Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

HOÀNG HÔN XANH (Chương I - tiểu thuyết)

  
        Ông Hùng trằn trọc trở mình hết bên nọ lại bên kia vẫn không sao chợp được mắt. Cái tin dòng họ ông có người nối dõi đã làm ông choáng ngợp, rạo rực như mơ. Có thật thế không? Có đúng thằng Quân là con của Việt, em trai ông, một thương binh nửa người nửa ngợm ấy không? Mười tám, mười chín tuổi rồi cơ mà! Đẹp trai, cao ráo thế cơ mà! Phúc nhà ông to quá. Ngỡ tưởng đến đời anh em ông là tuyệt tự thế mà bỗng dưng giời lại cho cục vàng to đến thế! Còn hơn cả cục vàng ấy chứ! Càng nghĩ ông Hùng càng thấy cuộc đời có nhiều cái bất ngờ thật không thể hiểu nổi. Ông vừa nghĩ vừa cười một mình trong đêm.
          - Ông làm sao thế? Sao mà cứ rọ roạy mãi vậy? Không ngủ được à?
          Bà Hoa lên tiếng. Ông Hùng ứ hự đánh trống lảng:
          - Có sao đâu. Chẳng qua hôm nay ngồi xao chè cả ngày nên người nó khó chịu khó ngủ đó thôi. Bà cứ ngủ đi, kệ tôi.
   Hỏi thì hỏi vậy chứ cơn buồn ngủ của bà Hoa đã kéo đến từ lâu rồi. Lát sau, bà đã ngáy pho pho. Ông Hùng lại mỉm cười một mình trong đêm. Bà không biết được đâu, dòng họ Phan Anh nhà tôi có người nối dõi rồi. Cái chú “Việt cồ” ấy nó có thằng con trai oách lắm nhé. Đừng tưởng chú ấy mặt mũi tay chân sẹo nhằng sẹo nhịt, rúm ra rúm ró vì bỏng bom napan mà không có con nhé. Chả như bà đâu, toàn tòi ra một lũ vịt giời. Đằng này, chú ấy chỉ quệt qua một cái mà cô Loan đã đẻ ra cái thằng Quân rõ là cao ráo, đẹp trai. Tôi phải giữ kín chuyện này chưa cho bà biết vì bà hay banh toe lắm. Lộ ra thì rắc rối phức tạp lắm. Rồi cái nhà cô Loan kia biết ăn nói với nhà chồng cô ta ra sao? Tay Dụ liệu có để cho cô ấy yên không? Gần hai chục năm nuôi con thằng khác bảo thằng đàn ông nào mà chịu được? Nó chẳng gầm lên băm vằm xé xác con vợ ăn ở hai lòng thì cứ bé. Ai lại nuôi con tu hú thế kia chứ? Với lại, còn thằng Quân nữa? Tí tuổi đầu biết chuyện này liệu có ổn? Không khéo niềm hy vọng vừa loé lên lại tắt ngấm vì cái sự nghĩ quẩn của con trẻ cũng nên? Thôi, tốt nhất cứ theo phương án mà hai anh em ông đã bàn sáng nay là được. Hãy để thời gian trả lời và tìm cách giải quyết vậy. 
Càng ngẫm ông càng thấy thằng Quân giống chú Việt ấy quá. Giống cả ông thời trai trẻ nữa. Thì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” đấy là gì! Thế mà lâu nay mình đâu có để ý. Nói bảo nói dại, cũng may mà có vụ tai nạn ôtô đó thì chú Việt mới nhận được con. Công nhận cái nhà cô Loan gan lì thật, giấu chồng, giấu người yêu mười tám mười chín năm giờ mới tỏ. Mà cũng mới chỉ chú Việt biết thôi mới tài chứ. Cứ bảo đàn bà “sâu sắc như cơi đựng trầu” đi, đâu có phải. Trong đầu ông Hùng chợt hiện về hình ảnh làng La Hương gần hai chục năm trước.
Ngày đó, bộ ba Dụ, Việt, Loan cùng ở trong đội thuỷ lợi 202. Hai người Việt và Dụ cùng để ý để tứ, cùng yêu một người con gái đó là Loan. Dụ hăm hở, sôi nổi, ào ạt bao nhiêu thì Việt, em trai ông lại trầm tính, kín đáo, chín chắn bấy nhiêu. Dụ săn đón, dùng lời hay ý đẹp tìm mọi cách tiếp cận Loan. Ngược lại, Việt chỉ yêu Loan qua ánh mắt và những công việc cụ thể hàng ngày, làm nhiều hơn nói. Tính chú ấy thế, có phần cục cằn nữa là đằng khác. Thì thế người ta mới đặt cho biệt danh là “Việt cồ”. Ấy vậy mà Loan lại yêu Việt mới lạ chứ.
          Nhà Loan có bốn mẹ con. Bố Loan hy sinh trong chiến dịch Điện Biên phủ. Mẹ Loan ở vậy nuôi ba chị em Loan. Loan là cả. Dưới Loan là Quang, em trai và Hiên em gái. Quang lúc đó vừa mới nhập ngũ. Hiên thì đang làm công nhân mãi tận Hải Dương. Mẹ Loan đau yếu triền miên. Bà bị bệnh dạ dày mãn tính dẫn đến ung thư. Loan là trụ cột gánh vác việc gia đình. Đẹp người, đẹp nết, hiền dịu, dễ thương, Loan được bao trai làng để ý. Dụ và Việt cùng ở trong cuộc đua đó.
          Khi Việt, em trai ông xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam đánh Mỹ được một thời gian ngắn (khoảng gần ba tháng gì đó) thì Loan lấy Dụ. Ông rất hiểu hoàn cảnh Loan lúc đó. Thứ nhất là có tin Việt đã hy sinh. Thứ hai là Dụ tấn công Loan riết quá. Mẹ Loan bệnh ngày càng nặng. Bà bắt Loan phải lấy chồng cho bà được yên tâm nhắm mắt. Dụ khéo lấy được lòng bà, hơn nữa trai làng lúc đó ra trận hết còn ai hơn Dụ đâu nên Loan đã đồng ý theo sự sắp đặt của mẹ cô. Và thứ ba nữa, đến bây giờ ông mới hiểu, đó là trong bụng Loan lúc đó đã có giọt máu của Việt. Họ đã kịp trao thân gửi phận cho nhau trước lúc Việt lên đường. Loan lấy Dụ cũng là để hợp lý hoá cái thai đó. Ai ngờ, thằng Quân bây giờ là kết quả cuộc tình giữa Việt và Loan.
          Cưới Loan xong, do thanh niên trai làng ra trận hết, Dụ ở nhà được tiến cử vào giữ các chức vụ từ nhỏ đến to. Đầu tiên là bí thư chi đoàn, rồi đi học trung cấp chăn nuôi để quy hoạch là cán bộ chủ chốt của hợp tác xã La Hương. Thế nhưng, khi Dụ học xong về thì vừa lúc hợp nhất các hợp tác xã nhỏ. Bộ máy đã kiện toàn. Xã không bố trí được cho Dụ vào chức nào vì anh bị chậm chân. Đại hội hợp nhất các hợp tác xã nhỏ đã xong từ tám hoánh nào rồi. Với lại, bao vị chủ chốt của năm hợp tác xã nhỏ còn lù lù ra đấy lấy đâu đến lượt Dụ. Chán trò, anh ta quay sang làm nghề dắt lợn đực giống kiêm thú y đúng nghề đã học. Vợ chịu thương chịu khó, chồng nănng động tính toán làm ăn, kinh tế nhà Dụ cũng khá dần lên. Rồi ban quản trị hợp tác xã lớn đổ vì làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, Dụ được đại hội đại biểu xã viên khoá bốn bầu vào giữ chức phó chủ nhiệm hợp tác xã lớn.
          Từ ngày có chức có quyền, Dụ xoay sang làm kinh tế bằng đủ mọi mánh khoé. Bỏ không dắt lợn giống và thú y nữa, Dụ chuyên khai thác lợi thế từ chức vụ của mình. Do có máu làm kinh tế từ bé nên gặp dịp là Dụ thể hiện ngay. Anh ta cặp bồ với Huê, cán bộ thú y của trại chăn nuôi. Tuy là phó nhưng nhiều khi Dụ quyết đáp lấn quyền cả chủ nhiệm. Kỳ bầu cử hội đồng nhân dân vừa rồi, lẽ ra nếu trúng cử, Dụ sẽ thay Hải giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Thế nhưng sự đời đến đây đã không chiều theo ý Dụ nữa, anh đã trượt vỏ chuối trước ông anh trai cùng khu vực bỏ phiếu với mình. Ông Dẫn, anh trai Dụ, cái ông cù lần ấy trúng cử hội đồng nhân dân xã mới chết chứ. Dụ vừa mừng cho anh mình, vừa bực với mình, lại giận cả tổ chức nữa. Ai lại sắp xếp cho anh em ông tranh giành nhau cái chân đại biểu hội đồng nhân dân xã khu vực La Hương cơ chứ?
Sau khi có kết quả bầu cử, Thường vụ đảng uỷ xã đã chuyển hướng sắp xếp bố trí Dụ sang giữ chức chủ nhiệm cửa hàng mua bán xã. Cũng may, đó là lối thoát cho Dụ, cũng còn chỗ để Dụ xoay xoả làm ăn.
Lại nói đến chị em nhà Loan. Quang, em trai Loan nhập ngũ được một thời gian sau đó thì biệt tăm. Rồi giấy báo tử anh cũng về làng. Hiên làm công nhân sứ Hải Dương kết nghĩa chị em với Hiền cùng cơ quan. Hai người xoắn xuýt bên nhau. Khi Quang còn thư từ từ chiến trường về, Hiên giới thiệu Hiền em gái nuôi của mình với anh trai. Chỉ bằng đường thư mà hai người đem lòng thương yêu nhau mới lạ. Đúng là chiến tranh có nhiều không thể tưởng tượng được thì lại diễn ra rất tự nhiên y như là nó phải thế vậy.
Quang thực ra chưa chết. Cả Việt cũng vậy. Họ chỉ bị thương rất nặng. Quang liệt nửa người nằm trên xe lăn. Việt bị bom napan thui cháy ra cháy thịt, mặt mũi nham nhở nhăm nhúm trông rất quái gở. Họ cùng gặp nhau ở trại thương binh nặng Nam Hà. Họ đều chung một ý nghĩ giấu gia đình, người yêu không cho ai biết về hoàn cảnh của họ lúc đó nữa. Thế nhưng, sau nhiều đêm dằn vặt suy nghĩ, Việt đã quyết định phải báo cho gia đình người yêu về tình trạng sức khoẻ của Quang. Việt thương Quang vì con người ấy cần phải có sự chăm sóc của người thân gia đình. Bản thân Việt tuy sẹo nhằng nhịt như thế song sức khoẻ của anh khá hơn, tự lo được. Không ngờ, tin về làng, vợ chồng Dụ Loan kéo xuống. Cả hai chị em Hiên Hiền cũng kéo sang. Giữ lời hứa, Quang tạo điều kiện cho Việt tránh mặt tất cả.
Với lòng nhân hậu và tiếng gọi của tình yêu, Hiền dứt khoát giữ lời thề thuỷ chung với Quang, mặc dù Quang một mực từ chối. Cuối cùng, họ cũng nên vợ nên chồng. Đám cưới Quang Hiền được tổ chức rất vui vẻ ngay tại trại thương binh. Giữa ngày đó, mọi người mới phát hiện ra Việt cũng ở đó. Cũng do Việt vui quá nên anh không chú ý đến phương án trốn tránh người yêu cũ và họ hàng nhà Loan Dụ. Việt Loan gặp nhau khi tất cả đã yên vị theo sự sắp đặt của số phận.
Quang cưới vợ xong một thời gian thì vợ chồng anh về quê. Sau đó, Việt cũng trở về làng La Hương trong phong trào đón thương binh nặng về làng. Chính ông Hùng đã nhất quyết lôi kéo anh về. Máu mủ ruột rà không thể để chú ấy một thân một mình ở trại thương binh Nhà nước được mặc dù ở đó được người ta chăm sóc rất chu đáo. Việt ở ngay ngôi nhà của bố mẹ. Một thời gian sau thì anh nhận trông coi nghĩa trang và làm lán ở luôn trên đó. Họ hàng nói thế nào thì nói nhưng dứt khoát chú ấy không lấy vợ. Có thể mối tình đầu với Loan đã quá sâu đậm nặng lòng trong chú ấy rồi. Bây giờ, nghe tin chú ấy với cô Loan có con thì càng chứng tỏ điều đó.
Cái việc thằng Quân bị tai nạn ôtô cũng là sự ngẫu nhiên. Cũng may nó không bị què chân gãy tay gì chỉ gãy mất mấy cái xương sườn. Tuy nhiên, do mất máu nhiều nên bệnh viện phải hết lòng cấp cứu nó. Không có máu để tiếp, người ta phải kêu gọi người nhà hiến máu. Thử máu mấy người cùng đi, cả Dụ nữa đều không ai có nhóm máu AB hợp với máu của thằng Quân. Tưởng mười mươi thất vọng thì may quá, máu của Việt lại hợp. Người ta lấy máu của chú ấy truyền cho Quân. Trong lúc nguy khốn, Loan đã bật ra điều bí mật đã giấu kín mười tám năm trời với Việt rằng “hãy cứu lấy thằng Quân, nó là con của chúng ta đó”. Quả thực, chính nhóm máu đã nói lên điều đó. Để kiểm tra tính chính xác trong lời nói của Loan, Việt đã bí mật nhờ bác sỹ xác định ADN. Cái tờ giấy sáng nay chú ấy đưa cho ông là minh chứng chính xác, chắc như đinh đóng cột rằng thằng Quân là con cháu dòng họ Phan Anh nhà ông. Phúc nhà ông to quá!
Điều vui vừa tới thì nỗi lo lại ập đến trong ông. Lo là làm sao giữ kín được việc này và sau đó sẽ giải quyết ra sao? Và cái lo quan trọng hơn, phức tạp hơn là cái Dung nhà ông nó lại yêu thằng Quân mới chết chứ? Anh em con chú con bác yêu nhau thì loạn! Tội tày đình nếu hai đứa gian díu với nhau. Phải tách chúng ra nhanh không thì hoạ ập đến lúc nào không biết.
Cứ thế, hết chuyện nọ xọ chuyện kia, đầu óc ông Hùng lúc thì đầy ắp tiếng reo vui, lúc thì lại căng như sợi dây đàn vì lo nghĩ. Quá nửa đêm, ông mới chợp được mắt. Vừa nhắm mắt được thì ông lại bồng bềnh trong mơ. Ông đã gặp lại ông bà tổ tiên và tất cả họ cũng đều đang cười với ông. Hình như có cả con Dung nhà ông. Đúng rồi! Nó đang ngồi đọc sách. Ông nhìn kỹ quyển sách trên tay nó. “Chiều không tắt nắng”, tiểu thuyết của nhà xuất bản Quân đội nhân. Ông lẩm nhẩm đọc. Phải rồi, quyển sách này viết về một mối tình rất bi tráng đang được bọn trẻ tìm đọc. Cái Dung học gỏi văn và nó thích đọc sách lắm. Ơ kìa! Cả thằng Quân nữa kìa! Nó đang chạy lại bên bố nó và ông đấy. Chú Việt đâu rồi, lại đón con đi chứ?
Ông Hùng mỉm cười một mình trong mơ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét