng. Còn kia là chòm sao Tiểu hùng tinh và Đại hùng tinh. Hai chòm sao này cho ta nhận biết sao Bắc đẩu. Đêm tối đi rừng, đi biển người ta thường nhìn sao Bắc đẩu để nhận tìm phương hướng.


Rồi bố tôi còn kể đủ thứ chuyện. Chuyện đồng áng, chuyện ruộng vườn nhưng tôi thích nhất là những câu chuyện cổ tích. Thường thì khuya bố tôi mới bắt đầu "ngày xửa ngày xưa...". Đang líu ríu hóng hớt nói leo về sao, ấy thế mà khi bố tôi bắt đầu câu nói đó là mấy anh em tôi nằm im thin thít. Đón làn gió mát từ chiếc quạt nan của bố, lắng nghe câu chuyện kể, tôi lạc vào miền cổ tích. Rồi cứ thế tôi gặp cô Tấm, Thạch Sanh, gặp chú Cuội, chị Hằng và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
         Có hôm, những đêm trăng sáng, mấy ông hàng xóm kéo đến nhà tôi chơi. Chiếc chõng tre thành nơi rôm rả đủ thứ chuyện. Uống bát nước vối đặc chát mà dư vị ngọt mát còn lưu mãi nơi đầu lưỡi. Chiếc điếu cày được chuyền tay nhau rít lên kêu rong róc nghe thật thích. Chuyện cày, chuyện cấy, chuyện lúa má, ngô khoai cứ theo tiếng điếu cày mà râm ran. Nhiều lúc chiếc chõng tre rung lên vì những tiếng cười hết cỡ của bố tôi và ông hàng xóm. Trên chiếc chiếu cạnh đó, tôi nằm chống cằm nghe hóng hớt cũng tủm tỉm cười theo. Cười mà chẳng biết mình cười gì. Thì đến cành cây ngoài vườn đang lấp loá đẫm ánh trăng kia còn rung rinh nữa là.
       Không gian ngày đó yên tĩnh lắm. Làng quê đêm đến thật thanh bình. Nhà tôi khi đó cũng chỉ là nhà cấp bốn, lợp lá cọ. Cái sân gạch nhỏ xinh và khu vườn rợp mát bóng cây, véo von chim hót là thế giới tuổi thơ của tôi. Cái chõng tre là nơi tôi mê thích mỗi tối. Chạy nhảy cả ngày, đuổi chim, bắt bướm, đến lớp, thả trâu chỉ mong cho chóng tối để được nằm trên chiếc chõng tre nghe bố, mẹ và bà kể chuyện. "Đêm nay trăng sáng lắm, ngồi trên chiếc chõng êm, bố kể chuyện Điện Biên, bộ đội mình chiến thắng...". Ôi, cái bài học thuộc lòng lớp hai ngày ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tôi!
       Ngày đó, hầu như nhà nào cũng có chiếc chõng tre. Đóng một cái chõng tre thật đơn giản. Tre ngoài vườn chặt về, cưa thành từng đoạn, róc vấu, khoét lỗ ghép lại thế là thành cái chõng. Khung tre, chân tre, dát tre, tất cả đều bằng tre. Có cái chõng dùng lâu năm dát của nó lên nước bóng loáng, ngả lưng trần nằm mát lịm. Tiếp khách ngồi chõng tre, ăn cơm trên chõng tre, ngủ trên chõng tre. Họp hành đội tổ, bàn chuyện gia đình, dòng họ cũng trên chiếc chõng tre. Chõng tre khá nhẹ nên có thể di chuyển dễ dàng. Khi không dùng đến thì dựng nghiêng nó lên để ở góc nhà cho đỡ vướng. Khi có việc, hoặc tối đến lại kê nó ra sân ngồi hóng mát, ngắm trăng. Thì các cụ chẳng đã một thời lều chõng đi thi đấy là gì!
        Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Nhà tầng, nhà ống toàn bê tông cốt thép. Tất cả vuông chằn chặn như những cục xi măng. Đường bê tông, tường rào cũng gạch bê tông, gạch xỉ. Nhà nọ san sát nhà kia. Ban ngày nắng đốt hấp thu nhiệt. Tối đến toả nóng ra hầm hập. Tre pheo đẵn hết để lấy đất bán. Hàng rào dâm bụt, duối, ô rô chặt hết thay vào đó là những bức tường xây. Gió nóng cứ thông thống hoành hành. Những cánh dại và chiếc chõng tre tự nhiên biến mất. Thay vào đó là bạt, là những tấm nilon, là giường gấp, là ghế Xuân Hoà, là DAFUCO... Đến cái lạt tre bây giờ cũng đã được thay bằng những sợi nilon. Thì nhà ống toen hoen thế còn đâu chỗ để kê chõng, dựng cánh dại nữa cơ chứ? Hơn nữa, đồ dùng trong nhà toàn những thứ hiện đại, dáng công nghiệp, kiểu tây tàu làm sao còn chỗ cho chiếc chõng tre? Chõng tre bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Và lúc này đây nhớ quá chõng tre ơi! Vẫn ông sao Thần Nông kia, vẫn dải sông Ngân hà nọ...thế mà đâu rồi chõng tre?
         Mấy nhà bên, lố nhố người lớn trẻ nhỏ cởi trần trùng trục trên sân thượng, miệng văng tục, chửi thề vì nóng càng làm tôi nhớ chõng tre hơn. Giá còn vườn rộng, sân sau, còn chiếc chõng tre thì bây giờ tha hồ gọi nhau đến hàn huyên tâm sự. Dẫu có ghế Xuân Hoà, xích đu đi chăng nữa thì cũng chỉ "ghế nào biết ghế đó" đâu được rung đùi thưởng thức bát nước vối ngọt, nghe điếu cày kêu như trên chiếc chõng tre ngày xưa. Vẫn biết cuộc sống ngày càng đổi thay, đầy đủ hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ chõng tre đến thế! Lũ trẻ bây giờ cũng chỉ biết chõng tre qua sách vở, trong bảo tàng và trong câu chuyện "ngày xưa" của tôi. Thương hoài nhớ lắm chõng tre ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét