Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

HOÀNG HÔN XANH (Chương 2 - tiểu thuyết)


 


Nhận chức chủ nhiệm hợp tác xã mua bán ba tháng nay, Dụ đã quen dần với công việc. Bao bỡ ngỡ ban đầu đã qua đi nhường lại cho sự tính toán lờ lãi vốn đã là bản năng cố hữu của Dụ. Bản năng ấy nay được dịp thể hiện lại càng nhanh nhạy, hoạt bát lên hơn bao giờ hết. Đồng tiền bây giờ thực sự là phương tiện kinh doanh của Dụ. Vốn liếng của anh bây giờ là tiền, phải nghĩ làm sao để tiền đẻ ra tiền một cách nhanh nhất. Chẳng còn như thời hợp tác xã nông nghiệp, đồng vốn quay vòng chậm rề rề, sáu tháng, có thứ hàng năm mới thu lại được vốn, mới biết được lỗ lãi. Hơn nữa, nó còn phải chịu bao nhiêu cái rủi ro không thể lường trước được của thiên tai, dịch bệnh, của giá cả thị trường và của cả cái thước đo vô lý là công điểm mà người ta đặt ra nữa... Đằng này, ở hợp tác xã mua bán hay gọi gọn hơn, phổ thông hơn đó là cửa hàng mua bán xã thì tiền ra khỏi cửa đã là tiền chửa, tiền đẻ, bất biết tiền đó là của hợp tác hay của tư nhân. Dụ có trách nhiệm thay mặt xã viên hợp tác xã mua bán quản lý đồng tiền đó, làm cho nó nở ra, mang lại nhiều lãi cho tập thể. Cũng là chủ nhiệm nhưng chủ nhiệm hợp tác xã mua bán tuy không phức tạp hơn nhưng “nóng” hơn, “chi tiết” hơn chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.
Cái sự Dụ chuyển sang làm chủ nhiệm cửa hàng vừa không may cho Dụ và cũng lại là vừa may cho anh. Không may ở chỗ Dụ không trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân xã nên không xếp được chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp chứ chưa nói gì đến kiếm một cái chân trong uỷ ban. Và may lại là ở chỗ bà chủ nhiệm cửa hàng xin nghỉ công tác, thường vụ đang bí người và họ gợi ý anh sang nhận cái chân đó. Phải mất cả tuần buồn bực vì không trúng cử hội đồng, vì phải suy xét, cân nhắc tính toán trước gợi ý của thường vụ, cuối cùng Dụ đồng ý phương án sang làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán.
Mẹ cha nó chứ (Dụ chửi đổng, chửi thầm thôi, và cũng chẳng biết chửi ai), đầu tư bao nhiêu là tiền của cho cuộc bầu cử cuối cùng lại trật khấc ra mới ức chứ! Bán bao nhiêu là gạch non, ngói non của hợp tác để mua lợn, mua gà chia cho các tổ bầu cử thế mà cuối cùng chúng lại chẳng bầu cho mình. Chỉ tại cái tay Việt sẹo. Họp chi bộ nó lại phê phán mình về chuyện đó chứ. Chỉ có nó chứ không phải ai khác. Chính nó phản đối việc liên hoan, chè chén, chính nó không ủng hộ kế hoạch trống giong cờ mở tuyên truyền cho cuộc bầu cử. Nó bảo làm như thế là tốn kém tiền của của nhân dân, là bệnh hình thức chủ nghĩa, là cơ hội... là... là đủ thứ khác nữa. Nó cứ như đi guốc vào bụng mình không bằng. Được cả cái mẹ Toe nữa. Ngỡ tưởng miệng mụ ấy xoen xoét ủng hộ mình nào ngờ đó chính là con dao hai lưỡi. Đi đến đâu mụ ấy cũng rêu rao: “Chú Dụ năng động lắm, nhạy bén lắm, làng mình phải bầu cho chú ấy. Thì đấy, chú ấy mổ bao nhiêu lợn, giết bao nhiêu gà, chi bao nhiêu tiền cho cuộc bầu cử đấy, chẳng bầu cho chú ấy thì bầu cho ai? Còn ông Hải á, ông ấy mà ở nhà đố xã quyết được các khoản chi lấy từ quỹ hợp tác”. Mụ ấy nói thế tưởng đề cao mình nào ngờ Dụ lại chết vì chính cái luận điệu đó. Nghe mụ ấy nói, nhiều người tưng tửng: “Làm thế ai chẳng làm được. Tưởng tiền túi của mình mới khó chứ tiền hợp tác thì... tôi cũng quyết được”. “Ông Dụ làm vậy là sai nguyên tắc đấy. Quỹ hợp tác là của xã viên, của tập thể chứ có phải của xã đâu mà đem chi vô tội vạ thế được? Đại hội tới tôi sẽ móc mắt ra ấy chứ. Tưởng muốn làm chủ nhiệm thì chi gì cũng được à? Còn lâu nhá!”. Người khác sâu xa hơn thì thầm: “Chắc có động cơ gì đây các ông ạ?”. Rồi người ta rỉ tai nhau về bao chuyện “thâm cung bí sử” của Dụ nữa. Cả cái chuyện với Huê, chuyện nuôi lợn, chuyện hai cây vàng vụ tai nạn của thằng con Dụ, chuyện về các thủ đoạn, mánh khoé làm giàu của Dụ... và trăm thứ bà giằn nữa bố ai theo sát họ mà biết được. Cuối cùng, Dụ phơi rốn trước các ứng cử viên khác. Chính ông Dẫn, anh trai Dụ, quân xanh lại trúng cử mới kỳ chứ. Cử tri làng La Hương này thấy ông ấy thật thà, chí thú làm ăn, không tư lợi, mặc dù đội trưởng đội xe trâu hợp tác nhưng rất trách nhiệm với công việc, sống tình nghĩa với xóm làng nên họ gửi trao trách nhiệm “hội đồng” vào tay ông. Có vị lại ngây thơ nghĩ rằng “thôi, ông Dụ làm hợp tác rồi, cho anh ông ấy làm hội đồng là hợp lý”. Thế có chết người ta không cơ chứ?
Thất bại trong cuộc bầu cử, Dụ quay sang oán thán lãnh đạo xã. Ai lại xếp ở tổ ông nhiều quân xanh thế để cho nó loãng phiếu? Bầu có ba đại biểu mà để dư những hai. Xếp ai làm quân xanh chẳng xếp lại xếp ông Dẫn với bà Kim? Bà Kim cả tuần chẳng ra đến đường người ta không bầu cho là đúng rồi, đằng này, ông Dẫn nhà ông đường đường đội trưởng đội xe trâu hợp tác, chẳng điều tiếng gì với dân làng để bên cạnh ông thì người ta bầu cho ông Dẫn chứ ai lại bầu cho ông? Ban đầu, Dụ cũng đánh giá hơi thấp khả năng của anh trai mình nhưng sau trật khấc ra thì đã muộn. Tự nhiên anh em trong nhà lại đi tranh nhau cái chân hội đồng. Ngỡ tưởng xếp như thế vì người nhà họ sẽ bầu cho ông nào ngờ họ lại chọn ông Dẫn. Ngẫm ra kể cũng đúng, mình chức vụ cao hơn, đứng đầu hợp tác xã làm sao mà tránh khỏi khuyết điểm trong công việc. Người ơn, kẻ ghét biết sao mà lường. Đằng này, ông Dẫn  chẳng va chạm với ai, thậm chí còn được dân làng yêu mến, không trúng cử mới là chuyện lạ.
Tóm lại, Dụ nghi ngờ tất cả. Đứng đầu trong số đó là Việt. Nhưng không sao, chẳng làm ông hội đồng thì ta làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán. Cũng chủ nhiệm cả đấy chứ. Biết đâu, trúng cử đại biểu hội đồng xã mà đến đại hội hợp tác xã xã viên họ chẳng bầu cho mình, bên uỷ ban chẳng có chỗ cho mình sang rồi lại phải làm cái “ông nghị gật suông” thì giải quyết vấn đề gì? Đằng này, việc tiến cử chức chủ nhiệm cửa hàng thường là do thường vụ bàn, uỷ ban quyết là xong. Đại hội hợp tác xã mua bán thông qua chỉ là hình thức, đã mấy ai trượt đâu mà lo. May mà bà Chắt xin nghỉ để chỗ cho mình không thì... Cũng đành, mình chẳng trúng cử thì anh mình trúng, có sao? Lọt sàng xuống nia đi đằng nào mà thiệt.
Về sau, khi một mình một vương quốc cửa hàng, tha hồ vùng vẫy Dụ lại thấy hay hay. Bên  này kiếm tiền còn dễ bằng chán vạn cái anh hợp tác nông nghiệp. Gọi là có ban bệ nhưng thực ra chỉ có anh là chủ nhiệm với cậu kế toán, cô thủ quỹ nữa. Bộ ba ấy “nghị quyết” nhanh lắm, chủ yếu là bàn việc ăn chia chẳng như quản trị quản em, kiểm soát kiểm siếc bên nông nghiệp. Cả xã có hai cửa hàng, ngoài bộ ba ấy ra thêm bốn nhân viên bán hàng nữa, bộ máy gọn nhẹ thế Dụ thừa sức quản lý điều hành họ.
Việc Dụ trượt hội đồng cũng nằm ngoài dự kiến của ban thường vụ xã. Khi công bố kết quả phiếu bầu, mấy ông thường vụ mới ngã ngửa người ra khi thấy số phiếu của Dụ chưa được một nửa số cử tri tín nhiệm. Bí thư Khanh ngồi trầm ngâm bóp trán. Nguyên chủ nhiệm Hải phần nào hiểu được Dụ song ông cũng không ngờ số phiếu của quyền chủ nhiệm thay anh lại thấp đến mức ấy. Đến khi chuẩn bị nhân sự cho khoá tới họ đều thống nhất điều chuyển Dụ sang vị trí khác, ngoài lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch Nhân gợi ý giao Dụ vị trí chủ nhiệm cửa hàng do uỷ ban quản lý, thay cho bà Chắt xin nghỉ. Họ phân công Hải làm công tác tư tưởng với Dụ. Đường công danh của Dụ rẽ sang một lối khác từ đó.
Khi ấm chỗ, những chuyến hàng đầu tiên thắng lợi, tiền về bộn quỹ, Dụ mới thấy mình thật thức thời. Đặc biệt, thời gian này, ba ngọn cờ hồng trong nông nghiệp thì hai ngọn đã lung lay, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người trong cơ chế mới. Hợp tác xã tín dụng bị đổ bể hàng loạt đi theo với hụi, họ sập tiệm khắp nơi. Chủ nhiệm tín dụng Bằng thâm hụt quỹ két, mất vốn, không có khả năng thanh toán đang phải liên tục điều trần trước các đoàn thanh tra, kiểm sát. Bên nông nghiệp xu thế khoán hộ chiếm ưu thế. Các làng đòi chia tách hợp tác xã theo mô hình cũ. Tài sản công quỹ thanh lý hoá giá hàng loạt. Nhà kho, sân phơi, trâu bò, chuồng trại, máy bơm nước... đều đã được xem xét hoá giá. Đến ruộng đất cũng chia hết cho hộ. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, rồi đến khoán hộ được người ta đúc kết thành con số ấn tượng dễ nhớ: “khoán 100”, “khoán 10” rồi “khoán 1”. Chính cái anh “khoán 1” ấy mới là hiệu quả. Chẳng cần công điểm, chẳng cần đôn đốc, tự chủ hộ người ta lo các khâu thế mà năng xuất lúa, ngô lên vù vù. Hợp tác xã thực chất chỉ là cái vỏ. Ban quản trị gọi cho có tiếng chứ điều hành, quản lý được ai. Cứ đà này mai kia người nông dân chỉ phải nộp thuế nông nghiệp cho uỷ ban là xong. Nghe đâu, huyện cũng đã đồng ý cho hợp tác xã Hợp Nhất tạm chia thành hai hợp tác xã nhỏ. Ban thường vụ xã đã dự định cậu Quý chủ nhiệm hợp tác xã dưới, chú Bàn chủ nhiệm hợp tác xã trên. Ông Hải thì chuyển lên xã là đúng rồi. Vậy thì việc Dụ sang cửa hàng là quá đúng, chẳng thức thời quá rồi còn gì! Cứ mỗi chiều khi nghe kế toán báo cáo, nhìn thủ quỹ đếm tiền Dụ lại tủm tỉm cười một mình nghĩ cho cái sự đời lại thuận buồm xuôi gió với mình đến thế. Mặc xác thằng Quý với thằng Bàn, cho chúng mày bơi với cái hợp tác vỏ ấy. Cũng chủ nhiệm cả đấy nhưng còn lâu mới bì được với ông nhé.
Phòng làm việc của Dụ là ngôi nhà ngói năm gian vuông góc với cái cửa hàng to nhất xã nằm ngay cạnh đường quốc lộ. Dụ cho người ngăn ngôi nhà đó làm hai phòng: phòng chủ nhiệm hai gian, ba gian ngoài làm phòng khách kiêm phòng truyền thống. Bao nhiêu cờ quạt, bằng khen, giấy khen của cái thời hoàng kim mua bán ngày trước Dụ cho treo hết lên, trang trí phòng khách thật hoành tráng. Dụ còn cho mua ngay mấy bộ bàn ghế chữ u kê đấu vào nhau thành hình chữ nhật, chỗ trống ở giữa là ba chiếc chậu hoa to tướng. Đây vừa là chỗ hội họp cơ quan vừa là nơi tiếp khách giao dịch. Đốc hội trường phía từ đường quốc lộ nhìn vào Dụ cho treo chiếc phông xanh cùng với tượng Bác Hồ trắng toát, cờ Tổ quốc đỏ chói, khẩu hiệu Đảng Cộng sản, Nước cộng hoà XHCN Việt Nam rất lộng lẫy nghiêm trang lúc nào cũng như sắp sửa có hội nghị quan trọng. Ấm chén sáng choang, bóng lộn. Bàn lúc nào cũng được trải khăn hoa sực nước hoa thơm phức. 

Phòng của Dụ kê bộ bàn ghế sa lông gỗ mít đời mới rất bệ vệ. Bên trong chiếc tủ ba buồng gỗ lim kiểu cách thay tường cùng với tấm ri đô hoa loè loẹt là chỗ nghỉ ngơi của Dụ. Chiếc giường cá nhân, cái tủ con con xinh xắn cùng với những tiện nghi tối thiểu như đài cat séc, chiếc vô tuyến đã làm cho phòng nghỉ của Dụ ấm cúng hẳn lên. Dụ bảo có như thế mới tạo điều kiện cho anh công tác. Đây là trụ sở hợp tác xã mua bán xã, là bộ mặt của cửa hàng phải làm cho nó đàng hoàng. Khách của cửa hàng toàn những thương gia đâu như mấy ông nông dân chân lấm tay bùn quần xắn móng lợn vẫn ngồi rít thuốc lào vô tư như bên hợp tác nông nghiệp được. Thì họ chẳng bảo hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ nên họ muốn làm gì thì làm đấy ư? Nếu góp ý không khéo với họ, họ còn mắng lại cho ấy chứ. Đây khác nhé. Đây là cửa hàng xã hội chủ nghĩa, là nơi buôn bán giao dịch không phải chỗ cho các vị bạ đâu ngồi đấy, muốn làm gì được nấy, nhé.
Để tăng thêm độ oai và phục vụ cho việc giao dịch, Dụ cho lắp ngay máy điện thoại tại phòng. Đây là chiếc máy điện thoại đầu tiên của xã. Đến bí thư Khanh, chủ tịch Nhân còn chưa dám trang bị nữa là. Có phải ít tiền đâu, mấy triệu cơ đấy. Quy vàng cũng mất mấy cây. “Thì cũng phải cho tôi bám sát thị trường, chớp thời cơ buôn bán chứ, cọc cạch đạp xe báo cáo báo mèo như xưa thì mất toi cơ hội”. Dụ xoa tay cười cười nói với mấy vị lãnh đạo xã, với một số người tò mò như vậy. Tốn một tí nhưng được cơ hội còn có giá ngàn vàng cơ.
Ngoài việc sắp xếp bố trí lại nhà làm việc, Dụ còn yêu cầu nhân viên bán hàng sơn ve lại tất cả hai cửa hàng. Đồng thời củng cố lại rào giậu, rẫy cỏ, vệ sinh sân bãi, kho tàng, làm cho khuôn viên mỗi cửa hàng xanh, sạch, đẹp hẳn lên. Cả hai cửa hàng đều xây mới cổng chào, kẻ khẩu hiệu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” treo rất trang trọng ngay trước cửa bán hàng. Chẳng như cái thời bà Chắt, người dân đến cửa hàng bây giờ thấy bộ mặt cửa hàng thay đổi rõ rệt, quy củ, đâu ra đấy. Nó đúng là một cơ quan, một công sở. Ngay cả cách ăn mặc của nhân viên Dụ cũng yêu cầu họ phải gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.
Có một chuyện khá khôi hài trong việc cải tổ cách ăn mặc của nhân viên. Số là, hôm đó có đoàn công tác của cửa hàng huyện về họ muốn kiểm tra kết quả kiểm kê tháng của cửa hàng đồng thời xem cung cách làm ăn của chủ nhiệm mới nên đã điện thoại cho Dụ báo ngày giờ sẽ đến. Dụ lập tức họp toàn bộ cán bộ nhân viên cửa hàng yêu cầu mọi người phải thay đổi ngay cách ăn mặc. Nữ áo dài. Nam quần đen, áo trắng sơ vin đóng bộ nghiêm túc. Mấy ông nam thì dễ rồi, riêng mấy cô nữ thì nhao nhao rằng “kiếm đâu ra áo dài bây giờ”, “từ bé có mặc áo dài bao giờ đâu, ngượng chết đi được”. “Ngượng cũng phải mặc. Khó cũng phải kiếm. Không có là không xong với tôi đâu”. Dụ xẵng giọng kết luận. Chớ có đùa với ông ấy, lơ mơ ông ấy cho nghỉ việc về cuốc ruộng bỏ đời. Cánh nhân viên rỉ tai nhau thế và miễn cưỡng thực thi chỉ lệnh của ông chủ nhiệm mới.
Hôm sau, y lệnh, cánh đàn ông con trai trông người nào người đó rất oách nhưng cánh đàn bà con gái thì cứ rúc rích cười với nhau bẽn lẽn. Dụ bực quá quát ỏm tỏi:
- Khách khứa đến nơi rồi sao các cô không mặc áo dài?
Cái Liên trẻ nhất bọn nói:
- Áo dài ... cháu mượn được rồi nhưng...
- Nhưng làm sao? Dụ quát.
- Không vừa ạ.
- Thế nó ngắn quá hay dài quá?
- Dài ạ.
- Tốt. Dài mới tốt. Thế mới gọi là áo dài. Mặc vào, còn chờ gì nữa?
Dụ sốt ruột. Cái Liên bẽn lẽn chỉ vào bà Sửu và bà Chu:
- Cháu... cháu còn chờ các bá.
- Hai chị không có áo dài à? Dụ quay sang hỏi hai người.
- Không.
Cả hai cùng đáp. Dụ chỉ vào cái bọc họ đang cầm trên tay:
- Thế bọc gì đó?
- Áo dài.
- Lạ. Thế mà bảo không có.
- Thì chúng tôi đi mượn mà.
- Mượn cũng được. Cốt có áo dài mặc vào là được rồi. Ban đầu tạm vậy, sau rồi may mua. Tôi sẽ trang bị cho các cô.
Bà Sửu nói luôn:
- Chú nói thế thì tôi mặc nhưng đừng có cười và trách chúng tôi đấy.
- Cười cái gì. Đã bảo mặc vào nhanh lên, khách họ sắp tới nơi rồi kia kìa.
Dụ nói vừa như ra lệnh vừa như van vỉ họ. Anh quay xuống văn phòng chờ khách. Cánh phụ nữ đóng cửa quầy thay quần áo. Lát sau, vừa lúc tiếng còi ôtô ở cổng kêu toe toe thì cánh phụ nữ cũng bước ra khỏi quầy. Mấy cô trẻ xúng xính, lượt thượt trong trang phục áo dài. Riêng hai bà lớn tuổi đóng bộ nâu sồng trông cứ như hai vị thầy tiểu. Họ nhìn nhau đỏ mặt khúc khích cười. Mấy vị khách trố mắt ngỡ ngàng. Dụ sạm mặt đến gần hai vị nâu sồng nói rít qua kẽ răng:
- Sao lại mặc bộ này hở giời?
- Thì mượn mãi mấy bà đi chùa mới được đấy.
Bà Sửu dài giọng. Dụ cáu tiết nhưng không biết làm thế nào được đành nhăn nhở cười bắt tay đón khách.
Sau hôm ấy, chương trình cải tổ cách ăn mặc với trang phục áo dài cho nữ nhân viên Dụ đành bãi bỏ. Anh chỉ có một yêu cầu là họ phải gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn, mới mẻ hơn càng tốt.
Hôm nay, cửa hàng Dụ cũng đang nháo nhào lên cho việc đón đoàn tham quan từ tỉnh Bắc Ninh đến. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chiều qua Dụ hội ý gấp với toàn thể nhân viên. Anh yêu cầu thông báo cho các làng việc cửa hàng có bán phân phối đường kính trắng loại một, mỗi hộ hai cân phục vụ ngày mùa. Hạ giá hẳn hoi. Thực ra, số đường này là hàng do Dụ nhập, giá khí cao, bán không được, bị ế. Sợ để lâu đường chảy nước sẽ bị hao hụt, Dụ quyết bán theo phương thức đó. Anh đánh trúng tâm lý của người nông dân. Hàng nào có tiếng là phân phối, lại rẻ hơn một ít là người ta đổ xô nhau vào mua. Lỗ ư? Lo gì, cửa hàng chịu tất chứ anh phải chịu đâu? Ngày mai, đoàn tham quan đến thấy không khí cửa hàng nhộn nhịp, cửa hàng lại lo được đường kính phân phối cho xã viên giữa mùa gặt anh nào mà chẳng thích. Báo cáo rã miệng chẳng bằng cái mấy chục phút “mục sở thị” cái hình ảnh thực tế sinh động này.
Đóng bộ complê ca vát, giày đen bóng lộn, Dụ đôn đốc chị em chuẩn bị nước thuốc đón khách. Chị em lại mặc áo dài trông rất duyên. Sau cái đận tập dượt tháng trước, Dụ cho may mỗi chị em của cửa hàng một bộ áo dài trắng toát mặc mỗi khi cửa hàng có việc quan trọng. Cô Sửu và cô Chu cũng đã quen với việc mặc áo dài. Hôm nay, hai vị này đứng bán hàng còn lại ba cô gái trẻ với cậu kế toán sẽ cùng Dụ tiếp khách. Cơm nước đã cho đặt ở quán Thu Ngàn. Phán bảo đặt ở quán “Tư ba toa”, Dụ gạt ngay: “Khách quan trọng, quán ấy đủ tầm thế nào được”.
Trước cổng cửa hàng, chiếc băng rôn đỏ chót với dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng đoàn cán bộ HTX mua bán tỉnh Bắc Ninh đến tham quan cửa hàng”. Loa đài được mở từ sáng sớm, toàn những bản nhạc du dương y như các đám cưới. Quân cũng được bố trưng dụng ra phụ giúp việc trang trí tăng âm.
Chuẩn bị chu đáo vậy, thế mà đã gần chín giờ sáng khách vẫn chẳng thấy đâu. Dân làng thì tụ tập khá đông đợi mua đường. Cô Sửu mấy lần xin ý kiến Dụ để bán hàng song anh vẫn bảo hãy đợi đã. Sổ mua hàng xếp chồng đống trên bàn quầy. Dân làng đành tản ra tự tìm chỗ ngồi. Thôi thì tiện thể tham quan xung quanh cửa hàng, nghe nhạc chờ họ làm thủ tục vậy. Một số ngáp ngắn ngáp dài định bỏ về nhưng lại tiếc hai cân đường giá rẻ đành cố ngồi chờ thêm lúc nữa.
Chuông điện thoại reo vang. Dụ hấp tấp nhấc ông nghe. Khuôn mặt anh sa sầm xuống. Cậu kế toán xun xoe:
- Có việc gì vậy anh?
- Cửa hàng huyện báo về là họ bận không đưa đoàn xuống thăm cửa hàng ta được. Còn đoàn Bắc Ninh thì do tay kế toán dẫn nhân viên đến thôi, chứ có chủ nhiệm chủ nhiếc gì đâu. Đã vậy, tôi không tiếp. Cậu chuẩn bị làm việc với họ.
Phán giãy nảy:
- Ấy ấy... Em... em không làm được đâu. Đã bao giờ em chủ trì tiếp khách đâu mà anh bắt em làm việc đó. Chịu... chịu thôi. Anh tiếp họ mới đúng.
- Tiếp tiếp cái gì? Dụ cáu.
- Anh là chủ nhiệm, là chủ nhà anh phải tiếp họ chứ?
- Tiếp? Nhưng mà không đúng tầm, cậu hiểu chưa? Ai đời chủ nhiệm như tôi mà lại tiếp hàng kế toán? Đúng không? Ngoại giao nó thế đấy, phải ngang cấp ngang chức, phải tương xứng, đúng tàm cậu hiểu chưa?
Phán ngồi thừ một lát rồi nói:
- Nhưng người ta đã mất công mấy trăm cây số đến với mình chả lẽ lại... Anh làm cứ như Nhà nước Trung ương không bằng.
- Chứ lại không! Mình phải giữ thể diện cho mình chứ. Thôi, cậu chuẩn bị đi.
Phán năn nỉ một hồi nữa rằng anh không biết ăn nói không thể tiếp khách được, rằng “anh làm vậy có khi họ hiểu sai về mình, tiếng tăm loang ra sau rồi mất bạn bè buôn bán thì gay”. Cuối cùng, Dụ chiều theo ý cậu kế toán:
- Được. Tôi sẽ tiếp họ nhưng phải làm đúng như lời tôi dặn.
- Vâng. Anh dặn gì em cũng theo.
- Khi khách đến, cậu đưa họ vào phòng bảo cái Liên, cái Hiền rót nước mời họ. Cậu nói chuyện với họ.
- Thế còn anh? Anh ...
Phán cắt ngang lời Dụ. Dụ cướp lời Phán:
- Cậu ngu lắm. Tôi ngồi ở trong phòng chủ nhiệm. Coi như đang giải quyết công việc. Khách khứa ổn định đâu đấy, cậu sang báo cáo xin ý kiến tôi. Lúc đó tôi sang. Thế có phải oai không nào. Ngoại giao nó phải thế. Chả lẽ tôi lại xun xoe ra bắt tay họ ư, bắt tay cái thằng trưởng đoàn dưới tôi một cấp ấy ư?
Phán nhăn nhở gật gật đầu ra vẻ hiểu.
- Thế bắt đầu cho bán đường được chưa anh?
- Được rồi! Bán đi!
Dân làng xô nhau vào mua đường. Ngoài cổng khách cũng vừa đến. Đúng như kế hoạch, Dụ ngồi tịt trong phòng của mình. Cánh cửa phòng he hé mở. Người tinh ý tò mò một chút sẽ biết được Dụ đang có mặt ở trong phòng. Hơn nữa anh đang làm việc hẳn hoi. Thì đấy, anh ấy đang cầm ống nghe nói chuyện to tướng với khách hàng đó thôi. Chủ nhiệm người ta thế chứ, bận tối mắt ra, đâu như chủ nhiệm mình. Người tinh ý hơn thì biết chẳng có tiếng chuông điện thoại nào reo mà ông ấy vẫn nhấc ống nghe nói chuyện như thật. Tài thế!
Đúng kế hoạch, khi khách ngồi yên vị đâu đấy, Phán nói với họ:
- Mời các anh các chị uống nước, tôi sang báo cáo xin phép chủ nhiệm ra tiếp đoàn. Khổ, chủ nhiệm chúng tôi bận lắm, các anh thông cảm.
Dụ sang. Anh cười rất tươi vừa bắt tay từng người vừa xuýt xoa cáo lỗi:
- Hạnh phúc cho cửa hàng chúng tôi quá được các anh các chị đến thăm. Tôi dở giải quyết công việc không ra đón các anh từ đầu được mong các anh thông cảm.
Vị trưởng đoàn tóc muối tiêu vui vẻ nói:
- Đồng nghiệp mà. Chúng tôi hiểu lắm chứ. Cảm ơn chủ nhiệm đã dành thời gian tiếp đón chúng tôi. Thế là quý lắm rồi. 
Sau màn chào hỏi xã giao, Dụ hùng hồn báo cáo tình hình của cửa hàng. Vẫn bản báo cáo dài mười trang đánh máy do Phán chuẩn bị sẵn, Dụ chỉ việc đọc trước các đoàn đến thăm. Anh có kinh nghiệm của bốn năm năm làm phó chủ nhiệm rồi quyền chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp nên cái khoản này Dụ thạo lắm. Người nghe cứ như lạc vào giấc mơ. Từ lúc quan sát đoàn khách, phát hiện ra mấy cô gái trẻ trông rất xinh trong đoàn Dụ cảm thấy hào hứng ngay. Bỏ qua “tầm”, trong đầu Dụ chỉ còn hình ảnh mấy kiều nữ quan họ duyên dáng. Giọng anh vì thế mà mượt mà hơn, bay bổng hơn. Tính Dụ thế, cứ có tí chị em là mọi việc trở nên đơn giản hết.
Dụ báo cáo xong, phía khách, vị tóc muối tiêu lên tiếng. Ông ta chủ yếu hỏi và nghe. Đoàn khách người nào người nấy sổ sách ghi chép tỉ mỉ lắm. Dụ đang bốc nên nói năng càng linh hoạt. Đến khi Phán chẳng hiểu thế nào lại cắt ngang một câu hỏi rất vô duyên:
- Xin lỗi, bên các anh tình hình thế nào ạ? Trong cơ chế mới này có khó làm ăn lắm không?
Ông tóc muối tiêu khiêm tốn:
- Bên tôi toàn xã có tám cửa hàng. Doanh số mỗi tháng hai tỷ. Lãi dao động bình quân khoảng hơn trăm triệu một tháng. Nói chung cơ chế mới này vẫn hoạt động được. Ba chục năm làm mua bán tôi thấy chính lúc này mới là lúc dễ làm ăn nhất.
Cả Dụ và Phán đều choáng người. Nghe mà phát khiếp. Người ta thế chứ đâu như mình. Gấp chục lần mình đấy. Kế toán người ta còn hơn cả chủ nhiệm mình. Thế mà chưa chi đã “tầm” với chả “tầm”. Phán thương thay cho chủ nhiệm của mình.
Ông tóc muối tiêu còn nói rõ mục đích chuyên đi này của đoàn là khảo sát thị trường, học hỏi đội bạn. Chả trách người ta hỏi hỏi ghi chép liên tục là phải. Chẳng bù cho chủ nhiệm mình đi đến đâu cũng chỉ chê và phán. Chẳng cái gì vừa ý ông ta. Có đúng bằng mấy vào tay ông cũng phải chỉnh sửa đôi chút, nhất là khoản văn bản. Khổ, trình độ nào có hơn anh cơ chứ. Thế mà vẫn cứ đè bút vào sửa. Chết nỗi những điều ông ấy chỉnh sửa chẳng đúng mà cũng chẳng sai. Ví như Phán viết “ra sức thi đua” thì Dụ sửa “hăng hái thi đua”. Vẫn biết chẳng chết ai nhưng mà tức. Mất việc. Số má chứng từ bù đầu kia còn câu với chữ. Lúc đầu Phán bực lắm song do vị trí anh đành chịu. Thôi thì người ta làm chủ nhiệm người ta có quyền sửa thế nào thì sửa.
Từ lúc nghe ông tóc muối tiêu nói trở đi, Dụ ít nói hơn. Anh quay sang liếc ngắm mấy cô gái. Thật sự lúc này Dụ đã quên phắt vai trò chủ nhiệm của mình. Trong đầu anh chỉ còn hình ảnh của mấy kiều nữ quan họ, nhất là lúc giao lưu nghe các nàng hát. Dân làng thấy vậy xúm quanh phòng khách quên cả việc chen nhau mua đường. Buổi gặp mặt tham quan kết thúc sớm hơn dự định. Tất cả kéo nhau ra quán Thu Ngàn tiếp tục giao lưu. Mục này Dụ chiếm ưu thế và nổi trội hơn cả. Anh cứ xoắn lấy mấy cô quan họ quên phắt cả bác kế toán già cùng với cậu Phán đang chụm đầu trao đổi nhau về nghiệp vụ sổ sách. Thằng Quân biết tính bố tót về ngay từ lúc giao lưu.

2 nhận xét:

  1. Hay quá anh ạ! em đăng ký một cuốn anh nhé. Anh đăng lên đây em đọc ké với, em đang học hỏi sức viết của anh đây. Chúc anh luôn vui khỏe anh nhé

    Trả lờiXóa
  2. Đọc tiểu thuyết trên mạng là phải có sức khoẻ và lòng nhiệt tình với nhau đó. Cảm ơn em nha. Sẽ post đều đều.

    Trả lờiXóa