Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

NỒNG SAY XOÈ THÁI MƯỜNG LÒ


alt
          Từ lâu, tôi đã ao ước được một lần đến với Mường Lò, với thị xã Nghĩa Lộ để được hoà mình vào những điệu xoè của các cô gái Thái, được trèo lên cây chè Shan tuyết ngàn tuổi, uống thứ chè đặc biệt đó ngay dưới gốc cây của nó ở độ cao ngàn mét trong mây. Rồi bao thứ đặc sản cùng những huyền thoại nơi đây nữa như hút hồn tôi lên với Mường Lò. Và dịp may hiếm có ấy cũng tới. Nhóm hợp tác phát triển văn học nghệ thuật 8 tỉnh (gọi tắt là VN8) gồm Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La và Yên Bái (do Yên Bái đăng cai) đã tổ chức một cuộc hội thảo về “Văn học nghệ thuật với công cuộc xây dựng nông thôn mới” ngay tại thị xã Nghĩa Lộ. Thế là “cầu được ước thấy”, tôi lại rong ruổi lên Tây Bắc, đến đúng nơi tôi đang mơ tới - Mường Lò.          
          Nói tới Mường Lò, người ta luôn nhớ đến một vùng đất sơn thủy hữu tình, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá Thái. Đây là vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc. Tôi được biết “mường” là đơn vị cư trú của người Thái. Ở Tây Bắc ó 4 mường nổi tiếng, đó là: Mường Then (hay Mường Thanh - Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Trong 4 mường đó thì Mường Lò lớn thứ hai: 29,66 cây số vuông. “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” chính là thế. Nơi đây khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, tài nguyên nước có trữ lượng lớn. Thị xã Nghĩa Lộ nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò ấy. 17 dân tộc anh em với hơn 27 ngàn người cùng sinh sống trên mảnh đất này, trong đó nhiều nhất là người Thái (44%).

         Từ thành phố Việt Trì, qua cầu Phong Châu vượt sông Hồng, theo quốc lộ 32 chúng tôi lên với Mường Lò. Qua Tân Sơn, huyện miền tây của tỉnh Phú Thọ, sang Văn Chấn của tỉnh Yên Bái, đường núi cao vực sâu “oằn tà là vằn” ngoằn ngoèo đèo dốc khiến người người vững bóng vía cũng phải say nôn thốc nôn tháo vì những cua tay áo. Sau mấy chục cây số đường đèo như thế bất chợt ùa ra trước mặt tôi một khoảng trời thênh thang vỡ oà ra trước mặt. Mường Lò đây rồi! Tôi giữ chặt vô lăng và thầm kêu lên khe khẽ như vậy. Thảo nào lúc nãy, từ trên cao nhìn xuống, phía trước mặt tôi như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ. Thì ra đó là Mường Lò. Nghe nói mùa xuân, sương mù càng đậm đặc hơn. Mê mải ngắm những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang, tôi như lên đồng khi bắt gặp những người con gái Thái duyên dáng đang gặt lúa. Và kia, con suối Nậm Thia vắt ngang thung lũng vẽ một nét lụa mềm uốn lượn càng làm cho cánh đồng Mường Lò đẹp như tranh.

alt           Nhà thơ Hiền Lương - Phó chủ tịch Hội VHNT Yên Bái đã có lần nói với tôi: “Mùa nước lớn lòng suối Nậm Thia rộng tới cả trăm mét đấy. Cậu có biết “thia” là gì không? Không hả? Thia - tiếng địa phương có nghĩa là nước mắt đấy. Truyền thuyết kể lại rằng: ngày xửa ngày xưa, có một cô gái xứ này yêu say đắm một chàng trai miền xuôi. Khi chàng trai về xuôi không trở lại, cô gái đã ngồi khóc một mình. Khóc, khóc mãi, nước mắt của cô chảy thành dòng suối. Đó là suối Nậm Thia ngày nay. Không biết có phải ngẫu nhiên không mà cách cầu Thia chừng 50 mét về phía Nam, trên đường từ Nghĩa Lộ ra suối Thia còn có ngòi Bùa nữa nhé! Cậu nên lên đó lấy một lần đảm bảo ra thơ ngay”. 
          Qua điện thoại, tôi lặng yên nghe anh Hiền Lương say sưa giới thiệu về vùng đất con người nơi đây. Nhà thơ kể chuyện truyền thuyết thì còn gì bằng. Câu chuyện ấy đã đầy chất thơ rồi, giờ nghe anh kể lại càng thơ hơn. Tôi đang lên Yên Bái, đang lên với anh đây. Cảnh đẹp thế kia, không khí trong lành thế ấy sao mà không thơ được cơ chứ? Thơ quá đi chứ lỵ! Khô khan như tôi, chưa được xoè mà suýt nữa những câu thơ cũng chạy ra khỏi đầu nữa là.
           Tôi được biết ít có nơi nào ở Việt Nam, người Thái còn giữ được nhiều nét văn hoá của cha ông như ở Mường Lò. Từ nếp nhà sàn với biểu tượng khau cút, đến nghề dệt thổ cẩm cùng trang phục truyền thống và phong cách ẩm thực. Từ các lễ hội độc đáo, những điệu khắp (hát, ngâm) trữ tình đến những điệu khèn, pí da diết. Từ những vòng xoè nồng say đến các thiên truyện thơ nổi tiếng. “Xống chụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu) là thiên truyện thơ được các nhà nghiên cứu đánh giá là “thiên truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người”. Rồi xôi ngũ sắc, vải thổ cẩm; rồi hoa ban, rồi lại nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò nữa... Tất cả đã thành danh, như những viên ngọc quý, được mài dũa, lung linh toả sáng muôn mầu.
           Nhưng với tôi, trong chuyến đi này, háo hức nhất vẫn là những điệu xoè. Chỉ nghe kể, đọc sách báo, xem vô tuyến thôi đã mê lắm rồi. Được “mục sở thị” thì còn gì bằng. Đến với Mường Lò là đến với các điệu xoè. Đây là cái nôi của 6 điệu xoè cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu xoè nổi tiếng. Chưa được “xoè” là chưa đến Mường Lò. Ngày trước, tôi rất mê độc tấu ghi ta bản “Inh lả ơi” - một điệu xoè của người Thái. Hễ cứ cầm cây đàn lên là tự nhiên tay tôi dạo luôn giai điệu bài hát ấy. Chỉ có mấy câu nhạc thôi mà nhạc sỹ Tôn Đại đã soạn cho ghi ta mấy khúc biến tấu liền. Khúc thì tưng bừng nhộn nhịp, khúc lại sâu lắng, thiết tha. Âm hưởng núi rừng và vũ điệu tưởng tượng của tôi về các cô gái Thái cứ lung linh trong đầu tôi. Thế mà mãi tới tận bây giờ, sau mấy chục năm tôi mới có dịp được về đúng vùng đất sinh ra điệu dân ca dân vũ ấy. Vì vậy, chuyến này tôi quyết phải được tận mắt ngắm, tận tay cầm tay các cô gái Thái cùng uyển chuyển trong điệu xoè mới được. Ngần này tuổi đầu rồi, đang trên đường lên Mường Lò, chưa gặp các em đâu mà tim tôi cũng đã loạn nhịp rồi đấy, “Sao noọng ời”!
         Hai nhà thơ Nguyễn Ngọc Chấn và Hiền Lương - chủ tịch và phó chủ tịch hội liên hiệp VHNT Yên Bái cùng cán bộ văn phòng hội tiếp đón chúng tôi rất niềm nở thân tình. Sau khi ổn định chỗ nghỉ tại khách sạn Mường Lò, chúng tôi kéo nhau vào bản Đêu (xã Nghĩa An) cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ khoảng 3 cây số để ăn tối và xem múa xoè. Tôi háo hức vô cùng vì chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi.
          Đêm thu, cuối tháng tám, trời đầy sao. Sương rơi lành lạnh. Núi rừng thâm u càng kích thích trí tò mò của tôi. Quả nhiên, vào tới bản, tôi thấy không khí cho đêm hội xoè đầy bí ẩn mời gọi. Các cô gái Thái trong trang phục dân tộc ngày hội, áo chẽn trắng, hàng khuy bạc trên thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy dài thướt tha chạy đi chạy lại bên những vò rượu cần đôi mắt lúng liếng mời khách. Họ mời bằng những câu hát thế này: “Ly rượu đầy như tấm lòng không bao giờ vơi/ Anh có muốn làm quen/ Anh hãy uống cạn ly này/ Một ly là để em chào/ Hai ly là để làm quen/ Em không biết hát/ Em hát không hay/ Em vẫn hát mời anh ly rượu này/ Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy/  Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo”. Không uống không được. Uống và hát, và đọc thơ. Hay hay không hay đều được thưởng bằng những chén rượu. Hai cô gái Thái đứng hai bên tay nâng chén rượu “thưởng” “bắt” người hát, người đọc thơ phải cạn chén. Và tôi đã cạn ly rượu đó cùng với ánh mắt chứa chan, lonh lanh mời gọi của cô gái Thái lần đầu gặp gỡ.
         Sau màn giao lưu hát, thơ, rượu là đến màn nhảy xoè.  Các cô gái hát mời mọi người rồi cầm tay từng người chúng tôi đến nhảy xung quanh đống lửa. Vẫn giọng hát tình tứ “Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng/ Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em/ Đừng để em cô đơn một mình...”. Rồi thì “Không xoè không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ”, “Không xoè trai gái không thành đôi”. Tôi cố tranh thủ nhớ, tranh thủ ghi lại lời của những câu hát giao duyên tha thiết ấy và cũng hoà vào vòng xoè. Mới đầu, tôi còn lóng nga lóng ngóng, ngượng nghịu nhún nhảy dẫm bước lung tung, sau rồi trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng rộn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha và những ánh mắt ngời sáng của các cô gái Thái đã làm không những chỉ cho tôi mà còn cho bao người khác nữa tự tin hơn, gần gũi nhau hơn. Tất cả như bị cuốn vào vòng xoè. Vòng xoè ngày một đông lên, lúc tản ra, lúc chụm lại. Ánh lửa bập bùng soi rõ nhưng khuôn mặt hồng hào vì men rượu hay men tình tôi cũng không rõ nữa. Đến lúc này tôi mới thực sự cảm nhận hết những khúc biến tấu đầy âm hưởng núi rừng của bản nhạc soạn cho độc tấu ghi ta của nhạc sĩ Tôn Đại. Người tôi lâng lâng như bay lên theo những điệu xoè.
         Càng về khuya, tiếng đàn, lời hát, điệu xoè như càng quyện vào nhau hơn và những cái nắm tay càng chặt hơn, bước chân càng uyển chuyển hơn. Lần đầu tiên được “xoè” khiến tôi ngất ngây. Giá đêm nay có em ở đây cùng nắm tay nhau mà “xoè” thì vui biết mấy. Giá đêm nay có trăng mà tắt hết những bóng đèn cao áp trên sân kia để được tận hưởng không khí hoang dã của núi rừng thì hay biết mấy. Chỉ còn lại con người với nhau, con người với lửa cùng tiếng nhạc, lời ca thì mới khoái. Dẫu sao cũng là một đêm xoè ấn tượng không chỉ với tôi mà với bao người lần đầu đến với Mường Lò, đến với Nghĩa Lộ. Trằn trọc mãi tôi vẫn không sao ngủ được. Người tôi bồng bềnh trong mơ. Tiếng cồng, chiêng, tiếng khèn sáo vẫn văng vẳng bên tai. Và ánh mắt em, cô gái Thái cứ ngời ngời đong đưa đâu đó. Tôi vẫn đang lạc giữa vòng xoè đây Mường Lò ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét