Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

LỄ BỎ MẢ GIA LAI

    Dự xong hội nghị tổng kết năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại thành phố Pleiku, tôi cùng Hà Công Trường - biên tập viên tạp chí Văn nghệ Gia Lai, nhà báo Ngọc Tú, báo Gia Lai, ba anh em trên hai con ngựa sắt nhằm hướng Chưprong thẳng tiến. Sớm xuân cao nguyên lồng lộng gió. Càng xa thành phố Pleiku, gió càng thổi mạnh. Bạt ngàn gió và gió. Ù ù gió. Phần phật gió. Hun hút gió. Bụi đất đỏ cao nguyên mù mịt bay trong gió. Tôi ôm chặt lấy thân hình to béo của Trường. Hai anh em gào lên nói chuyện với nhau trong gió. Gió vù vù rất khó nghe. Giọng Quảng Bình của Trường lại càng khó nghe hơn. Nhiều lúc tôi cứ ừ ào đại. Bình thường nghe Trường nói đã cần “phiên dịch” rồi huống chi bây giờ lại đang đi trong gió thổi. Ấy vậy mà vui đáo để. Hơn ngàn cây số từ Đất Tổ Phú Thọ vào đây để được vi vu thế này bảo sao không vui.

   Vợ chồng Tuấn Huệ - bạn 
học lớp viết văn Nguyễn Du với tôi tiếp chúng tôi rất niềm nở, thịnh soạn. Chuyện trò rôm rả như pháo rang. Bốn anh em đánh bay chai Chivas 18, diệt gọn hai con gà (trong đó có một con gà rừng) cùng bao nhiêu thứ ngon khác nữa của cao nguyên mà tôi lần đầu được thưởng thức. Phải công nhận Huệ - phu nhân của Tuấn chế biến giỏi, cứ như đầu bếp thực thụ của nhà hàng khách sạn vậy. Cả hai vợ chồng Tuấn đều là giáo viên, cán bộ quản lý của trường hẳn hoi đấy. Chết cái, chồng Huệ đam mê văn chương, thơ phú ào ạt nên nhà Huệ trở thành “tụ điểm” cho các văn nghệ sỹ đi thực tế sáng tác ở Chưprong. Trường bảo: “Không tuần nào mà tụi em không đàn đúm tụ tập ở đây. Nhiều hôm thâu đêm suốt sáng anh à”. Tôi nhìn Huệ nói đùa: “Thế là em phải sống chung với lũ với tụi này rồi. No văn, say thơ nhé”. Huệ cười: “Khổ nhất là hôm nào các anh ấy có bài đăng báo anh ạ. Bình loạn cả lên. Nhưng mà vui”. Tuấn bảo: “Chả thế à! Bác không biết chứ, nhà em là cô giáo dạy văn đó. Ối lần lấy văn thơ chúng em ra làm mẫu giảng bài nha. He he he he!”. Cái đầu hói của Tuấn ngất ngư đu đưa. Tất cả chúng tôi cười nghiêng ngả. 

             Ăn xong, đã mười một giờ trưa. Tôi bảo phải về thành phố trước mười hai giờ để nghỉ một lát, ba giờ lại phải ra sân bay bay về bắc. Tuấn vỗ đùi đánh đét một phát rồi reo lên: “Ba giờ ra sân bay, vậy chi còn bốn tiếng nữa. Bây giờ mấy anh em mình đi xem lễ bỏ mả đã. Đảm bảo tuyệt cú mèo luôn”. Hà Công Trường tròn xoe mắt. Nhà báo Ngọc Tú sốt sắng: “Xa không?”. “Ba cây số. Ta đi thôi bác”. Mặc dù rất thích những cái mới, máu phiêu lưu khám phá nhưng tôi vẫn sợ về không kịp chuyến bay. Tuấn ráo riết: “Cơ hội ngàn năm có một. Đảm bảo bác vào thì sẽ thấy chuyến đi này ý nghĩa luôn. Không ở được lâu thì vào cho biết, chụp lấy mấy kiểu ảnh tư liệu chả oách quá à? Không phải bỗng nhiên gặp đâu, cơ duyên đấy. Chỉ tiếng đồng hồ thôi, bác về kịp chán. Đây với thành phố có hai chục cây số mà!”. Tôi lưỡng lự. 
 
           Thực lòng tôi chả hiểu cái lễ bỏ mả này là thế nào. Vợ chồng Tuấn Huệ xúm lại giải thích. Đại để là người dân Tây Nguyên không có tục thờ cúng tổ tiên nên khi người chết được một năm đến ba năm thì người thân trong gia đình làm lễ bỏ mã. Ngôi mộ được xây cất kỹ lưỡng, dựng lên trên đó một ngôi nhà đẹp để che mưa che nắng. Quanh mồ được trang trí bằng các tượng gỗ có hàng rào bảo vệ nữa. Hàng năm, khi mùa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch), mùa màng đã thu hoạch xong thì người ta tổ chức lễ bỏ mả. Cả người Bahnar và Jrai đều có một từ chung để gọi lễ nàylễ Pơ thi. Đây là lễ hội lớn nhất, dài ngày và đông vui nhất của cư dân bản địa Gia Lai, thường từ 3 đến 6 ngày. Theo quan niệm của cư dân nơi đây, người sống đều có hồn, khi chết hồn biến thành ma. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến nhà mồ, quét dọn nhà mồ. Chỉ sau khi làm lbỏ mả người chết mới đi về thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc với người sống và ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn
Thời gian bỏ mả tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của thân nhân người chết, nghĩa là lúc nào có đủ trâu bò, rượu thịt thì làm. Chủ xướng của lễ bỏ mả là một gia đình, một dòng họ hay có khi cả buôn. Nhà giàu, dòng họ lớn thì giết nhiều trâu bò, buộc nhiều ché rượu. Nhà nghèo thì phải có đủ rượu thịt để cung cấp ăn uống và phân chia cho người dự lễ. Nghi thức chính của lễ bỏ mả diễn ra ở khoảng đất rộng của nghĩa địa. Bò đực được xẻ thịt ngay tại đó, rượu cần được buộc thành hàng, bàn cúng được dựng bằng tre, nứa, trên đó bày đồ cúng cho linh hồn người chết. Đồ cúng gồm một chén cơm trắng, một chén thịt sống thái nhỏ có trộn tiết của con vật vừa bị giết cùng với một mẫu đuôi, một chiếc xương đầu và bầu rượu được hút ra từ ché rượu…
Chỉ nghe thế thôi, máu lãng tử trong tôi nổi lên. Ừ thì đi. Khẩn trương về vẫn kịp. Thế là tất cả chúng tôi lên xe. Giữa trưa xuân mà cái nắng, cái gió cứ như trưa hè ngoài bắc vậy. Từ đường Hồ Chí Minh qua xã IABANG, chúng tôi rẽ trái tới một khu rừng nhỏ. Từ xa đã thấy một bãi chàn chạt toàn xe máy là xe máy. Ánh gương, ánh thép lấp lóa dưới ánh nắng ban trưa. Đường đất đỏ bazan phủ lớp bụi dày người trước đi tung bụi mù mịt cho người sau. Chỉ một loáng mà đôi giày đen bóng lộn của tôi đã đỏ quạch.
Đập vào mắt tôi là ngôi nhà mồ với những cây đinh ba, thập ác sơn trắng vạch đen dựng tua tủa chĩa mũi giáo lên trời. Bên cạnh đó là mấy pho tượng gỗ với những hình thù rất ngộ nghĩnh. Hàng rào xung quanh nhà mồ trên đầu mỗi cọc được cắm những đầu bò, tai bò, đuôi bò, chân bò còn rơi rớt máu. Ngó vào trong nhà mồ, tôi thấy khá nhiều thứ. Chuối, ngô, thóc, quần áo, gùi, nỏ, cả đôi gà nhép đang kêu chiếp chiếp nữa. Tuấn bảo đó là những thứ người sống chia cho người chết. Dưới mái nhà mồ, có mấy người đang nỉ non khóc trước những tấm ảnh bày giữa những thứ đồ vật trên. Người trong di ảnh cũng comple cà vạt oách lắm. Đây là lần khóc cuối cùng cho người chết để từ mai trở đi họ không còn duyên nợ gì nhau nữa, nữ đi lấy chồng, trai đi lấy vợ mới, không thờ, không cúng gì hết. 

Bốn bề dưới tán cây chó đẻ là những cái lán tạm với nhiêu là người. Kẻ đứng, người ngồi, kẻ ăn, người uống, từng tốp, từng toán ngổn ngang khắp bãi. Thịt bò tái, nướng bày bày la liệt trên những tấm lá. Gió như thế, nắng như thế, bụi như thế mà mọi người vẫn cứ xì xụp ăn uống. Thịt bò tái còn đỏ tươi màu máu. Một dãy ché rượu cần xếp thẳng tắp khá dài. Đồng bào đổ dồn các cặp mắt tò mò về phía chúng tôi. Vợ chồng thầy giáo Tuấn Huệ bắt tay cười với mọi người, dắt tay tôi giới thiệu với già làng, trưởng bản, với chủ tịch, bí thư xã. Bỗng nhiên tôi trở thành nhân vật quan trọng của buổi lễ. Thế là mọi người, mọi nhà (mỗi túp quán tạm là một gia đình) kéo mời tôi chuốc rượu. Rượu cần phải rít cho hết một cang (đổ nước vào có đánh dấu cữ, phải hút đến cái cữ đó mới được thôi). Rượu ống nứa (dài khoảng 20-30cm) phải uống cạn ống và phải mời lại chủ. Giời ạ! Đang lơ tơ mơ với Chivas nhà Tuấn giờ tôi lại phải uống không biết bao nhiêu nữa cái thứ rượu chua chua, nồng nồng, cay cay này. Uống rồi phải ăn. Tay bốc thịt bò tái, bẻ cơm lam ăn như đồng bào. Xong thì mỗi nhà lại cho tôi một ống cơm lam dài ngoẵng. Tuấn phiên dịch: họ quý mới cho anh đó. Chỉ một lúc tôi đã có cả một bó cơm lam. 
Đến một lán, tôi thấy có một cái nồi to tướng trong đó có một thứ gì đó y như là cám lợn. Tôi tròn mắt nhìn. Bà đứng cạnh đó ra hiệu mời tôi ăn. Tôi không dám lắc đầu, chỉ ra hiệu “bà ăn trước đi”. Người đó lấy cái đũa cả to tướng khoắng một đũa lên ngang mặt rồi thò tay bốc một nhúm cho vào mồm ăn ngon lành. Đến nước này, tôi cũng liều thử. Nhúm một miếng nhỏ cho vào mồm vừa nhai thì eo ôi, không thể chịu được tôi nhăn mặt nhổ vội ra lòng bàn tay nắm vội giấu đi. 

Trong lúc tôi sà hết chỗ nọ, ngó chỗ kia, khi thì uống rượu ống nứa, nhai thịt bò tái, lúc thì rít rượu cần, ăn cơm lam, bắt chuyện hỏi han mọi người, nghe Tuấn phiên dịch thì Hà Công Trường bám sát tôi chụp ảnh lia lịa. Qua câu chuyện với người dân nơi đây tôi hiểu thêm rằng, đồng bào có quan niệm riêng về luân hồi vòng đời của mỗi con người, từ đó nó ảnh hưởng đến quan niệm và sự sống và cái chết, về quan niệm máu mủ, cộng đồng. Đó là, con người sau khi chết đi phải qua lễ bỏ mả thì hồn mới về với thế giới tổ tiên được. Sau đó, hồn lại phải qua 7 lần chết nữa mới biến thành giọt sương mang linh hồn tổ tiên để trở lại thế giới trên mặt đất đầu thai vào đứa trẻ. Đứa trẻ đó sẽ mang hồn và tên tổ tiên, đảm bảo tính trường tồn và bền vững của cộng đồng huyết tộc. Vì vậy, lễ bỏ mả là dịp vui mừng để hồn người chết sớm trở thành giọt sương để đầu thai lại thành người.  Lễ bỏ mả gồm 3 bước: lễ dựng lại nhà mồ, lễ bỏ mả và lễ giải phóng.  

Đang mê mải lựa thế cho Trường chụp ảnh thì tôi chợt nghe tiếng cồng chiêng binh boong và tiếng trống thùm thụp nổi lên. Trước mắt tôi, phía đầu nhà mồ, một đoàn rước gồm những người đánh khiên, đánh trống, đánh cồng chiêng, đeo mặt nạ nối đuôi nhau đi thành một hàng dài. Đi đầu là một già làng. Ông ta giơ cao cái chiêng về phía mọi người và gõ. Chân tay ông nhảy múa. Mặt ông tái xanh. Đôi mắt lờ đờ nhìn lên trời. Miệng ông cười nhăn nhở. Phía sau ông, cùng với những người đánh chiêng, trống là một số người trình diễn những con rối. Họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác của mình theo tiếng nhạc. Tất cả mọi người có mặt đều đứng lên hướng về phía nhà mồ, theo nhịp chiêng cồng và trống lắc lư. Tôi giằng máy ảnh từ tay Trường chụp lia lịa. Lúc này, hình như không còn ranh giới giữa âm và dương, giữa sống và chết và họ cũng quên béng chúng tôi là những vị khách đang lơ nga lơ ngơ nhìn họ. Người tôi sởn da gà như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tôi ngây người đứng nhìn họ. Đúng là không thể tưởng tượng được lễ bỏ mả nếu không đến đây. Chợt tôi nhớ đến em quá chừng. Giá có em lúc này cùng tôi chứng kiến cảnh này thì hay biết mấy. Tâm hồn đa cảm lãng mạn trong em không chừng được bài thơ tâm đắc ấy chứ. Và lúc đó, cái tính sợ ma của em chắc sẽ tự bay biến đi rồi. Chỉ còn lại là cuộc đời, là thi ca thăng hoa cất cánh.

Chợt nhìn đồng hồ, đã quá mười hai giờ trưa, tôi tức tốc gọi Trường và Tú để về. Mặc dù đang cao trào của lễ hội nhưng chẳng còn cách nào khác tôi vẫn phải về. Thôi, thế là vượt quá dự định, quá mỹ mãn cho chuyến đi này của mình rồi. Chào vợ chồng Tuấn Huệ, chúng tôi lên xe tạm biệt IABANG trở lại thành phố Pleiku. Dọc đường, ngồi ôm chặt cái thân hình lực lưỡng, to bè của Hà Công Trường mà những hình ảnh về lễ bỏ mả cùng những ý nghĩ về nhân sinh, về cuộc đời hữu hạn cứ chen nhau hiện lên trong đầu. Một lễ hội thật lạ tôi chưa từng gặp bao giờ. Giá trang phục những người tham gia hành lễ còn nguyên bản thì đặc sắc biết chừng nào. Thế mới biết, cuộc sống vận hành và biến đổi quá chừng. Làm sao để giữ lại được những cái gì để cho nó là nó hơn được nữa nhỉ?

22 nhận xét:

  1. Mở hàng cái đã. Còn bình loạn thì để tối về vì đến giờ đi làm rồi, hehe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú mở hàng thế này chắc xôm đây. Tối về đọc kỹ nha để nhớ nhau nha. Còn Chivas nhớ mở ra, rót ra, đọc mới sướng. He he he he.

      Xóa
  2. Đúng là đặc sắc! Thật kỳ lạ! Bài viết sinh động, thực tế chắc còn sinh động hơn nhiều?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là thực tế sinh động hơn rất nhiều. Bạn mà gặp lễ bỏ mả thì thôi rồi, quên lối về là cái chắc. Cảm ơn bạn đã ghé thăm nha.

      Xóa
  3. thuyphuong10:00 21/2/12

    Chuyến đi này của chú ý nghĩa hết biết nha. Cháu ở đây mà chưa khi nào đc chứng kiến lễ Pơ thi "thật" cả, chỉ được xem họ diễn trong liên hoan cồng chiêng thôi. Lễ hội lớn nhất của bà con ở đây đó chú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì vưỡn. Số chú hên lắm đó. Thế mà lại không gặp được thuyphuong trong chuyến trở lại Pleiku lần này. Tiếc. Hẹn lần sau nha. Nhớ thường xuyên qua nhà chú xem coi như gặp nhau đó. Hì hì hì...

      Xóa
  4. "LỄ BỎ MẢ Ở GIA LAI" Tây nguyên thật huyền bí,nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá...
    Cám ơn tác giả vì đã cho tôi thấy một phần huyền bí thật sống động..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huyền bí, bí ẩn, kỳ diệu lạ lắm họa sỹ ơi! Đúng là cơ duyên cho mình được gặp cái lễ hội này đó. Cảm ơn họa sỹ ghé thăm nhé.

      Xóa
  5. Anh ơi! anh viết hay quá, em viết được nửa bài rồi tự dưng bỏ dở, vì mạng bị chặn proxy mà cũng may nếu không lại đụng hàng với anh rồi. Keke có mấy từ anh sửa lại cho đúng anh nhé: Lễ Pơ Thi (chứ không phải Bơ Thi, Cang rượu (không phải can) và nhà báo Ngọc Tú (không phải Minh Tú). keke
    Bài viết của anh sống động quá, có cảm tưởng như những con chữ đang nhảy múa, đang tham gia lễ hội vậy. Đọc bài viết của anh những người chưa từng xem, chưa từng biết đến Lễ Pơ Thi cũng thấy được sự hào hứng, sự rộn ràng, và cả những âm thanh trầm buồn cảu chiêng trống gọi hồn. Và hơn hết đó là sự trăn trở của anh về một không gian văn hóa đã và đang bị mai một: "Giá trang phục những người tham gia hành lễ còn nguyên bản thì đặc sắc biết chừng nào. Thế mới biết, cuộc sống vận hành và biến đổi quá chừng. Làm sao để giữ lại được những cái gì để cho nó là nó hơn được nữa nhỉ?" Đó là điều mà những con người làm công tác văn hóa, văn nghệ như chúng ta cần lưu giữ nó. Cảm ơn anh rất nhiều, một bài viết hay và ý nghĩa. Chúc anh luôn vui. hạnh phúc, thành công và may mắn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Minh Tú hay Ngọc tú đều được, vưỡn là nhà báo xịn lãng tử mà. Hì hì hì... Em khen anh thế này thì mai lại vào rủ đi nhà Tuấn oánh nốt chai Chivas nha. Sẽ sửa mấy từ trên ngay tắp lự. À mà "đụng hàng" có sao, "hàng" em oách hơn là cái chắc.

      Xóa
  6. Được chứng kiến tham dự lễ hội này thật tuyệt vời. Đọc hấp dẫn quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi bạn Kiên Cường!
      Đúng vậy. Trực tiếp tham dự lễ hội, chứng kiến nhiều chi tiết hay lắm bạn à. Cảm ơn bạn ghé thăm nha.

      Xóa
  7. Đọc " Lễ bỏ mả ở gia lai" khác gì được là người trong cuộc.
    Thật xinh động, đầy ắp âm thanh, cảm giác và hình ảnh...Thế mới biết cái ý nghĩa của giới văn sĩ mỗi khi lên đường đi đến những miền xa là như thế nào mà Xuân Thu là một điển hình! " Lễ bỏ mả ở Gia Lai" thật là đặc biệt và đặc sắc, tiếc nỗi chẳng được nhìn rõ khuôn mặt thân thiết và cái lưng bè bè của thằng em yêu quý Hà Công Trường ở đâu để đỡ nhớ! Cảm ơn và chúc mừng Xuân Thu về bài viết đầy cảm hứng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Nửa nhớ!
      Nghiệp văn là thế. Đi, nghe, học, đọc, viết... Càng đi càng thấy, càng hay, càng yêu nha. Dữ dội lắm nha. Anh mà gặp Hà Công Trường thì cũng... mê luôn, nếu là con gái thì... si luôn. To con. cao cây, văn hay, chữ tốt, rất yêu quá bè bạn, nhất là... bạn gái.

      Xóa
  8. Phải vào tận nơi, phải tìm hiểu kỹ càng, anh mới viết được bài này.
    Lễ bỏ mả là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền đặc sắc của các tộc người Tây Nguyên tôi đã nghe nói nhiều, nay đọc bài viết của anh càng hiểu thêm nhiều điều.
    Mừng anh có chuyến đi Tây Nguyên thật ý nghĩa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là cơ duyên để cho nhà em gặp được lễ Pơ thi này đó anh à. Tiếc là năng lực có hạn nên chỉ ghi chép được có vậy, chứ tài năng hơn chắc viết hay hơn nữa anh ạ.

      Xóa
  9. Đúng hẹn nha bác. Đọc kỹ lại thấy mấy cái sau:
    1. Quá ngạc nhiên vì chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà bác đã kịp tìm hiểu về Pơ- thi nhiều đến thế.
    2. "Quỷ sứ" HCT nhanh thật, có mấy chỗ định để tối mới mail cho bác để sửa lại thì hắn đã nhanh mồm nhanh miệng nói trước rồi.
    3. Đúng như bác đã nhìn thấy, giá như cái bản sắc của Pơ- thi còn giữ được nguyên vẹn thì hay biết mấy. Hôm đó không hề có những bộ trang phục truyền thống của Jrai (chính xác là chỉ có vài người, chủ yếu là các bà già là mặc), đặc biệt là mấy tay chơi chiêng. Đội chiêng này không phải là đội chuyên nghiệp mà là góp nhặt lại để chơi cho mấy tay quay phim có cái để mà đưa lên truyền hình. Pơ- thi nguyên bản làm gì có mấy cái hình to bổ chảng khoác comple, đeo caravat dựng bên nhà mồ hoành tráng như thế! Pơ- thi nguyên bản làm gì có giờ với giấc mà phải là thâu đêm suốt sáng, uống cho đến khi nào say rồi tỉnh dậy uống tiếp, cho đến khi nào nước con suối IaMơ kia cạn thì thôi, cho đến khi nào cái dãy hàng trăm ghè rượu kia nghiêng ngả mới dừng, chứ làm gì có cái chuyện tay giám đốc nông trường cao su người Jrai chính gốc kia lại mang Heneiken tới uống...vân vân và vân vân cái chuyện Pơ- thi thời nay bác ạ!
    4. Nhưng mà thôi nhỉ, dù sao thì đó cũng là một chuyến đi đẹp, ít nhất là cũng đã được uống rượu ghè, ăn cơm ống, ăn thịt bò nướng để trên lá rừng và ngắm những thiếu nữ Jrai da...nâu lấm lem bụi đất, hehe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oách! Còm oách! Còm cái béo ngay. Cảm ơn vợ chồng chú thím cho anh thưởng thức cái lễ kỳ bí, thiêng liêng này. Về ốm mấy ngày vì rươuk thịt Pơ thi đó. Tưởng ma nữ Jalai bắt đi cơ. Hì hì hì...

      Xóa
  10. ĐẮC PHƯỢNG21:47 22/2/12

    Đọc Lễ bỏ mả của anh, ĐP chết thèm quá đi thôi. Mang tiếng là lãng tử nhưng vẫn chưa đến đó thì cũng coi như chưa có gì. Nhất là mình còn được gọi là nghẹ sỹ nhiếp ảnh nữa chứ. Ôi giá như được đến đó chắc sẽ bổ sung vào kho tư liệu ảnh mọt mảng đề tài về dân tộc Tây Nguyên thú vị biết bao. Cảm ơn XUÂN THU đã cống hiến cho bạn đọc một bài viết hay và sống động lắm nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi Đắc Phượng!
      Được đến đó để chụp ảnh tư liệu còn gì bằng! Nhất định sẽ có dịp thôi mà, quyết tâm nhé! Chúc ĐP ngày mới nhiều niềm vui

      Xóa
    2. Bài viết này đã được nhà thơ Văn Công Hùng nhận cho đăng trên tạp chí Văn nghệ Gia Lai rồi nha. Oách.

      Xóa