Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

NHỚ THUỞ DẦN SANG



 
        Trong các đồ gia dụng bây giờ thật hiếm thấy các vật dụng được làm bằng nứa, bằng tre. Thay vào đó là đồ nhựa, đồ nhôm. Thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá bằng tre... chỉ còn là hoài niệm của những người già, là sự tò mò, trí tưởng tượng của những đứa trẻ. Rõ là ở quê mà động đến thứ nào trong bếp cũng toàn là nhựa, là nhôm. Đến cả đôi đũa ăn cơm cũng bằng i-nôc, bằng nhựa nữa là.
          Nhiều lúc tôi cứ bần thần thử hỏi mấy đứa trẻ rằng chúng có biết cái nong, cái nia, cái dần, cái sàng là gì không? Đọc, nghe kể chuyện cổ tích có những thứ đó thì các cháu hiểu nó như thế nào? Chúng đều ớ ra. Mỗi đứa tả một khác y như trẻ em thành phố nhầm con trâu với con bò, con ngan với con vịt vậy. Thế là được dịp tôi lại hoài cổ mô tả cho chúng biết về những thứ này. 

Nào là thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng... đều được làm bằng tre nứa. Chúng được đan lát các kiểu, tạo dáng khác nhau nhưng chung quy lại đều có hình tròn. Thúng giống như cái chậu cỡ trung dùng để đựng thóc, gạo, cám, bã. Mủng giống như thúng nhưng to hơn. Rổ, rá thì lũ trẻ biết rồi. Có điều bây giờ rổ rá được làm bằng nhựa pô-li-me, còn trước kia nó được đan bằng những nan tre già, nức cạp bằng những sợi mây. Nong, nia, dần, sàng đều hình tròn như cái mâm nhưng đường kính khác nhau. Nong to nhất, đường kính từ 1,4m - 1,8 m, dùng để phơi hoặc đựng hạt (thóc, ngô, đỗ, lạc...). Nia nhỏ hơn nong (đường kính 0,8 - 1 m), dùng để làm gạo khi xay giã và phơi nông sản có số lượng nhỏ. Mẹt nhỏ hơn nia (đường kính 0,6 - 0,7 m), dùng để xảy thóc gạo, phân thóc chắc với thóc lép hoặc phân trấu với gạo. Dần giống cái mẹt nhưng được đan mắt thưa hơn, đủ cho hạt cám lọt qua, dùng để lọc gạo và loại bỏ sạn trong gạo. Sàng giống cái dần nhưng lỗ to hơn dùng để lọc thóc xay và vỏ trấu trước khi đem giã. Câu thành ngữ "Lọt sàng xuống nia" là vậy. Còn cái xảo thì giống cái sàng nhưng mắt to hơn nữa, hay được các cụ ở quê dùng để xảo thóc khi vừa tuốt lúa xong để lọc lấy thóc và loại bỏ rơm rác lẫn vào.
Tất cả những thứ đó, sau khi đan lát xong, người ta đem gác lên gác bếp cho bắt bắt bồ hóng đen sì, khi nào dùng đem ngâm, rửa nước sạch, chúng sẽ ánh lên màu nâu vàng bóng loáng. Tha hồ không sợ mối mọt. Dùng những thứ này không sợ ảnh hưởng chất độc của nhựa biến hóa. Chúng chẳng đổi màu mấy khi. Không như đồ nhựa bây giờ dùng vừa nhanh hỏng, dễ phai màu, lại vừa sợ chất hóa học thôi ra, ngấm vào thức ăn, đồ uống.
Cứ hình dung ra những vật dụng đó tôi lại nhớ mẹ tôi quá chừng. Ngày trước mẹ bảo, làm đàn bà, con gái phải biết xay giã, dần sàng. Không biết làm những việc đó mai kia về nhà chồng người ta chê, người ta cười cho, xấu hổ lắm. Đã nghe nói người đàn bà vụng bao giờ chưa? Rồi hả? Đấy, thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng... là phải gắn với phụ nữ, là tề gia nội trợ, là nữ công gia chánh đấy con ạ. Tôi nghe mẹ nói vậy chỉ cười trừ. Hình ảnh mẹ xảo lúa, xảy thóc, sàng gạo, dần cám đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tôi. Mẹ làm những việc đó như múa. Thóc trên nia, trên mẹt, gạo trên sàng, trên dần cứ quay tròn túm tụm nhau, hạt nọ nối hạt kia, thóc mẩy vàng, gạo trắng bóc trông thật thích. Cám, tấm rơi xuống nia, xuống nong rây rây thành bụi bay bay bay bay như mưa rơi. Những hạt bụi bay ra bám vào giọt mồ hôi trên má mẹ, tôi vừa thích lại vừa thương mẹ quá chừng.
Bây giờ mẹ tôi đã đi xa. Và thúng mủng, nong nia, dần sàng nhà tôi cũng không còn nữa. Bê rá gạo trắng tinh, bưng bát cơm thơm dẻo, nhìn những đồ gia dụng bằng nhựa, tôi cứ bần thần thương nhớ quá ngày xưa. Vẫn biết quy luật là phải thế, cuộc sống không ngừng phát triển đi lên sao vẫn cứ bâng khuâng, hoài niệm thế dần sàng ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét