Tang lễ là một nghi thức tín
ngưỡng bản địa thể hiện quan hệ đạo đức và thuần phong mỹ tục trong văn hóa ứng
xử giữa người sống và người chết. “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Đám ma mà
không có phường bát âm, không kèn không trống thì thật là bất hạnh. Chết mà
chết chui, chết lủi, chết đường, chết chợ. Âm nhạc tang lễ là phương tiện không
thể thiếu được để thể hiện chữ hiếu đặc biệt tiễn đưa người quá cố về nơi an
nghỉ cuối cùng. Âm nhạc tham gia vào trong quá trình cử hành tang lễ, từ khi
nhập quan cho tới khi hạ huyệt. Bắt đầu là trống báo ba hồi chín tiếng cho cả
làng biết trong làng vừa có người chết. Sau đó là là kèn (khi phát tang). Cứ
thế trống kèn đan xen nhau thì thùm, réo rắt ai oán tiếc thương.
Tổ chức dàn
nhạc, bài bản và nguyên tắc sử dụng tùy theo địa phương mà quy ước khác nhau
nhưng ngoài giai điệu của những bài khóc, có hai nhạc cụ chính là trống và kèn.
Trống sử dụng trong đám tang gồm có hai chiếc: một trống cái và một trống con. Tiếng
trống giữ nhịp cho cả phường nhạc, giữ nhịp cho lúc đưa quan trên đường. Kèn
cũng chủ yếu có hai loại: kèn tiểu (âm khu cao) tiếng kêu the thé, xé ruột xé
gan thường gọi thẳng là kèn đám ma và kèn đại (thường gọi là kèn pha, âm khu
hơi trầm, nghe thê lương, thảm thiết). Hai kèn này như giọng nữ, giọng nam,
giọng già, giọng trẻ hòa vào nhau than khóc. Tương đồng với nó là nhị (réo rắt,
xót xa), hồ (trầm đục ảo não, bi ai). Đêm hôm khuya khoắt mà nghe tiếng kèn,
tiếng nhị, tiếng hồ cất lên thì không ai cầm lòng thương tiếc được. Ngoài trống
kèn, nhị, hồ ra còn có đàn bầu, đàn tam và sáo, có chiêng và phách chấp lệnh.
Những nhạc cụ dân tộc này cộng hưởng, hòa âm với nhau theo những làn điệu nhà
đám làm tăng thêm sự đau buồn, tiếc thương người đã mất.
Bài bản âm
nhạc chính thống được sử dụng trong tang lễ gồm có các điệu lân khốc ai (âm điệu rất buồn, sử dụng
khi nhập quan và khi khóc tế), lâm khốc
xuôi (âm điệu vui hơn sử dụng chủ yếu trên đường chôn cất về), bản chở, bản dồn chủ yếu được sử dụng ở
nhà khi dân làng, hàng xóm và những người tới phúng viếng cùng với điệu lâm
khốc ai. Ngoài ra những cụ cao tuổi gọi là được đại thọ thì người ta còn thổi
thêm bản thái bình (ảnh hưởng của lễ
nội với ngụ ý trẻ làm ma, già làm hội).
Thế nhưng, đám
ma ngày nay âm nhạc đã được sử dụng biến tướng đi rất nhiều. Phường bát âm
thường là lớp trẻ, mạnh chân khỏe tay, cạnh tranh, ganh đua là chính, ít chú ý
tới nghi thức tang lễ. Rất ít đám sử dụng kèn hoặc có sử dụng thì chỉ lúc đưa
đám hoặc cầm canh, điểm vài tiếng gọi là có. Vắng hẳn tiếng hồ, tiếng đàn tam.
Rất ít tiếng sáo thổi. Tiếng đàn bầu lên ngôi. Đám ma thì dứt khoát phải có
tiếng kèn, ấy vậy mà chỉ thấy tiếng đàn bầu thay cho tất cả. Có đám, người ta
còn sử dụng cả đàn ooc-gan, đàn guitare (?) với trang âm loa đài hiện đại mở
hết kích cỡ nghe mới kệch cỡm, thô thiển làm sao. Nếu tây hẳn như bên công giáo
có đội kèn đồng hoành tráng thì lại là chuyện khác.
Phần khóc cũng
biến tướng, chế đủ các giọng, các làn điệu. Cải lương, lý con sáo, ca mới,
“Tình cha”, “Lòng mẹ”... nghe cứ dở dở ương ương, tức anh ách. Khách đến viếng
thì được vận thơ thành hát nghe nhiều lúc thô thiển đến bật cười. Có lúc người
hát cố nặn ra chất giọng rung, nấc, giả khóc nhưng cũng không sao lọt được vào
tai người đến viếng.
Đành rằng mỗi
thời mỗi khác nhưng cái gì thuộc về nghi lễ, thể thức, mang đậm bản sắc dân tộc
thì phải tuân theo. Giản tiện nhưng không sơ sài, không xuê xoa mà coi thường
vong linh người đã chết. Đổi mới nhưng không tạp nham, không lai căng, không dở
tây, dở ta mà trở thành kệch cỡm, nhố nhăng. Âm nhạc đám ma phải trả lại đúng
nghĩa của nó, đó là “sống dầu đèn, chết kèn trống” với những làn điệu, những
bản nhạc mà ông cha ta đã sử dụng. Xây dựng nông thôn mới thiết nghĩ cũng cần
quy định, quy ước, “hương ước” cả việc âm nhạc cho các đám ma chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét