Truyện vui tục ngữ, thành ngữ, ca dao
Năm vừa rồi đối với tôi là năm “rồng mây gặp hội”. Đang như cảnh “rồng kẹt đá”, “rồng ngóng mưa” thì tôi gặp
nàng ngay giữa tháng sáu. Đúng là “mưa
tháng sáu máu rồng”. Nàng đến giữa lúc tôi đang cắn bút làm thơ, bí rị, tắc
tị, loay hoay “vẽ rồng vẽ rắn”. Tôi
ngẩn người ngắm nàng. “Rồng đến nhà tôm”?
Cái thân tôi, “người cóc mồm rồng”, “ăn
rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa”, đôi lúc tự ti “chó cỏ, rồng đất” đâu dám mơ người nào tới thăm. Thế mà đột nhiên
có người con gái “đẹp như tiên sa”
tới bảo sao mà không ngỡ ngàng, hồi hộp.
Nàng nhoẻn miệng cười,
liếc tôi một cái “đổ quán xiêu đình”.
Tôi trợn tròn mắt, há hốc mồm, miệng ú ớ không nói được câu nào. Chân tay tôi “lóng nga lóng ngóng”. Biết tôi đang xúc
động, nàng nói: “Em đến nhờ anh sửa cho bài thơ em vừa tập viết?”. Thơ? Nàng
nhờ tôi sửa thơ? Đúng “chuyên môn” của mình rồi. Không tin vào tai mình, tôi
càng tròn xoe mắt hơn. Nàng nhắc lại lần nữa, tôi sực tỉnh: “Thơ hả? Tôi… tôi…
có thể giúp gì được đây?”. Nàng ỏn ẻn: “Anh giúp được mà. Có mấy câu ca dao về
rồng, anh chỉ cho em nhé?”.
Tôi bỗng “tỉnh như sáo”, tự nhiên “rồng bay phượng múa” thi hứng bung ra
trong đầu. Tôi nói: “Tình cờ gặp được
mình đây/ Như cá gặp nước như mây gặp rồng”. Nàng hớn hở: “Đấy mà, em đoán
có sai đâu. Xóm Cổ Cò này chỉ có anh hay thơ phú là giúp được em thôi”. Tôi hào
hứng: “Anh đây lục trí thần thông/ Bẻ
mây, đón gió, cưỡi rồng đi chơi”. “Nhà anh cột sắt kèo đồng…”. Tôi chưa kịp
nói hết câu, nàng xen ngang: “Nhà em cột
sậy chạm rồng tứ linh”. Biết tôi bốc phét do thi hứng thăng hoa nàng phanh
tôi lại bằng câu tám đó. Tôi chữa thẹn: “Em thuộc thế lại còn hỏi anh?”. Nàng
đáp: “Em chỉ được cái “đầu rồng đuôi tôm”
thôi. Chứ đâu được như anh “dựa mạn thuyền
rồng”, “con nhà gia giáo”, nhà lại ở vào thế “rồng chầu hổ phục”, “mả táng hàm rồng”, suốt ngày thơ phú thì thuộc
làu làu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ấy chứ”.
Tôi thận trọng: “Em cứ nói thế. Anh cũng như em
thôi. Chúng mình đều là “con rồng cháu
tiên” cả mà. Chẳng “điện ngọc đền
rồng” thì cũng không đến nỗi “rồng
vàng ở chốn ao tù”, “rồng ở với giun”
phải không em?”. Nàng cười: “Đúng thế. Tuy nhiên, “trong tay không có một đồng/ Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe” đâu
anh à?”. “Không đúng đâu em ơi! - tôi nói ngang - Tiền bạc quý thật nhưng tình
nghĩa và tri thức còn quý hơn nhiều. “Thau
năm đánh lẫn vàng mười/ Rồng vàng cuộn khúc đứt đuôi thằn lằn”. “Có phúc thì
rắn hóa rồng/ Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò” em ạ!”.
Đến lượt nàng tròn mắt nhìn tôi. Được thể tôi
liến thoắng: “Phải chi có phép thần
thông/ Ngắm mây, đón gió, bắt rồng cưỡi chơi”. Em đi với anh chứ? “Rồng rắn lên mây” nha?”. Nàng hơi ngỡ
ngàng: “Em chỉ sợ “rồng vàng tắm nước ao
tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình”. Liệu anh có bực mình với em không?”.
Tôi xua tay: “Em đừng nói thế. Anh có em “như
rồng thêm vây”. Với lại “Gái ngoan
lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”. Tự nhiên tôi lại
bạo mồm đến vậy. Tôi nói tiếp: “Một mai
dựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn vạn kiếp ở trong thuyền chài” em ạ. Chúng mình
như “rồng mây gặp hội” rồi còn gì?”. “Rồng chầu ngoài Huế/Ngựa tế
Ðồng Nai/ Sông trong chảy lộn sông
ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây
thì về”. Nàng long lanh ánh mắt nhìn tôi không nói câu nào. Tim tôi đập thình
thịch.
Sau hôm đó, chúng tôi liên tục thư từ, điện
thoại, nhắn tin cho nhau khiến cho chiếc điện thoại và cái laptop nóng lên. Nào
là: “Rồng giao đầu,
Phụng giao đuôi/Nay tui hỏi thiệt: Mình
thương tui không mình?”. Nào là: “Đôi ta như rồng lượn
trong trăng/ Dẫu xa nhau đi nữa vẫn khăng khăng đợi chờ”. Rồi thì: “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ
như rồng nhớ mây”. Cũng có khi hờn dỗi, trách móc. “Tưởng rằng rồng ấp lấy mây/ Ai ngờ rồng ấp phải cây chổi cùn”. Tuy
nhiên, điều này xảy ra ít lắm. Chỉ giận nhau mấy phút, chúng tôi lại quấn lấy
nhau trên điện thoại, qua laptop “như
rồng gặp mây”. Thế rồi “Quyết lòng
lập miễu chạm rồng/ Đền ơn phụ mẫu bế bồng ngày xưa”. Và rồi “Miếng trầu như trúc như thông/ Như hoa mới
nở như rồng mới thêu”, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân. “Vợ có chồng như rồng có vây”. Bố mẹ tôi
đi tìm thầy xem ngày lành tháng tốt. Tôi không tin vào thấy bói lắm nhưng không
dám phản đối. “Nực cười thầy bói soi gương/
Thầy tu chải tóc, cá mương hóa rồng”. Không ngờ thầy bói phán: “Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy
nước thì mưa”, đôi này đẹp lắm, nhất định “Trứng rồng lại nở ra rồng” cho mà xem”. Tôi nghe mà “nở mày nở mặt”. Đúng là “Một ngày ở với người khôn/ Cũng như cá cá
vượt vũ môn hóa rồng”. Sau đó, chúng tôi “nên vợ thành chồng”, nàng theo tôi xây dựng tổ ấm. Hôm bước lên xe
hoa, nàng sụt sùi. Mẹ nàng bảo: “Có chồng
thì phải theo chồng/ Chồng vô hang rắn, hang rồng cũng theo”. Mẹ còn dặn: “Giữ lòng bền chặt với chồng/ Dẫu ai thêm
phượng thêm rồng mặc ai”. Còn bố nàng nói: “Cười như anh khóa hỏng thi/ Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng”. Con
nó khóc vui mà bà”.
Tết này, vợ chồng tôi quấn quýt bên nhau, tất
bật sửa soạn đón năm con rồng. Nhất định năm mới này nhà chúng tôi sẽ thăng hoa
cất cánh. Thì “rồng mây gặp hội” mà
lị. Ơ kìa! Trên trời có đám mây hình con rồng đang bay lượn sà xuống cùng chúa
Xuân thật kìa! Vợ chồng tôi cùng nhìn trời và nhìn nhau trong nhịp tim rạo rực lâng
lâng. Tự nhiên tôi khe khẽ cất lên tiếng hát: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó!”. Thế
là vợ tôi nép vào ngực tôi và cũng khe khẽ hát theo.
Nghe đồn rồng ấp Cổ Cò
Trả lờiXóaNhớ Cửu Long lại cứ vờ như không
Xuân non ươm tiếng tơ đồng
Bắc Nam êm ấm như Rồng gặp Tiên
Chúc mừng HNM với bài viết công phu đầu năm Nhâm Thìn nha
Gửi anh Quốc Khánh!
Trả lờiXóaCảm ơn lời thơ của anh. Chúc anh năm mới thành công mới. Mong anh thường xuyên ghé thăm nhà chúng em động viên chia sẻ nha. Trân trọng.
Đúng là rồng mây gặp hội. Chúc nhà HNM năm nay thăng hoa thêm nhiều tác phẩm mới hay nha.
Trả lờiXóaGửi Bích Phượng!
XóaCảm ơn bạn đã đến vui cùng HNM trong ngày Tết! Chúc bạn luôn vui và nhớ ghé qua nhà mình thường xuyên nha!
Bài viết kỳ công quá. Lấy hết rồng của thiên hạ rồi. Chúc mừng Xuân My.
Trả lờiXóaGửi Tuấn Vinh!
XóaCảm ơn lời khen rất khéo của bạn. Chúc bạn luôn vui và nhớ ghé thăm HNM thường xuyên nhé!
Truyện vui này đã được rất nhiều báo, tạp chí in trong dịp Têt Nhâm Thìn. Mới đây nhất, báo Người Hà Nội lại tiếp tục in lại. Trên blog Hoa Nhã my và blog Đỗ Xuân Thu số lượt người truy cập đọc cũng lên con số khủng. Trân trọng bạn đọc rất nhiều.
Trả lờiXóa