Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

THƠ VÀ NHÀ CHÙA



   alt
        Đầu xuân trẩy hội lễ chùa là nhu cầu chính đáng, là thú vui của mọi người. Người ta cầu tài, cầu lộc, cầu duyên và cầu bao nhiêu thứ khác nữa. Dòng người trẩy hội du xuân về các lễ hội, các đình, chùa ngày một đông. Hơn mười năm nay, kể từ mùa xuân 2003, giới văn nghệ sỹ cả nước cũng có một ngày hội riêng của mình, đó là ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào dịp Tết Nguyên tiêu, thường thì từ mùng mười Tết trở đi là các nơi bắt đầu nhộn nhịp tổ chức ngày Thơ. Đến đúng rằm tháng Giêng là cao trào của lễ hội thơ. Tất bật lắm. Rộn ràng lắm. Thi sĩ du xuân trẩy hội tìm cảm hứng thì còn gì bằng.
          Hôm nay, mười sáu tháng Giêng, hòa vào dòng người, tôi cũng du xuân trẩy hội thơ của thành phố ngã ba sông Việt Trì. Ngay từ sáng sớm, du khách thập phương và các thi nhân của đất Tổ đã nườm nượp kéo về chùa Hoa Long để dự ngày hội thơ của thành phố. Đây là đơn vị cấp huyện cuối cùng của tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày Thơ Việt Nam sau các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Lâm Thao và thị xã Phú Thọ. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh đã tưng bừng khai hội thơ cấp tỉnh hôm 13 tháng Giêng rất hoành tráng và tưng bừng rồi. Việt Trì, thành phố lễ hội và du lịch là đơn vị cuối cùng tổ chức sự kiện này. 

          Chọn Hoa Long thiền tự - chốn thâm nghiêm cửa chùa để tổ chức lễ hội thơ, đó là điều đặc biệt. Nhà chùa ủng hộ, phật tử phát tâm, du khách vãn cảnh, thi nhân gặp gỡ... Tha hồ đàm đạo thơ văn, việc đời, việc đạo. Ngôi chùa này nằm trên đồi Bạc Nội, gần ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) được tân taọ ngày 06-3-1007 (Đinh Sửu). Qua bao cuộc chiến tranh, thiên tai giặc giã, ngôi chùa bị phá hủy rồi được trùng tu, tôn tạo 3 lần vào các năm 1749, 1847, 1995 và khang trang, hiện đại, thâm nghiêm như ngày nay. Khách đến chùa khá đông. Đủ các màu sắc trang phục. Người cà vạt, comple, kẻ nâu sồng tràng hạt; người áo dài truyền thống, kẻ quần bò áo phông, người ô tô con, kẻ xe máy, người xe đạp, kẻ đi bộ... ai ai cũng háo hức, thành kính đến chùa, đến với hội thơ.
          Buổi sáng, ban tổ chức tiến hành ba cuộc thi thơ tại chỗ. Sáng tác thơ lục bát về chủ đề quê hương Phú Thọ; thi thơ Bút Tre; ứng tác thơ Đường Luật. Có quá nhiều người thử sức đua tài. Ban giám khảo phải tập hợp bài vở dành giờ nghỉ buổi trưa để chấm, trong lúc các thi nhân, du khách, con nhang đệ tử thụ hưởng cơm chay nhà chùa. Đông quá. Vui quá. Nhiều người lần đầu tiên thưởng thức cơm chay cứ vừa nhấm nháp nhai vừa gật đầu tấm tắc khen ngon. Công nhận nhà chùa tài chế biến. Nhìn các món ăn cứ như thật. Cũng giò lụa, chim quay, cũng chả chiên, thịt gà... nhưng tất cả đều được chế biến từ bột gạo và đậu phụ thì phải.
          Buổi chiều mới chính là hội thơ. Quan khách đến khá đông. Tôi thấy có cả giáo sư tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, nhà báo nghệ sỹ Bành Thông, nhà thơ Trần Nhương, đoàn văn nghệ sỹ Hà Nội, báo Người cao tuổi... Quan khách tỉnh huyện khá đông đảo. Các đội văn nghệ của thành phố lỉnh kỉnh đạo cụ, nhạc cụ, trang âm, rực rỡ xanh đỏ tím vàng của trang phục biểu diễn. Thử máy, lựa đàn so dây. Trang điểm phấn son, áo váy. Máy ảnh, camera thi nhau tranh thủ lấy góc quay, tìm thế chụp. Bên phải lối cổng vào là hai dãy pano thơ đủ sắc màu, khoe đủ các kiểu thơ, chân dung. Tay bắt mặt mừng chuẩn bị cho buổi giao lưu thơ nhạc. Ngay dưới phông chính, ban tổ chức trải mấy cái chiếu làm nơi cho nghệ sỹ, nghệ nhân biểu diễn. Đúng kiểu trải chiếu giữa sân đình, sân chùa, giữa làng để mở hội.
          Nhạc nổi lên. Trống phách tưng bừng, nhị, đàn í éo. Các tiết mục lần lượt được trình diễn. Sân chùa chật cứng người xem. Ban tổ chức đã chuẩn bị rất nhiều ghế nhựa nhưng cũng không đủ chỗ. Một số phải đứng trên hiên chùa, trèo lên cây, đứng nghển cổ lên để xem. Xen giữa các tiết mục ngâm thơ là các bài thơ được chuyển tải cách thể hiện như hát ca trù, hát xẩm, hát xoan, hát chầu văn, hát ca mới... Chi hội trưởng chi hội thơ Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đồng thời là Chủ tịch Hội VHNT thành phố Việt Trì khăn xếp áo the, guốc mộc trực tiếp gõ trống chầu cho tiết mục ca trù khai hội thật ấn tượng và đặc sắc. Nhà báo Ngô Lâm đã nghỉ hưu ôm ghi ta hát xẩm bằng chính bài thơ của mình. Nhạc sỹ Trịnh Hùng Khanh cùng các nhà giáo Chiến Quốc và hai nhà giáo nữa đều ở tuối trên 70 hát vang ca khúc về biển của Trịnh Hùng Khanh khiến mọi người cùng vỗ tay rầm rập thật khí thế. Màn hát văn sôi nổi, lôi cuốn mọi người vào cõi hư ảo của ngôn từ thi ca và chốn linh thiêng của Phật.
          Đặc biệt nhất phải kể đến tiết mục hát dân ca, ca cải lương của sư già Thích Diệu Liên. Khi MC giới thiệu sư già tham gia giao lưu, mọi người ai cũng phấn khích. Đến khi người bước ra sân khấu là một sư còn rất trẻ và rất...xinh nữa thì tất cả cùng ồ lên ngỡ ngàng. Sao bảo là “sư già” cơ mà. Nhà sư phải tươi cười giải thích rất có duyên rằng: nhà sư đã học và đỗ đạt để được gọi là sư thầy rồi nhưng vì chùa Hoa Long này đã có sư thầy và chính sư thầy này đã đào tạo nhà sư có được như ngày hôm nay nên trong giáo Phật không thể có chuyện một chùa hai sư thầy và không cho phép thầy trò bằng nhau gọi là “sư thầy” nên phải gọi chệch đi là “sư già”. “Sư già” chẳng qua là một thứ bậc trong ngạch tu hành của đạo Phật. Cho nên, tuy là sư già những tuổi còn rất trẻ. Mọi người cùng gật gù “thì ra là như thế”.
Và nhà sư bắt đầu hát. Điệu “Hát ru” dân ca Phú Thọ, sau đó là “Ngồi tựa mạn thuyền” dân ca quan họ Bắc Ninh. Tiếp đến là bài vọng cổ Tình Mẹ. Tiếng hát của nhà sư cuốn hút mọi người. Đàn sáo hòa theo. Mọi người vỗ tay cùng giữ nhịp. Không ngờ nhà sư lại hát hay đến thế, duyên dáng đến thế, chuyên nghiệp đến thế. Bị bất ngờ trước phong thái biểu diễn và giọng hát rất chuyên nghiệp và bài bản của nhà sư này, tôi như cũng mê đi cùng câu hát và ánh mắt điệu cười của nhà sư. Bụng thầm nghĩ: sao trốn đường đời để theo đường tu thế...nàng ơi! Cứ thế này liệu bao giờ mới thoát tục?
Hát xong, nhà sư lại kể về sự tích lễ Vu Lan trong việc liên quan đến bài ca vọng cổ Tình Mẹ ban nãy. Thế là thêm một lần nhà sư giảng giải về đạo hiếu. Một sự kết hợp rất khôn ngoan, rất có tình, có lý. Tiếng vỗ tay không ngớt. Nhiều tiếng “A di đà Phật” xen lẫn khiến người tôi lâng lâng. Bao nhiêu là hoa tặng cho nhà sư. Sư già Thích Diệu Liên chắp tay cúi chào khán giả và bước vào nhà chùa. Tôi nhanh chân rời ghế đại biểu bám theo nhà sư.
Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng bên thềm ngôi chùa. Nhà sư tươi cười rất duyên dáng, cởi mở trả lời rành rẽ từng câu hỏi của tôi. Có lúc tôi hỏi xoáy, cố tình khai thác những góc khuất của nhà sư nhưng sư già Thích Diệu Liên cười trả lời rất ý nhị. Qua cuộc trao đổi, tôi được biết, nhà sư Thích Diệu Liên đi tu từ năm 20 tuổi và đã ở ngôi chùa này 10 năm. Trong 10 năm đó, nhà sư đã hoàn thành khóa học trung cấp 4 năm và đang theo học đại học Phật giáo được 4 năm rồi. Tổng cộng là có tới 8 năm học về giáo lý Phật pháp. Nhà sư quê ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trước khi đi tu, nhà sư đã kịp tốt nghiệp trung cấp văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Thảo nào mà hát hay thế, đúng nhạc đến thế, chuyên nghiệp đến thế. “Lý do nào khiến nhà sư đi tu?”, tôi hỏi. Sư già Thích Diệu Liên cười ý nhị: “Hồi đó, cháu học xong trung cấp văn hóa nghệ thuật có đi giảng dạy văn nghệ cho các chùa. Thế rồi, chính nhà chùa lại giác ngộ cho cháu về giáo lý đạo Phật. Thế là tin, là theo. Nó là cái duyên đó chú ạ!”. Rồi cười. “Tết vừa rồi nhà sư có về quê ăn Tết với gia đình không?”. “Không. Sao về được. Đi tu thì chùa là nhà mà chú”. “Sư già thấy việc tổ chức ngày thơ ở chùa này thế nào?’. “Hay lắm. Tốt lắm. Thơ hướng con người ta tới cái đẹp, cái chân, thiện, mỹ. Nhà chùa cũng vậy khiến chúng sinh tới cõi tĩnh tâm, tới cái thiện, cõi bằng an vĩnh hằng. Cho nên, thơ và đạo Phật cũng có cái chung đó đó. Tổ chức sinh hoạt thi ca, hát chầu văn, ca trù, hát xẩm trước cửa chùa đầu năm mới là một sinh hoạt văn hóa rất nên làm”. Tôi gật gù tâm đắc trước câu trả lời của “sư già” Thích Diệu Liên. Câu chuyện vừa đến đó thì sư thầy gọi “sư già” có việc. Sư già cáo lỗi để đi lo công việc nhà chùa. Tôi ngẩn ngơ trước dáng đi thanh thoát, duyên dáng của sư già Thích Diệu Liên rồi tự nhiên buông một tiếng thở dài chẳng hiểu vì sao mình lại như thế.
Ngoài kia, tiếng đàn, lời hát, giọng ngâm vẫn thánh thót, dìu dặt ngân vang. Nhà thơ, khách thơ, phật tử, tăng ni... đang thả hồn mình theo những vần thơ tỏa lan trong gió. Biển đảo và Tổ quốc bình yên, tự tại, thiêng liêng như ngôi chùa cổ kính trong cõi Phật trầm tư không không sắc sắc này. Thi sĩ ơi! Có cảm hứng nào đến và thăng hoa trong anh, trong chị chưa? Hãy cứ thành tâm trước cửa chùa này, nhìn sư già Thích Diệu Liên thanh thoát kia chắc chắn nàng Thơ sẽ đến. Khai bút đi! Viết đi! Hãy viết những câu thơ về đất nước, về con người, về tình yêu, về tự do và hạnh phúc cho bình yên mãi mãi vĩnh hằng trên quê hương chúng ta...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét