Chỉ còn ít ngày nữa là đến rằm
Trung thu. Không khí Tết Trung thu đã tràn ngập khắp mọi nơi. Đi đến đâu cũng
thấy các cửa hàng cửa hiệu bày bán đủ các thứ bánh kẹo, đồ chơi. Nào Kinh Đô, Hữu
Nghị, nào Bibica, Thăng Long... tất cả cứ đỏ rực cả đường phố. Mẫu mã lại đẹp và
sang quá. Đồ chơi được dịp cũng khoe sắc, đua màu. Đường làng, ngõ xóm tấp nập
những xe chở hoa quả ra chợ, ra phố. Và thời tiết thì kỳ lạ lắm. Mới mưa bão ầm
ào mấy hôm trước thế mà bước sang tháng trung thu bầu trời bỗng dưng cao xanh hẳn
lên, nắng vàng ươm như rải mật. Đêm về sao giăng kín trời. Mảnh trăng đầu tháng
lấp ló đầu thôn như mời gọi lũ trẻ đi họp đội thiếu niên, tập nghi thức, tập đánh
trống ếch để đón rằm trung thu. Tôi cũng ngẩn ngơ trước khung cành thanh bình và
nên thơ quá đỗi ấy và cũng mong trung thu biết chừng nào.
Ngày
xưa, không khí trung thu đâu có rộn rã sớm như thế này. Chợ thì có phiên. Mãi
phiên chợ giáp rằm người ta mới mua bán các thứ cho ngày Tết trung thu. Trẻ con
háo hức có chăng thì từng nhà một. Thôi thì cố làm cho được cái đèn ông sao. Bố
cùng con, ông cùng cháu chẻ tre, vót nan, tìm giấy bóng đủ sắc màu để làm đèn. Đâu
chỉ có đèn ông sao, còn nhiều thứ đèn khác nữa tuỳ vào sự khéo tay của mỗi người.
Đèn con cá, đèn con thỏ, đèn lồng... Dù là đèn gì đi nữa thì dứt khoát nhà nào
cũng phải có chiếc đèn ông sao. Dạo đó không có tiền mua nến, tôi còn gom nhặt
hạt bưởi, bóc vỏ, xâu thành chuỗi với nhau phơi khô để cắm vào đèn đốt thay nến.
Những nhà có điều kiện thì làm đèn kéo quân. Hôm đốt thử đèn kéo quân cả bọn trẻ
trong xóm xúm xít lại xem, trầm trồ xuýt xoa trước sự kỳ lạ của những bóng hình
đang chạy mờ mờ ảo ảo bên trong. Thằng bạn tôi được bố nó làm cho cái đèn kéo
quân đó hãnh diện lắm, mặt nó cứ vênh lên cùng ánh trăng.
Cả
làng, cả xóm, ngoài thời gian người lớn ra đồng, trẻ con đi học, đi chăn trâu,
cắt cỏ, tranh thủ trưa hay chiều muộn là nhà nào nhà nấy, cha nào con nấy, ông
nào cháu nấy hí hoáy làm đèn ông sao, làm các đồ chơi cho Tết Trung thu. Háo hức
lắm. Rộn ràng lắm. Âm thầm nhưng quyết liệt, ganh đua ra phết. Đứa nào cũng muốn
đèn của mình sáng hơn, đẹp hơn.
Cỗ
trung thu ngày đó cũng đơn giản. Chủ yếu là hoa quả trong vườn. Ngay từ đầu tháng,
mẹ tôi đã hạ buồng chuối tiêu già vào để dấm, vặt những quả hồng tròn xoe xinh
xinh như quả trứng để ngâm. Tính toán dấm ngâm thế nào để đến đúng rằm thì vừa độ.
Rồi thì bưởi, thì na. Nào là ổi, là nhãn cuối vụ... Hình như bao nhiêu loại quả đều đợi đến mùa thu để chín. Khí trời, lộc đất,
hơi sương, cả mồ hôi, công sức người làm vườn đều quyện vào nhau dâng cho đời
những hoa thơm trái ngọt. Hoa quả ngày đó đều là hoa quả sạch, không dấm chất
hoá học, không dùng chất kích thích như bây giờ. Bây giờ hoa quả nhiều thật đấy,
ngoài bắc, trong nam, Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí cả Mỹ đều có cả nhưng sao
vẫn cứ thấy ghê ghê. Mẫu mã đẹp đấy, trông ngon lành hấp dẫn đấy nhưng lo lắm. Ăn
vào ngộ độc như chơi. Thì khối vụ đã được đài báo đưa tin cảnh báo đấy là gì.
Tết
trung thu xưa là Tết của trẻ con. Trung thu bây giờ đã ít nhiều bị biến dạng thành
Tết của người lớn. Vật chất thừa thãi nhưng tôi cứ có cảm giác như thiêu thiếu
một cái gì đó rất khó gọi thành lời. Trẻ con không háo hức như chúng tôi xưa.
Phố xá, chợ quê đầy rẫy những bánh kẹo, đồ chơi trung thu nhưng trong mỗi gia đình
thì không khí trầm lắng lắm. Chẳng thấy bố con, ông cháu rủ nhau chọn tre, tìm
giấy màu ngồi cả trưa, cả chiều để làm đèn ông sao, đèn kéo quân nữa. Chẳng thấy
bà, thấy mẹ giục dấm chuối, ngâm hồng cho rằm trung thu đâu nữa. Thì tất cả đã
bày chan chan
ra ở ngoài phố, ngoài chợ kia còn chuẩn bị làm gì? Mai rằm, hôm nay ra chợ là có
tất cả. Người ta còn mải kiếm tiền. Có tiền là có tất cả huống chi là rằm Trung
thu (!) Bởi thế chăng nên lũ trẻ bây giờ cũng có vẻ dửng dưng với Trung thu?
Đồ chơi thì
nhiều, mẫu mã thì lắm nhưng trò chơi thì ít quá. Đâu rồi bịt mắt bắt dê, trốn tìm
đuổi nhau trong những đêm trăng thanh bình ở xóm? Đâu rồi kéo co, đâu rồi trận
giả? Chỗ chơi cũng hiếm lắm. Đến bãi cỏ, đất trống cũng chẳng có để mà chơi. Đá
bóng trên vỉa hè. Thả diều chạy trên đường phố. Thôi thì chơi điện tử, đánh “chít
chát” vậy. Thôi thì siêu nhân bắn nhau
phụt khói, toé lửa... Hiếm nghe thấy tiếng trống ếch tùng ring ring trong làng
của những đêm tập nghi thức chuẩn bị đón rằm. Trung thu đến nơi rồi ban ngày rộn
rànng vậy mà sao đêm đến lại im ắng thế? Trăng một mình cứ bơi chơi vơi. Trời đầy
sao mà vẫn buồn man mác.
Trung thu cho
người lớn. Bánh kẹo nhiều nhưng mấy trẻ nghèo có được những hộp bánh hàng trăm
ngàn, hàng triệu bạc đó. Người ta lợi dụng Tết Trung thu để biếu xén, quà cáp.
Trẻ nhà nghèo nhìn những hộp bánh đó chỉ mà mơ...
Thương quá những
chiếc bánh tẻ, bánh dợm, những cái kẹo lạc, kẹo vừng, những bánh đa, bánh đúc
quê mùa ngày xưa! Yêu lắm chiếc đèn ông sao, những đồ chơi do chính tay ông bà,
cha mẹ làm cho đêm rước đèn, phá cỗ! Trăng vẫn vằng vặc sáng như xưa nhưng sao
cao và xa đến vậy? Giữa đủ đầy về vật chất mà Trung thu vẫn cứ chênh chao, chênh
chao... Có lẽ, tôi thành người cả nghĩ mất rồi! Thì thế, trung thu vẫn cứ về
kia thôi. Chợt văng vẳng bên tai tôi tiếng trống ếch thì thùng, tiếng trẻ con hô
“mốt hai mốt” và dòng đèn ông sao đang trôi trong đường làng ngõ xóm trước mắt
tôi. Tự nhiên, tôi bật kêu lên khe khẽ: “Ơ kìa! Trung thu! Trung thu đã về!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét