Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

ĐA TÌNH CUỐC GỌI BỜ TRE


 
ĐA TÌNH CUỐC GỌI BỜ TRE
(Đọc “Bờ tre cuốc gọi” của Xuân Thu)
         
                                                                                 Trần Nhã My

 Thác Phú Cường nơi khởi nguồn của bìa thơ hoa Nhã My trong tập thơ Bờ tre cuốc gọi. Ảnh: Nguyễn Tú

Đọc hết 57 bài thơ trong tập thơ Bờ tre cuốc gọi của tác giả Xuân Thu (NXB Hội nhà văn-2012) tôi mới hiểu vì sao tác giả chọn cái tên khắc khoải, đau đáu niềm thương ấy cho tập thơ thứ 6 của mình. Tiếng cuốc kêu phía bờ tre kia là tiếng cuốc gọi bạn, tiếng cuốc gọi người yêu, gọi những cuộc tình đã xa và gọi cả những nỗi niềm của tác giả đang oằn vật trong nỗi nhớ chia lìa.
Tình bạn, tình yêu trong trắng của tuổi xanh, tuổi hoa niên thời cắp sách mới đẹp làm sao! Nó ăn sâu trong tâm trí, theo ta suốt cuộc đời, không thể nào quên. Lâu lâu lại nhói lên khi nhìn thấy chùm phượng vĩ “Em ngước nhìn tôi run run chùm phượng vĩ/ Tôi ngây người dại tê trong ý nghĩ” (Tiếng gọi “Anh” đầu đời) hoặc nghe thấy tiếng ve là lòng như sững lại, nghẹn đắng“Rủ nhau trốn học bói hoa/ Sân trường ngày ấy như là cõi thiêng” (Bói hoa), “Sững sờ ve nghẹn tiếng rơi/ Bói hoa ngày ấy tả tơi nát nhàu”. Cánh bằng lăng tím thẫm kia cũng là chứng nhân cho tình yêu đầu không thể phôi pha. Sao mà Tím thế bằng lăng ơi! “Phút yêu đầu còn trinh nguyên mãi mãi/ Áo trắng sân trường mực tím nhuộm màu hoa” (Tím thế bằng lăng ơi!) “Chỉ bằng lăng vẫn nồng nàn da diết/ Hẹn hè về tím biếc khôn nguôi…”. Người giờ nơi đâu để tôi một mình khản giọng tiếng cuốc kêu thế này? ““Cuốc cuốc”… khản giọng tàn hơi/ Người ơi! Nghe thấy một lời thì thưa?” (Bờ tre cuốc gọi), “Cơn cớ gì mà gọi mãi tên nhau” (Có nhưng nỗi buồn). Gọi mãi, gọi mãi tên nhau thế này cuốc ơi…  “Không em ướt ở phía này/ Không em lạnh ngắt những ngày cuối năm” (Mưa cuối năm).


Những cuộc rong chơi, những chiều hò hẹn cùng cô hàng xóm cũng nào có dễ gì quên! Phút yêu đầu cùng cô bạn học với cánh bằng lăng tím đến suốt cả cuộc đời thì cô hàng xóm với cái đuôi gà ngúng nguẩy, hoa xoan rắc lấm tấm trên đầu cũng đeo đẳng mãi trong lòng. “Hoa xoan lấm tấm mái đầu/ Đuôi gà ngúng nguẩy qua cầu theo anh” (Hoài niệm hoa xoan) rồi kết cuộc “Còn anh tơi tả hoa xoan/ Khẳng khiu năm tháng góc làng sầu đông”. Em còn nhớ không, những buổi mình đi bắt bướm. Đom đóm bay, như bay cả vào trong lòng anh, ánh sáng lập lòe chảy thành dòng nỗi nhớ. Đã mấy mươi năm trôi qua anh vẫn tìm em “Tìm em sao chẳng thấy/ Bốn bề đom đóm bay…” (Đom đóm). Em ơi có biết không“Chỗ em xưa bây giờ lạnh ngắt/ Mưa hắt, gió lùa, trống hoác, mong manh” (Đoản khúc một chiều mưa) “Em ở nơi nào có kịp trú mưa không?”. Lại là tiếng cuốc kêu thản thốt, kêu vào cõi hư không!
Chắc tại trời cho cái tính đa tình nên đi đâu, làm gì tác giả cũng tình. Ngay cả đi chùa “Chắp tay mà mắt liếc ngang/ “A di đà…” lại vấp quàng lời yêu(!)” (Đi lễ chùa) “Người ta cầu nguyện bao nhiêu/ Còn tôi chỉ dám một điều ước thôi/ Rằng khi hội đã tan rồi/ Phật ơi! Ban phúc để tôi có nàng…” Nàng đâu mà lắm thế! “Cầu may theo mẹ lễ chùa/ Cớ sao em lại bỏ bùa người ta” (Bỏ bùa) “Biết là cau chát, trầu cay/ Mà sao  vẫn ước cầm tay bỏ bùa”. Không thể đoán được hai cô gái trong hai bài thơ trên là hai hay là một. Chỉ có tác giả mới là người biết rõ (nhưng khó có thể là một). Và… không biết trong đời tác giả đã đi chùa bao nhiêu lần?! Để rồi “Từ buổi gặp em tôi lạc giữa cơn mê/ Hồn vía bay đi chỉ còn lênh phênh xác/ Cõng một chữ Yêu lê bước tìm nhan sắc/ Thăm thẳm đường đời, xa lắc một miền Em…” (Nhan sắc ơi!) như một nhà sư khất thực, anh đi tìm tình yêu!“Ai bắt mất hồn mà quên quên, nhớ nhớ/ Bảy vía đâu rồi? Bảy vía của tôi ơi” (Đứng ở đằng xa). Tiếng cuốc kêu lúc này như tiếng cầu hồn gọi vía cho mình trở về với chính mình vậy.
Cũng bởi cái tính đa tình nên chỉ một vài cái cuốc bộ qua đường cũng vấp phải tình. “Người đâu xinh quá là xinh!/ Đường Tăng khéo cũng bỏ kinh theo nàng” (Ngẫu hứng qua đường) “Mê em quá… để đất trời cũng ghen”. Nói chi đi qua đường, ngồi nhà xem ti vi cũng “vướn” “Thèm giọng nói của em, thèm ánh mắt nụ cười/ Em hiện ra giữa màn hình – cô Tấm/ “Thưa quý vị và thưa các bạn!”/ Tôi ngây người hình như cả “Thưa anh!”” (Tìm em trên sóng) “Em vừa đây mà đã biến đi rồi?” “Trơ màn hình và trơ khấc một tôi”. Và cuốc lại kêu “Lũ cuốn hết hồn tôi về phương ấy/ Bỏ lại nơi này sau hoắm vực-không em” (Không em).
Ngay cả cái gặp lần đầu tiên của người xứ xa đến, làm tác giả cũng lưu luyến đến nỗi“Em mang nắng trời Nam rải vàng thu đất Bắc/ Để heo may hờn dỗi bỏ đi rồi” (Em và nắng mới). Đến rồi đi, đi rồi đến dẫu là trong mộng “Em đã bỏ tôi ngay giữa dòng đời/ Thì xin em đừng về trong mộng nữa” (Xin em đừng về) để anh thức trắng đêm đêm mà nghe“Tiếng còi tàu như cật nứa mong manh/ Chuốt lẹm đêm thành rãnh khuya tứa máu/ Con quỷ đói rọi mắt đèn hau háu/ Giằng em về hun hút phía không anh…” (Tiếng còi tàu).
Chỉ một tiếng “ứ… ừ” của người yêu cũng làm anh thao thức trắng đêm “Ứ ừ…!” em bắt đền anh/ Bỗng dưng thao thức đêm thành trắng đêm” (Đền em). Có lẽ người yêu ấy ở xa xôi nên khó có dịp gần gũi mà dỗ dành mỗi lúc người yêu dỗi. Thế nên khi cô ấy bắt đền thì anh xin đền tất tần tật “khi nào trắng tay” thì thôi. Cuốc kêu thấu nỗi chia lìa, dù xa nhau nhưng trong lòng mỗi người vẫn thầm mong mãi có nhau.“Không phải “kẻ ở, người đi” mà cùng bay về hai phía/ Kẻ Bắc, người Nam biền biệt phương trời” (Có một cuộc chia ly) “Có một cuộc chia ly chẳng bao giờ xa mới lạ/ Họ mãi trong nhau một cõi đi về…”
Dù rằng“Gặp em lúa đã làm đòng/ Trời ơi! Thắt đáy lưng ong đâu rồi?” (Ru chay) “Thôi về khâu những giấc mơ/ Vá lành mảnh gió mà chờ ru chay” Tình sao mà lắm! Biết em đã có nơi rồi mà sao vẫn cứ…  “Mặc em con bế con bồng/ Thì tôi vẫn cứ một lòng theo em” (Người đến sau). Khi tình yêu không thành thì mình anh ôm nỗi khổ “Em giờ ở phía thương yêu/ Bỏ tôi ngày cũ rong rêu tím bầm” (Đêm qua), “Nằm , ngồi, sấp, ngửa trơ trơ/ Xoay ngang, trở dọc vẫn thừa một tôi” (Chiếc giường đôi).
Dù có những trắc trở trong tình yêu, dù cuốc kêu đau thương đến như thế nào đi nữa tác giả vẫn có cái nhìn lạc quan “cuối con đường nắng lên chờ em đến” “Em đem tình yêu, mùa xuân/ Kết thành bài ca hạnh phúc/ Đất trời hân  hoan rạo rực/ Từ đây vang ngân, vang ngân…” (Em đến). Bài thơ Em đến cũng là bài cuối cùng kết thúc tập thơ, có phải ngẫu nhiên hay cố ý của tác giả? Nhất định em sẽ đến! Cuốc kêu đau thương khắc khoải đêm đêm, kêu đến ai cũng thấy tội nghiệp thế cơ mà!
Gấp lại tập Bờ tre cuốc gọi ta vẫn cứ như đang ngậm một viên kẹo mút với đủ các hương vị ngọt ngào, đắng chát, chua cay. Như thấy hiển hiện mồn một những đêm trắng của tác giả. Như nghe tiếng cuốc kêu khắc khoải phía bờ tre. Như ngửi thấy mùi hương hoa xoan phảng phất. Và… như có một vòng tay dang rộng đâu đây… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét