Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

VŨ QUỐC KHÁNH VÀ “NGƯỜI ĐỔI HỌ”



VŨ QUỐC KHÁNH VÀ “NGƯỜI ĐỔI HỌ”
(Đọc tiểu thuyết “Người đổi họ” của Vũ Quốc Khánh - Nxb Hội Nhà văn 2012)

          Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Người đổi họ” của Vũ Quốc Khánh là Cưởi. Ngay từ những dòng đầu tiên Cưởi đã xuất hiện cho tới gần hết cuốn tiểu thuyết. Tác giả đã dày công xây dựng nhân vật này để đến nỗi tôi cứ thấy Cưởi như đứng như ngồi, như đi, như chạy trên mỗi trang sách. Mọi cử chỉ hành động, mọi suy nghĩ của Cưởi khiến cho tôi như thấy hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi. Đó là thành công của Vũ Quốc Khánh.
          Ta hãy tìm hiểu xem gốc gác lai lịch của Cưởi như thế nào. “Trần Văn Cưởi mồ côi cha từ rất nhỏ, chừng năm, sáu tuôỉ gì đó. Ở quê người ta phát âm từ cởi là cưởi nên bố mẹ đặt tên nó là Cưởi vì mong muốn sẽ cởi được cái cục nghèo đeo đẳng họ mạc nhà nó mấy đời nay”. Mở đầu cuốn tiểu thuyết tác giả đã giới thiệu vắn tắt về Cưởi như vậy đó. Tiếp đó, chỉ trang sau, trang sau nữa ta thấy Cưởi ra đời trong một dòng họ mấy đời là cố nông, gốc là họ Nguyễn Văn. Vì nhà không có gì ăn, bà nội Cưởi phải bán Cưởi cho một gia đình bá hộ trong làng vì ông bà này hiếm con và đổi nó sang họ Trần và “coi như con đẻ, chăm bẵm đến trơn lông đỏ da, lại đón thầy về dạy học chữ”. Đây là lần đổi họ thứ nhất của Cưởi, được mang họ của dòng họ mà đáng lẽ ra gia đình Cưởi phải mang ơn thì họ nhà Cưởi lại gây oán cho họ. 

Dạo cải cách ruộng đất, mấy ông chú bác Cưởi đấu tố ông bá hộ. Ông bá hộ bị quy kết thành phần địa chủ và bị ra trường bắn. Họ hàng nhà Cưởi được chia ruộng đất và những tài sản của chính gia đình ông bá hộ. Tưởng sẽ làm ăn khấm khá lên nhưng họ hàng Nguyễn Văn nhà bố Cưởi bị dân làng xa lánh, dè bỉu vì đấu tố sai, vì không biết làm ăn và sa sút, ly tán, tha phương cầu thực. Bố Cưởi phiêu dạt lên Hà Nội bốc vác thuê và bị tai nạn rồi chết bỏ lại hai mẹ con Cưởi. Cưởi học chữ “rất hay bị thầy giáo đánh vì dốt và cơ man những tội là tội”. “Bị đánh nhiều, nó trở nên quen chịu đựng, chẳng còn khiếp sợ như những lần đầu”. Cưởi đã trở nên lì đòn. Bố Cưởi mất trong một tai nạn giao thông khi đang bốc vác thuê ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội). “Mẹ nó chẳng mấy khi ở nhà xem nó học hành ra sao”, suốt từ sáng chí tối chị ta còn lo mưu sinh. Cưởi coi như bị bỏ rơi. Rồi Cưởi dạ dật ở ga bị công an bắt giam vì nghi móc túi. Sau đó không đủ bằng chứng đã được tha. Thế nhưng, chính sự không trông nom dạy dỗ, chăm sóc con của mẹ Cưởi và sự kiện một ngày “tù đày” này đã đẩy Cưởi vào con đường lưu manh hoá.
Bài học đầu đời của Cưởi về sự tranh giành mưu sinh, kẻ mạnh chiến thắng kẻ yếu là khi gia nhập hội của bọn trộm cắp, móc túi ở ga Hàng Cỏ là “khi đã vào bất kỳ một tổ đội nào đều phải buộc tuân theo những quy tắc do tổ đó đặt ra”. Cưởi móc túi phải mang về góp cho hội, nộp cho Hai Cọp (tổ trưởng), chờ tổ trưởng chia bôi ban phát. Một lần, Cưởi lấy được hai cái bút máy Trường Sơn, chỉ nộp có một, còn lại giấu một cái, bị phát hiện và bị cả bọn xúm đánh. Cưởi bị đòn đau, quyết định “đánh lẻ”, không chơi với hội đó nữa. Một hôm, nó xách túi đỡ cụ già, dắt tay em nhỏ lên tàu được bà cụ cho năm hào, Cưởi đúc túi. Ai ngờ vừa về đến cửa ga đã có hai thằng bắt phải đem nộp tiền đó cho Hai Cọp. Cưởi không nộp và lại bị bọn nó tẩn cho một trận nữa. Cưởi tức tối. Mồ hôi công sức của mình bằng thật mà vẫn bị đối xử như thế. Cưởi ngẫm nghĩ: “Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản bởi Hai Cọp có quyền lực, quyền lực cho phép Hai Cọp bắt ai ở tổ nào phải ở tổ đó, bắt các tổ phải phục tùng, Hai Cọp chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng”.
Từ đó, Cưởi đã ước thêm nhiều quân, lập được hội riêng biệt, liên minh với Ba Tòng (kẻ đã giúp Cưởi đánh trả thù Hai Cọp), tạo vây cánh để trở thành thủ lĩnh. Nhưng chưa kịp triển khai thì Cưởi phải theo mẹ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Và ở nơi mới này, giữa đồng bào dân tộc Cưởi vẫn không nguôi xây dựng quyền lực, âm mưu phục thù nơi Cưởi đã dặt dẹo sống hồi thơ bé.
Vũ Quốc Khánh đã giỏi dựng các chi tiết để thể hiện rõ âm mưu, khát vọng quyền lực trên con đường tiếp tục lưu manh hoá của Cưởi. “Kinh nghiệm sống với Ba Tòng trước đây cho nó thấy không thể cứ một mình được, phải biết lẩn vào tập thể để rồi ngoi lên thống lĩnh, mới tạo được sức mạnh lấn át, bắt kẻ khác phải phục tùng mình”. “Phải tìm được nhà nào khá giả lại có thế lực như ông trưởng bản chẳng hạn nhận làm con nuôi, rồi đổi sang họ dân tộc, như vậy vừa có bố, lại là người dân tộc, được bao nhiêu thứ”. Cưởi đã giả vờ đau bụng để được ông trưởng bản họ Triệu, người Dao cứu chữa. Kịch bản được diễn đúng như ý định của Cưởi. Mẹ Cưởi không biết mưu mô này, hồn nhiên xin cho Cưởi được làm con nuôi ông trưởng bản. Ông trưởng bản có một con trai đang chiến đấu ở miền Nam nên vui vẻ nhận Cưởi làm con nuôi. “Từ hôm đó nó nhất quyết không mặc quần áo người Kinh nữa. Mấy hôm sau, mẹ nó lên xã làm lại giấy khai sinh đổi tên nó sang họ Triệu”. Đây là lần đổi họ thứ hai của Cưởi, nương nhờ nhà có quyền chức. Trẻ con vốn sợ ông trưởng bản nay sợ luôn cả Cưởi, không dám bắt nạt Cưởi như hồi Cưởi mới lên đây nữa.
Con trai trưởng bản hy sinh. Cưởi nghiễm nhiên là em liệt sỹ. Ông Triệu Văn Thân cũng coi nó là con đẻ. Cưởi được đi học. Đích thân chủ tịch xã lai nó lên học trường dân tộc nội trú huyện. Ở trường, Cưởi đã ma lanh bày trò để bắt một học sinh khác quy phục và từ đó nâng cao vị thế của mình trước lớp (trang 32). Học hết cấp 2 bổ túc, Cưởi tiếp tục được cử theo học lớp trung cấp nông nghiệp. Học xong, Cưởi được bầu giữ chức phó chủ nhiệm hợp tác xã Seo Sơn năm mới hai mươi tuổi, là cán bộ trẻ nhất xã. Cưởi đã leo lên nấc thang quyền lực thứ nhất.
Ở vị trí này, Cưởi tiếp tục củng cố địa vị bằng mọi mánh khoé, kể cả những mánh khoé đê tiện nhất. Thu phục các trưởng thôn. Cưởi tính: “vấn đề đặt ra là không phải tranh miếng ăn từ miệng họ, giống như thằng Hai Cọp đã làm với Cưởi ngày trước, mà phải bằng cách tạo miếng ăn cho họ, cho họ no bụng. Không những thế nếu có điều kiện phải vỗ béo họ, họ mà càng béo thì sau khi đã cột chặt lợi ích của họ sẽ càng dễ bề khống chế, thu phục họ, bắt họ làm theo Cưởi. Đấy mới thực là cách bỏ ra nhất bản mang lại vạn lợi cho Cưởi”. Thật nham hiểm. Và Cưởi đã phân tích, chia cắt đối phương, chọn đối thủ ra đòn. Rồi lần lượt các trưởng thôn đã vào “ê kíp” với Cưởi. Và phá rừng một cách tinh vi. Bao nhiêu gỗ quý được khai thác “tận thu” để lấy đất trồng rừng mới. Bằng khen thành tích “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” bay về tơi tới. Tiền Cưởi thu về bộn túi, Cưởi tậu nhà ở Hà Nội ngay chính nơi Cưởi đã trộm cắp ngày xưa. Gặp lại Ba Tòng, Cưởi khoe vị trí quyền lực. Cưởi chìa thẻ đảng viên, bằng cấp, chức vụ cho dân phố để chứng tỏ về sự thành đạt. Coi như Cưởi đã rửa được mối hận bị đòn, ăn xin, ăn cắp ngày xưa.
Cưởi thu phục Ba Tòng lên vùng kinh tế mới tiếp tục cùng các trưởng thôn những trò làm ăn mới. Phá cả đền thiêng trên núi đá. Phá rừng để trồng rừng. Làm đường để ra đất có giá bán thổ cư. Đầu tư buôn chè khô... Tất cả những việc làm đó đều được Cưởi nguỵ trang dưới những dự án nọ kia đầy thuyết phục. Dân bản được chia tí ti từ việc phá rừng. Hợp tác xã được khen về thành tích trồng rừng. Đời sống nhân dân từ đó được nâng cao hơn trước. Vị thế của Cưởi cũng theo đó được nâng lên.
Vì sao Cưởi làm được những việc đó? Vũ Quốc Khánh lý giải rất có tình, có lý bằng những trò ma quái đến cao thủ của Cưởi. Cưởi dựa vào ô dù để tác oai tác quái. Khi Dung, con gái bí thư huyện uỷ đến nhận chức cửa hàng phó hợp tác xã mua bán Cưởi đã nảy sinh “Chính là Dung chứ không phải ai khác sẽ bắc cầu cho Cưởi đến với lâu đài quyền lực”. Cưởi lập tờ trình xây dựng nhà “công vụ” lo chỗ ở cho Dung, chiếm cảm tình. Biết Dung có người yêu là Lâm - cán bộ phòng công thương huyện, Cưởi bình tĩnh bày trò làm cho Lâm thân bại danh liệt, còn Cưởi vừa được Dung, vừa được bí mật pha dầu lọc sản xuất ngói. Dung Cưởi nên vợ thành chồng. Cái ô to nhất là bố vợ làm Bí thư huyện uỷ đã đạt được.
Còn việc khống chế chủ tịch xã Hà Đình Đông thì sự đểu cáng, vô lương tâm của Cưởi lên đến đỉnh điểm. Biết mẹ mình với chủ tịch xã có tình ý, Cưởi bày trò giỗ bố, không mời ai hết, Cưởi chỉ mời chủ tịch xã đến dự. Thế rồi cơm no rượu say, Cưởi cáo lý do đi họp để lại tối đó chi có hai người tại nhà mình. Khi đôi trai gái nọ không còn mảnh vải che thân thì Cưởi xuất hiện, bắt chủ tịch xã viết cam kết không tái phạm với mẹ mình rồi cầm tờ giấy đó làm lá chắn mỗi khi cần đến chủ tịch xã. Từ việc trốn đi bộ đội đến việc ký duyệt chi làm nhà ở cho cửa hàng mua bán để lấy lòng Dung, rồi dự án nọ, kế hoạch kia đều được chủ tịch xã chấp thuận. Thế là trên có bí thư huyện uỷ (mặc dù ông này rất liêm khiết), dưới có chủ tịch xã (bị khống chế), Cưởi tha hồ tung hoành quyền lực “phó chủ nhiệm” rồi chủ nhiệm của mình.  
Mỗi việc làm của Cưởi đều được tính toán chi ly. Từ việc lợi dụng bố nuôi xin bộ cột gỗ và vị trí đất để làm nhà đến việc xẻ thịt rừng để trồng rừng, xui dân phá rừng trồng lúa nương; từ việc đào ao, xây nhà đến việc “phá hòn núi đá vách” có ngôi miếu thiêng... tất cả đều được Cưởi mã hoá đến từng chi tiết. Không ai phát hiện bản chất sự việc. Người ta chỉ biết Cưởi là người năng động, dám nghĩ, dám làm, là hiện tượng của xã Seo Sơn.  
Sự việc chỉ được vỡ lở khi cơn bão lũ ập đến xã này. Mười hai người bị vùi lấp trong đất. Mấy chục căn nhà bị cuốn trôi. “Gần nửa cánh đồng Cọ Sơn màu mỡ đang đứng cái bị dòng bùn vùi lấp”. “Từ trước đến giờ chưa bao giờ Seo Sơn có lũ ống huống chi lũ bùn như thế này”. Ông Nga tóc tai rũ rượi, vật mình vật mẩy gào thét như một người điên: “Ối con ơi! Ối cháu ơi! Ối dân bản ơi! Trời trừng phạt ta rồi. Bao đời nay rừng che chở ta, giờ ta đang tâm phá rừng, rừng quay lại không còn để chở che cho ta nữa”.
Cưởi cáo ốm nằm lỳ, rồi đi viện tâm thần tỉnh và đánh bài chuồn. Cuộc chạy trốn của Cưởi được Vũ Quốc Khánh viết thật khốc liệt. Bản chất lưu manh của Cưởi một lần nữa lại phơi bày. Bán người tình sang Trung Quốc, giữ lại đứa con riêng giấu ở Hà Nội, bán nhà, bán đất ở Seo Sơn, lừa mẹ về Hà Nội trông nuôi mình ở bệnh viện, bỏ vợ, bỏ lại tất cả để mẹ con, bà cháu hắn chuồn vào Nam. Đến nỗi, khi lên tàu vô Nam mẹ Cưởi mới biết âm mưu này. Bà đã viết một lá thư thú tội với con dâu là Dung ở Seo Sơn. Dung bị tâm thần. Bố Dung, ông bí thư huyện uỷ ngày nào tự sám hối, ân hận về tệ quan liêu, xa rời thực tế của mình để gây hậu quả nghiêm trọng cho Seo Sơn và cho gia đình đến nỗi bị nhồi máu cơ tim mà chết.
Người đổi họ từ Nguyễn sang Trần, rồi sang Triệu là Cưởi cùng đồng bọn là Ba Tòng đã đào tẩu cao chạy xa bay. Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, Vũ Quốc Khánh mới xuất hiện giáng ngòi bút lên án Cưởi, lên án thói quan liêu của đội ngũ cán bộ cùng cơ chế quản lý lúc bấy giờ. “Những tấm bằng khen của các cấp từ tỉnh đến huyện, hiện thân của những hư danh phù phiếm khoác lên lá bài vì nhân dân, vì tập thể của họ cũng rơi rụng lả tả, phô ra những vết tang thương lở lói khắp nơi trong xã”. “Họ đổ lỗi cho mô hình lãnh đạo tập thể, cho cơ chế quản lý mà không thấy rằng chính họ, với quyền uy tối thượng trong tay đã đẻ ra mô hình lãnh đạo ấy, ra cơ chế quản lý ấy và mặc nó vận hành không hề kiểm tra, kiểm soát. Họ giống như một kẻ chỉ biết việc thoả mãn, đẻ ra những đứa con rồi kệ nó muốn ăn ra sao, làm ra sao, sống thế nào, có trở thành thiên thần hay quỷ dữ họ không cần biết”. Phải chăng đây là tiếng nói của nhà văn, là thống điệp của tác giả muốn gửi gấm qua cuốn tiểu thuyết này?
Những trang cuối của tiểu thuyết ta thấy một Seo Sơn mới vực dậy sau cơn bão lũ. Chính người dân Seo Sơn đã đứng dậy để cải tiến cơ chế quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá. Trang sử mới ở Seo Sơn lại bắt đầu đầy hy vọng và sáng lạn.
Là tiểu thuyết đầu tay nhưng Vũ Quốc Khánh đã tỏ ra là một cây bút văn xuôi có nghề. Có nghề trong việc dựng truyện, xây dựng tính cách nhân vật, có nghề trong việc tả, trong việc dùng câu từ (nhất là từ láy, trang 55 tả cảnh thợ làm nhà Cưởi). Phong tục tập quán người dân tộc anh đưa khéo léo vào truyện, không khiên cưỡng, khiến người đọc vừa có thông tin vừa theo được mạch văn, mạch cảm xúc. Tuy nhiên, do mải mê với nhân vật Cưởi nên anh để mạch tiểu thuyết còn đơn tuyến, tuyến tính theo một trục. Mãi về cuối, anh mới phân mảng nhưng lại bị phân tán. Những nhân vật khác chưa rõ nét về nội tâm. Giá anh chú ý thêm các nhân vật khác thì cuốn tiểu thuyết này sẽ thành công hơn. Được biết đây chỉ là phần I của bộ tiểu thuyết mà anh đang ấp ủ. Hy vọng quyển tới mọi vấn đề này sẽ được anh giải quyết triệt để.
Chững chạc, lôi cuốn, mạch lạc, mượt mà, tiết tấu nhanh và có nghề là những từ tôi muốn nói về “Người đổi họ”. Tôi thực sự bất ngờ, cảm phục Vũ Quốc Khánh sau mấy tập thơ “bỗng dưng” có một cuốn tiểu thuyết hoành tráng, ấn tượng đến thế. Chắc chắn anh sẽ còn tiến xa trên con đường văn chương của mình. Hy vọng anh sẽ có những tác phẩm hay hơn nữa. Chúc mừng anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét