Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

ĐẾN THÁC PHÚ CƯỜNG GẶP HOA NHÃ MY NHỚ XUÂN THU

    alt      Chúng tôi có mặt ở thác Phú Cường sau gần một giờ chạy xe máy xuất phát từ thành phố Pleiku. Đây là một địa điểm du lịch khá lý tưởng ở Gia Lai với ngọn thác cao hơn 40 mét với cột nước trắng xóa dội từ trên cao xuống dòng suối bên một bãi đá tự nhiên rất đẹp. Và đây cũng là nơi nhà thơ Đỗ Xuân Thu đã tìm ra một loài hoa mà theo như anh kể, nó tựa như chiếc lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm ngày trước vậy.
          Thì đây, bên dòng thác đang ầm ầm trút nước kia, chúng tôi ngồi trên những tảng đá to và nhẵn dưới tán cây sung cổ thụ, trên tay là tập thơ thứ sáu vừa mới ra lò của anh. Chả là cách đây mấy hôm, trong lúc tôi đang chìm trong giấc ngủ muộn khi mà cơn mưa ngoài trời đang quất te tua những bụi chuối bên nhà thì bỗng choàng tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại. Vừa mắt nhắm mắt mở, tôi vừa cằn nhằn không biết thằng cha nào lại điện thoại vào giờ này. Phía bên kia đầu dây là tiếng Xuân Thu thì thầm khe khẽ như sợ ai nghe thấy nhưng vẫn không dấu được nỗi vui mừng, bởi nghe…run lắm. Tiếng được tiếng mất, tôi cứ ậm ừ cho qua chuyện rồi gác máy và kéo chăn trùm đầu ngủ tiếp. Đến trưa hôm sau tôi mới chợt nhớ tới cú điện thoại này. Tức thì gọi lại cho anh và mới vỡ lẽ. Thì ra anh gọi điện khoe tập thơ “Bờ tre cuốc gọi” đã in xong và anh đã gửi cho chúng tôi, tức là 5 thằng trong cái nhóm “ngũ quỷ” mà có dịp tôi sẽ giới thiệu đầy đủ từng tên một. Và cái điều quan trọng là trong tập thơ này có bài Hoa nhã my mà anh viết trong một lần anh đã đến thác Phú Cường vào dịp hè năm ngoái. Vì thế anh điện nhờ tôi báo tin cho 4 tên kia và phải kéo chúng tới ngọn thác đó cùng với tập thơ chụp cho anh một kiểu hình làm kỷ niệm. Ôi giời bác Xuân Thu ơi, có thế thôi mà nửa đêm về sáng bác phải đánh thức em dậy, có gì thì để sớm mai sáng sủa đàng hoàng báo tin cho nó dõng dạc chững chạc có hơn không, sao lại phải nhẹ nhàng khẽ khàng nửa đêm cứ như là đi buôn bạc giả thế bác. Ấy không được chú ạ, không thể kìm hãm được nên cứ phải “sướng” ngay cho nó…sướng! Xuân Thu là thế. Cứ có cái gì mới, cái gì hay là ngay lập tức điện thoại hoặc nhắn tin báo liền. Nửa đêm cũng điện, sáng sớm tinh mơ đã nhắn tin. Chăm vào blog thế hèn gì cái tên Xuân Thu hay Chõe bò vào trang nào cũng thấy.
   alt                  Đỗ Xuân Thu viết như “lên đồng” (chữ của nhà thơ Văn Công Hùng). Chỉ cần nhìn vào phần giới thiệu tác phẩm của anh trên tập thơ cũng thấy sức viết của anh đáng nể đến mức nào. Trong vòng 14 năm từ 1998 đến 2012 anh cho ra lò 14 đầu sách. Thơ có, truyện ngắn có, rồi cả tiểu thuyết nữa. Như thế là trung bình cứ 1 năm anh có 1 đầu sách. Đấy là chưa kể những bài báo, bút ký, ghi chép đăng rải rác trên các báo, tạp chí sau mỗi chuyến đi về của anh. Xuân Thu thường viết về đêm (đấy là tôi đoán thê) bởi nhớ lại cái đận hè năm ngoái, sau khi đi thác Phú Cường về, anh ghé ngủ lại ở nhà tôi. Chiều bữa đó có 4 anh em quất gọn 1 chai Chivas, ai cũng mèm vì rượu ngon và vì đi về mệt nên đặt lưng là ngáy. Thế mà nửa đêm anh vẫn dậy kỳ cạnh gõ phím và lay tôi dậy cùng để hỏi chuyện về hoa nhã my. Câu chuyện Sự tích hoa nhã my ra đời từ đêm đó, và cũng từ đó tôi quen với việc “bị” nghe điện thoại của anh lúc nửa đêm khi mà anh vừa gõ xong một cái gì đấy tới tận bây giờ. Ngay cái tập thơ “Bờ tre cuốc gọi” mà chúng tôi đang cầm trên tay lúc này đây cũng là tập thơ mà Xuân Thu đã đem cái sự viết đêm vào trong đó. Ấy là những giấc mơ. Những giấc mơ về một tình người, một tình yêu vĩnh cửu. Những giấc mơ về cái nhân tình thế thái mênh mông mà hiện hữu, thực mà như vô. Ngay cả cái chuyện anh cố tình sắp xếp để bài “Nóc nhà Tổ quốc” lên trang đầu của tập thơ cũng không thể giấu được cái ham muốn, cái khát vọng đến đắm say của anh trong một tình yêu có thực. Không hề nói quá nếu bảo rằng Đỗ Xuân Thu là con người “đa tình”. Anh có thể làm bất cứ ai khi tiếp xúc với anh đều có thể nhận thấy ở anh có một điều gì đấy thật gần, thật thân quen. Anh cứ miên man trong cái tình người  mênh mang mà gần gụi như thế; anh cứ đam mê đến đắm say trong những câu thơ về tình yêu, về cuộc đời này qua cái lăng kính của một kẻ đa tình hòng gom hết những con chữ về mình để thỏa cái nỗi niềm riêng trong cái chung của thế sự, mà ngỡ buông ra là anh có thể gục ngã không thể nào gượng nổi. Chả thế mà tuy xa nhau là vậy nhưng lòng thì không cách, dăm ba bữa là anh lại hỏi thăm viết ra sao rồi, có gì mới không, hoặc đơn giản chỉ là khoe một cái gì đó anh vừa mới viết xong.
         Con đường để Đỗ Xuân Thu đến với văn chương không hề dễ dàng. Nhưng hình như chính nhờ những cái không dễ đó mà để bây giờ anh đã tìm thấy bến đỗ của mình. Những con chữ đã neo đậu anh, níu kéo anh, thậm chí ràng buộc anh để ngấm vào anh trong từng trang viết. Có thể nhận thấy rõ ở trong đó là hơi thở của từng viên đất, của dòng nước ngọt từ con sông Lô quê anh chở nặng phù sa cho cây lúa thêm xanh, cho đàn cò tung cánh…rồi điệu hát xoan, hát ghẹo miền trung du nơi anh sinh sống cũng đã lẫn vào trong thơ anh để nặng thêm tình thương yêu ruột thịt. Cái chất trữ tình của dân ca vùng trung du Bắc bộ cùng với sự ưu tư của chàng thi sĩ đa tình nặng lòng với thời cuộc đã làm nên một Xuân Thu như thế. Tuy còn chút gì đấy của vài con chữ chưa được sáng và đẹp, còn mang nặng tính “gia trưởng” của thể thơ vần điệu, tức là chưa vượt qua được cái ‘phá cách” như nhiều thể loại thơ hiện nay, nhưng ý tứ và tình yêu của Xuân Thu gửi vào trong đó thì vẫn luênh loang tựa vầng trăng mười sáu bên ngọn thác Phú Cường ngày nào, nơi anh đã gửi hồn ở đó cho một tình yêu nhã my bất tận.

                                                          Gia Lai mùa mưa 2012
                                                              Nguyễn Minh Tuấn



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét