Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

TRỞ LẠI HUẾ THƯƠNG


          Sau 16 tiếng đồng hồ quăng quật trên đường, đúng 19 giờ 30 phút ngày mùng 2 tháng tư năm 2012, tôi đã đặt chân đến thành phố Huế. Đã đến Huế nhiều lần rồi, dự mấy lần Festival Huế rồi nhưng sao lần này trong tôi vẫn có cảm giác háo hức lạ. Vừa hoàn thành nhiệm vụ trong ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm 2012, tôi lại được Hội Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế mời vào dự hội thảo "Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hoá Huế - nhìn lại và phát triển" đồng thời dự Festival Huế 2012. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn. Trở lại Huế thương bảo sao mà không bồi hồi xao xuyến được cơ chứ?


            Bốn chúng tôi, đoàn Phú Thọ cưỡi cái mazda 626 rất ngon lành làm chuyến du nam trên con đường Hồ Chí Minh nhằm Huế thẳng tiến. Đi từ 3 giờ sáng, dự định sẽ 5 giờ chiều sẽ tới nơi, ấy thế mà hơn bảy giờ sáng còn 10 cây số nữa sẽ hết địa phận tỉnh Thanh Hoá thì con xe đẹp mã đó giở chứng. Đang lái, tốc độ gần trăm cây số một giờ, chợt nghe thấy tiếng lẹc kẹc rất to và xe hơi loạng choạng, tôi hơi hoảng rồi kịp trấn tĩnh lại đánh xe vào vệ đường và dừng lại. May mà đường Hồ Chí Minh vắng người, đoạn này giữa rừng theo cách nói của các cụ là "đồng không mông quạnh" nên không hề hấn gì. Cậu lái xe xuống mở nắp ca-bô và ngao ngán nói "đứt dây curoa máy phát rồi bác ơi!". Cả nhóm thừ người. Biết làm sao bây giờ? Hỏi một số người dân đi bộ qua đây họ bảo hiệu sửa ô tô cách đây 13 cây số. Tôi vội thuê một xe ôm bất đắc dĩ cho cậu lái xe đến đó gọi thợ. Lát sau, Hiếu (tên cậu lái xe) điện về cho hay xưởng không có dây curoa đó, phải đi tiếp hai chục cây số nữa mới mua được. Đành vậy chứ làm sao. Hiếu còn nói nếu chỗ đó mà không có thì phải về thành phố Vinh cả trăm cây số mới có cơ. Tôi đành cầu trời, khấn phật đừng xảy ra điều đó.
             Đợi 2 tiếng đồng hồ vẫn bặt vô âm tín. Sốt ruột quá, tôi liều nổ máy xe bò dần về phía xưởng. Đến cây xăng, chợt nhìn thấy rừng cao su bên đường đẹp quá, tôi liền cho xe dừng lại và nhảy lên đó ngắm nhìn, chụp ảnh, ngơ ngẩn nhớ về phương em. Bao nhiêu kỷ niệm về em từ cánh rừng cao su chợt hiện về khiến tôi quên hết hiện tại. Tôi tò mò sờ vào cái bát hứng mủ, cái dây thép vặn kiểu lò xo đỡ cái bát đó và nhìn những vết cạo mủ quanh thân cây. Em bảo tôi muốn cạo được nhiều mủ cây cao su thì người thợ phải dậy từ rất sớm, làm việc từ lúc nửa đêm. Phải học cách miết dao, lượn vòng, đặt bát hứng mủ rất tỉ mỉ. Tôi ngó nghiêng quan sát bụng bảo dạ thế này thì có gì phải học, em cứ quan trọng hoá vấn đề. Em tròn xoe mắt nhìn tôi nhắc đi nhắc lại rằng nghề trồng cao su nói chung và cạo mủ cao su nói riêng phải học cẩn thận lắm đó. Thì vưỡn! Tôi gật gù trêu em. Đang say sưa nhớ lại như thế thì Hiếu và cậu thợ sửa xe tới. Cả nhóm gọi tìm tôi. Tôi sực tỉnh chạy về xe. Tay thợ kiểm tra máy bảo cái dây curoa còn lại này cũng sắp đứt rồi, phải thay đi mới an toàn được. Sao không nói để thay luôn thể. Cả bọn đang vui lại ỉu ngay xuống, lo lắng nhìn nhau. Tức thật. Tưởng ngày hôm nay đẹp thế mà chưa hết sự cố nọ đã tiềm ẩn sự cố kia. Tối qua, tôi xé tờ lịch và nhận ra ngày hôm nay thật đặc biệt. Nếu không kể tháng tư dương lịch và tháng ba âm lịch thì còn lại là những con số 2. Này nhé, thứ hai, trên là ngày mùng 2 dương lịch, dưới là ngày 12 âm lịch, và năm là 2012, thế mà lại trục trặc mới tức chứ. Tôi đành nói mạnh, cứ sửa đi, cố chạy xem sao. Và khi sửa xong thì đã hơn 10 giờ, mất toi 3 tiếng chờ đợi. Thế là đi sớm cũng bằng không. Mà biết đâu nhỡ cái dây còn lại kia đứt nốt mà không có cái thay, lại ở giữa rừng sâu núi thẳm thì... Tôi không dám nghĩ đến đó nữa. Hình như cả lái xe và hai cô văn phòng cùng đi đều nghĩ đến điều đó nhưng không ai nói ra. Tất cả nín thở đi tiếp. Tôi đùa vui: bây giờ chỉ có đi thôi nhé. Xem chỗ nào có cái gì ăn thì mua lên xe vừa đi vừa ăn. Không dừng lại. Nếu buồn tiểu tiện cũng cố nhịn để tranh thủ thời gian. Còn hơn 600 cây số nữa cơ mà.
              Chiếc xe đẹp mã, mang bệnh lại hùng dũng lên đường. Tôi và Hiếu thay nhau lái. Có lúc đường đẹp, tôi vít tới 120 cây số trên giờ. Công nhận đường Hồ Chí Minh đẹp thật. Phong cảnh nên thơ quá. Rừng thông, bạch đàn, cao su vun vút hiện ra và lùi về phía sau. Đường tốt, vắng tanh tha hồ lướt. Càng về chiều, qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị càng đẹp. Sương khói lờ mờ bảng lảng. Rừng cao su miên man. Thi thoảng đồng bào dân tộc từng tốp nhỏ hồn nhiên lấy củi, chăn bò bên đường. Nắng chiều vàng ươm theo những hàng cây cao su đuổi nhau trông thật thích mắt. Có lúc, Hương - chánh văn phòng hội nhắc tôi chú ý tay lái khi công tơ mét chỉ đến con số hơn 100 và tôi thì cứ đảo mắt nhìn ra xung quanh. Dọc đường, hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT thừa Thiên Huế cùng một số cán bộ văn phòng hội liên tục điện cho chúng tôi. Càng về tối điện thoại càng réo rắt liên tục. Đến 7 giờ tối, xe chúng tôi vào đến thành phố Huế. Vừa chạm vào cột đèn đỏ đầu tiên, cách trung tâm thành phố 5 cây số nữa thì chiếc xe dở chứng. Hiếu cho xe vội dừng lại. Chúng tôi kiểm tra. Rất may, cả hai chiếc dây curoa cả mới và cũ vẫn còn. Chắc máy nóng quá nên nó phát ra tiếng kêu vậy. Thì chạy liên tục 6 tiếng đồng hồ liền còn gì. Đành cho nó nghỉ ít phút để nguội bớt máy. Lại điện thoại của Hội Huế hỏi thăm. Tôi tặc lưỡi, thôi cố đi đi, mấy cây số nữa mà. Và lại nổ máy bò qua cầu Phú Xuân. Hai cán bộ của Hội Liên hiệp VNHT Thừa Thiên Huế đỗ xe máy đầu cầu bên kia chờ chúng tôi tự bao giờ. Cuối cùng xe cũng đến được khách sạn Điện Biên. Các anh của Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Thanh Hoá, không ai ăn cơm cả, đều chờ chúng tôi. Đúng bảy rưỡi tối. Tay bắt mặt mừng. Mọi người cảm ơn đoàn Phú Thọ. Tôi nghĩ cũng lạ, lý ra mình phải cảm ơn họ vì đã chờ, đã tiếp đón chúng tôi thì họ lại cảm ơn ngược lại. Vui quá. Không khí Festival thật tưng bừng.
             Sau khi ăn uống xong, chúng tôi về phòng nghỉ tranh thủ tắm rửa, lấy lại tinh thần, sức khoẻ, 9 giờ tối chúng tôi lại lên thuyền dạo chơi trên sông Hương. Đẹp quá! Ánh đèn màu đủ các loại, các kiểu thi nhau nhấp nháy soi bóng xuống dòng Hương giang. Cầu Tràng Tiền như chiếc lược khổng lồ chải tóc sông Hương mỗi nhịp một kiểu màu đèn sáng, thay nhau lấp lánh cùng dòng người, dòng xe qua đó thật náo nhiệt. Trên sông, những chiếc xàlan lớn nhẹ trôi trong đó là đèn màu, là nhịp xênh phách, là tiếng hát ca Huế, tiếng hò Huế lan toả dào dạt khiến cho dòng sông càng thêm thơ mộng mênh mang. Tôi ngây người ngắm toàn cảnh trên bến dưới thuyền mà lòng dạ lâng lâng và nhớ em da diết biết chừng nào. Giá có em ở đây, lúc này để cùng tôi bồng bềnh trên dòng Hương giang để từ đó mà cho những vần thơ thăng hoa cất cánh thì thú vị biết mấy.

              Các anh ở Hội Liên hiệp VHNT thừa Thiên Huế giục tôi xuống thuyền. Con thuyền khá rộng. Chúng tôi, bốn Hội VHNT các vùng kinh đô gồm Hà Nội (nhà thơ Bằng Việt), Thanh Hoá (nhạc sĩ Đồng Tâm), đoàn Phú Thọ, đoàn Thừa Thiên Huế, (vắng Ninh Bình), tất cả chỉ có gần 2 chục văn nghệ sỹ. Thế mà đội nhạc có tới 10 người (4 nhạc công, 6 ca sỹ, nghệ sĩ). Vậy là một người phục vụ hai người. Quý quá. Oách quá. Hội Huế chu đáo, sang trọng quá. Tôi đã mấy lần nghe đàn hát trên sông Hương nhưng chưa có lần nào lịch sự, sang trọng như lần này. Hai Hương thì liên tục suýt xoa trầm trồ về cảnh sắc đêm sông Hương, về sự chu đáo, sang trọng của Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế. Thuyền nổ máy rời bến, bắt đầu bồng bềnh trên dòng Hương giang. Tới giữa dòng, thuyền tắt máy, chủ khách giới thiệu làm quen và chương trình ca nhạc bắt đầu. Mặc dù đã nghe nhiều lần ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế nhưng đêm nay, sau một chặng đường 850 cây số, với 16 tiếng đồng hồ vật vã trên đường thì tiếng đàn, lời hát ấy tự nhiên thấy thiêng liêng biết nhường nào. Trăng trên trời trong vắt cùng với hàng ngàn ánh đèn trên cầu, hai bên bờ soi bóng xuống dòng sông khiến Hương giang càng mênh mông huyền ảo. Những ngọn gió đầu hạ thổi tới mơn man. Tôi chợt nhớ lần trước, cũng khung cảnh này, tôi cùng nghệ sỹ nhân dân Trọng Khôi đứng riêng ngoài mạn thuyền trò chuyện về Huế thế mà giờ đây ông đã trở thành người thiên cổ.
       
              Đàn nhạc nổi lên. Cô gái dẫn chương trình đẹp như trong mộng, rất Huế cúi chào chúng tôi và giới thiệu về nhạc công, ca sĩ, về Huế. Dàn nhạc chơi bốn khúc: lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ. Sau đó là những giọng ca mượt mà đậm đặc chất Huế cất lên. Tiếng hò mái nhì, mái đẩy lênh loang, lan ra trên mặt sông khiến cho dòng sông vốn đã thơ mộng rồi lại càng thơ mộng hơn. Nào "ố tang tình tang", nào mười thương quyến rũ, rồi lý qua đèo, rồi nam bình, nam ai...tất cả đưa tôi mộng du cùng xứ Huế. Máy ảnh thi nhau chớp sáng. Hoa thi nhau tặng. Nậm rượu Ming Mạng thang được các bạn hội VHNT Huế chắt ra từng ly, từng ly nhỏ quay vòng làm cho không khí đêm sông Hương càng huyền ảo. Chừng mười rưỡi đêm thì cuộc hát tạm dừng. Nghi lễ thả hoa đăng được các bạn Huế hướng dẫn. Tôi theo mọi người thả hoa đăng xuống dòng sông Hương cầu cho mọi sự tốt lành, cầu cho em và tôi mãi mãi mộng mơ, mãi đẹp và thơ như Huế. Khuya, lên bờ rồi nhìn lại dòng sông, nhìn lên trời trăng sao mênh mang tôi cứ tưởng tượng em đang hiện về đó cùng tôi dự những ngày Festival Huế thật tưng bừng và đáng yêu quá chừng. Em ở nơi nào hãy về đây cùng anh với Huế.


               Nhà thơ Bằng Việt (trái) và nhạc sỹ Đồng Tâm (phải) làm duyên với các ca sĩ 


                         Còn đây là Chõe bò cũng bắt chước nhà thơ và nhạc sĩ.

8 nhận xét:

  1. Ơ, máu rồi!
    Xong việc làm phát thẳng TN đi bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Đi luôn nha. Chú ở nhà mạnh giỏi, bác làm phát đi thẳng TN đêi!.

      Xóa
  2. Nguyễn Thế yên20:16 3/4/12

    Hì hì...sướng nhất Chõe Bò rùi. Cứ mộng mơ trong mơ mộng nối đuôi nhau... Cần đếch gì. Chúc mừng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sướng hí? Thì vưỡn! Cần chứ! Cần nhiều nữa là đằng khác. Cảm ơn anh nhiều nha.

      Xóa
  3. vưỡn ông hàng xóm ấy20:19 3/4/12

    À này, đúng rùi. xong Huế thẳng phát TN đi nhá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì vưỡn cứ cảm ơn chứ sao! Hì hì hì...

      Xóa
  4. Thẳng vào Gia Lai luôn anh hí? Rứa là đang ở Huế vu vi, đời bác toàn là những chuyến đi ngon lành cành đào. Đầy vốn để cày cuốc rồi còn gì. Ghen tị quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn hth nhé. Thì em cũng chẳng đang nhảy nhót hát hò với bộ đội nơi biên giới đấy là gì! Viết đi cho bà con đọc nha.

      Xóa