Nhà thơ Văn Công Hùng (đầu hói) và Xuân Thu (cười)
HÀ CÔNG TRƯỜNG
Bỏ lại thành phố Huế, khoác ba lô lên Pleiku giữa ngờm ngợp sắc vàng dã quỳ, hoà trong mờ mờ sương dáng phố… đã làm cho nhà thơ Văn Công Hùng nguyện gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này. Phố núi đã là vườn ươm cho thơ ông và để bây giờ cái tên Văn Công Hùng đã quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ và người yêu thơ…
Thơ là tiếng nói từ trái tim đến trái tim là con đường của cảm xúc, là sự thăng hoa của tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ cũng là sự ồn ào náo nhiệt của đời thường, là tiếng ru hời của mẹ, là khúc hát đồng dao của em thơ. Đối với Văn Công Hùng thơ phải phản ánh được những cái đời thường của cuộc sống.
Những nhà thơ ở trong nhà tập thể
con bao cấp tiếng cười
vợ tem phiếu cơm ăn và nước mắt.
(Tự bạch của một thời)
Sự thật của cuộc sống khốn khó nhưng nhà thơ không né tránh, chúng đi vào thơ một cách dung dị, chân thật như những gì vốn có. Những tưởng gánh nặng áo cơm sẽ đè bẹp cuộc đời thơ, nhưng không chính trong khó khăn đó thơ ông lại toả sáng hơn, đáng yêu hơn bởi nó gắn liền hiện thực cuộc sống, từ những điều nhỏ nhặt dưới ngòi bút của ông chúng trở nên xa lạ, mang diện mạo khác hơn:
Vũ trụ là mười hai mét vuông
nhân loại là vợ con và bầy heo lai kinh tế
tính nhân văn suốt đời chê bia rằng đắng
bản ngã chai lì nhưng khóc nếu heo đau
Thơ là tấm gương phản chiếu cuộc đời nhưng mỗi người lại có một cách tiếp cận cuộc đời ở mỗi khía cạnh khác nhau. Thơ Văn Công Hùng cũng vậy, nó đủ màu sắc cung bậc của cảm xúc.
Thấp thoáng tuổi thơ tôm cua ốc nướng
quần đùi chân đất ngây ngấy bùn non
có em tóc ngắn tròn môi thổi lửa
căng mỏng mắt non zâm zấm mắt nhìn
(Hồi ức rơm rạ)
Theo tác giả thì thơ rất hiện thực và xuất phát từ hiện thực mà ra thì mới quý, nói như vậy nhưng thơ nhiều khi không cần là cái hiện thực trước mắt mà từ đó nhà thơ có thể tạo ra cho mình một hiện thực thứ hai. Đó phải chăng là sự vắt cạn sinh lực mình trong từng niềm vui nỗi buồn của nhân gian mới mong góp nhặt đem về cho thơ những gì đồng nghĩa với lửa, với nỗi khắc khoải đê mê trong đau đáu phận mình, phận đời (Thơ Văn Công Hùng-Những nẻo đường hát rong - Hồ Thế Hà). Thơ là hơi thở của cuộc đời nhưng khi bước vào thơ nó làm cho thơ ông long lanh hơn, huyền ảo hơn. Đó là “Mẹ tám tư tuổi” là “Gió đưa ngồng cải lên chùa” rất đời mà cũng rất nên thơ.
Bên cạnh phản ánh cuộc đời, thơ còn là sứ giả của cái đẹp, phải là sự thăng hoa của cái đẹp. Không ngoa khi nói rằng nếu không có nó thì thơ không còn tồn tại… sự thật cuộc đời trần trụi, đầy cay đắng, lo toan nên thơ là cứu cánh cho cuộc sống. Trong thơ Văn Công Hùng tiếng thở dài cũng thành một nét bâng khuâng, một nốt nhạc trầm cho bản nhạc.
Thơ Văn Công Hùng ngồn ngộn những hình ảnh đẹp, một giếng nước, một cái nhìn của thiếu nữ thôi mà vào thơ ông như được thổi linh hồn, ảo diệu hơn, tươi trẻ hơn:
Giếng làng ơi, giếng làng ơi!
chiếc quai nón vướng vào ký ức
sóng sánh mắt người buổi chiều như động đất
em qua rồi đòn gánh trĩu nơi đây
(Phần cuối của ngày)
Bức tranh ấy được ông vẽ bằng sự tài tình và chắt lọc của ngôn ngữ. Đọc thơ ông ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rất riêng của Tây Nguyên hùng vĩ, đó là bạt ngàn hoa dã qùy với một màu vàng nhức mắt. Cái đẹp trong thơ Văn Công Hùng đầy màu sắc, đầy hình dạng. Đó là cái đẹp của người con gái, của phong cảnh, của tâm hồn thơ…
Theo Văn Công Hùng dù thế nào đi nữa thơ cũng phải mở ra cái lớn hơn về thời đại, cuộc sống và tâm hồn của mỗi con người, thơ là tiếng nói tâm sự để cho người sống gần người hơn.
Đến cao nguyên những ngày nắng đổ giữa cái vàng ngút ngàn mắt của hoa dã quỳ. Loài hoa ấy đã như là tâm linh, định mệnh dang dở nhưng bi tình trong thơ Văn Công Hùng để rồi trở thành ám tượng. Lần này cũng là hoa nhưng là một loài hoa biểu tượng của sự yêu thương sự khắc khoải, nhớ nhung. Gặp Văn Công Hùng giữa cao nguyên lồng lộng với “Hoa tường vi trong mưa” với niềm lạc quan cuộc đời.
Nhà thơ luôn khát khao, mơ ước luôn đặt niềm tin vào một ngày mai đầy yêu thương. Niềm tin niềm ước mơ ấy cứ lớn dần trong ông, đó là chân trời của quê hương của mẹ và bao người thân. Thơ ông da diết, mặn nồng nhưng cũng xót xa lắm nhất là khi ông rời Huế lên Tây Nguyên để làm người hát rong thơ. Ta bắt gặp một Văn Công Hùng rất ủy mị trong khoảng chiều bảng lảng ở ngoại ô:
Và thấy mình bé nhỏ làm sao
lăn tăn cỏ, lăn tăn chum xấu hổ
dù đã nhẹ đến tận cùng bước chân
vẫn nghe đau li ti nhành cỏ gãy
(Bâng quơ ngoại ô)
Trước thiên nhiên con người bé nhỏ, lúc này tâm hồn của nhà thơ như đi trên mặt cỏ và nghe bằng thính giác cả niềm đau của chùm cây xấu hổ. Nhà thơ như đã thu hết cả hơi thở của mình để lắng nghe những thanh âm nhỏ nhất của cuộc sống.
Cuộc đời quá dài và rộng nên dẫu có đi hết cả đời mình đi nữa thì đó vẫn chỉ là những điểm bắt đầu. Bước chân phiêu du lãng đãng chiều trời phố núi nhà thơ như bắt gặp lại thời thơ ấu vẹn nguyên tinh khôi và tươi mới, ông như đi ngược lại hành trình tuổi mộng để tìm lại những tháng ngày đã mất, nhà thơ ước ao dẫu đó là điều không thể:
Ước gì trẻ trai mà khát khao cùng cỏ
ngậm cùng sương nghe thăm thẳm tuổi người
ước gì lại được cùng em với cỏ
đêm thánh nhân rạo rực đất cựa mình
(Bâng quơ ngoại ô)
Nhà thơ chợt khát khao trẻ lại để “cùng em với cỏ” nhưng sự thực đã làm cho ông chững lại “nghe thăm thẳm tuổi người”. Thời gian được ông nghe bằng mọi giác quan khiến ta cảm giác nó đi ngay trước mặt mình, hiện hữu làm ta giật mình. Cao nguyên lộng gió cho con người cảm giác lẻ loi, đau đáu. Cái hoang sơ mênh mông làm con người luôn phải ở tư thế sẵn sàng hành động.
Thấy lá rụng nhà thơ chợt xốn xang nghĩ đến nhân tình, thế thái:
Chắt đến tận cùng của sự sống
lá vàng đau úa cả chiều
nhựa cây ứa trào như máu
cao su oằn mình trong mưa
Bao nhiêu lời thơ lá vàng
bao nhiêu bài ca nhựa trắng
bao nhiêu con đường rợp nắng
dập dìu tình yêu đi qua
Chiều nay giật mình đứng lặng
lá vàng rơi nát không gian
(Nhìn lá cao su rụng , nghĩ...)
Thơ Văn Công Hùng được kết tinh từ hỉ, nộ, ái, ố trước cuộc đời. Đó không chỉ là cái giật mình của riêng ông mà của cả thời đại. Sau cái hiến dâng lá về miền cát bụi, cái rơi của nó như hụt hẫng làm nát cả không gian chiều. Trong ông có những miền như cõi tâm linh của riêng ông, “ở đó có một miền đầy gió dã q uỳ”và “một dòng sông ám ảnh cõi vô hình”. Ông đắm mình trong “giọt mưa câm lặng” để thả hồn theo những run rẩy, nhẹ nhàng của tường vi để “nhấp nhoáng bóng chân trần” để thổn thức cùng những bong bóng cuộc đời. Cuộc sống nhộn nhịp luôn tuôn chảy rồi vỡ òa bao mộng mị, rồi ngậm ngùi nhận ra:
từng giọt mưa câm lặng những bức tường
run rẩy bông tường vi đang nở
nhấp nhoáng bóng chân trần
đầu mùa bong bóng nổi trên đường như mắt cá
cao nguyên hóa chiều mưa đưa em đi
gốc thông già hát gì với tuổi
em cầm trên tay một bông liễu rủ
hoa tường vi lặng lẽ khóc vùi
(Hoa tường vi trong mưa)
Cái lặng lẽ khóc vùi như một lời trách móc kín đáo trong cuộc sống xô bồ cái đẹp bị quên lãng, mai một trước giá trị khác của cuộc sống. Một xã hội nhiều khi tình người bị coi rẻ, ở đó thước đo chuẩn mực tính bằng đô, bằng vé. Chính vì vậy, cơn mưa còn giăng mắc lối về trong cái “đành gửi lại”:
gió ở phương nào thổi lạnh áo em
bong bóng vỡ trắng trời bong bóng chết
cho từng giọt đắng cay vụn nát
chỉ còn mưa thăm thẳm nỗi em về
chỉ còn cao nguyên phố núi và em
đành gửi lại một chân trời đẫm gió
đành gửi lại bông tường vi vẫn nở
dẫu cơn mưa vẫn ủ lối em về…
(Hoa tường vi trong mưa)
Đọc thơ ông ta chìm vào một thế giới của tâm hồn luôn ước mơ và đầy hoài bão với cuộc đời. Nếu nói thơ ca là cuộc đời thì cuộc đời của nhà thơ không khi nào thôi day dứt, trăn trở, khát vọng. Văn Công Hùng trong thơ và ngoài đời vẫn thế luôn nồng nhiệt với tình yêu và cuộc sống.
“HOA TƯỜNG VI TRONG MƯA” không câu nệ hình thức, không gò bó mà nó chảy miên man theo cảm xúc, trong đó một số bài thơ kiểu văn xuôi tạo nên một nét mới với ngồn ngộn cảm xúc. Thơ với Văn Công Hùng như một người bạn tri âm mà ở đó ông có thể trút hết nỗi niềm: vui – buồn, đắng – cay, cho – nhận. Với ông, thơ là bến đợi đi về. Đôi khi đó là những ghi chép góp nhặt trên chặng đường phiêu du của kẻ lãng tử để dâng tặng cho người, cho đời những nỗi niềm xin gởi trọn mai sau.
Pleiku 2/8/2011
H.C.T
Giao lưu vui vẻ quá! Chắc là ở nhà Văn Công Hùng?
Trả lờiXóaNhà thơ mà gặp nhà thơ
Nâng ly nhất định là lơ mơ rồi!
"Hoa Tường vi trong mưa" Cảm nhận và giới thiệu về tập thơ và tác giả thơ rất sâu sắc và tinh tế, rất mở cho nguồn cảm xúc thăng hoa. " Hoa Tường vi trong mưa" một tập thơ ước mơ có được của độc giả sau khi đọc bài viết của HCT. Thậtlà Ngưỡng mộ Văn Công Hùng; cảm phục Hà Công Trường; cảm ơn và chúc mừng Hoa Nhã My.
Trả lờiXóa@ anh Cầm Sơn!
Trả lờiXóaẢnh chụp tại nhà một biên tập viên tạp chí Văn nghệ Gia Lai (Hoàng Thanh Hương), cán bộ của nhà thơ Văn Công Hùng. Đúng là lơ tơ mơ anh Cầm Sơn ạ. Không khí buổi gặp gỡ giao lưu ấy bây giờ vẫn còn chuếnh choáng trong em đó.
@ anh Nguyễn Thế Yên!
Trả lờiXóaCảm ơn anh đã ghé thăm Hoa Nhã my, đọc và cảm nhận bài viết này của Hà Công Trường - một biên tập viên mới của Văn nghệ Gia Lai. Anh khen một loạt thế làm chúng tôi phổng mũi to. Trân trọng nhé.
HNM có nhiều bạn oách thế!
Trả lờiXóaCảm ơn anh thật nhiều vì đã bao dung với em
Trả lờiXóa@ Huy!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn ngợi khen. Bạn cũng là bạn oách của Hoa Nhã my đấy. Trân trọng.
Gửi Hà Công Trường!
Trả lờiXóaHoa Nhã my phải cảm ơn bạn mới đúng vì bài viết của bạn làm đẹp, làm sang cho Hoa Nhã my. Mong cộng tác nhé.
chào Chõe, em vừa vào nhà anh lục lọi, tho sau đợt Pleiku về hay đáo để anh he.
Trả lờiXóa@ Thanh Hương!
Trả lờiXóaCảm ơn Hương nhé. Cảm hứng từ Plei ku đấy. Mong Hương vào thăm HNM thường xuyên nha.