Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

NỪA ĐÊM NGHE HÁT CA TRÙ Ở ĐỀN HÙNG



    
          Cách đây mấy năm, tôi có dịp đưa đoàn văn nghệ sỹ dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lên thăm Đền Hùng. Đây là trại sáng tác tổng hợp nên các trại viên đủ các chuyên ngành khác nhau, ở khắp mọi miền đất nước. Có người ở tận Long An, Bến Tre. Có người lần đầu tiên được về thăm đất Tổ. Ai nấy đều háo hức.
          Dạo đó, vào dịp cuối tháng 2 âm lịch, trước ngày giỗ Tổ khoảng 15-20 ngày nên không khí lễ hội đã tưng bừng nhộn nhịp lắm. Sau khi thăm và làm việc với hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, cơm tối xong, gần chục anh chị em trong đoàn đã đề nghị hội đưa đi thăm Đền Hùng. Và tôi - người duy nhất ở lại cơ quan, được hội cử đi làm nhiệm vụ “đặc biệt” này.
          Trong nhóm lên đền, có quá nửa là các anh, các chị ở các tỉnh phía Nam. Xa nhất là anh Hoàng Đỗ ở hội VHNT Long An và mấy người nữa ở Bến Tre, Trà Vinh tôi không còn nhớ tên. Phía bắc có mấy anh chị ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định... Ai cũng hào hứng, phấn khởi. Họ cười nói rổn rảng. Hầu như chưa ai lên Đền Hùng bao giờ. 

          Đang giữa mùa xuân nên tiết trời rất đẹp. Hoàng hôn xuống rất nhanh. Gió xuân nồng nàn thổi. Khói sương bảng lảng giăng báo hiệu trời sắp tối. Chúng tôi tức tốc từ thành phố Việt Trì hướng núi Nghĩa Lĩnh thẳng tiến. Lên đến nơi thì đã lên đèn. Du khách thập phương đã xuống núi về gần hết. Không gian vắng lặng. Chỉ còn tiếng rỉ rả của côn trùng và gió xuân xào xạc lá cây rừng. Núi Nghĩa Lĩnh thâm u hiện rõ trên nền trời đêm đầy sao giăng nhấp nháy. Không khí linh thiêng huyền ảo. Càng lên cao, càng lộng gió. Chúng tôi cứ bám gót chân nhau, bước từng bậc lên Đền. Đã thấy một vài người dừng chân để thở. Chắc cả ngày đi đường giờ lại leo núi nên mệt chăng? Hoặc có thể họ dừng lại để ngắm rừng đêm, để chiêm nghiệm suy tư về một điều gì đó bỗng trào dâng trong tim trên con đường lên cửa thiền, cội nguồn thiêng liêng đất Tổ? Tiếng cười đùa rổn rảng ban nãy nhường chỗ cho những câu nói thầm thì như tâm sự, như sẻ chia niềm thành kính tôn nghiêm.
          Đến cửa chùa Thiền Quang thì đã gần 8 giờ tối. Cửa chùa vẫn mở. Chỉ còn sư trụ trì và mấy người bảo vệ. Chúng tôi xin phép vào thắp nhang. Sau đó mọi người ngắm cảnh chùa trong đêm. Rồi một thiếu phụ trong đoàn đến bên tôi tự giới thiệu là nghệ sỹ Bạch Vân, hiện đang công tác tại sở Văn hóa thông tin Hà Nội. Chị nhờ tôi nói với sư thầy cho phép chị hát ca trù thay cho lời khấn của mình. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước tình huống bất ngờ này. Chiều khách, tôi đánh bạo nói với sư thầy về việc này. Chẳng ngờ sư thầy đồng ý liền. Nghệ sỹ Bạch Vân sửa lại quần áo, mở túi xách ra, lấy cái mõ tre và hai cái dùi bóng loáng màu cánh dán. Sau đó, chị thắp ba nén hương kính cẩn cắm lên ban thờ vái ba vái rồi ngồi khoanh chân dưới đất, trước điện thờ đang nghi ngút khói nhang. Tất cả chúng tôi đều chăm chú theo dõi từng động tác của chị. Cả sư thầy và mấy người bảo vệ nữa cũng như thế.
          Thế rồi, tiếng chị cất lên. Tiếng mõ kêu “lách cách” điểm nhịp. Khi khoan thai, dìu dặt. Lúc hối hả, tưng bừng. Người chị lắc lư cùng câu hát. Mắt chị ngước lên ban thờ, khi nhắm, khi mở, quên hết cả chúng tôi xung quanh. Không gian vắng lặng nhường chỗ cho câu hát của chị vang xa. Đã nghe hát ca trù nhiều lần rồi nhưng hát trong khung cảnh này với tôi đây là lần đầu tiên. Có lẽ mọi người cạnh tôi cũng thế. Ai cũng ngây người chìm đắm theo câu hát của chị. Hát mộc, không có đàn, trống, trang âm gì hết. Khi “ứ hự” tự tình. Lúc véo von da diết. Chị hát ngay tác phẩm của mình vừa sáng tác trong trại viết. Công lao các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân lập quốc, khai sơn, dựng xây mở mang bờ cõi. Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Rồng Tiên kế nghiệp cha ông làm vẻ vang non sông đất nước theo từng câu hát của chị mà thăng hoa trong đêm. Nhiều lúc, người tôi nổi da gà vì giọng hát của chị, vì không khí linh thiêng huyền ảo ngạt ngào khói hương, lập lòe đèn nến. Có cảm giác như thời gian ngừng lại, còn không gian thì đặc quánh ở nơi đây. Chị cứ hát như thế khoảng ba chục phút thì dừng lại, vái mấy vái rồi đứng lên. Mãi sau chúng tôi mới bừng tỉnh trở về với thực tại. Sau đó, chúng tôi tiếp tục leo từng bậc, mò mẫm trong đêm để lên đền Trung rồi đền Thượng. Bấy giờ tôi mới biết nghệ sỹ Bạch Vân là chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù nổi tiếng của đất Hà thành. Cả đời chị dành cho việc nghiên cứu, sưu tập, phổ biến nghệ thuật hát ca trù. Thảo nào, giọng hát và động tác của chị chuyên nghiệp đến thế.
          Đêm trung du mênh mông. Đền Thượng ngút ngàn linh khí. Từ trên cao, chúng tôi thả tầm mắt dõi nhìn xung quanh. Trên trời sao. Dưới chân núi cũng sao. Tít mãi ra xa kia là lung linh ánh đèn của thành phố Việt Trì, của Nhà máy giấy Bãi bằng, của công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao và của các vùng dân cư lân cận. Gió từ ngã ba sông thổi tới lồng lộng. Đại ngàn rừng âm u rì rào trong tiếng gió. Đêm tĩnh mịch đến vô cùng. Đền Thượng đã đóng cửa. Tôi phải gặp mấy người bảo vệ và cụ từ coi đền nói rõ nguồn cơn rằng đây là đoàn văn nghệ sỹ cả nước về, có người từ miền Nam ra, có người ở biên giới đến, ai cũng thành kính về thăm Đất Tổ nhưng thời gian eo hẹp quá phải lên đền vào lúc này xin cụ từ mở cửa cho họ vào bái Tổ. Cụ từ đồng ý. Lại như ở chùa Thiền Quang, nghệ sỹ Bạch Vân xin hát ca trù thay cho lời khấn vái. Sênh phách nổi lên, lời ca cất tiếng. Giữa nửa đêm, trên đỉnh núi Hùng, giọng ca người nghệ sỹ cùng tiếng “lách cách” reo vui như được tiếp thêm sinh khí, như có bậc tiền nhân tiếp ứng càng vang vọng hơn, loang xa hơn. Nghệ sỹ Bạch Vân thăng hoa, lên đồng ngất ngư cùng câu hát. Lại thêm một lần người tôi sởn gai ốc, ngước mắt nhìn không chớp những tâm nhang cháy đỏ trên ban thờ mà như thấy bóng ông cha hiện về, nghe và cảm thấy hết cả hồn thiêng sông núi. Có lẽ, đây là đêm nghe hát ca trù độc nhất vô nhị của tôi và mọi người trong đoàn.   
          Khi chúng tôi xuống núi thì đã một giờ sáng. Đang chuẩn bị ra về thì nghệ sỹ Bạch Vân hốt hoảng vì bỏ quên chiếc mõ ở trên Đền. Thì ra lúc hát xong, chị vái hóa vàng, mọi người giục, chị đã luống cuống bỏ quên cái mõ chưa cho vào túi xách. Đây là vật bất ly thân của chị, ấy thế mà quên được mới lạ chứ. Ngày mai, đoàn phải về Hà Nội sớm rồi. Nhà thơ Bùi Văn Khang ở Nam Định xung phong leo ngược lên đền để làm nhiệm vụ quan trọng này. Khi chúng tôi về tới thành phố thì đã gần ba giờ sáng. Thật là một đêm đáng nhớ trong đời tôi.
          Lại sắp vào mùa lễ hội Đền Hùng rồi. Không biết các anh, các chị ngày ấy, nhất là chị Bạch Vân hiện giờ ở đâu? Các anh, các chị còn nhớ đêm hát ca trù đặc biệt đó chứ? Ca trù giờ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới rồi! Cả tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, rồi hát Xoan Phú Thọ cũng vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nữa đó. Hội Đền Hùng năm nay, Phú Thọ sẽ làm lễ tôn vinh di sản thế giới Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đấy. Vui lắm. Tự hào lắm. Mời các anh các chị ở đâu hãy về đất Tổ, thắp một nén hương thơm, hát một điệu ca trù, thêm một bài thơ, trang văn để góp phần tri ân công đức tổ tiên, tri ân công đức các Vua Hùng, để cho lễ hội của dân tộc năm nay thêm hoành tráng, tưng bừng và ấn tượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét